Tôi tin rằng tất cả mọi người chúng ta gặp gỡ, quen biết nhau trên đường đời đều có một nhân duyên. Tôi xin kể cho mọi người nghe sự quen biết rất tình cờ đã cho tôi có cơ hội quen biết với một cô gái trẻ, trưởng nhóm điều hành một mạng lưới của những người bị bệnh HIV ở Thủ Đức.

 

Chuyện là vầy: đầu năm 2013, trong chuyến về Việt Nam làm từ thiện ở Sóc Trăng, với sự góp tay của nhóm từ thiện Chia Sẻ Tình Thương trong nước, tôi quen biết với Bích, một cô gái trẻ rất năng nổ trong mọi công tác từ thiện ở bên nhà. Bích nói có thầy B., Việt kiều Mỹ muốn gia nhập đoàn, chúng tôi để đi chữa bệnh cho dân nghèo. Tôi mừng quá, xin địa chỉ email của ông thầy này để liên lạc. Tôi liên lạc với linh mục ở Sóc Trăng, cho biết đoàn của chúng tôi có một bác sĩ đi theo để cha kêu gọi người nghèo có bệnh đến cho thầy khám. Thư đi nhưng không có tin lại. Mọi liên lạc đều do Bích chuyển tin.

Đến gần ngày tôi về Việt Nam, Bích nói cho tôi biết, thầy B. không  phải là bác sĩ mà chỉ là “thầy” chữa bệnh theo lối xoa nắn gì đó. Như vậy là không được. Tôi biết chính quyền làng xã xa xôi họ không chấp nhận việc chữa bệnh như vậy nên tôi vội liên lạc với vị linh mục, yêu cầu ông cha bãi bỏ mục khám bệnh trong chương trình.

Đến khi sắp xếp giờ giấc cho chuyến đi phát quà từ thiện ở Sóc Trăng, thầy B. thối thoát không thể đi chung đoàn, lấy cớ là bận việc riêng trong những ngày chúng tôi đi phát quà.

Sau đó, đoàn người của chúng tôi gồm chục người, gồm các thiện nguyện viên trong nước của các hội đoàn khác để đi chung với  tôi. Chuyến công tác ở vùng đồng bằng sông Cửu long được hoàn thành cách tốt đẹp. Trở về Sài gòn, mọi người chia tay nhau, tôi nghỉ ngơi vài ngày để tiếp tục viếng thăm và phát quà tiếp ở chùa Hoa Sơn – Định Quán và đồng bào thiểu số ở Lâm đồng.

Nhưng khi tôi báo cho nhóm thiện nguyện đã đi chung với tôi mấy ngày trước, cho mọi người biết chương trình công tác sắp tới để sữa soạn. Ai nấy ngần ngại và thối thoát với những lý do chính đáng.  Bây giờ còn hai chỗ đến hoàn toàn xa lạ mà không có ai đi chung khiến tôi không an tâm. Cuối cùng Bích đề nghị sẽ giới thiệu thầy B. và hai sinh viên trẻ đi chung với tôi cho có bạn đường. Bích dẫn ông “thầy” này đến khách sạn cho tôi biết mặt. Giây phút diện kiến đầu tiên, cảm giác của tôi là không tin tưởng ông Việt kiều Mỹ này. Nhưng tôi không còn sự chọn lựa nào khác.

Sáng hôm sau, thầy B. và hai sinh viên đã có mặt tại khách sạn chỗ tôi ở. Phần nhiều mỗi khi chúng tôi đi công tác từ thiện chung, chúng tôi chia nhau tiền xe theo đầu người. Phần ăn uống dọc đường mạnh ai nấy lo. Tôi thấy ba người sáng hôm nay không ai chuẫn bị thức ăn riêng của họ. Tôi đi mua mấy ổ bánh mì và mấy chai nước để đem theo, chia cho mọi người ăn sáng.

Xe lăn bánh chạy một đỗi, thầy B. nói với tài xế là ghé ngang Thủ đức để đón một cô gái thầy quen biết để đi chung. Tôi lấy làm bất mãn và buồn trong bụng. Tôi biết nhóm người hôm nay sẽ không chia tiền xe như những người trong những chuyến công tác khác, chỉ để một mình tôi ôm mà thôi. Đáng lý thầy B. muốn rủ ai thì phải cho tôi biết trước mới phải. Nhưng tánh cả nễ, tôi chỉ im lặng.

Thế rồi xe chạy qua Thủ đức, đón một cô gái trẻ, bạn của thầy B. Cô gái tên là Nguyệt, nói năng lễ độ nên tôi có cảm tình ngay nhưng tôi cũng không nói chuyện nhiều.  Suốt chặng đường đi chung, tôi không hứng thú nói chuyện với người đàn ông tên B. nhưng vẫn lắng nghe lóm câu chuyện ông ta nói với Nguyệt, than thở rằng: “Anh là người gốc Hố Nai, Gia Kiệm… vậy mà nói chuyện với các cha, các sơ… họ không tin anh để giúp đỡ..”.

 

Chuyến công tác tại chùa Hoa Sơn ở Đinh Quán được diễn ra tốt đẹp. Trên đường về, thầy B. nói thẳng với tôi, xin hội từ thiện Nhà Tình Thương Cái Rắn yễm trợ, giúp cho thầy có tiền chi phí đi đây, đi đó để chữa bệnh. Tôi từ chối thẳng thừng không chút lịch sự. Đúng như ý nghĩ ban đầu khi tôi mới gặp người đàn ông này. Ông ta không có vẻ tin cậy chút nào để mình hợp tác trong việc làm từ thiện. Tôi hỏi thăm thầy B. về Việt Nam thời gian tạm trú bao lâu. Thầy cho tôi biết là sẽ ở sáu tháng. Thôi rồi, tôi chẳng bao giờ tin tưởng những người Việt kiều đi du lịch quê hương theo kiểu “ăn dầm, nằm dề” như vậy. Phần đông những người này là không có công ăn việc làm ổn định ở xứ sở mà họ đang tạm trú. Lúc từ giả chia tay, Nguyệt đưa tôi địa chỉ email để liên lạc. Tôi cầm lấy bỏ vào túi, nghĩ trong đầu, chắc không bao giờ tôi gặp lại người bạn trẻ đồng hành trong một chuyến công tác từ thiện này. Cô gái dễ mến nhưng tôi cứ nghĩ cô là bạn của ông Việt kiều Mỹ kia nên tôi không muốn có sự liên hệ dài lâu.

Trở về Canada, cả mấy tháng trời tôi quên hẵn cô gái này. Cho đến một ngày, tôi tìm thấy mảnh giấy địa chỉ email của Nguyệt. Tôi gửi điện thư hỏi thăm thì cô gái bộc bạch cho tôi biết. Cô là trưởng nhóm, là chim đầu đàn của mạng lưới Nắng Mai – một tổ chức khá nổi tiếng, qui tụ những kẻ kém may mắn mang bệnh HIV/AIDS ở Thủ đức.

Trong nhóm Nguyệt phụ trách, có một em nhiễm bệnh vừa mới qua đời, gia đình nghèo gặp cảnh khó khăn nên không biết lấy tiền đâu làm ma chay cho em. Nguyệt đang cầu xin ơn Trên mong có một ân nhân nào đó giúp chút ít tiền cho gia đình em. Ngẫu nhiên tôi gửi tin nhắn đến thật đúng lúc, Nguyệt mừng rỡ xem như cái phao, xin tôi giúp đỡ cho gia đình em bé.

Tôi hỏi Nguyệt về sư liên hệ với thầy B. như thế nào. Nguyệt than thở, quen biết ông ta qua các cha ở nhà thờ giới thiệu. Nguyệt đã hy vọng thầy B. giúp đỡ các em trong mạng lưói nhưng thầy B. cần các linh mục giúp có một chỗ để sinh họạt. Thầy B. lợi dụng sự tin tưởng của các nhà tu hành, mượn địa điểm để sản xuất một loại nước uống tăng lực với công thức bí mật (?). Ông ta mua chai không, đổ nước sinh lực này vào, dán nhãn hiệu vớ vẫn không đăng ký kinh doanh, giao cho các xe sinh tố vệ đường bán. Về sau các cha ở nhà thờ phải mời ông ta đi chỗ khác vì sợ đụng đến pháp luật. Mọi người tránh xa ông Việt kiều dỏm này.

Trong dịpTết vừa qua, tôi có nhờ Nguyệt đại diện phát quà đến cho các trẻ em và gia đình trong nhóm Nắng Mai. Phần đông những người bị nhiễm HIV đều có hoàn cảnh sống cơ cực vì từ khi khám phá ra bị nhiễm bệnh, họ mất việc làm, xã hội xa lánh. Các trẻ em sống côi cúc với ông bà nôi, ngoại hay bà con. Cha hay mẹ lần lượt chết đi khi các em còn quá nhỏ. Có một số ít em may mắn không bị lây nhiễm HIV như cha mẹ, còn phần đông các em mang căn bệnh quái ác này từ lúc lọt lòng.

image004

Cô Nguyễn Thị Nguyệt, đứng giữa cùng các em trong gia đình HIV, trưởng nhóm Nắng Mai

Những mảnh đời của các em bị bệnh HIV

Để xóa bỏ những quan niệm sai lầm, kỳ thị và phân biệt đối xử là một vấn đề nan giải của xã hội. Thực tế, những trẻ em nhiễm HIV chưa được đến trường, hoặc đến trường nhưng chưa thực sự được hòa nhập cùng bạn bè. Những mẫu chuyện khiến chúng ta não lòng khi biết mơ ưóc của các em là được đến trường, vui đùa như các em bé khác cùng lứa tuổi. Nhưng khi cha mẹ các em xin cho con vào học bất cứ trường nào thì các phụ huynh khác chống đối kịch liệt vì sợ con họ lây lan. Nhà trường tỏ ra hết sức thông cảm, nhưng nhiều phụ huynh của các em đang theo học tại đây một mực làm áp lực dồn các giáo viên vào tình huống khó xử. Các phụ huynh khác nói nếu nhà trường không cho học sinh nhiễm HIV nghỉ học thì họ sẽ làm đơn xin chuyển cho con vào học ở trường khác. Đi đến đâu, mọi người xì xào nói những câu thật tàn nhẫn như là “thằng ết” hay “con si đa”. Những cảnh hắt hủi như vậy diễn ra hàng ngày mà các em đang từng ngày gánh chịu, mặc dù không phải lỗi do em gây ra.

Nhìn khuôn mặt xinh như thiên thần của hai chị em Lê Thị Thùy Trâm, sinh năm 2004, bị nhiễm HIV đang điều trị tại bệnh viện Nhi Đồng. Em gái đứng kế bên tên Lê Thị Quỳnh Giao, sinh năm 2008 . Bố mẹ hai em đều bị nhiễm, hiện đang điều trị tại OPC quận 9.  Cả bố và mẹ làm công nhân hoàn cảnh cũng rất khó khăn. Niềm mơ ước của các em được quây quần trong sân trường với các bạn là một ước mơ xa tầm tay với.

Hai em Thùy Trâm và Quỳnh Giao.

Hai em Thùy Trâm và Quỳnh Giao.

Khi xin cho các em vào trường, cha mẹ của em cũng phải thú thật với các thầy cô về bệnh tình của con mình để tránh tình huống xấu xảy ra cho các em khác. Khi được nhà trường cam kết trông chừng em học trò này cẩn thận, các phụ huynh trong trường mới tạm để yên cho đứa trẻ này đi học. Tuy nhiên, đứa bé này phải gánh chịu hàng loạt những sự kỳ thị khác. Em phải mang vớ tay, vớ chân, đeo khẩu trang và áo dài tay khi đến trường. Trong lớp, cháu ngồi một mình một bàn ở cuối lớp.  Giờ ra chơi, giờ  tập thể dục, trong khi các em học sinh khác ra sân vui đùa thì em bị nhiễm HIV phải ngồi bơ vơ trong lớp. Tội nghiệp các em nhỏ này, đâu hiểu được số phận nghiệt ngã dành cho mình nên ngây thơ cầm trên tay những viên thuốc điều trị HIV và nói:

– Mẹ bảo con bị cảm nên ngày nào cũng phải uống thuốc mới khỏi. Con không bao giờ quên uống sáng và uống chiều. Mẹ còn dặn con không được cào cấu các bạn.

Em đâu hiểu rằng những bài học nằm lòng ấy là nhằm phòng tránh lây truyền bệnh cho những trẻ khác. Nhiều người mẹ đã không cầm được nước mắt, tâm sự rằng từ lúc em được sinh ra, không ai dám ẵm bồng vì sợ lây nhiễm. Ngay cả ở bệnh viện, mấy người bị nhiễm HIV cũng được cách ly với các bệnh nhân khác nên nhiều sản phụ sanh con trong cô đơn, không thân nhân, bạn bè thăm viếng.

image007 image009

Nhìn những khuôn mặt hồn nhiên này, đâu ai nghĩ các em đang mang căn bệnh của thế kỷ. Hình hai em Nguyễn Thị Yến Hoàng (sinh năm 2000),  em mồ côi bố mẹ, bị nhiễm bệnh, hiện đang phải điều trị tại bệnh viện Nhi Đồng 1 và em Nguyễn Ngọc Thiên Ân sinh năm 2006,  đang học lớp 3. Cha mẹ em đã mất vì bệnh khi em mới 2 tháng tuôi. Lớn lên trong sự bảo bọc của bà ngoại nhưng bà ngoại cũng nghèo, phải lãnh giặt quần áo thuê để lấy tiền nuôi cháu. Bà ngoại sợ lớn lên cháu mặc cảm hỏi về thân phận nên cho cháu gọi bà bằng mẹ. Niềm vui các cháu có được khi sinh họat với nhóm Nắng Mai, với sự trợ giúp của các linh mục và các bà sơ. Các em vui đùa hồn nhiên, quên cả thân phận của mình. Có em còn cha thì mất mẹ, hoặc mất cả hai. Cũng có nhiều em may mắn không bị lây nhiễm căn bệnh của cha mẹ nhưng vẫn bị sự kỳ thị của xóm diềng khi người ta tàn nhẫn nói:

– Ôi, con nhà “ét” có giúp đỡ mấy thì cũng chết mà thôi.

Tương lai của các em là những chuỗi ngày hiu quạnh. Khi các em lớn lên một chút, nếu cha hay mẹ còn sống thì cũng mang con đi học những nơi xa để không ai biết được thân phận. Nhưng những người cha mẹ này phần đông đều nghèo, làm lao động kiếm sống qua ngày vì có cơ sở nào dám thâu nhận nhân viên mắc bệnh này đâu? Đàn ông làm nghề khuân vác hoặc lao động kiếm sống bữa có bữa không. Mẹ đi giặt đồ hoặc bán nước vệ đường để kiếm từng đồng bạc cắc . Kiếm miếng ăn không ra, còn đầu óc đâu để lo sự học cho con khi mặc cảm mang nặng trong người, đi xin học cho con phải nói thật bản thân? Sức đề kháng không có, lại thêm lao lực nên những người nhiễm HIV gục ngã nhanh chóng, mặc dù các tổ chức từ thiện quốc tế đã giúp thuốc ARV để uống mỗi ngày. Theo người trưởng nhóm Nắng Mai cho biết, hiện nay các chương trình tài trợ cho Việt nam đang bị cắt giảm. Bệnh nhân nhiễm HIV phải bỏ tiền mua thuốc theo bảo hiểm y tế chứ không được miễn phí như trước đây nữa.

Phần đông các em bị nhiễm HIV, các em đi học ở các lớp học tình thương do các nhà tu hành và thiện nguyện viên phụ trách. Một số đông các em đi học trường thường đã phải bỏ học vì không chịu nỗi sự kỳ thị. Một số lớn các em là mồ côi, phải sống với ông bà ngoại.

image016

image011 image013

 

Hình ba em bé trên đây, em Mai Vĩnh Phúc (sinh năm 2006),  Nguyễn Thị Bích Ngọc (sinh năm 2003), Nguyễn Trần Thảo Mi (sinh năm 2002). Ba em này cũng là con của người nhiễm nhưng các em may mắn không bị nhiễm. Nhưng hoàn cảnh các em cũng khổ cực, tương lai cũng đen tối không thua gì các em bị bệnh. Gia cảnh em nào cũng rất khó khăn, phần đông ba mẹ các em làm công nhân lương ba cọc, ba đồng. Riêng em Mi bố em không còn khả năng đi làm việc vì sức khỏe yếu. Mặc dù bị kỳ thị ở nhà trường nhưng các em vẫn mong được cấp sách đến trường. Có em tâm sự khiến người nghe muốn rớt nước mắt:

– Con đi học chỉ đi đi, về về một mình nhưng con vẫn muốn được học chữ cùng các bạn. Nhìn các bạn chơi con cũng vui…

Cô Nguyễn thị Nguyệt, trưởng mạng lưới Nắng Mai, người cũng đang mang căn bệnh HIV nhưng hết lòng chăm sóc, hướng dẫn các bệnh nhân cùng ở hoàn cảnh như mình. Cô gửi danh sách xin hội từ thiện Nhà Tình Thương Cái Rắn và Thời Báo để xin giúp học bỗng cho các em ở niên học mới.
 

Danh sách trẻ được Hội Nhà Tình Thương Cái Rắn và Thời Báo giúp tiền học phí niên khóa 2014-2015
STT HỌ & TÊN NAM NỮ HỌC LỚP ĐỊA CHỈ
1 Nguyễn Thị Bích Ngọc 2003 Lớp 6 Quận Thủ Đức
2 Nguyễn Quốc Gia Kiệt 2004 Lớp 5 Quận Thủ Đức
3 Lê Thị Thùy Trâm 2004 Lớp 3 Tỉnh Bình Dương
4 Lê Thị Quỳnh Giao 2008 Lớp 1 Tỉnh Bình Dương
5 Nguyễn Ngọc Thảo 2008 Lớp 1 Tỉnh Bình Dương
6 Nguyễn Ngọc Thúy 2002 Lớp 7 Tỉnh Bình Dương
7 Nguyễn Vũ Đức Thiên 2012 Lớp chồi Tỉnh Đồng Nai
8 Bùi Hồng Phúc 2008 Lớp 1 Quận 9
9 Lò Thị Quỳnh Như 2004 Lớp 5 Tỉnh Bình Dương
10 Nguyễn Ngọc Thiên Ân 2006 Lớp 3 Quận 9
11 Nguyễn Trần Thảo Mi 2002 Lớp 9 Quận 9
12 Lê Đỗ Ngọc Huy 2008 Lớp 1 Quận Bình Tân
13 Hoàng Lan Nhi 2010 Lớp Chồi Quận Thủ Đức
14 Nguyễn Khánh Toàn 2006 Lớp 3 Tỉnh Bình Dương
15 Phạm Gia Bảo 2012 Lớp chồi Tỉnh Đồng Nai
16 Đinh Văn An 1999 Lớp 10 Tỉnh Đồng Nai
17 Võ Khắc Chung 2007 Lớp 2 Tỉnh Đồng Nai
18 Võ Thiên Kiều 2004 Lớp 5 Tỉnh Đồng Nai
19 Nguyễn Ngọc Yến Hoàng 2002 Lớp 7 Quận 9
20 Đặng Thu Hiền 2005 Lớp 4 Quận Thủ Đức
21 Nguyễn Huy Hoàng Nhật 2006 Lớp 3 Quận Thủ Đức

 
Mục tiêu của hội Nhà Tình Thương Cái Rắn là tìm kiếm những mảnh đời bất hạnh, nghèo khó ở các vùng sâu, vùng xa… ít có hội đoàn nào biết đến để giúp đỡ. Bây giờ có dịp quen biết với nhóm người bất hạnh này, chúng tôi đã sát cánh giúp đỡ gia đình các em trong thời gian qua. Nhìn các em vui đùa và trả lời các câu hỏi tại buổi sinh hoạt, chúng tôi thực sự nhói lòng vì những tâm hồn non dại này đã sớm chịu nhiều mất mát…Tương lai, hạnh phúc của các em rồi sẽ đi về đâu khi xung quanh vẫn còn nhiều những kỳ thị với người nhiễm HIV? Cha em các em, nếu còn sống cũng phải cật lực làm việc với mức thu nhập khoảng 2, 3 đô la một ngày. Ngoài việc phải chiến đấu với căn bệnh đang từng ngày bào mòn cơ thể, những người bất hạnh này còn chịu những áp lực nặng nề từ dư luận. Các em bé chỉ mong đợi đến cuối tháng để được sinh họat, vui chơi với các bà sơ, các thiện nguyện viên trong nhóm, ở một địa điểm cố định mượn ở nhà thờ hay chỗ nào đó.

image018

Ân nhân giúp đỡ, muốn có giấy khai thuế, xin gửi về Roof of Love Cái Rắn, địa chỉ 1 Windhurst Drive, Nepean, Ontario K2G 6G7. Điện thoại số 613 8430275. Địa chỉ email: roofoflove@gmail.com.
Thay mặt hội từ thiện, xin cám ơn tất cả các độc giả Thời Báo đã đồng hành cùng chúng tôi trong mọi công tác để chia xẻ những khổ đau của những phận đời nghiệt ngã. Những đứa trẻ vô tội cần được xã hội dang rộng vòng tay, mở rộng tấm lòng để mang chút tình thương đến với các em, nhât là những em thiếu hơi ấm của cha mẹ ngay lúc mới sinh ra đời.

Tống Minh Long Quân

You may also like

Comments are closed.