Tháng 10 năm 2013, sau những thiên tai lũ lụt, qua bài tường trình công tác từ thiện ở Quảng Trị do Thời Báo bảo trợ, các độc giả đã liên lạc và gửi tiền trực tiếp về Việt Nam, do người nữ tu tên Thu Hương phụ trách. Sau hai tháng, sơ Hương đã liên lạc và cho tôi biết đã nhận được số tiền khoảng hai ngàn đô la, hỏi ý kiến tôi nên làm gì. Tôi cho người nữ tu này biết, tiền độc giả gửi về là muốn giúp đồng bào Thượng đói khổ ở vùng xa thì số tiền này sẽ được thực hiện đúng ý nguyện của các ân nhân. Hội từ thiện Nhà Tình Thương Cái Rắn, với sự trợ giúp của Thời Báo gởi thêm tiền góp vào số tiền sơ Hương đã nhận được để phát quà cho dân nghèo ở vùng xa xôi trước Tết để mang chút hơi ấm tình thương, xoa dịu nỗi bất hạnh của kẻ bị thiệt thòi trong cuộc sống. Thế là công tác từ thiện lần thứ hai ở Quảng Trị được thực hiện.

Tôi rất cảm động với sự chân tình và chịu khó của người nữ tu trẻ, không quản ngại đường xá xa xôi, khó khăn mà lặn lội đi phát quà cho đồng bào Thượng tại Bảng ruộng và Khe Hiên ở xã Hướng Hiệp, huyện ĐakRoong. Theo tài liệu của Viện Sốt Rét Ký Sinh Trùng Qui Nhơn, ĐakRoong là một huyện trọng điểm sốt rét của tỉnh Quảng trị, gồm 14 xã và 102 thôn đều nằm trong vùng sốt rét nặng, cần biện pháp phòng chống sốt rét tối đa. Với dân số gần 40.000 người, là một trong 62 huyện nghèo của cả nước, có trên 80% là đồng bào dân tộc thiểu số. Vì nơi này ở vùng sâu, có nhiều điều kiện thuận lợi để cho bệnh sốt rét phát sinh như : rừng, suối, nhiệt độ và lượng mưa làm cho muỗi sốt rét phát triển nhanh. Lại thêm nhà cửa của dân chúng quá nghèo, phần lớn là vách tre nứa, lợp tranh đơn sơ nên tạo điều kiện cho bệnh sốt rét bùng phát. Diện tích nhà nhỏ, nhiều nhà có vách thưa thớt gió lùa vào nhà. Khi nào vụ mùa thu hoạch được, có chút tiền thì một số gia đình mua tre nứa thay vách mới với tính cách tạm bợ để chống rét mà thôi. Viện Sốt Rét khuyên dân nên ngủ có màn có xịt thuốc chống muỗi, nhưng mấy ai có khả năng mua được mấy chiếc màn để gia đình ngủ? Hơn nữa, đồng bào thiểu số quen cuộc sống đi rừng, ngủ rẫy nên số người mắc bệnh rất cao.  Đói, nghèo, bệnh tật là số phận gắn liền vào cuộc đời của họ từ em bé mới lọt lòng ra đời.image001

Sơ Hương cho biết, vào những ngày gần Tết thời tiết vùng Quảng Trị rất lạnh. Thế mà bà con phải đi bộ cả 7 hoặc 8 cây số mới đến địa điểm nhận quà. Họ phải đi mất hơn cả tiếng đồng hồ vì họ phải băng qua khe suối và đường dốc đá trơn trợt. Sơ Hương áy náy và thương cho đám dân nghèo, muốn cho xe vào tận nơi cho dân đỡ vất vả nhưng xe không thể vào sâu được vì sẽ bị mắc lầy. Tôi nhớ lại hình ảnh đoàn của tôi vào phát quà nơi này năm xưa. Cũng nhưng con đường hẹp lầy lội muôn thưở. Xe bị lún bùn đỏ, cả đoàn phải leo lên xe cam nhông chở gạo đi vào bên trong, thật là nguy hiễm. Xong chuyến từ thiện, về đến nhà, mọi người nhớ lại chuyến đi đều rùng mình, không ngờ tại sao lúc đó cả đoàn quên cả mọi sự nguy hiễm, rủi ro xe bị lật vì đường trơn trợt thì có lẽ tất cả mọi người đã “bỏ mạng sa trường” rồi. Thế mới thấy thương người nữ tu được mệnh danh “Nữ chúa rừng xanh” này, thân đàn bà mà không quản ngại, lặn lội vào vùng sâu, chẳng qua vì thương đám dân nghèo bị xã hội bỏ quên.

image003

Công tác từ thiện thật gian nan… Mọi người phải đi cầu giây với quà trên tay

Công tác từ thiện thật gian nan… Mọi người phải đi cầu giây với quà trên tay

Tội nghiệp người nữ tu này quá đi thôi. Đi xuống dốc đá để qua chiếc cầu giây này, sơ Hương phải ngồi xuống và lết từng bước như bà già chớ không quen đi bấu ngón chân xuống đất như người Thượng. Đã thế, đôi dép của sơ bị đứt quai. Một em bé gái thấy vậy, đưa cho sơ Hương một chiếc dép của mình đang đi và thật thà nói:

– Con cho sơ chiếc dép này của con cho sơ đi… Con còn một chiếc, để về nhà con kiếm một chiếc khác cho đủ đôi con mang cũng được.

Nghe mà thương quá đi thôi. Mang chiếc dép một bên màu trắng, một bên màu đỏ.  Sơ cảm động cho tình cảm chân tình đơn sơ của người Thượng nghèo đói. Đôi dép với họ là một vật xa xỉ nhưng em cho một chiếc, biết có kiếm được chiếc nào khác đủ đôi để mang hay không? Họ thương và vui mừng mỗi khi được người nữ tu viếng thăm và tặng quà. Ở vùng sâu vùng xa này, không có đoàn từ thiện nào đi đến được để giúp đỡ nên họ chỉ biết hình ảnh người nữ tu tên Hương này như một bà tiên có chiếc đủa thần giúp cho bụng họ khỏi reo lên vì đói.

Đi vào bên trong phát quà, phải qua chiếc cầu bằng dây cáp treo. Tuy cầu không dài nhưng dù sao người nữ tu này cũng không phải người rừng nên mỗi lần đi qua cầu, bíu sợi dây để lần bước, sơ Hương thú nhận là rất sợ khi nhìn xuống thấy nước chảy và dân làng cứ căn dặn là phải cẩn thận vì phía dưới sâu lắm.

Theo thường lệ, mọi năm gần đến Tết là dân làng Thượng có ít nải chuối sau vườn, chút hoa màu là đem ra chợ để bán, kiếm chút tiền mua gạo về đón Xuân. Năm nay vì vừa trãi qua trận bão lụt, mấy cấy chuối bị gẫy hết, lúa gạo cũng không có… Thiên tai đã tàn phá mọi ước mơ đón Xuân của đám người Thượng nghèo khỗ này vì sau trận lụt, lại thời tiết đổi rét, lạnh vô cùng nên heo gà bị dịch chết hết. Cả làng đang lo lắng vì nghĩ rằng Tết năm nay họ sẽ bị đói. Đến khi nhận được tin sơ Hương vào phát quà, họ mừng muốn khóc luôn vì không ngờ họ nhận được gạo và những thực phẫm khác để ăn Tết.

Đường đèo khó khăn nhưng không cản được lòng người…

Đường đèo khó khăn nhưng không cản được lòng người…

Ngoài gạo và mắm muối, mỗi người nhận được một bì thư tiền tượng trưng. Sơ Hương dặn dân làng là dùng tiền này để mua chút thịt heo cho con ăn ba ngày Tết với người ta. Nhưng mấy người đàn bà bộc bạch thú thật là họ để dành tiền này để lúc ăn hết gạo của sơ phát rồi, họ sẽ mua tiếp gạo khác ăn để sợ đói. Họ cần ăn no hơn là ăn ngon. Thịt là một cái gì xa xỉ, ít khi nào họ dám mơ ước nghĩ đến. Ngày Tết đối với người Kinh là quan trọng nhưng với người nghèo, chỉ mong ngày đó có được chén cơm ăn với mắm muối cho qua bữa là vui rồi. Sơ Hương nghe mà chỉ muốn khóc. Biết làm sao bây giờ? Nhìn đâu cũng thấy dân đói. Hoa màu, ngô bắp thì bị tàn phá sau trận lủ lụt, giờ mới bắt đầu trồng trọt lại, chờ đến khi thu hoạch thì bao tử mới hết reo.

Nghe kể lại, tôi liên tưởng đến hình ảnh dân Hà nội, sau ba ngày Tết, bánh chưng bị lên mốc, hoa quả còn nguyên vẹn nhưng ăn không hết, người có tiền dư dả thì vứt vào thùng rác. Chính mấy người nghèo còn đi moi rác, xem thứ nào còn ăn được thì để riêng đem về nhà dùng, hoặc cho gia súc ăn.

(Hình của trang điện tử 24H)

(Hình của trang điện tử 24H)

Phải chi người có tiền trong nước dùng tiền dư dả của gia đình mà nghĩ đến đám dân đói khỗ ở vùng xa thì đỡ biết mấy. Trách ai bây giờ? Không trách được nhiều người có đầu óc thiển cận, khen Việt nam lúc này đất nước giàu có hơn xưa nhiều quá, người dân ai cũng có điện thoại cầm tay!!! Cũng đúng khi có sự so sánh về khía cạnh này. Nhưng còn mấy ông bà già lưng còng xuống mặt đất, lặn lội đi kiếm ăn trong đống rác để mưu sinh thì sao? Mấy bà mẹ trẻ đeo con trước ngực đi bán vé số dưới trời nắng chang chang? Hình ảnh những khuôn mặt già nua khi nhận lãnh được bao gạo từ thiện, khuôn mặt này rạng rỡ như một đứa bé nhận được quà. Niềm vui này biểu lộ một sự cám ơn chân thật khi những ước mơ của họ được trở thành hiện thực: một chén cơm trắng đầy ăn với mắm muối ngày hôm đó!

Niềm vui thật đơn sơ mà dân thành phố không có được

Niềm vui thật đơn sơ mà dân thành phố không có được

Để chấm dứt phần phóng sự cho chuyến phát quà từ thiện lần thứ hai ở Quảng trị, sơ Hương xin chuyển lời cám ơn các ân nhân, độc giả của Thời Báo đã gửi tiền trực tiếp về Việt nam cho sơ để góp tay nhau chia xẻ cho dân Thượng thiếu thốn. Sơ cũng nói với bà con ở bản làng là những món quà này không phải của sơ mà là của các ân nhân ở nước ngoài xa xôi nhờ sơ chuyển đến dân nghèo. Sơ dặn mọi người nên biết ơn những người ân nhân này bằng cách cầu xin cho gia đình ân nhân được bình an, tùy theo niềm tin và tín ngưỡng của mỗi người.

Sau chuyến phát quà, sơ Hương đã điện thoại và nói chuyện trực tiếp với tôi. Sơ ngập ngừng một hồi mới nói:

– Em không quản ngại cực khỗ để đi phát quà xa xôi đâu. Nhưng ân nhân gửi tiền thẳng cho em, bổn phận em phải đi phát quà theo ý muốn của ân nhân thì linh mục trong xứ của em không vui, hỏi tại sao trong vùng mình ở không giúp mà đi xa để giúp… Cha đề nghị giúp trại cùi ở gần đây.. Thôi thì…

Tôi nghe vậy đã hiểu ngay mà muốn than trời. Việc từ thiện không phải là những ánh hào quang cho người đời biết đến mà là một sự hy sinh. Một linh mục còn có ý nghĩ như vậy huống hồ người khác. Ngày xưa khi chưa biết nhiều thiện nguyện viên, tôi đã từng đi giúp các trại cùi, nơi nuôi trẻ mồ côi chung quanh thành phố. Tôi đã “đụng hàng” với các nhóm từ thiện khác. Tôi đã thấy các nghệ sĩ đi phát quà, mặc áo vét, mang giày cao gót, thắt nơ trước cổ thật đẹp để chụp hình. Tôi cũng đã thấy mấy mợ Việt kiều ở các nước khác, thuộc hạng U60 (tuổi trên dưới 60 mươi), chân cẳng cong queo mà vẫn mặc váy ngắn trên đầu gối, đi đến các điểm từ thiện để tặng quà. Tôi cũng đã so sánh các trại cùi gần Sài gòn và các người Thượng bị cùi ở Tây nguyên và các trại phong khác nói chung, bệnh nhân ở các trại phong được tổ chức chu đáo, có thuốc men đầy đủ, có cơm gạo trợ giúp chớ không dám uống thuốc sợ bị thuốc vật vì bao tử rỗng như đám người Thượng ở vùng xa.

Tôi hiểu ý sơ Hương là không muốn tôi đăng tên trên báo để rồi lại tiếp tục nhận tiền của ân nhân, lại tiếp tục lặn lội vùng xa rồi bị “ông cha bề trên” khó chịu. Tôi khuyến khích tinh thần của người nữ tu này. Nên tiếp tục giúp đồng bào Thượng bị bỏ quên ở vùng xa xôi. Nên chấp nhận thử thách và sự ganh tị của người khác, dù trong hàng ngũ tu sĩ đi nữa. Cuối cùng sơ Hương cũng chấp nhận.

Hội Nhà Tình Thương Cái Rắn, qua sự bảo trợ của Quỹ Thời Báo, đã phối hợp với nhiều thiện nguyện viên trong nước, lúc nào cũng đáp ứng nhanh nhẹn để cứu giúp những mảnh đời bất hạnh. Xin cám ơn lòng hảo tâm của các vị mạnh thường quân trong và ngoài nước đã góp tay với chúng tôi trong công tác từ thiện trong bao năm qua. Ân nhân nào muốn giúp đỡ thêm cho đồng bào thiểu số đói khỗ ở Quảng Trị, xin liên lạc trực tiếp với sơ Hương theo địa chỉ:

  • Soeur Nguyễn Thị Thu Hương, Nhà Thờ Phước Tượng, Xã Lộc Trì, Huyện Phú Lộc, Huế.
  • Điện thoại: 011-84 1664733959. Email: nguyenthithuhuongmtg@gmail.com

Mọi sự đóng góp qua Nhà Tình Thương Cái Rắn sẽ được cấp giấy khai thuế. Chi phiếu xin viết “Roof of Love Cai Ran” và gửi về địa chỉ: 1 Windhurst Drive, Nepean, Ontario K2G 6G7. Điện thoại 613 843-0275.

Tống Minh Long Quân

You may also like

Comments are closed.