Mấy tháng nay, người dân trong nước cũng như hải ngoại đều theo dõi và cảm thấy xót xa khi nhìn những đồng ruộng nứt nẻ vì hạn hán. Những đồng ruộng lúa xanh mơn mởn năm nào, nay chỉ còn trơ ra những gốc rạ màu nâu héo úa. Không nói đến nạn đói, tình cảnh trước mắt là người dân thiếu nước. Sông hồ cạn khô. Nhà nghèo, dân chạy từng bữa ăn hàng ngày đã vất vả mà nay còn phải kiếm tiền mua nước để uống. Một nữ tu ở Hậu Giang – sơ Lệ Hà – đã từng hợp tác làm từ thiện với chúng tôi đã đại diện dân khốn khỗ nơi đây, đã xin hội giúp một tay làm những giếng nước khẫn cấp. Năm ngoái tôi có dịp ghé qua huyện Phụng Hiệp này, dù lúc đó chưa bị hạn hán mà tôi đã thấy đau lòng khi nhìn những gia đình nghèo, có con mới sanh còn đỏ hỏn mà nước dùng chỉ là nước sông, múc lên để lắng phèn mà dùng.

Cũng xin giới thiệu qua về vùng quê này. Thời Việt Nam Cộng Hoà, Phụng Hiệp là một huyện của tỉnh Phong Dinh (tức Cần Thơ). Kể từ năm 2004 tỉnh được đổi tên là Hậu Giang. Năm 1954, tổng thống Ngô Đình Diệm đã cho định cư một số đồng bào miền Bắc di cư lánh nạn Cộng sản, phần lớn là theo đạo Thiên chúa về lập nghiệt ở xã Phụng Hiệp, sinh sống cho đến ngày nay. Theo giải thích của dân quê ở đây, Phụng là chim Phượng Hoàng, Hiệp là hợp nhau lại. Có nghĩa là “đất lành chim đậu”. Ngày xưa vùng đất Cần Thơ nổi tiếng với các nàng con gái xinh đẹp, thật thà. Nhiều dân tứ xứ cũng đến vùng đất màu mỡ của vùng Đồng Bằng Sông Cửu Long này để sinh sống qua bao thế hệ.
Việc giúp đào giếng và học bỗng cho các em nghèo lúc nào cũng là ưu tiên trong những hoạt động từ thiện của Nhà Tình Thương Cái Rắn nên tôi đã nhanh chóng nhờ sơ Hà nơi đó bắt tay làm nhanh để giải quyết phần nào nhu cầu thiết yếu cho dân nghèo bất hạnh.
Tôi cũng xin nói qua về sơ Hà, người rất sốt sắng trong việc lặn lội đến các vùng xa xôi của vùng đồng bằng sông Cửu long để chia xẻ những khổ cực và cảnh nghèo của dân quê. Sơ đã phục vụ tám năm với người cùi ở vùng Kontum. Người nữ tu này anh em cô cậu với nhạc sĩ Việt Dzũng. Sơ đã tâm sự với tôi: “Cậu Sáu của em là Thiếu Tướng Nguyễn Ngọc Sáu trong Ban Liên Hợp Quân Sự Bốn Bên. Còn cậu Bảy của em là cha của ca sĩ Việt Dũng, lúc xưa là bác sĩ riêng của Tổng Thống  Nguyễn Văn Thiệu. Gia đình em tất cả đều rời khỏi Việt nam khi các anh trong gia đình lần lượt đi vượt biên, sau đó bảo lãnh cho ba mẹ và em. Em lúc đó vì khấn dòng rồi nên quyết định ở lại. Họ hàng nhà em bên nội ngoại đều đi qua Mỹ hết, vì làm việc cho VNCH. Em có mấy người chị đi diện HO theo chồng.. Tất cả gia đình đều định cư bên Mỹ.” Tôi cũng xin nói thêm, Thiếu tướng Sáu đã qua đời, ông đã để lại tiền bạc và dặn gia đình, tiền phúng điếu nên cho vào quỹ hỗ trợ thương phế binh VNCH.
Một mình ở lại quê hương, tuy nhớ gia đình nhưng sơ không hối hận về quyết định của mình. Tôi càng thương người nữ tu trẻ khi sơ thích gắn bó với đời sống mộc mạc của dân quê miền Nam. Tôi sẽ lần lượt kể hết những công tác của người nữ tu này khiến tôi ngưỡng mộ. Nếu như sơ quyết định theo gia đình đi Mỹ thì cuộc sống của sơ cũng giống bao nhiêu người Việt hải ngoại khác, tuy phải vất vả trong cuộc sống mưu sinh nhưng không phải đối diện với những hình ảnh thương tâm, đói khỗ của dân nghèo. Năm ngoái sơ xin hội chúng tôi giúp che lại mái nhà cho cặp vợ chồng già hơn 80 tuổi. Ông cụ Út Tiều bị bệnh nằm một chỗ. Bà cụ phải nhận đan giỏ lát kiếm sống hàng ngày để nuôi chồng bệnh và đứa con gái bệnh tâm thần. Khi nhận được tiền trợ giúp của độc giả Thời Báo, sơ Hà đã lặn lội đi mua vật liệu, mướn thợ xây lại mái nhà tranh dột nát mà mỗi khi cơn mưa xuống, hắt ướt cả trên giường ông cụ già nằm liệt một chỗ. Khi sửa xong nhà, mười ngày sau ông cụ qua đời. Những ngày cuối của của đời, ông cụ khóc quá, nói cả đời chịu ướt, chịu lạnh…để đến khi chết, có được chỗ ở ấm cúng và yên lòng khi biết bà vợ già và con gái không phải chịu cảnh cơ hàn “mùa đông thiếu áo, mùa hè thiếu ăn”. Trước khi chết, ông hết lời cám ơn người nữ tu tên Lệ Hà và ân nhân Thời Báo. Một nụ cười với ước mơ giản dị có một mái che không bị dột mà suốt cuộc đời không thực hiện được. Sao mà đắng lòng đến thế!

 

Ước mơ tuổi xế chiều của cặp vợ chồng già..Mưa không thấm ướt chỗ nằm…

Ước mơ tuổi xế chiều của cặp vợ chồng già..Mưa không thấm ướt chỗ nằm…

Cuộc sống của dân quê đầy những nỗi khó khăn. Trước khi báo chí đăng tin rầm rộ về sự hạn hán ở đồng bằng sông Cửu long, các nhà tu sống ở đây đã thấy rõ sự thiếu nước trầm trọng ở những vùng xa xôi này nên việc duy nhấc các vị xin ân nhân là giúp đào giếng để dân có chút nước ngọt. Sơ Lệ Hà cũng là người gỏ cửa để xin giúp việc này từ mấy tháng trước.

Người nữ tu với tên và tâm thật đẹp..

Người nữ tu với tên và tâm thật đẹp..

Mục tiêu của hội từ thiện Nhà Tình Thương Cái Rắn, với sự hỗ trợ của Thời Báo, trong mấy năm qua chúng tôi đã giúp đào nhiều giếng ở Long Phú (Sóc Trăng), Phụng Tường (Hậu giang), nay thêm Phụng Hiệp (Hậu giang). Năm ngoái tôi có về Việt nam, đến những vùng này để xem đời sống của dân nghèo sau khi có được nguồn nước sạch ra sao. Một giếng nước bơm tay được hai, ba gia đình chia nhau xài. Trông thật thô sơ, chỉ là cần bơm thô sơ nhưng nhìn những khuôn mặt sáng rỡ của các em bé khi thấy dòng nước ngọt tuôn từ vòi nước ra. Niềm vui của dân nghèo thật giản dị vô cùng. Khi tôi viếng thăm một căn nhà ở cách xa thôn xóm một chút, một người đàn bà sanh con mới được mấy tháng nhưng không có nước dùng, phải xách nước từ con sông đục ngầu chảy qua, chứa trong cái lu để lóng phèn mà uống.

Nhìn vào lu nước đen ngòm, tôi cảm thấy buồn nôn. Sao người ta có thể dùng nước đục như thế này để nấu ăn, tắm rửa được chứ? Thảo nào có một vài làng nổi tiếng là có nhiều người mù. Làm sao tránh được bệnh tật khi hàng ngày phải dùng loại nước dơ bẫn như vậy để xử dụng. Mặc dù lúc đó tôi không mang tiền trong người nhưng tôi mượn ngay một chị thiện nguyện đi trong đoàn số tiền tương đương hai trăm đô la để nhờ ông cha nơi đó kêu người đến đào giếng giúp gia đình khốn khỗ này ngay ngày hôm sau.

Ôi, các dự án, tượng đài nghìn tỷ!!…Cuộc sống của dân quê như thế này đây!

Ôi, các dự án, tượng đài nghìn tỷ!!…Cuộc sống của dân quê như thế này đây!

Một giếng nước bơm tay chỉ tốn khoảng trên dưới hai trăm đô la. Nhiều bạn bè, ân nhân của hội đã đáp ứng nồng nhiệt để mang nguồn nước ngọt đến cho dân lành. Khuôn mặt những đứa bé ngây thơ nhìn dòng nước sạch chảy từ vòi nước ra cách thích thú mình mới thấy sao ước mơ của các em giản dị đến thế. Tôi nhớ lúc tôi lặn lội đến làng nhỏ này để xem giếng nước, đoàn chúng tôi đi bằng xe ôm. Trời nóng đến cháy da, tôi nghe rát bỏng trên lưng khi nắng xuyên qua lớp vải áo sơ mi. Nóng đến hoa cả mắt. Tôi ghé căn nhà đầu tiên để xem giếng nước hoạt động ra sao. Thì ra giếng nước của nhà văn đàn anh TL thân tặng. Tôi cảm thấy vui vui trong lòng.

qhnl5d

Nhưng những trợ giúp của các hội từ thiện như muối bỏ biễn. Nạn hạn hán càng ngày càng trầm trọng. Lúc bình thường mà dân còn không có nước xài thì bây giờ không biết còn khỗ đến đâu nữa. Đồng ruộng khô nứt nẻ, một viễn ảnh đói đang đến cho những người bất hạnh ở vùng quê. Tôi đã chứng kiến cảnh mấy em nhỏ tiểu học phải đi đò để qua sông bên kia để đến trường. Chiếc khăn quàng màu đỏ như máu, nổi bật trên chiếc áo sơ mi trắng ngã màu ngà, che làn da mốc thích, đen đủi. Nhìn mấy em nhỏ, tôi nhớ đến những xe buýt vàng đưa đón học sinh tận nhà ở vùng Bắc Mỹ. Một cuộc sống, hai cảnh đời.. Bầu trời hai nơi đều xanh giống nhau nhưng sao tương lai thật khác biệt dành cho các thế hệ mầm non này.

Tuổi thơ của các bé đây! Đi kiếm chút nước sông hồ về giúp đỡ gia đình

Tuổi thơ của các bé đây! Đi kiếm chút nước sông hồ về giúp đỡ gia đình

Ai có về Việt Nam thì thấy ngay tình trạng “người ăn không hết, kẻ lần không ra” trong hai mươi năm tiến hành đổi mới. Theo báo cáo của tiến sỹ Đỗ Thiên Kính, Viện Khoa học Xã hội Việt Nam, công bố có tên “Xu hướng bất bình đẳng về mức sống ở Việt Nam trong 20 năm đổi mới” đã nhấn mạnh về sự phân hóa giàu nghèo hiện nay ở Việt Nam có xu hướng phân thành hai cực rõ rệt. Người siêu giàu ở Việt Nam sẽ tăng nhanh nhất thế giới trong 10 năm tới. Nhưng kẻ nghèo thì cũng quá đông… Một mái nhà lá rách tả tơi, một lu nước đen ngòm với đàn con mặt mày ngơ ngác. Nhiều hội đoàn từ thiện trong và ngoài nước tích cực giúp đỡ đám dân đen bất hạnh nhưng không thể nào xuể. Nào giúp học bỗng cho các em đến trường để lận lưng vài chữ nghĩa làm hành trang trong cuộc đời. Nào giúp bảo hiễm y tế để những bệnh nhân nghèo khi mang bệnh, có cơ hội được chữa trị để kéo lê kiếp sống bất hạnh. Tội nghiệp các cụ già ở hải ngoại, chắt chiu dành dụm từng đồng tiền già để gửi về giúp kẻ kém may mắn.

Nhiều khi tôi không muốn nhận vì đồng tiền người Việt xa xứ bên này làm việc cực khỗ mới có. Nhưng hầu hết ân nhân nhấn mạnh là họ giúp cho người nghèo, tôi chỉ là người liên lạc đem đồng tiền của họ đến tận tay đối tượng họ muốn giúp…
Thay mặt hội từ thiện Nhà Tình Thương Cái Rắn, tôi chân thành cám ơn Quỹ Cứu Trợ và ân nhân Thời Báo đã đồng hành với chúng tôi trong mọi công tác. Cám ơn nhà văn TL – người đã miệt mài đóng góp cùng các bạn bè để xoa dịu nỗi bất hạnh của đồng bào cùi Tây nguyên và khắp nơi khác.
Ân nhân muốn góp tay vào việc đào giếng giúp dân quê ở vùng đồng bằng sông Cửu long, xin liên lạc với sơ Lệ Hà ở địa chỉ:

  • Soeur M.H. Lệ Hà
  • Nhà thờ Phụng Hiệp, Thị Xã Ngã Bảy, Tỉnh Hậu Giang
  • Điện thoại: 0933230898

Mọi đóng góp với biên lai khai thuế, xin gửi về địa chỉ:

  • Roof of Love Cai Ran, 1 Windhurt Drive, Ottawa, Ontario, Canada – K2G 6G7.
  • Email: roofoflove@gmail.com.
  • Website: www.roofoflove.org.
  • Điện thoại: 613 8430285.

 

Tống Minh Long Quân

You may also like

Comments are closed.