Từ thiện Long Phú, Sóc Trăng
Hàng năm, theo thông lệ tôi lợi dụng thời gian nghỉ lễ dài trong sở làm là tôi lấy ngày nghỉ để về Việt Nam làm từ thiện. Tôi cũng thú thật, nhờ ơn Trời Phật, thằng con út của tôi có hiếu, năm nào cậu nhỏ cũng dùng điểm du lịch để mua vé cho tôi đi, khỏi tốn tiền. Giống như năm ngoái, cậu bé đã bỏ thời gian cả ngày để chọn những chuyến bay ăn khớp cho mấy mẹ con. Bà bạn đầm của tôi cũng học theo con trai tôi mánh lới này để cùng đi chơi với chúng tôi suốt lộ trình. Xin mách cho bạn bè biết, chúng ta có thể dùng một số điểm air miles hay aeroplan, tự vào hệ thống để chọn các chuyến bay trước khi điện thoại cho nhân viên hãng máy bay để họ làm vé thì mình có thể đi đến ba nơi thay vì một chỗ.
Năm nay chúng tôi chọn đi Copenhagen (Đan Mạch) và Paris (Pháp) trước khi về Việt Nam.
Rời Ottawa sau ngày “tận thế hụt”, nhưng cũng bị một trận bão tuyết tơi bời của ngày hôm trước nên nhiều chuyến bay bị hủy bỏ. Chúng tôi may mắn, chuyến bay vẫn cất cánh an toàn, mặc dù bị trễ đến mấy tiếng đồng hồ. Nhưng đi chung với các con trai, có trễ đi mấy tôi cũng không ngại vì con trai tôi đi công tác thường xuyên nên hãng máy bay cho thẻ hội viên du lịch, được vào phòng chờ đợi riêng đầy đủ tiện nghi, với những ghế sa lông êm ái có thể duỗi chân ra nằm ngủ, cùng dẫy thức ăn buffet, rượu bia đủ loại uống miễn phí.
Khi con chim sắt lượn trên bầu trời đề chuẫn bị đáp xuống phi trường của thành phố Copenhagen, tôi nhìn qua cửa sỗ để xem quang cảnh mình sắp đặt chân đến như thế nào. Thật là một hình ảnh tuyệt đẹp khi nhìn bên dưới, màu gạch tôm rực rở khắp nơi. Dân Đan Mạch thích màu nâu, xám và đen nhưng hầu hết mái nhà và vách tường các toà nhà đều dùng ngói và sơn màu cam đỏ. Các kiểu nhà hầu như giống nhau với mái ngói hình chữ V ngược đều đặn, không có cái cao, cái thấp. Ra khỏi máy bay, một màu nâu của sàn gỗ phi trường đập vào mắt, trông sang trọng và sạch sẽ. Theo lộ trình, mẹ con tôi ở đây có một ngày nên con trai tôi chọn khách sạn ngay phi trường, chỉ việc lấy hành lý và đẩy về khách sạn khỏe re. Phi trường to lớn, giống như một trung tâm thương mại với nhiều cửa hiệu, tiệm ăn bán đủ thứ hàng. Khách bên ngoài có thể vào đây mua sắm, không chỉ dành riêng cho khách du lịch.
Chúng tôi cất hành lý vào khách sạn rồi lấy xe điện đi ra phố chơi. Nhóm chúng tôi lại máy để mua vé xe điện ngầm. Không giống như năm ngoái ở Frankfurt (Đức), chúng tôi đã vất vả khi không biết phải mua vé cho tuyến đường nào khi không có tiếng Anh chỉ dẫn, hỏi người bản xứ thì không ai nói được ngoại ngữ. Nhưng ở Đan Mạch thì khá hơn. Chúng tôi đứng nhìn bảng chỉ dẫn nghiên cứu một hồi, sau đó chận một ông đi ngang và hỏi ông ta bằng tiếng Anh để giúp chúng tôi mua vé. Ông ta lịch sự và nói tiếng Anh khá thông thạo. Tôi có ấn tượng đẹp về đất nước này ngay phút đầu tiên. So sánh năm ngoái ở Đức, đi đến đâu hỏi thăm đường, kiếm đỏ mắt không có ai biết nói tiếng Anh, thế mới bực.
Giống như phần đông các nước châu Âu, phương tiện di chuyễn ở Đan Mạch phần nhiều là xe đạp và hệ thống giao thông công cộng. Nhưng phần nhiều ai cũng thích đi xe đạp, khỏi phải chờ đợi vì xe điện ngừng lại mỗi trạm, chiếm nhiều thời gian. Copenhagen là một thành phố đẹp với nhiều di tích lịch sử với những nhà thờ xưa, với những con đường lát sỏi. Đi đến đây, các bà thích diện giầy cao gót là chỉ có nước khóc mà thôi. Phải mang theo đôi giầy đế bằng để lội bộ với người ta. Dân địa phương nhìn ai mang đôi giày thể thao màu trắng là biết ngay đó là du khách đến từ Bắc Mỹ vì dân ở đây chuộng màu đen, xám và nâu.
Thời tiết mùa đông ở Đan Mạch cũng lạnh cóng, trung bình vào cuối tháng 12 là 2 độ C cho nên dân Đan Mạch thích đi trốn cái lạnh ở các nước châu Á từ tháng 11. Nhưng thời tiết ở Copenhagen cũng thay đổi không biết đâu mà lường, giống như một bà già khó tính. Đang lạnh cóng có thể trở nên nóng chảy mồ hôi chỉ trong vòng vài tiếng đồng hồ. Ngay cả mùa hè, dân ở đây khuyên du khách lúc nào ra ngoài cũng thủ một cái áo len.
Nhưng hôm nay thật xui xẻo cho chúng tôi, vừa trốn trận bão tuyết ở Canada thì đến đây gặp cơn bão tuyết ở Copenhagen. Chui ra khỏi xe điện, chúng tôi co ro bước ra đường với những cơn gió và tuyết đập vào mặt. Thiên hạ không ai đi trên đường với thời tiết như thế này nên chỉ đi mua sắm ở các trung tâm thương mại dưới lòng đất. Chúng tôi đứng dưới cơn mưa tuyết, chụp vội vài tấm hình rồi đi nhanh xuống trạm xe điện dưới lòng đất. Thôi thì đành đi ngắm người mua sắm thay vì ngắm cảnh.
Mèn đét ơi, giá cả ở Đan mạch thật chóng mặt. Ở Copenhagen giá một chai nước lọc tương đương 4 đô la. Một gói kẹo sô cô la M&M giá ở Canada chỉ có ba đô la mà cửa tiệm Duty Free bán giá 10 euros, tương đương đến 15 đô la. Đúng là giá cắt cổ. Chúng tôi vào khu ăn uống của khu thương mại. Nhìn giá cả với các món ăn tầm thường khiến mình no ngang. Đi vào tiệm bán thực phẫm đông đúc người mua bán. Món nào tôi nhẫm tính từ tiền kroner ra tiền đô la nên cuối cùng chỉ dám mua ổ bánh mì lớn và cục phô mai chia nhau ăn chớ không dám vào bất cứ tiệm ăn nào vì thực đơn không có món gì đặc biệt mà giá mỗi phần ăn gần cả trăm đô la. Giá một combo hamburger ở McDonald bên này bán giá mười mấy đô la. Thế mà khi trả tiền, cô bán hàng còn hỏi có mua ketchup không. Tôi ngạc nhiên hỏi lại. Hamburger thì phải có ketchup chớ? Nhưng cô ta nói phải mua. Một gói nhỏ giá 20 xu. Có đi mới thấy thương quê hương thứ hai của tôi ở Canada. Thiên hạ muốn bỏ thêm gia vị gì thì có nguyên một bàn, tha hồ ăn tuỳ thích. Tôi thấy nhiều người keo kiệt, ra tiệm uống cà phê, lúc nào cũng vốc một nạm đường trong các bịch nhỏ để đem về nhà dùng.
Tôi có dịp hỏi thăm vài bà mẹ trẻ quốc tịch khác, theo chồng đến làm việc ở đây. Giá cả sinh hoạt đắt đỏ nhưng đời sống xã hội thật tuyệt vời, nhất là những gia đình có con nhỏ, được chính phủ giúp đỡ tối đa. Đứa con sinh ra đời ở xứ Đan Mạch rất được xã hội đón chào cách nồng hậu. Họ cho biết, ngoài việc xứ sở này quí trọng trẻ em mà còn nhớ đến công lao khó nhọc của cha mẹ đã tạo ra đứa bé. Lúc đứa bé chào đời ra khỏi bụng mẹ an toàn, chừng mười lăm phút sau là các cô y tá, cô mụ đẩy chiếc xe với lá cờ xứ Đan Mạch, trong đó có nhiều món quà nhỏ và thức ăn lặt vặt. Mọi người cùng ca bài chúc mừng sinh nhật em bé. Sau đó những cặp vợ chồng sinh con đầu lòng được cho ở phòng riêng trong khoa sản, được cung cấp thức ăn thức uống miễn phí. Dân Đan Mạch quan niệm, sinh một đứa con, trách nhiệm và sự cực khổ không chỉ ở người mẹ mà luôn cả người cha cho nên khi sanh con, người cha có quyền nghỉ ba tháng ăn đầy đủ lương trong vòng bảy năm, lấy bất cứ ngày nào. Trong vòng bốn tháng sau khi sanh, cha mẹ ghi tên cho con vào nhà trẻ trong tương lai để chính phủ sẽ lo việc trợ cấp cho việc chi phí đến mức tối đa. Có thể chọn bất cứ nhà trẻ nào thích hợp và chọn bất cứ thời gian nào để đứa bé vào nhà trẻ. Ở bất cứ nhà trẻ nào, cứ 10 nhân viên lo cho 24 đứa bé, tùy theo hạng tuổi. Mỗi nhà trẻ, có đầu bếp làm bánh mì và nấu thức ăn nóng cho các em ăn mỗi ngày. Mùa hè, các em bé từ ba đến sáu tuổi được dẫn đi picnic, vui đùa với cuộc sống thiên nhiên. Mấy cảnh này chúng ta không bao giờ tìm thấy ở các nhà trẻ vùng Bắc Mỹ chúng ta. Ở Canada, tiền trả người giữ trẻ là cha mẹ muốn méo mặt luôn, đừng nói đến những việc các em được chăm sóc chu đáo. Bảo hiễm sức khoẻ và nhà trẻ ở Đan mạch không đâu sánh bằng. Chẳng qua vì dân số ít, chỉ có hơn 5 triệu dân. Giá cả thì đắt đỏ nhưng an sinh xã hội thì tuyệt vời. Được nầy, mất kia. Không đâu là thiên đường hạ giới.
May quá, chúng tôi chỉ ở chơi ở đây có một ngày chớ ở lâu chắc lủng túi quá.
Ngày hôm say chúng tôi giã từ Copenhagen vào buổi sáng tinh mơ để đáp máy bay đi Pháp đón mừng Giáng sinh ở Paris. Con chim sắt của hãng hàng không Air France đáp xuống phi trường Charles de Gaulle vào buổi trưa.
Trái với sự nhộn nhịp của các phi trường vùng Bắc Mỹ và thủ đô Copenhagen vào dịp Giáng sinh, phi trường chính của nước Pháp này có vẻ yên lặng hơn. Về sau tôi hỏi con gái của người bạn làm việc cho hãng máy bay Air France, cô ta cho biết, vì ảnh hưỡng kinh tế đi xuống nên số lượng hành khách đi du lịch giảm rất nhiều. Mấy năm trước thiên hạ xếp hàng rồng rắn để lên máy bay, bây giờ thì giống như cảnh chợ chiều, mặc dù mùa này là cao điểm cho người ta đi du lịch.
Nói như thế nhưng khi viếng thăm thác Eiffel và khu Champs-Élysees, thiên hạ chen chúc đi hai bên đường với máy ảnh, máy iPhone chụp hình lia lịa. Du khách phần đông từ các nước Âu châu lân cận lái xe đến.
Thời tiết mùa đông năm nay ở thủ đô Ba lê thật dễ chịu, ấp ám với nhiệt độ 13 độ dương. Mới ngày hôm trước gặp cơn bão tuyết ở Đan mạch lạnh cóng da, bây giờ đến đây nhìn cây cối, đủ các loại hoa vẫn còn khoe màu tươi thắm khiến chúng tôi vui vẻ vô cùng. Bà bạn đầm cùng đi du lịch chung với chúng tôi năm nay lấy làm thích thú khi nhìn những bông hoa tươi thắm vào mùa đông ở đây. Bà hết sờ hoa này đến hoa nọ, không thể tin được mùa này ở vùng tuyết giá Ottwa của chúng tôi lạnh cóng mà ở thủ đô ánh sáng vẫn còn hoa tươi mọc như vậy.
Đời sống ở Âu châu đắt đỏ hơn ở xứ Canada của tôi rất nhiều. Nhưng ở bên Pháp còn dễ chịu hơn ở Đan mạch. Ở Paris giá cả không đắt đỏ bằng Copenhagen nhưng tôi vẫn bị các tay bán hàng lưu manh đập đổ, bực mình mà không làm gì được. Ví dụ chúng tôi ghé lại gian hàng bán xúc xích ở khu Champs-Élysees. Chiếc bảng to tướng ghi trước đó là giá mỗi xúc xích là 7 euros, ai muốn ăn thêm khoai chiên thì giá 1 Euro. Con trai và bà bạn đầm đồng ý mua thêm hai gói khoai. Đến khi lấy khoai, thằng cha bán hàng chỉ đưa một gói khoai nhỏ xíu. Con trai tôi hỏi thêm một gói nữa thì thằng cha lưu manh này nói đưa cho chả xem lại hoá đơn và chỉ cho chúng tôi rành rành là chỉ có một gói khoai chiên tính giá 4 euros. Tiền đã vào túi chả rồi. Thằng cha gân cỗ cải. Bọn tôi tức tối chỉ vào bảng quảng cáo giá khoai chiên chỉ 1 euro nếu mua xúc xích. Thế là thế nào? Nhưng dân bất lương cố tình gian lận du khách, đời nào chịu thiệt. Bà bạn đầm của tôi là dân công chức ở Bộ Quốc Phòng Canada, không quen thói bị gạt nên tức tối, sẵn sàng gây lộn về sự tráo trở này và đòi kêu cảnh sát nhưng tôi can. Thí cô hồn cho thằng chả cho rồi. Ở đâu cũng có dân lưu manh lường gạt du khách. Chỉ khinh bỉ và hơi tức một chút mà thôi. Thằng cha bán hàng này cũng thuộc dân tứ xứ đến đây kiếm ăn. Chúng móc túi du khách bằng mọi cách để sống. Con trai tôi lấy máy hình ra quay, định sẽ bỏ vào YouTube để cảnh giác người khác.
Còn phần tôi, khi vào tiệm cà phê, kêu một ly cà phê giá rẻ nhất là 3 euros. Đến khi bồi đem ra một ly nhỏ cà phê đen, tôi hỏi sữa để pha uống kèm thì anh ta lấy lại hoá đơn, đem vào két sửa giá lại rồi mang ra cho tôi một ly sữa nóng để pha chung với cà phê. Kết quả là hoá đơn đắt thêm 2 euros! Chưa bao giờ tôi uống ly cà phê với giá tương đương gần mười đô la. Ôi, dân Bắc Mỹ chúng tôi ở xứ được nhiều ưu đãi, mấy người bán hàng lịch sự. Trong bất cứ tiệm cà phê nào ở Canada, trên bàn để đầy kem, sữa, đường để khách uống cà phê, bỏ vào ít nhiều tuỳ ý.
Chúng tôi lấy metro đi chơi khắp nơi. Quận 13 xưa nay nổi tiếng với khu phố Việt xem ra không có gì khác lạ so với khu phố Việt ở các nơi khác. Tiệm phở ăn cũng khá ngon khi cả nhóm cuốc bộ khá xa từ bến xe điện đến đó. Dân Pháp thân thiện và cởi mở nhưng không ga lăng như tôi tưởng. Trong xe điện, các ông ngồi chễm chệ trên ghế, mặc cho các bà đứng lắc lư…
Hai ngày viếng thăm thủ đô ánh sáng là đủ rồi. Đoàn người chúng tôi chuẫn bị về Việt nam để xắn tay áo làm việc.
* * *
Chuyến máy bay của hãng hàng không Turkish đáp xuống phi trường Tân Sơn Nhất vào lúc năm giờ chiều. Đi qua bao nhiêu phi trường, nay khi chiếc máy bay chạy từ từ vào bến đỗ ở sân bay, tôi nhìn qua cửa sỗ để ngắm nhìn lại quê hương mà trong lòng cảm thấy ngán ngẫm. Thường thì tôi đến Việt nam vào những chuyến bay đêm nên không nhìn thấy rõ quang cảnh chung quanh phi trường. Có đi vào ban ngày mới thấy được những bức tường vôi bạc mầu, loang lỡ trông như khuôn mặt gái điếm về già. Tôi thầm nghĩ trong đầu, tại sao nhà nước không bỏ tiền ra để tu bổ, sơn quét lại bộ mặt bên ngoài của phi trường để các du khách có ấn tượng đẹp khi lần đầu tiên đến Việt nam? Như bà bạn người Gia nã đại của tôi, tuy không nói ra nhưng chắc bà sẽ thất vọng nhiều khi lần đầu tiên đặt chân đến xứ sở mà bà đã mang nhiều ấn tượng đẹp. Nhiều dẫy nhà tôn từ thời Mỹ để lại, rỉ sét trơ mình dưới ánh nắng mặt trời. Quê hương tôi đây sao? Những khách sạn, sân gôn năm sao đâu rồi mà ngay trung tâm thủ đô xưa vẫn trơ bộ mặt hốc hác, nghèo nàn như thế này? Những dẫy nhà dân không cách xa phi trường bao nhiêu với những căn cao, căn thấp. Những cao ốc với bảng hiệu quảng cáo máy hình Canon với ánh đèn rực rỡ chen lẫn với những căn nhà mái tôn gần đó.
Chúng tôi mang hành lý đi qua quan thuế không bị chận hỏi khó khăn. Người nhân viên hải quan lịch sự hơn những người năm ngoái. Chiếc xe tắc xi đưa chúng tôi về khách sạn quen thuộc hàng năm. Mọi người mừng rỡ chào đón như người thân. Tôi dành trọn nguyên ngày nghỉ ngơi ở Sài Gòn để ngày hôm sau lên đường đi chuyến từ thiện ở Sóc Trăng theo dự định.
Huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng:
Sáu giờ sáng, mọi người đã tụ tập trước khách sạn của tôi để lên đường. Đi chung đoàn của tôi có Bích, nhóm Nhịp Cầu Từ Thiện của các người trẻ tuổi ở Sài Gòn và Hồng Khanh, đại diện cho những người bạn mạnh thường quân đã góp phần trong việc phát quà cho đồng bào bất hạnh ở Sóc Trăng.
Cũng xin nói thêm, qua mấy năm làm từ thiện, tôi đã làm quen và nối tay được với rất nhiều nhóm từ thiện trong nước. Họ là những người rất nhiệt tình trong các công tác từ thiện và giúp đỡ tôi rất nhiều trong những thông tin, kiểm soát về các địa điểm từ thiện. Chỗ nào nên đi và chỗ nào không nên. Lúc trước tôi đọc báo điện tử về làng mù Vĩnh châu ở Sóc trăng và ngỏ ý muốn về nơi đây phát quà thì nhóm từ thiện trong nước khuyên tôi nên đi về làng Long Phú, gần bên mà chưa ai biết đến. Người mù vì hơi hành ở làng Vĩnh Châu nay đã được nhiều đoàn từ thiện trong và ngoài nước biết nên đến giúp đỡ ồ ạt. Cuộc sống của mấy gia đình mù ở đây bỗng dưng được đổi đời. Tiền từ thiện khắp nơi đổ về nên người ta trở nên sung túc, nhiều người được trợ cấp, bấy lâu nay nghèo khổ bỗng dưng được rủng rỉnh tiền nên sinh tật chơi số đề, thêm bao nhiêu thói hư tật xấu khác của xã hội. Trong gia đình có một người mù thì cả nhà được trợ cấp sống dư dả. Dĩ nhiên không thể nói tất cả mọi người ở Vĩnh Châu đều như vậy, nhưng mấy người làm từ thiện trong nước cho biết, khi về đây phát quà, lúc nào cũng “đụng” vài ba đoàn từ thiện khác. Bởi vậy tôi phải liên lạc để tìm người ở làng Long Phú để giúp tôi trong việc phát quà cho kẻ bất hạnh chưa được ai biết đến.
Nhờ sự giúp đỡ của mấy người trẻ có lòng trong nước, tôi đã liên lạc được một linh mục, đang phụ trách một giáo xứ ở làng Long Phú tên Việt. Sau những thư từ liên lạc, nhà tu hành này sẵn sàng giúp chúng tôi trong việc phát quà.
Long Phú cách thành phố Sóc Trăng 15Km về phía đông. Phía bắc giáp sông Hậu, phía đông là biển Đông, phía tây là thành phố Sóc Trăng và huyện Mỹ Xuyên, phía tây bắc là các huyện Mỹ Tú và Kế Sách, phía nam là huyện Vĩnh Châu.
Long Phú là nơi gắn liền với công cuộc khai khẩn đất đai ở vùng đồng bằng sông Cửu Long. Với tính lao động cần cù của người dân nơi đây, từ nửa cuối thế kỷ 18, các thành phần cư dân khác nhau đã quy tụ về Long Phú ngày càng đông. Đa số dân ở đây là người Việt, số còn lại là đất lập nghiệp của người Hoa, người Khmer và một ít đồng bào các dân tộc khác. Rừng rậm và sình lầy dần dần nhường chỗ cho ruộng đồng và vườn tược. Xóm ấp dần được dựng lên. Nhiều địa danh xuất hiện trong buổi đầu của cuộc khẩn hoang lập ấp vẫn còn lưu lại cho đến tận ngày hôm nay. Người dân nơi đây cùng chung lưng đấu cật để tìm sự sống.
Cha Việt cho tôi biết, làng Long Phú không trồng hành nhiều như làng Vĩnh Châu nhưng dân quê cũng bị mù và khuyết tật rất nhiều, không hiểu vì lý do gì. Có thể vì thiếu nguồn nước sạch nên dân chỉ dùng nước phèn, ao tù nên làm hư những đôi mắt chăng? Cha đề nghị với tôi, thay vì phát quà, nên giúp dân nghèo đào những giếng nước để họ có nước sạch mà sinh sống. Tôi mừng rỡ chấp nhận ngay. Đó là điều tôi hằng mong muốn bấy lâu nay nhưng chưa gặp được người nào nhiệt tình, chịu giúp chúng tôi trong những việc này. Chỉ có các nhà tu hành chịu cực, lặn lội vào các vùng xa để giúp những việc nặng nhọc như vậy mà thôi.
Cha Việt xin Nhà Tình Thương Cái Rắn ủng hộ đào 10 giếng nước ờ vùng sâu vùng xa. Mỗi giếng nước có thể dùng cho 12 gia đình. Ngoài ra cha xin giúp 15 xe lăn cho những người khuyết tật nghèo, không có phương tiện di chuyển nên suốt đời chỉ quanh quẩn trong mái nhà rách nát. Mọi đề nghị của cha đều được chúng tôi chấp nhận, cộng thêm 200 phần quà phát cho dân nghèo ăn Tết.
Đoàn từ thiện chúng tôi gồm tám người, đại diện cho ba nhóm từ thiện nối tay nhau lên đường lúc 6 giờ rưỡi sáng. Tiền mướn xe đi Sóc Trăng cùng tiền mua bánh mì ăn dọc đường sẽ được cộng lại, chia cho đầu người để mọi người cùng chia chi phí.
Sài gòn cách Long Phú, tỉnh Sóc Trăng chỉ có 185km nhưng nếu không kẹt xe thì chạy khoảng hơn bốn, năm tiếng đồng hồ là đến. Chúng tôi dự trù đến nơi phát quà khoảng 2 giờ chiều nên phải đi sớm. Giao thông ở Việt nam không thể nào định trước được. Việc kẹt xe là chuyện thường. Bác tài đề nghị chúng tôi đi sớm chớ không thể tính toán thời gian đi đường bao lâu. Như vậy cũng hay, có dư thời giờ ghé đâu đó cho đoàn ăn trưa trước khi đến Sóc Trăng bắt tay làm việc càng tốt.
Đúng như lời bác tài nói. Ở VN bây giờ có thêm nhiều quốc lộ liên tỉnh nhưng các tài xế lái xe phải nhìn vào bảng giới hạn tốc độ liên tục. Không nói gì đến giao thông ở khu vực Sài Gòn, khu vực Bình Chánh càng làm mọi người sốt ruột khi vận tốc cho phép chỉ là 40km/giờ. Bác tài cho biết, phải lanh mắt nếu không muốn bị giấy phạt vì đang là 40km thì bảng cho giảm vận tốc xuống còn 20km cách đó không xa nên nếu xe lỡ chạy nhanh, không kịp xuống ga thì kể như ngày hôm đó làm việc không lương. Hãng xe bắt tài xế phải trả tiền phạt. Cho nên đường thì rộng mà các xe rồng rắn nối đuôi nhau chạy chậm chạp trên con đường xa lộ, một cảnh không bao giờ thấy bất cứ nơi nào. Xa lộ mà chạy 20 cây số một giờ các bạn ơi! Mà phải đi đúng đường đó nghe, nào là đường dành cho xe gắn máy, đường dành cho xe du lịch, đường dành cho xe bảng số nhà nước. Mấy ông kẹ với bảng số xe đặc biệt thì chạy phăng phăng, khỏi cần để ý đến vận tốc giới hạn hay công an vì có đường riêng. Quê hương tôi đó mà!
Xe chạy đến Cần Thơ thì điện thoại tay của Khanh reo lên. Cha Việt điện thoại thăm hỏi đoàn chúng tôi đi đến đâu rồi. Nhìn đồng hồ tay đúng 12 giờ trưa. Cha Việt đề nghị đoàn chúng tôi ở lại Cần Thơ chơi vì chương trình phát quà lúc 2 giờ mà giáo xứ không có chuẫn bị cơm trưa cho đoàn. Từ Cần Thơ đi Sóc Trăng cũng không xa nên chúng tôi có thừa thời gian để đi chơi.
Vậy cũng được. Cả đoàn không ai đói bụng vì mỗi người gậm một ổ bánh mì thịt trên xe rồi nên ai nấy đề nghị đi chợ nổi Cần thơ kiếm trái cây và kiếm chút hàng vặt ăn chơi. Tôi hăm hở mong được ăn một tô bún nước lèo trên ghe như đã được đọc qua sách vở. Nhưng khung cảnh trên sông vắng ngắt. Thì ra chợ nổi họp từ 3 giờ sáng đến 8 giờ sáng là vãng. Giờ là buổi trưa thì còn ai trên vùng sông nước này ngoại trừ những ghe đưa đón khách du lịch? Ghe thương lái đến đây mua bán từ sáng sớm, giờ đã đi hết cả rồi. Thôi kệ, đi chơi cho biết. Ghe ghé một bến vựa bán trái cây bên ven sông. Chúng tôi lên bờ mua vú sữa, mận, ổi rồi ngồi ăn tại chỗ. Mấy chị người Sài gòn thì xì xào nói giá cả chỗ này bán cũng bằng giá trên Sài gòn. Với tôi thì quá rẻ nên tôi im lặng thưởng thức đủ loại trái cây mà đã từ lâu tôi không được thưởng thức, no đến căng bụng.
Chừng một tiếng đồng hồ sau chúng tôi lại lên đường đến Long Phú.
Xe chạy vào khuôn viên nhà thờ. Một đám đông dân chúng đang chờ đợi. Một linh mục trẻ bước ra tự giới thiệu và hướng dẫn đoàn chúng tôi vào gian nhà ngang, nơi dân đang chờ đợi lãnh quà. Chúng tôi có cảm tình ngay với sự họat bát, lễ độ của cha Lý Việt này.
Dân Sóc Trăng gốc người Miên nhiều nên khuôn mặt người nào cũng có sắc da sậm màu, vẻ thật thà như đếm.
Tôi nói nhỏ với cha, nên bỏ bớt phần giới thiệu dài dòng để bắt tay vào việc phát quà ngay vì nhiều người khuyết tật trông có vẻ mệt mỏi quá. Cả đoàn tôi ai cũng thấy lòng quặn thắt khi thấy nhiều người tật nguyền tay chân còng queo mà xưa giờ không có một phương tiện nào để gia đình mang họ ra ngoài khỏi chái căn nhà. Mấy chiếc xe lăn được đưa ra phát trước. Cả đoàn vất vả phụ giúp khiêng người được nhận lên chiếc xe. Khuôn mặt dúm dó nhưng đôi mắt người nhận ánh lên một niềm vui. Tôi cố quay mặt đi hướng khác để không ai thấy đôi dòng lệ chợt dưng lên mắt. Có đi như vậy mới thấy mình được Trời ưu đãi quá nhiều.
Nhóm người của tôi ngạc nhiên khi thấy ở Long Phú, người mù cũng nhiều không thua làng Vĩnh Châu mà bấy lâu nay độc giả không ai biết. Tôi cám ơn những thiện nguyện viên trong nước đã chỉ dẫn cho tôi biết đến làng nghèo này. Tôi nguyện sẽ cố gắng và tiếp tục kêu gọi các vị mạnh thường quân nên hướng lòng về khu làng hẻo lánh không một ai biết đến này. Những kẻ lãnh quà không những nghèo mà còn mù, dò dẫm nhau ôm từng bịch quà. Việc giúp đỡ này như một chút muối bỏ vào lòng biển cả.
Nhìn hai vợ chồng trẻ đều bị mù, dò dẫm từng bước tựa nhau đi, trên khuôn mặt của đoàn từ thiện ai cũng có vẻ căng thẳng. Tôi đã từng đi nhiều nơi để làm từ thiện nhưng chưa thấy nơi nào dân khốn khổ, bần cùng như làng Long Phú này. Tội nghiệp quá. Nhìn bà cụ móm mém, mù lòa ôm phần quà của mình ra chờ xe ôm chở về, tôi không biết nói gì hơn. Cuộc đời cay nghiệt với họ quá.
Đây là lần đầu tiên đoàn từ thiện của chúng tôi vừa phát xe lăn, vừa phát quà cùng một lúc nên ai nấy bận rộn, mệt bở hơi tai. Xong phần phát quà, cha Việt cho nhóm người đại diện của mười khu dân cư được giếng nước chụp hình để cám ơn độc giả Thời Báo Canada đã giúp họ.
Tôi đã bàn tính với cha Việt trước, vì thời gian có hạn nên tôi không thể vào tận 10 xã xa xôi để xem việc thành hình giếng nước, chỉ nhờ cha chụp hình và cho người đại diện gặp tôi mà thôi. Mọi việc diễn ra tốt đẹp. Các cụ già cầm tay chúng tôi nói – cho vàng họ cũng không mừng bằng bây giờ có nước sạch hứng về nhà xài. Họ ao ước có được nước ngọt để dùng mấy chục năm nay, đến bây giờ ước mơ mới thực hiện. Tôi nghĩ trong đầu, có thể vì thiếu nước sạch nên người ta mới bị mù nhiều đến như vậy, không chỉ vì hơi hành như ở làng Vĩnh Châu? Nơi đây dân không trồng hành nhưng tại sao vẫn mù?
Trước khi đi Sóc Trăng, tôi cũng đã tìm hiểu về làng Vĩnh Châu với số người mù quá cao. Theo lời nói của ông Huỳnh Văn Hồng, trưởng Phòng Y tế thị xã Vĩnh Châu, có nhiều nguyên nhân gây mù lòa là do bụi hành, hơi cay khi bóc củ hành xộc vào mắt. Nhiều người thường lấy tay dụi mắt gây viêm loét. Theo người dân trồng hành tím ở xã Hòa Lạc, trước đây bà con dùng chất DDT, một loại hóa chất độc hại để bảo quản nhưng chính quyền địa phương đã cấm nên họ chuyển sang dùng thuốc trừ sâu Mipcin để làm phấn ủ bảo quản củ hành. Nếu không trộn phấn bảo quản thì chỉ trong vòng một tuần, củ hành bị kiến và sâu tấn công hư thối hết. Dân quê cũng biết mấy chất bảo quản này không tốt nhưng không được ai hướng dẫn cách nào khác để giữ hành khỏi hư nên vẫn phải dùng. Khi con người tiếp xúc với các loại hóa chất này có thể bị xâm nhiễm qua da, nếu bay vào mắt hoặc dùng tay dính các chất này, dụi vào mắt sẽ dẫn đến viêm giác mạc, gây loét giác mạc, nhiễm trùng và mù mắt. Nếu kịp thời đến bệnh viện chữa sớm khi mới bị viêm trong hai ba ngày đầu thì bác sĩ còn có thể can thiệp được. Để chậm hơn sẽ bị loét giác mạc, rất khó cứu chữa. Hội Hồng thập tự và các đoàn thể đã vận động bà con đi khám, mổ mắt… mỗi năm khoảng 300 trường hợp. Bây giờ nhìn số người mù đông đảo ở làng Long Phú tôi đâm ngẩn ngơ. Họ không có trồng hành nhưng tại sao vẫn mù? Trí óc tôi hoang mang… Câu trả lời quá tầm hiểu biết của tôi.
Tôi cảm thấy vui trong lòng vì đã nối được nhịp cầu, biết đến một làng hẻo lánh chưa ai biết đến để mà kêu gọi lòng hảo tâm của các người khác. Nhìn khuôn mặt vui sướng của các gia đình nghèo khi thấy dòng nước trong chảy ra từ vòi nước. Ước mơ quá tầm thường. Hạnh phúc quá giản dị. Tôi hy vọng trong tương lai quỹ từ thiện của Nhà Tình Thương Cái Rắn có thêm tiền để chúng tôi có thể giúp thêm dân nghèo ở đây mấy giếng nước. Đó là một sự giúp đỡ thiết thực và lâu dài. Tôi cám ơn vị chủ chiên ở đây đã không quản công khó nhọc đi vào vùng xa xôi để lo việc đào giếng. Cực lắm, phải là người có trái tim Bồ Tát mới hy sinh như vậy vào những ngày bận rộn cuối năm.
Xong việc phát quà cho người lớn, cha Việt chỉ chúng tôi mấy phòng nghỉ để chúng tôi nghỉ ngơi một chút rồi năm giờ chiều sẽ đến phần phát xe đạp và sách vở cho học sinh nghèo, hiếu học. Giờ giấc thay đổi, tôi mới đến VN có hai ngày nên mệt đừ, chỉ muốn nằm lăn ra ngủ. Nghe còn phần phát quà kế tiếp tôi cảm thấy ngán ngẫm trong bụng. Tôi và hai chị thiện nguyện chia nhau trong một phòng chỉ có một chiếc giường nhỏ và chiếc ghế bố. Tôi không khách sáo, leo lên giường chỉ muốn nằm vật ra mà ngủ thôi. Cũng giống như ở những nơi xa xôi tôi đến phát quà, chỗ này cũng không có nước. Chúng tôi chạy qua chạy lại, nhìn phòng nọ phòng kia để xem nơi nào có nước cho tiện việc vệ sinh. Ông cha Việt này thật giỏi. Nhà thờ này vừa mới cất coi bộ khang trang, chưa khánh thành, do công của cha đi quyên góp ở các giáo xứ trên Sài gòn nên bây giờ giáo xứ Long phú mới có được một chỗ rộng rãi nhưng còn thiếu thốn tiện nghi, gạch đá còn chất vương vãi khắp nơi. Rầu quá, người ngợm rít chịt mà không có nước thì khó chịu vô cùng. Bây giờ tôi mới hiểu tại sao dân nghèo thèm nước hơn thèm vàng.
Trong lúc tôi lơ mơ nằm trên gác nói chuyện với hai chị dòng ba thì dưới nhà, Bích và Khanh lo sắp xếp tập vở, bánh kẹo bỏ vào từng bao để lát nữa phát cho các em học sinh nghèo. Đây là phần góp tay của nhóm bạn trẻ Nhịp Cầu Từ Thiện (NCTT) ở Việt Nam. Nhóm của Khanh đồng ý phát giúp cho các em nghèo đồng phục để đi học. Vì là dân làm thương mại nên Khanh rất lanh lợi, không mua quần áo may sẵn vì không biết các em kích cỡ bao nhiêu nên đã liên lạc với một nhà buôn địa phương, sẽ giao quần áo sau khi đoàn đo kích cỡ các em được lãnh, gửi về và họ sẽ giao hàng đến.
Khoảng một tiếng đồng hồ sau, chúng tôi đi xuống nhà thì thấy một đống quà sách vở, bánh kẹo đã được cho bao ny lông. Nhóm NCTT đã góp tay mua 1000 quyển tập và bánh kẹo để phát cho học sinh nghèo. Nhìn các em học sinh líu lo khiến ai nấy quên mệt mỏi. Mười chiếc xe đạp do Nhà Tình Thương Cái Rắn tặng cho các em nghèo, hiếu học. Nhìn khuôn mặt các em rạng rỡ dưới ánh nắng chiều. Niềm mơ ước có được chiếc xe đạp để đến trường đối với các gia đình ở vào hoàn cảnh chật vật là một ước mơ không thể thực hiện được. Các em sờ soạng chiếc xe như muốn biết đây không phải là giấc mơ.
Cha Việt thật có óc tổ chức. Người lớn cũng như trẻ em, ai có tên trong danh sách thì nhận được một phiếu lãnh. Chỉ việc xếp hàng rồi đưa phiếu cho người phát nên mọi việc diễn ra cách trật tự, nhanh chóng. Em nào không có tên trong danh sách thì chúng tôi phát cho bánh kẹo còn lại cho các em vui. Chưa bao giờ có đoàn từ thiện nào về làng Long Phú này nên tất cả mọi người đều vui mừng hớn hở.
Phần phát tập vở và xe đạp xong xuôi, nhìn đồng hồ đã 6 giờ chiều. Cha Việt đề nghị mọi người sữa soạn ăn cơm tối do các sơ nấu. Phần phát quần áo đồng phục để vào sáng hôm sau vì không có đủ thời giờ. Mọi người nghe ăn thì vui lên vì ai cũng đói bụng rồi. Cả ngày chỉ có ổ bánh mì, chai nước lạnh và một mớ trái cây miệt vườn mà thôi. Lâu ngày được ăn những món ăn đồng quê như cá sặc chiên chấm nước mắm, canh chua bông súng, cá kho tộ… ngon ơi là ngon.
Giờ tới phiên đi kiếm nước để tắm táp. Dè sẻn từng gáo nước xối lên mình. Cha Việt mang cho mỗi phòng một cây quạt máy, tuổi đời không thua mấy cây quạt máy của cha Hậu ở Cái Rắn. Có còn hơn không. Chúng tôi xúm nhau giăng mùng để ngủ. Chiếc mùng của tôi thuộc loại tố lãm (tám lỗ), tôi phải lây dây cao su cột lại mấy lỗ to bằng bàn tay. Tôi tưởng chỉ có muỗi Cà Mau mới đáng sợ nên chủ quan không mang theo thuốc trừ muỗi. Hai chị dòng ba kiếm không ra chỗ cột giây mùng nên không thèm giăng, ỷ y có chiếc quạt máy. Tôi nằm trên giường, chỉ mấy phút sau là lăn quay ra ngủ. Đến nửa đêm chúng tôi lục tục dậy vì muỗi cắn quá sức, hai chị nằm dưới đất quyết định phải giăng mùng lên. Đèn đuốc tối om. Tôi phải bật chiếc điện thoại lên để dùng ánh sáng cho các chị cột mùng. Muỗi Sóc Trăng cũng dữ dội không thua muỗi Cà Mau. Hai tay tôi bắt đầu gãi liên tục trên ống chân, không thể tiếp tục ngủ thêm được. Ngày hôm sau những vết muỗi đốt sưng tấy lên, gãi đến chảy máu mà vẫn không hết ngứa.
Làm từ thiện phải chịu cực mới hiểu được nỗi khỗ của dân nghèo. Giống như năm ngoái ở Châu đốc, Khanh tặng cho giáo xứ cha Việt năm chục đô la riêng, dặn cha dùng số tiền này để mua mấy cây lau nhà để dành sang năm cô nàng có xuống, có dụng cụ để lau chùi phòng sạch sẽ khiến vị linh mục, mấy nữ tu và cả đoàn cười muốn bể bụng.
Sau buổi ăn sáng, nhóm của Bích và Khanh bận rộn đo kích thước các em được nhận lãnh đồng phục. Thật là một ý kiến hay vì có em cao, em thấp dù cùng một lứa tuổi. Năm nay các em bé con nhà nghèo này có áo mới để đi học, chắc là vui lắm. Tôi nhớ lại tuổi thơ, mỗi khi Tết đến, được mẹ sắm cho bộ đồ mới đi xum xoe, sướng vô cùng.
Chúng tôi chụp hình chung, từ giả cha Việt và các nữ tu ở làng Long Phú, hẹn sẽ gặp lại. Bích hứa sẽ kêu gọi các bạn bè trong nước đến đây giúp đỡ lần nữa. Đi làm từ thiện nhiều chỗ, không như những Việt kiều ngờ nghệch như tôi , nhóm người của Bích biết rành rỏ những địa điểm nào trong nước đáng được giúp hơn cả. Cô gái trẻ đầy nhiệt huyết này, ngày hôm sau đã viết bài và đăng hình chuyến đi từ thiện ở Long Phú cho các bạn bè biết. Độc giả có thể đọc thêm bài của cô nàng ở blog: http://nhipcaututhien.info/diendan/showthread.php?p=3014#post3014 để xem thêm hình ảnh. Mạnh thường quân nào muốn giúp đỡ đồng bào nghèo ở vùng Long Phú, Sóc Trăng này có thể liên lạc với cha Việt ở địa chỉ: antviet07@gmail.com, điện thoại: 0986498690.
Còn bao nhiêu kẻ khuyết tật mơ có một xe lăn. Còn bao nhiêu người mù ở làng này đang cần một giếng nước sạch để uống. Đây là sự giúp đỡ thiết thực nhất mà mọi người mong đợi. Giúp cho người đói chiếc cần câu để câu cá mà ăn. Những gói quà chỉ giúp họ được một tháng nhưng năm dài tháng rộng, họ lấy gì để sinh tồn đây? Cha Việt đề nghị các nhà hảo tâm nếu được, có thể giúp cho dân nghèo những chiếc ghe để họ thay phiên nhau dùng đó làm phương tiện mà sinh sống. Miền đồng quê này không thiếu cá nhưng dân nghèo không có phương tiện để kiếm ăn. Một ghe nhỏ đơn sơ giá khoảng vài trăm bạc.
Tôi hy vọng với những giếng nước trong lành do quỹ Thời Báo giúp họ, cách gián tiếp giảm được cảnh mù lòa ở vùng này. Chính vì phải dùng nước phèn, nước ao tù rửa mặt nên đã ảnh hưỡng đến đôi mắt của họ, không biết có phải không?
Chiếc xe buýt lăn bánh rời khỏi làng, để lại trong lòng mọi người chút luyến lưu. Trước khi đến đây, chúng tôi dự tính sau khi phát quà sẽ đi thăm viếng thắng cảnh ở đây như chùa Dơi, chùa Đẩt Sét… Nhưng hôm qua đã chứng kiến cảnh khốn cùng của những người bất hạnh ở đây, người mù loà, khuyết tật, dị dạng lần mò ôm túi thực phẫm đi ra… chúng tôi không còn thấy hứng thú để đi đâu nữa. Mọi người im lặng, ai cũng có những suy nghĩ trong đầu là làm sao để có tiền giúp thêm những người bất hạnh ở đây. Cần thêm xe lăn, cần thêm giếng nước ngọt! Tôi không tưởng tượng được cảnh bà mẹ ôm đứa con hai mươi tuổi, thân người cong queo đặt lên chiếc xe lăn. Bà cho biết từ khi sanh ra, bà không thể mang con ra khỏi nhà với thân hình dị dạng như vậy. Giờ có chiếc xe, ít ra bà có thể đẩy con ra ngoài để nó thấy ánh nắng mặt trời. Hình ảnh cụ già mù quờ quạng với cây gậy, ngồi chờ xe ôm chở bà về với chút quà trợ cấp, tim tôi quặn thắt. Tại sao cuộc đời có nhiều cảnh bất công quá vậy? Kẻ có tiền vung bạc ngàn ra để mua vui, quên đi kẻ khác đang cần một bữa cơm đầy bụng, một ly nước trong lành để uống?
Tôi chỉ cầu xin mọi an lành cho dân nghèo trên quê hương của tôi. Cầu xin hạnh phúc đến với mọi người trong những ước mơ tầm thường nhất.
Hẹn ngày trở lại.