Từ nhiều năm qua, cứ gần đến lễ Giáng sinh và các lễ lớn, anh Minh – đại diện nhóm Bạn Người Phong ở Sài Gòn lại liên lạc với hội của chúng tôi để xin được hổ trợ chút ngân quỹ để đoàn từ thiện của các anh lên đường, đến giúp đỡ các người cùi ở Tây Nguyên. Năm 2015 tôi có dịp về Việt nam để tham dự cùng nhóm bạn này với ý định muốn chứng kiến tận mắt cuộc sống thật của người người cùi ở vùng sâu Tây nguyên như thế nào nên tôi biết rõ sự khốn khỗ của mấy người cùi ở đây.

Nhóm bạn người phong năm nào cũng sắp xếp trong khả năng của họ để đi thăm và chia sẻ tình thương với bà con bệnh nhân phong cùi trong các làng ở vùng xa, gần biên giới Campuchia của miền Tây nguyên tử cả chục năm nay. Tùy theo khả năng tài chánh quyên góp, có nhiều thì cho nhiều… Các anh vẫn thường xuyên làm những cuộc hành trình, dù gian nan, cực khỗ cách mấy đi nữa. Năm nay, với sự bảo trợ của Nhà Tình Thương Cái Rắn và Thời Báo Canada, nhóm thiện nguyện này rất vui khi mang 200 phần quà đến cho người bệnh phong cùi đói khổ, hầu hết là người già và tàn phế, không còn khả năng lao động.

Sau chuyến đi từ thiện Tây Nguyên, anh Minh đã viết email sang tường trình công tác năm nay như sau: “ Tôi mới vừa về đến nhà sau chuyến đi mười ngày trên Tây nguyên để giúp anh chị em bệnh phong đói khỗ trong rừng sâu. Chúng tôi đến thăm và tặng quà Giáng sinh cho vài làng cùi. Tình hình an ninh, chính trị hiện nay khó khăn hơn những năm về trước nhiều. Đến nơi nào, chúng tôi phải xin phép chính quyền địa phương và khi đến làng, công an địa phương đi theo đến tận nơi để kiểm tra hàng hóa từ thiện gồm những gì. Cho nên chúng tôi không thể viết băng rôn để cám ơn hội Nhà Tình Thương Cái Rắn và Thời Báo đã ủng hộ tài chánh cho chuyến từ thiện này, mong mọi người thông cảm. Ở Việt nam hiện nay, hoàn cảnh rất khó khăn cho các công việc bác ái, từ thiện ở vùng anh em dân tộc thiểu số…”
Tôi hoàn toàn thông cảm cho sự hy sinh của nhóm Bạn Người Phong đã vất vả đi về vùng xa, bị bao nỗi khó khăn, không kể những đoạn đường lồi lỏm, dằn sốc ở rừng núi mà còn chịu đựng những đôi mắt cú vọ của chính quyền như tôi đã chứng kiến trong chuyến đi theo nhóm năm 2015.

Tôi xin chép lại bài của Linh Mục Nguyễn Vân Đông, người đã sống và làm việc với người cùi mấy chục năm ở Kontum để các bạn hiểu rõ thêm về những mảnh đời bất hạnh của những kẻ bị đời quên lãng…Đây là lời kể chuyện của một linh mục có tính cách dí dỏm, lôi cuốn mà mỗi khi cha về Sài Gòn làm lễ ở nhà thờ để kêu gọi giáo dân đóng góp, người nghe cười mà hai hàng nước mắt chảy dài trên má.

“Kể từ thập niên 1930 của thế kỷ 20 thì Giáo Phận Kontum đã thành lập một trại phong ở cách thành phố Kontum bây giờ khoảng 6 cây số. Các bệnh nhân hầu hết là người thuộc các sắc tộc thiểu số không có tôn giáo.
Năm 1975 nhà nước quản lý tất cả các trại phong trong nước, trong đó có trại phong Đakkia. Nếu người dân tộc bị phát hiện mắc bệnh cùi – đôi khi chỉ là bệnh da liễu mà thôi – thì người bệnh đó bị đuổi ra khỏi làng của mình, phải ở cách xa làng mình khoảng 3 đến 5 cây số, đôi khi là 7, 8 cây số. Để làm gì? Để cho người nhà của người bị bệnh có thể tiếp tế lương thực cho họ. Nhưng có những gia đình người dân tộc rất nghèo nên việc tiếp tế lương thực cho người nhà bị bệnh cũng không dễ, vì thế người bệnh cùi bị đói là rất nhiều.

Thường thì người ta tập trung lại từ 5 đến 10 gia đình ở với nhau trong một góc rừng nào đó. Người thân che cho họ một cái chòi để họ ở và nơi đó được gọi là làng Phung. Đã có rất nhiều làng Phung như thế ở tỉnh Gia Lai và tỉnh Kontum.

Nhà Nước thì muốn tập trung nhiều làng như vậy rồi lập thành một làng lớn. Để làm gì? Để được những tổ chức từ thiện quốc tế xây cho mỗi gia đình một căn nhà, và nơi đó cũng có trường học, có trạm xá, có nước sạch, có điện để cho dân trong làng cùi cũng được hưởng những phương tiện của đời sống văn minh của bây giờ. Nhưng mà khi có đông người ở thì nó lại nẩy sinh ra một vấn đề khác nữa: ấy là không có đủ đất đai để trồng trọt, không có đủ chỗ để họ nuôi con bò, con dê… cho nên họ thường trở về nơi ở cũ của mình để canh tác, con cái của họ thì ở lại trong làng do nhà nước tổ chức để được đi học. Nhưng vì không biết giữ vệ sinh cho nên các vết thương – hay còn gọi là lỗ đáo – ngày càng trở nên nặng hơn.

Ngoài bệnh cùi thì người cùi cũng có nhiều bệnh khác như mọi người. Người cùi thì cũng thường sinh nhiều con. Công việc lo cho con cái của họ khỏi bị lây nhiễm bệnh phong của cha mẹ cũng là một cố gắng rất lớn của Giáo Hội Thiên Chúa. Phải tìm cách cho con cái họ được cách ly và được đi học cũng là một điều vô cùng quan trọng, đòi hỏi sự cố gắng của nhiều người có lòng hảo tâm.

Các nữ tu trong giáo phận là những người làm công việc này rất tốt. Cũng có những em là con cái của những người phong cùi được học tới đại học, có người trở thành bác sĩ.
Chúng tôi cũng tổ chức làm giày dép cho người cùi, vì họ phải có dép thì mới đi lại được, nhưng mà họ không thể mua dép ngoài phố chợ như chúng ta, bởi vì bàn chân của họ đã trở nên dị dạng, vậy nên phải đo cho họ từng bàn chân, rồi làm từng chiếc dép, một đôi dép có đến hai kích cở to nhỏ khác nhau tùy theo bàn chân của họ, và họ mang dép rất mau hư.
Một lần nọ tôi gặp mấy người cùi, họ xin thêm dép. Tôi nói:
– Mới làm dép đi có hai tháng thôi mà, tại sao lại mau hư như vậy?
Thì có một bà già nói với tôi:
-Tôi đâu có muốn nó hư đâu, tại nó hư chớ tôi đâu muốn. Cha có 2, 3 đôi dép, Cha luôn đi bằng xe thì làm sao mà dép của Cha mau hư được chớ. Tụi tôi đâu có xe mà đi, tụi tôi đi bộ mà… tôi muốn nó không hư nhưng mà nó vẫn hư.

Từ đó tôi mới hiểu là với đôi bàn chân dị dạng, khi đi thì khập khiểng không được cân bằng nên dép rất mau hư. Tôi chỉ hiểu được điều này khi nghe họ nói. Họ rất muốn giữ đôi dép của mình đừng hư, nhưng rồi nó vẫn hư. Dép cung cấp không kịp cho họ mang, mà không có dép thì họ không thể đi lao động được. Chúng tôi đã tổ chức quyên góp để làm thật nhiều dép cung cấp cho họ.

 

Tôi được biết các trại phong ở Việt Nam hầu hết là do Giáo hội thành lập. Ở phía Bắc thì tôi không được biết nhiều, nhưng tôi biết trại cùi Qủa Cảm ở Bắc Ninh, trại cùi Vân Môn ở Thái Bình, chắc chắn là do Giáo hội lập nên, còn những trại cùi khác thì tôi không được rõ. Nhưng những trại cùi ở phía Nam thì hầu hết là do Giáo hội Thiên Chúa thành lập. Như trại cùi Qui Hòa ở Qui Nhơn, trại cùi Dakkia ở Kontum, trại cùi Núi Sạn ở Nha Trang, trại cùi Di Linh ở Lâm Đồng, trại cùi Bến Sắn ở Bình Dương, rồi có thêm những trại cùi khác như là trại Phước Tân, Bình Minh, Thanh Bình, Cù Lao Giêng. Đây là những trại cùi mà tôi biết một cách chắc chắn là của Giáo Hội thành lập.

Đến năm 1975 thì nhà nước quản lý tất cả. Nhưng điều mà tôi muốn nhấn mạnh ở đây là: Giáo Hội đã đóng góp rất nhiều trong công tác Từ Thiện Xã Hội và Bác Aí Xã Hội, đặc biệt là cho bệnh nhân phong cùi.

  Giáo Phận Kontum gồm hai tỉnh Gia Lai và Kontum.

  1. Tỉnh Gia Lai là một tỉnh rộng lớn nhất nhì ở Việt Nam – với diện tích hơn 15.500 km2.
  2. Tỉnh Kontum cũng rộng, nhưng không tới 10.000 km2.

Chỉ riêng huyện Sa Thầy (thuộc tỉnh Kontum) thì diện tích còn lớn hơn tỉnh Thái Bình. Hai tỉnh này có rất nhiều làng Phung, các làng này đã được các linh mục và các nữ tu tìm đến để giúp đỡ, chăm sóc cho họ, mặc dù cũng còn gặp nhiều khó khăn về phía chính quyền.

Gia Lai có Làng Tang, làng Tar, làng Bluk Blui, làng Ngó, làng Kon Thụt, làng Kon Chiêng, làng Hồ Long, làng Phung – Nhơn Hòa và còn nhiều nữa…

Kontum thì có: trại phong Dakkia, làng Dak Lung, làng Dak Ring, làng Kon Kơlóc và còn nhiều làng khác nữa… Nói tóm lại là huyện nào cũng có và những làng Phong cùi thì ở khắp nơi.

   Tôi rất khâm phục những nữ tu của các dòng tu. Nơi nào có người cùi thì các nữ tu đều tìm mọi cách để có mặt. Không phải chỉ đem đến cho họ một viên thuốc, một gói mì, một lon gạo, một con cá khô… mà thôi, nhưng sự hiện diện của Tình Thương từ nơi các nữ tu qua những cử chỉ chăm sóc vết thương cho họ là một niềm an ủi rất lớn đối với những người mang bệnh cùi. Có những bệnh nhân không chịu vào trại phong Qui Hòa ở Qui Nhơn, nên các nữ tu đã tìm đủ mọi cách, dùng mọi lời giải thích nhằm thuyết phục họ để đưa họ đi. Các nữ tu còn phải luôn theo dõi, tìm những bệnh nhân mới rồi báo cáo cho các nhân viên Da Liễu để những nhân viên này cấp giấy cho họ được đi chữa trị sớm nhất chừng nào có thể.

  Người ta có thể cho mà không thương, nhưng người ta không thể thương mà không cho. Một điều rất đáng trân trọng là:Các nữ tu đã vì tình thương yêu của mình mà dấn thân đến với những người mang bệnh phong cùi.

  Một vị bác sĩ nọ ở khu điều trị Phong – Qui Nhơn – có nhiệm vụ lo cho các bệnh nhân phong ở miền Trung và các tỉnh Tây Nguyên. Ông đã nói:

  – Nhờ nhà thờ mà các bệnh nhân phong ở các tỉnh Tây Nguyên có một đời sống vật chất khá tốt và một đời sống tình thần hạnh phúc.

  Bệnh phong bây giờ có thể chữa lành được, và nếu được chữa lành sớm chừng nào thì tốt chừng đó, nếu để trễ thì họ có thể bị tàn phế. Nhưng thường thì người dân tộc ít hiểu biết và có người ở những vùng xa xôi tận trong rừng sâu, nên khi đến được trại phong để điều trị thì quá trễ. Nguyên tắc thì nhà nước chữa trị bệnh nhân phong hoàn toàn miễn phí, từ thuốc men cho đến cơm ăn áo mặc, kể cả lộ phí để về làng cũng được nhà nước cung cấp. Người bệnh phong khi lành rồi họ vẫn được tiếp tục giúp đỡ, những người tàn phế ít thì họ còn có thể lao động được, nhất là nuôi con bò, con heo, con dê, con gà… Và chúng tôi phải cố gắng hết sức để cho họ một con bò, cho họ ít vốn nuôi một con heo, con dê, hay là nuôi ít con gà… Một phần là để cho họ được lao động, được thấy kết quả từ mồ hôi nước mắt của họ, phần khác nữa là họ cũng sẽ lấy làm tự hào về công sức lao động của mình.

Người cùi không những cần đến sự chia sẻ về vật chất của chúng ta mà người cùi rất cần chúng ta chia sẻ tình thương của chúng ta cho họ.

Người ta có thể cho mà không thương.

  Đã có rất nhiều người cho người cùi nhưng mà không thương. Việc trước tiên chúng ta làm không phải là cho, mà phải là thương, thương thật lòng.

Người ta không thể thương mà không cho

Vậy thì điều chúng ta lo cho người cùi bây giờ là: lo cho họ đi chữa bệnh, những người vừa mới phát hiện bị bệnh cùi, những người bị tàn phế chân, tay sau khi đã được chữa lành bệnh. Thì xin mỗi người trong chúng ta hãy thương để rồi nhất định rằng: Người ta không thể thương mà không cho. Chúng ta hãy biết thương yêu người cùi. Đây chính là điều mà tôi luôn thiết tha mời gọi những tấm lòng nhân ái. Hãy cho với tấm lòng yêu thương rộng mở.

Tôi xin nói thêm, trong dịp tình cờ, một cô em họ dược sĩ ở Sài gòn đã viết gia phả cho gia đình tôi. Việc bất ngờ là chúng tôi mới khám phá ra là cha Đông và chúng tôi là bà con từ đời ông cố, dòng họ chia làm ba nhánh. Từ thời vua Tự Đức bắt đạo, gia đình ba anh em đã trốn, bỏ xứ miền Trung để xuôi Nam. Nhánh của cha Đông là anh lớn sống ở Bình Định. Nhánh thứ hai trôi giạt đến Kontum. Nhánh thứ ba (ông cố của tôi) thì về Vũng tàu lập nghiệp. Nhánh hai người anh lớn có rất nhiều người tu thành linh mục và nữ tu. Còn nhánh của gia đình tôi thì “trần tục” hơn, gia đình phần nhiều ở nước ngoài từ trước năm 1975.
Thật buồn cười, năm 2015 tôi về Kontum làm từ thiện, ngồi nói chuyện, tiếp xúc với cha Đông mà chúng tôi không biết mình là bà con. Đến khi nhận được họ hàng, chị em tôi trong gia đình đã gừi cha Đông món quà ra mắt: đó là tặng cha ba tấn gạo để giúp người cùi. Cha Đông với bản tánh dí dỏm, khi biết là bà con rồi, cha không còn dè dặt nữa mà hỏi:
– Các em cho người ta ăn cơm trắng không à?
Thế là chúng tôi đồng ý tặng thêm ba tạ cá khô, nhờ cô em họ ở Việt nam ra tận miền Trung chọn từng loại cá khô ngon để tặng người phong cùi Tây nguyên.

Xin cám ơn tất cả các độc giả và anh em Thời Báo trong mọi công tác giúp đỡ kẻ bất hạnh. Ân nhân có thể liên lạc và gửi tiền trực tiếp đến cha Đông theo địa chỉ:

  • Linh mục Phê Rô Nguyễn Vân Đông
  • Tổng đại diện – Giám đốc Caritas Kontum
  • 146 Trần Hưng Đạo, Kontum
  • Email: dongpku70@gmail. com
  • Điện thoại: 0909.274.705

Ân nhân nào muốn có giấy khai thuế xin gửi về: Roof of Love Cai Ran, 1 Windhurst Drive, Nepean, Ontario K2G 6G7 – Điện thọai: 613 8430275. Email: roofoflove@gmail.com

Tống Minh Long Quân

You may also like

Comments are closed.