Trong lúc đoàn chúng tôi trên đường đi Sóc Trăng thì nhóm khác, do cha Bình và cha Quốc Anh, giám đốc cơ quan Caritas Hưng Hóa, đang lo đi phát quà ở vùng biên giới Lào Cai. Cha Hậu và cha chánh xứ có mời tôi đến vùng biên giới miền Bắc để biết cái nghèo của đồng bào ở đây. Các linh mục bảo đảm với tôi là đến Hà nội thì sẽ có xe của cơ quan Caritas đưa tôi đi Lào Cai, có 370km chớ mấy, an toàn không có gì phải lo. Eo ôi, tôi nhớ đến những đọan đường đi miền Tây, trên dưới 300 cây số mà mất cả ngày đi đường. Tôi thích đi lắm nhưng thời gian không cho phép, vả lại tôi nghĩ cha Hậu từng làm chủ chiên ở vùng Cái Rắn, Cà Mau, đã quen việc giúp người nghèo thì tôi chỉ nhờ các cha đại diện Nhà Tình Thương Cái Rắn mà mang chút quà chia xẻ cho đồng bào bất hạnh. Các linh mục đề nghị hội từ thiện giúp học bỗng cho các học sinh nghèo. Vùng đất mọi người nhắm đến là Sapa.

Nghe đến tên Sapa, ai cũng biết đến như một địa điểm du lịch ở miền Bắc với hình ảnh những dân tộc thiểu số, áo quần sặc sỡ. Dân tộc H’mông, còn được gọi là người Mèo, là một dân tộc sinh sống đông nhất ở Sapa, chiếm khoảng 53% dân số. Trước đây họ là tộc người làm lúa nước rất giỏi, sống dọc theo khu vực sông Dương Tử ở Trung Hoa. Trong một cuộc xung đột với tộc người Hán, phần đông họ di cư về phía Nam và chia thành nhiều nhóm nhỏ. Những tộc người H’Mông đầu tiên đến Sapa thì tập trung nhiều nhất ở dãy Hoàng Liên Sơn từ khoảng 300 năm trước. Sống nơi núi non hiểm trở, thiếu đất đai màu mỡ nhưng với kinh nghiệm trồng lúa nước từ xa xưa, người H’mông đã san đắp những sườn núi, sườn đồi thành những thửa ruộng bậc thang độc đáo, mỗi năm có thể trồng được hai vụ lúa hoặc hai vụ bắp. Nguồn sống chính là trồng bắp, lúa, lúa mạch. Ngoài ra, người nông dân còn trồng lanh để lấy sợi dệt vải, là những hoạt động sản xuất đặc sắc của người H’mông. Du khách có dịp lên Sapa vào mùa thu, lúc lúa chín rộ sẽ vô cùng ngạc nhiên khi nhìn thấy vô số ruộng bậc thang từ thấp lên cao, vàng óng quanh co uốn lượn dọc theo sườn núi. Có thể nói đó là một trong những cảnh quan đẹp nhất vùng núi cao Tây Bắc.

Cuộc sống của dân nơi đây còn rất nhiều khó khăn. Họ sống trong những ngôi nhà lụp xụp, được chắn bằng vách nứa. Hầu hết, tài sản của mỗi gia đình là hai chiếc giường, vài cái bát ăn cơm.  Vật dụng quí giá nhất trong mỗi căn nhà là lu nước bằng sành và cối xay gạo. Trong xóm chỉ vài ba gia đình có điện còn hầu hết là xài đèn dầu. Đường dốc quanh co, từ làng bản ra đến thị trấn để mua bán cũng vài cây số, đường đi khó khăn nên khi trời mưa, dân trong bản chỉ lúc thúc trong nhà.

Trình độ dân trí thấp nên phần đông trai gái lấy nhau ở tuổi từ 14, 15. Đã nghèo mà gia đình nào cũng đông con, trung bình mỗi gia đình có bốn hay năm con, thiếu thốn đủ mọi thứ.

Thời tiết mùa đông ở đây khá khắc nghiệt, giống như năm nay vào dịp cuối năm, nhiệt độ có khi xuống 0 độ. Con nít vẫn đi chân trần, áo quần mong manh trong căn nhà trống tuyếch toác. Để chống với cái lạnh, dân nghèo chỉ biết đốt lửa rồi mọi người ngồi, nằm quây quần bên ánh lửa để tìm hơi ấm. Nhà nào có nuôi súc vật cũng được lùa vào nằm kế bên con người.

Cha Ngô Phúc Hậu từ khi rời mảnh đất Cái Rắn, Cà Mau, ngài thích lên vùng biên giới để thăm nom, giúp đỡ cho đám dân nghèo này. Ở miền Nam dân nghèo nhưng không chịu cảnh gió rét như đồng bào nghèo ở vùng xa miền Bắc. Cha kêu gọi các nhà từ thiện đừng quên đám dân tộc thiểu số sống khổ cực ở vùng xa. Nhìn đám con nít đi học, áo quần lếch thếch, đứa đi dép, đứa đi chân không, tay xách gà mên cơm trắng dùng bữa trưa, đi trong làn sương mù buổi sáng thật tội nghiệp. Đứa con nít nào được đi học thì lấy làm thích lắm và rất hiếu học. Có lẽ cha mẹ chúng cũng biết nếu đám con cháu này không có chút chữ lận lưng thì cuộc đời cũng chỉ tiếp tục trong nghèo đói mà thôi. Các linh mục và nữ tu cũng về nơi đèo heo hút gió này để hướng dẫn dân trong bản về sinh họat hàng ngày: đạo và đời. Mấy ông cha xứ nơi đây đã kêu gọi giáo dân ở các giáo phận sung túc hơn, mở lòng giúp đỡ cho đám dân tộc thiểu số bị bỏ quên này. Cơ quan Caritas cũng làm việc hăng say trong việc xin quỹ cứu trợ. Tôi đã trực tiếp nói chuyện với cha giám đốc cơ quan này. Cha Anh cho biết, muốn giúp đỡ dân nghèo ở đây thì đích thân các nhà tu hành phải mua từng bao gạo, từng bịch mắm muối mà mang đến cho họ. Không dám đưa tiền mặt vì dân nghèo, thiếu sự hiểu biết, cầm tiền trong tay không biết xử dụng…Nhà hết gạo nhưng có tiền họ có thể mua những món đồ vớ vẫn cho thoả chí tò mò mà trong đời họ chưa bao giờ có.

Người dân ở đây chịu ảnh hưởng rất nhiều về thời tiết, nhất là về mùa này, từ cuối năm cho tới tháng 5 năm sau, không trồng cấy được gì để sinh sống, vì thời tiết lạnh. Mùa đông đàn bà ở nhà thêu vá quần áo cho cả gia đình. Đàn ông một số ít chạy xe ôm kiếm tiền cho gia đình và đi rừng lấy củi chuẩn bị cho mùa rét. Phần đông các gia đình trong một năm thiếu gạo ăn ít nhất từ 3 đến 6 tháng. Ngoài cái đói còn cái lạnh, kèm theo quần áo không đủ mặc, giặt không khô được, vì vậy các em gặp nhiều khó khăn trong việc đi học. Các em chỉ học vài lớp rồi bỏ, một phần phải ở nhà thêu hoặc đi kiếm củi. Có khi bố mẹ bắt bỏ học ở nhà trông em cho bố mẹ đi làm.

Phần các em đang đang học tiểu học, có bản ăn trưa tại trường, có nơi các em tự đem cơm bố mẹ nấu từ nhà đem theo. Trưa nghỉ học tự lấy cơm ăn với muối ớt, nhưng phần nhiều các em chỉ ăn nguyên cơm không, chan nước giếng làm canh. Còn các em học sinh trung học cấp hai cũng tương tự như vậy. Ở bản Hầu Thào, vì trường xa nên các em phải ở lại trường, tự nấu  ăn chung với nhau, cuối tuần mới được về gia đình. Cái khó cho cho việc học của các em nơi đây là vì vậy. Vì không đủ ăn, tiền không có tiêu, nên các em chỉ muốn bỏ học để đi kiếm tiền. Những em nhỏ  kiếm tiền bằng cách thêu những túi vải và những mảnh thổ cẩm đơn sơ đi bán cho khách du lịch để lo cho bản thân và gia đình. Sự học của các em nơi đây còn gặp rất nhiều khó khăn vì hoàn cảnh và thời tiết giá lạnh. Mưa nhiều, trường xa… đi hoc phải ở lại trường đó là một điều khó khăn nhất cho các em.

image003

Các em bé chân không đến trường, tay xách gà mên cơm…

Ở Sapa thời tiết lạnh, buổi sáng có sương mù. Du khách thích đến đây để nhìn mây lãng đãng quanh đồi núi. Cảnh thì đẹp nhưng khi nhìn thấy dân địa phương thiếu quần áo ấm mặc trong mùa đông, nhìn các em bé thịt da tím bầm, ai cũng thấy quặn thắt trong lòng. Khuôn mặt các em bé lem luốc, dơ dáy, thiếu nét hồn nhiên của các em bé ở phương trời Tây. Ngoài những giờ học, các em nhỏ 7, 8 tuổi đã phải làm việc như tải hàng cho gia đình hay hàng xóm để kiếm thêm chút tiền mua gạo cho gia đình.

Cha Hậu từ khi rời Cái Rắn, cha quan tâm nhiều đến đồng bào nghèo ở vùng sâu Bắc việt. Bao nhiêu lần cha mời tôi đi đến nơi để tận mắt thấy cảnh dân sống nơi đây để mà thương. Thú thật, tôi không dám mạo hiễm như các nhà tu hành, lặn lội đi đến vùng xa xôi ở sát cạnh biên giới bọn Tàu phù, lỡ một ngày đẹp trời nào chúng tràn qua thì có nước chết. Du khách đến đây cũng chỉ đi viếng cảnh quanh thị trấn Sapa và các bản lân cận mà thôi.

Tuổi thơ của các em bé ở Sapa

Tuổi thơ của các em bé ở Sapa

Điều khiến cho mọi người, các nhà xã hội và chính quyền phải lưu tâm là càng ngày càng có nhiều sự xuất hiện của các đứa con lai tóc vàng, mủi cao trong đám trẻ em người H’mông ở đây. Chúng là kết quả của những mối tình chóng vánh của những ông khách tây ba lô đến đây. Họ là những kẻ lười lao động, ăn lương trợ cấp thất nghiệp hay xã hội rồi lang thang sang Việt Nam, đi du lịch rẻ tiền. Những người này thường đi chơi dài hạn vài ba tuần hay cả tháng trời, tìm cách làm quen rồi dùng tiền để mua chuộc sự trong trắng ngây thơ của các thiếu nữ người bản địa để thỏa mãn nhu cầu của họ. Vì nghĩ là chỉ gặp một lần để vui chơi nên mấy ông tây ba lô này không thèm sử dụng biện pháp phòng ngừa thai. Các cô thiếu nữ mới lớn chưa hiểu rõ sự đời, mang thai mà không hề hay biết. Đến khi anh chàng kia biến mất hút đi chốn nào thì cô gái mang bầu, đẻ ra những đứa con lai tóc vàng, khiến đứa nhỏ lớn lên phải chịu nhiều sự chê bai, những ánh mắt soi mói, trêu chọc của bạn bè.

Thêm một tệ trạng nữa ở đây là tập tục bắt vợ. Khi chàng trai người H’mông thích cô gái nào đó thì rủ bạn bè đi kéo cô gái đó về giấu trong nhà. Sau khi kéo về nhà để tìm hiểu trong ba ngày, nếu hợp nhau thì chàng trai ấy bảo bố mẹ đem lễ sang nhà gái xin cưới. Lợi dụng tục lệ này, bọn buôn người đã lặn lội đến các bản xa xôi để làm quen và bắt cóc các cô gái mới lớn sang biên giới bán cho các nhà thổ bên Tàu. Nhiều gia đình khi mất con gái, cứ tưởng là con mình đang bị một chàng rể nào bắt để làm vợ. Chờ đến sau ba ngày hết hạn tục, không thấy sính lễ của chàng rễ mang đến mới đi báo chính quyền thì đã quá muộn. Tuổi lấy chồng ở đây chỉ vào lứa tuổi 13 hay 14 nên các cô gái vẫn còn ngây thơ. Những bông hoa rừng đẹp hoang dại khi bị bắt đi vẫn nghĩ chỉ đơn giản là tục bắt vợ, không ngờ rằng mình có thể là nạn nhân của những kẻ buôn người.

Chính vì điểm này mà các nữ tu của dòng Mến Thánh Giá và các linh mục đã được đề cử về vùng đất này để gần gủi và chỉ dẫn cho dân làng với trình độ thấp kém hiểu thế nào là sự lừa lọc của kẻ gian trá. Các nhà tu hành khuyến khích và giúp đỡ các học sinh nghèo, mong chúng có chút kiến thức để giúp cho bạn bè, thân nhân của mình. Nhà Tình Thương Cái Rắn, theo lời yêu cầu của cha giám đốc Caritas, giúp 100 học bỗng cho các em nghèo, mỗi em được số tiền khiêm nhượng là 25 đô la, đủ tiền đóng học phí trong một năm.

Đàn chim non với thư cám ơn dành cho các nhà hảo tâm

Đàn chim non với thư cám ơn dành cho các nhà hảo tâm

Có một gia cảnh đặc biệt mà soeur Quyền ở Sapa xin các mạnh thường quân giúp đỡ riêng cho gia đình anh Lồ A Sang sinh năm 1978, hoàn cảnh rất éo le, mong mọi người có thể giúp đỡ anh được phần nào để anh vơi đi nỗi khổ. Hiện giờ anh đang phải độc thân nuôi 6 người con. Người vợ đã chết từ tháng 3 năm 2012, để lại cho anh sáu đứa con nhỏ. Anh lại bị mù một bên mắt trái từ khi mới được hai tuổi, hiện giờ anh chỉ có một mắt thôi. Vợ chết đi, anh sống trong cảnh gà trống nuôi con. Hai vợ chồng có tất cả bảy người con. Đứa con gái lớn năm nay 16 tuổi đã đi lấy chồng. Người  con thứ hai Lồ A Tinh 13 tuối đang học lớp 6, con thứ  ba sinh 2002 Lồ Thị Dinh đang học lớp 4, con thứ tư Lồ Thị Di sinh 2005 học mẫu giáo, con thứ năm Lồ A Phồng sinh 2006 đang học mẫu giáo, con thứ sáu Lồ A Dơ sinh 2008, con út sinh 2010. Tội nghiệp cậu con út mới được hơn một tuổi thì đã mồ côi mẹ.  Hiện giờ ngày ngày anh ở nhà trông hai đứa con nhỏ, còn những đứa lớn đi học. Anh không thể làm được ruộng nương trong thời gian này vì không có ai trông con, chỉ nhờ anh em hàng xóm làm giúp một tay để lấy thóc gạo nuôi con.

Những tấm hình chụp gửi sang ngay để tôi nhìn gia cảnh thật của gia đình này. Mùa đông năm nay miền Bắc giá rét hơn mọi năm nhưng các con nhỏ của anh Sang có đứa ở truồng, đứa đi chân không. Căn nhà trống tuyếch bằng vách phên, làm sao chống chọi với thời tiết 2 độ C đây? Tôi nhờ cha Anh của cơ quan Caritas ứng tiền trước để mua gấp số chăn mền, giầy dép và áo ấm giúp gia đình này khẫn cấp. Tội nghiệp quá đi thôi.

Gia đình anh Sang trong sương mù

Gia đình anh Sang trong sương mù

image011

Quà cứu trợ khẫn cấp giúp gia đình kẻ bất hạnh

Quà cứu trợ khẫn cấp giúp gia đình kẻ bất hạnh

Tôi xin kêu gọi lòng hảo tâm của các độc giả, nếu có thể được thì một người nhận một đứa con nào trong gia đình anh này làm con đỡ đầu, giúp chúng nó về lâu về dài để chúng có phương tiện cắp sách đến trường. Mỗi tháng giúp cho một em chỉ là 25 đô la. Hoặc có thể viết thư an ủi tinh thần mấy đứa trẻ thơ thiếu tình thương của người mẹ, để động viên tinh thần tụi nó. Sự giúp đỡ này có thể liên lạc qua địa chỉ:

  • Linh muc Phêrô Phạm Thanh Bình
  • Nhà  thờ Sapa, Thị trấn Sapa, Lào Cai
  • Điện thoại: 0912234500.
  • Email: bibaha@gmail.com

Hoặc địa chỉ:

  • Linh mục Phaolô Nguyen Quốc Anh
  • Giám đốc Caritas Hưng Hoá
  • Điện thoại: 0986485068 ; 0945577172 – Email: paulquocanhtgm@gmail.com

Địa chỉ gia đình nhà Anh Lồ A Sang, Bản Thôn Lý, xã Lao Chải

Huyện Sapa, Thị Trấn Sapa- Tỉnh Lào Cai

Đang khi viết bài này thì tôi nhận được email của cha Bình ở Sapa cho biết hai đứa con nhỏ của anh Sang đang nằm bệnh viện vì không chịu nỗi khí hậu lạnh của năm nay, hình như bị sưng phổi. Cầu xin mọi an bình đến gia đình nhỏ bé này.

You may also like

Comments are closed.