Tên làng Tà Dơ nghe thật xa lạ, ít người biết đến. Nhiều người nghe tên này cứ nghĩ đây chắc là một làng nào đó ở Châu đốc với số người Miên sinh sống đông đúc ở đây. Nhưng không, Làng Tà Dơ thuộc xã Tân Thành, huyện Tân Châu, tỉnh Tây Ninh hay còn biết đến là xóm Việt Kiều Campuchia bên hồ Dầu Tiếng. Đây là nơi tập trung khoảng trên ngàn người Việt từ Campuchia về đây sinh sống.

Cũng nên nói qua về một xóm làng mới thành lập khoảng năm 2012, có cuộc sống không giống như những xóm làng khác. Đây là nơi qui tụ của những người Việt sinh sống ở Biển Hồ, Campuchia. Cuộc sống của họ những ngày bên Miên quanh quẩn trong chiếc ghe, mưu sinh bằng nghề chài lưới hay buôn bán lặt vặt đủ kiếm miếng ăn qua ngày. Nay thì tình hình bên Miên bất ổn, dân tộc Khờ Me vốn có ác cảm với người Việt mình từ mấy chục năm nay nên càng ngày họ đối xử với dân gốc Việt thật khắc nghiệt, cấm không cho họ được đánh cá trên Biển Hồ như trước. Những khắc nghiệt miền biên giới quê người đã thôi thúc những người con xa xứ trở về quê hương tìm đường khác sinh sống. Thế là lúc đầu chỉ có một vài gia đình, nay số người càng ngày càng đông, gồm khoảng 200 gia đình với những đứa trẻ sinh ra, không có một mảnh giấy khai sinh, không biết ngày sinh cũng như nơi sinh. Cả người lớn cũng vậy, phần đông không ai có mảnh giấy tùy thân.

Cuộc sống cả gia đình ngày xưa chen chút trên chiếc ghe nhỏ, nay về đây, họ dựng những căn nhà bằng sàn bằng những mảnh ván ọp ẹp. được vị linh mục giáo xứ Suối Dây giúp mua những tấm bạt để che chắn những ngày mưa nắng. Mỗi căn nhà chỉ tốn khoảng 10 đô la mà thôi (!!!).

Những căn chòi được xem là nhà, nơi sinh sống của cả gia đình..

Hội từ thiện chúng tôi đã cử một thiện nguyện viên đến tận nơi để xem xét tình hình như thế nào. Anh Long là người ở Bình Phước, quen cảnh sống của dân nghèo nơi các vùng xa xôi. Thế mà khi anh đến làng Tà Dơi này, khi trở về anh đã điện thoại ngay cho tôi và chỉ nói ngắn gọn: “Đây đúng là địa ngục trần gian”.

Không nói về cảnh nghèo, chỉ nhìn khía cạnh đạo đức và giáo dục. Người dân nơi này, từ người lớn đến trẻ em đều mù chữ. Sống mấy chục năm bên xứ người, không có giấy tờ tùy thân nên con cái không được đi học, nên căn bản đạo đức tối thiểu họ cũng không biết. Có những điều tế nhị, cha xứ không muốn tôi viết ra. Tôi chỉ biết thở dài. Gia đình nào cũng nghèo sát ván nhưng ai cũng nhiều con. Có một cô gái chỉ hơn 20 tuổi mà có đến năm đứa con. Những đứa trẻ được sinh ra, không biết cha của chúng là ai? Cứ sống chen chút như vậy, việc vợ chồng làm thế nào có thể kín đáo được? Vì thế đám trẻ con không có khái niệm căn bản dòng giống huyết thống như thế nào. Chúng lớn lên như loài cỏ dại. Ngày nào gia đình có đủ miếng cơm bỏ bụng là đủ vui rồi.

Kể từ đầu năm 2016, nhiều báo điện tử trong nước đăng tin rầm rộ nên nhiều đoàn thể trong nước đã đổ xô đến đây làm từ thiện. Phải công nhận là lúc này dân ở đây không đói vì quà cứu trợ phần nhiểu là gạo, mì gói, dầu ăn, có khi ăn không hết họ phải lén đem đi nơi khác bán để lấy tiền mua những thứ cần thiết khác. Chén cơm lúc này được đong đầy, không lo đói. Chỉ thức ăn là không có. Hôm nào người đàn ông trong gia đình kiếm được vài ba con cá giăng bắt được trên hồ thì hôm đó có chút thức ăn. Thịt là một thứ gì xa xỉ mà người dân ở đây không dám mơ tưởng đến.

Vấn đề nhức nhối khiến mọi người phải lưu tâm là các em không có giấy tờ nên không thể đi học. Mấy đứa trẻ không hề biết mình sanh ngày nào, năm nào, ở đâu. Sanh ra, lớn lên, vui đùa chạy nhảy với chúng bạn. Từ thế hệ ông bà, cha mẹ của chúng đã không biết chữ nên việc mù chữ được xem là điều tự nhiên. Cả ngày đám trẻ rong chơi, đùa giỡn dưới ánh nắng nóng chói chang khiến tóc đứa nào cũng đỏ nâu vì cháy nắng. Các em lớn một chút cỡ 8, 10 tuổi thì cha mẹ bắt chúng phụ kiếm ăn bằng cách đi xúc ốc, đào mì, làm bất cứ công việc nào mà người ta mướn chúng làm để kiếm thêm tiền cho cha mẹ.

Vị linh mục ở đây đã kêu gọi các ân nhân trong những ngày chúa nhật làm lễ ở nhà thờ Tây Ninh, xin mọi người góp tay để xây dựng một lớp học cho các em được đến trường. Cha xứ đã mời các vị nữ tu Dòng Mến Thánh Giá đến đây lo việc dạy học không lương. Lớp học được tổ chức trong khuôn viên nhà thờ.
Tôi hoàn toàn đồng ý với việc làm này của vị linh mục trẻ. Giúp người nghèo cần câu để mưu sinh chớ không đem cá cho họ ăn hàng ngày. Giáo dục cho thế hệ mầm non là một việc làm cần thiết hơn cả để ngoài việc giáo dục văn hóa, còn phải dạy các em những bài học đức dục.

Anh em và độc giả Thời Báo lúc nào cũng đồng hành trong những công tác từ thiện của hội tôi nên mọi người quyết định giúp một tay vị linh mục này trong việc tổ chức lớp học tình thương dài hạn.
Nhưng việc thuyết phục cha mẹ các em cho con đi học cũng là một vấn đề nan giải. Cha mẹ chúng muốn con họ ở nhà để phụ giúp gia đình trong việc mưu sinh. Họ không nghĩ đến học vấn hay đức dục là cần thiết. Cần có miếng ăn bỏ bụng qua ngày là đủ rồi. Vì thế, muốn thuyết phục cho các em được đi đến trường, vị linh mục phải cho gia đình mỗi em số tiền tương đương khoảng 50 xu, coi như nguồn thu nhập của em kiếm được ngày hôm đó để giúp gia đình. Còn nữa, cần phải tách rời các em ra khỏi cha mẹ chúng để dạy về đức dục và những cấm kỵ trong huyết thống gia đình.
Lớp học được tổ chức trong khuôn viên nhà thờ, các em được ở lại bữa trưa để ăn cơm.

Miếng ăn lúc này tạm yên, nhưng những điều căn bản nhất của cuộc sống người dân làng Tà Dơ này vẫn không được giải quyết. Chính quyền cho khoan hai giếng nước sạch nhưng… khô rông rốc, không một giọt nước. Nước uống, tắm giặt đều múc lên từ hồ Dầu Tiếng mà xài. Nguồn nước sạch ở đây không có, dân ở nơi này phải sống trong tình trạng sinh hoạt, ăn uống chung với nguồn nước bị ô nhiễm nặng do một số nhà máy mì trong khu vực này thải ra. Thậm chí nước dùng cho tắm giặt cũng gây ra những chứng bệnh ngoài da, như ghẻ ngứa…

Rác ở làng thì ngập cả lối đi. Cuộc sống lênh đênh ngày xưa khiến người dân của làng đa phần có thói quen ăn ngày nào lo ngày ấy. Hôm nào lưới trúng cá thì mừng, không thì ăn cơm với nước mắm. Họ không có ý chí để cố gắng vươn lên, thoát cái nghèo đã đeo đuổi họ từ thời ông cha. Không biết tương lai chính quyền sẽ giải quyết ra làm sao với số người Việt từ Miên đổ về đây. Ngoài ngôn ngữ Việt để chứng tỏ họ là người Kinh, ngoài ra không ai có mảnh giấy lộn tùy thân. Nhà nước khuyên họ trở qua Miên để xin giấy tờ rồi chính quyền Việt nam sẽ cấp cho họ giấy tờ hợp lệ để cho đám trẻ được đi học. Nhưng làm sao họ có tiền để chi phí qua lại, hơn nữa thế hệ cha mẹ cũng mù chữ, biết phải đến đâu mà xin giấy tờ trên đất nước mà dân tộc này không mặn mà với người Việt?

Tôi đề nghị cha xây giếng giúp họ nhưng cha quản xứ ở đây đã cho biết một sự kiện đáng buồn như sau. Nhờ tiền của các tín đồ trong nhà thờ giúp đỡ, cha đã cho khoan một giếng để dân có nước sạch mà uống. Nhưng ngặt nỗi, nơi đây không có điện để kéo nước bằng máy nên phải dùng gầu dây dể kéo nước lên. Dân số thì đông, mọi người lại tranh giành rồi sanh ra ấu đả nên chính quyền ra lệnh dẹp bỏ. Không thể làm gì khác hơn, vị chủ chiên cho làm một máy nước ở tại nhà thờ, chỉ dủ phân phát cho các gia đình có người già cả, ốm đau bệnh tật mà thôi. Phát phiếu cho họ để để họ lấy nước. Hoàn cảnh thật bất lực. Giờ thì chỉ chú tâm vào việc dạy học cho các em mà thôi. Cha phải tổ chức việc mỗi sáng cho người đến làng đón các em đem ra nhà thờ học, chiều đưa về.
Việc giúp dạy học này phải tính đoạn đường dài vì tất cả chi phí sách vở, ăn uống, đưa đón đều do nhà thờ tài trợ. Tiền xin được mỗi lễ ngày Chúa nhật được dùng cho việc này.

Hình ảnh các em bé đang được cha quản xứ Suối Dây chăm sóc..

Trong trận lủ lụt vừa rồi, bao nhiêu đoàn thể trong và ngoài nước đổ dồn về miền Trung, đâu ai biết một vùng đất không xa Sài Gòn bao nhiêu lại có một làng bị ngập do chính quyền xả đập nước. Những căn chòi bình thường đã xiêu vẹo, trống tuếch toác, nay lại càng thêm tơi tả. Linh mục Trường lại cấp tốc đi mua hai xe tải những tấm bạt và áo mưa để giúp đám người bất hạnh ở đây che chắn đỡ mưa gió mà thôi. Giúp xong làng này thì tới làng khác và cứ liên tục.

Để kết thúc bài, tôi xin cám ơn tất cả anh em, độc giả Thời Báo đã đồng hành với chúng tôi trong mọi công tác từ thiện. Tôi xin nhấn mạnh, con đường dài chúng ta giúp tay người mục tử ở đây trong việc khai trí, nhân bản và ĐẠO ĐỨC.
Các ân nhân có thể liên lạc trực tiếp cha theo địa chỉ dưới đây:

  • Linh Mục Dominique Nguyễn Thế Trường
  • Chánh Xứ Giáo Xứ Suối Dây
  • Huyện Tân Châu – Tỉnh Tây Ninh
  • Email: domthetruong@yahoo.com
  • Điện thoại:  0909954565

Ân nhân nào muốn có giấy khai thuế xin gửi về: Roof of Love Cai Ran, 1 Windhurst Drive, Nepean, Ontario K2G 6G7 – Điện thọai: 613 8430275.

Tống Minh Long Quân

You may also like

Comments are closed.