Trở về vùng quê hương thứ hai của tôi với bầu không khí lạnh cắt da đã hơn một tuần lễ nhưng tôi vẫn còn cảm giác lâng lâng như tôi còn đang ở vùng đồng bằng sông Cửu long. Chuyến đi về Việt nam lần thứ hai sau 30 năm xa cách quê hương đã để lại cho tôi nhiều kỷ niệm thật khó quên trong đời. Vừa vui, vừa buồn, vì đây là chuyến công tác từ thiện của gia đình tôi trên quê hương nghèo khổ.

Đặt chân xuống phi trường Tân Sơn Nhất vào ngày gần cuối năm dương lịch, một điều tôi cảm nhận đầu tiên là bầu không khí oi bức ập vào mặt, dù lúc đó đã nửa khuya. Thật là tương phản với thời tiết cắt da của vùng đất Ottawa của tôi lúc khởi hành là -15 độ C, nơi được mọi người âu yếm đặt tên là “xứ lạnh, tình nồng”. Xuất hành không chọn ngày, ngày lên đường của chúng tôi, chỉ sau vài tiếng đồng hồ xảy biến cố của tên khủng bố muốn nổ bom ở phi trường Chicago nên lần đầu tiên chúng tôi và tất cả hành khách được “vuốt ve”, sờ nắn kỹ lưỡng thân thể, từ háng cho tới nách. Hành lý xách tay bị giới hạn đến tối thiểu. Hành lý gửi đi cũng bị khám xét kỷ càng. Kết quả khi đến Tân Sơn Nhất, bao nhiêu hành lý của đòan chúng tôi không đến kịp với người. Đành ra khỏi phi trường, mỗi người với một túi xách tay nhỏ xíu.

Khung cảnh phi trường thật nhộn nhịp mặc dù trời đã về khuya. Người ta đứng chờ đón thân nhân đến bên ngòai hàng rào cản rất đông. Gia đình tôi không còn một ai ở đây nên chúng tôi không cần tìm những khuôn mặt của người đi đón. Nhưng ơ kìa, thật là bất ngờ và cảm động khi vợ chồng người bạn tôi quen biết trong nhóm người của cha Ngô Phúc Hậu đã chờ sẵn ở sân bay. Sau màn chào hỏi chớp nhóang, bạn tôi cũng biết chúng tôi mệt nhừ sau chuyến bay dài nên dẫn đòan người chúng tôi ra ngòai để đón tắc xi về khách sạn. Người vợ nhiệt tình nhét vào tay tôi, cho mượn 1 triệu đồng Việt nam (tương đương với 50 Mỹ kim) để có tiền xài tạm. Anh tài xế lưu manh ra giá cuốc xe từ phi trường về đến khách sạn gần chợ Bến Thành là 350 ngàn đồng. Còn đang ngơ ngác, chưa biết giá trị của đồng tiền ở đây như thế nào nên không biết phải trả giá ra sao. Một phần không khí ồn ào, náo nhiệt, nóng nực ở phi trường khiến tất cả chúng tôi bị chóang váng. Gật đầu đại cho rồi.

Khi về đến khách sạn, đang đứng làm thủ tục giấy tờ lấy phòng thì một chiếc xe tắc xi khác xịch đổ trước cửa. Gia đình cô em gái tôi từ Ohio bên Mỹ, đi khác chuyến bay mà cũng đến một lượt. Hỏi ra thì thêm tức. Cô em tôi chỉ trả có 150 ngàn đồng tiền tắc xi đi từ phi trường về khách sạn mà thôi. Âu cũng là một bài học. Người nội địa đón chào Việt kiều ấy mà!

Sau mấy mấy ngày ở đây thì chúng tôi đã rành “sáu câu” khi xử dụng tắc xi. Chỉ chọn những tắc xi của hãng Vinasun hoặc Mai Linh với đồng hồ nhảy đàng hòang thì khỏi bị tức ấm ách vì bị mấy anh tài “chơi đểu”. Một bài học cho kẻ đến sau. Xe tắc xi hãng Vinasun có đồng hồ tính tiền với giá cả để trong xe cho khách xem. 1km là 10 ngàn đồng Việt nam. Từ phi trường Tân sơn nhất đển trung tâm thành phố, lấy điểm mốc chợ Bến Thành, tối đa là 10 cây số. Nếu không kẹt xe ở giờ cao điểm thì dễ tính tóan tiền cho cuốc xe của mình.

Lấy phòng xong, nhìn đồng hồ đã 12 giờ 30 khuya nhưng ai bụng cũng cồn cào. Hai mươi bốn tiếng đồng hồ trên máy bay và chờ đợi trên phi trường làm mọi người mệt lã. Nhưng phải tìm cái gì bỏ vào bụng mới có thể leo lên giường được. Mặc dù đi chuyến bay của hãng hàng không Japan Airlines với sự phục vụ phải nói là hạng nhất, ba bữa ăn cùng những lần phục vụ thức uống liên tục bởi những cô tiếp viên trẻ, xinh đẹp và lịch sự khiến hành khách không ai có thể phàn nàn một điều gi cả. Chẳng bù với hãng máy bay Air Canada của xứ tôi, mấy “bà già” tiếp viên nhìn đã thấy “ỏai” rồi. Đó là chưa kể thức ăn, dù có đói bụng cũng không có hứng nuốt.

Gia đình cô em gái và gia đình tôi rủ nhau cuốc bộ đi tìm một quán ăn khuya. Chuyện này không có gì là khó. Ở Sài gòn bây giờ hầu như góc đường nào, khu phố nào cùng có tiệm ăn, không lớn thì nhỏ. Một tô phở ở một tiệm bình dân chỉ giá 15 dến 20 ngàn một tô. Dĩ nhiên là ở Việt nam không có lọai tô “xe lửa” như ở vùng Bắc Mỹ này. Nhưng ăn một tô là đã thấy lưng lửng bụng rồi. Để dành bụng mà ăn thứ khác chứ. Đòan chúng tôi gồm tất cả 12 người nhưng ăn uống, trả tiền theo lối Mỹ, nghĩa là ai ăn nấy trả. Việc này khiến mấy nhà hàng ở Việt nam phải lóng cóng tính tiền thật là lâu. Chúng tôi chờ hóa đơn dài cả cổ thì được nhân viên cho biết như vậy. Họ lấy làm lạ tại sao cùng nhóm người trong gia đình mà không một hóa đơn mà phải có nhiều hóa đơn. Về sau chúng tôi giản tiện hóa cách trả tiền lối Mỹ này bằng cách mạnh ai nấy tính tóan số tiền thức ăn của mình rồi bỏ tiền ra chia trong hóa đơn.

Theo lịch trình chuyến đi, chúng tôi dự tính đi Phú Quốc hai ngày sau đó để rồi đến Cà Mau, nhưng hành lý bị thất lạc mãi đến ba ngày sau mới đến. Không có quần áo để thay đổi. Không có quà cáp cho bạn bè ngay khi gặp mặt. Thôi thì ở Sài gòn đón mừng năm mới. Lạ thật, dân Việt mình giỏi việc “ăn ké”. Tết tây mà thành phố nhộn nhịp từ 5 giờ chiều, kẹt xe không thể tưởng tượng được. Mọi người đổ xô nhau ra khắp nẻo đường ở trung tâm thành phố. Sài Gòn vốn bị quá tãi về lượng xe cộ. Giao thông hằng ngày đã rối mù. Những dịp lễ như Giáng sinh, Tết Tây như thế này thì xe hơi kể như chết cứng. Người đi bộ len giữa dòng xe cộ mà đi cách thản nhiên, mặc tiếng còi xe bóp inh ỏi, điếc tai. Du khách đến thành phố này mấy ngày đầu sẽ mướt mồ hôi vì sợ, lúc băng qua đường. Đường một chiều hay hai chiều thiên hạ vẫn bất kể. Cứ len lách nhau, có chỗ là chạy. Ở mấy ngã tư, thiên hạ chạy luồn lách nhau, không cần biết đèn xanh hay đèn đỏ. Tai nạn giao thông một ngày trung bình là mấy chục vụ. Chính quyền đau đầu không biết phải làm sao để giải quyết vấn đề này. Báo chí cứ ca cẫm, đưa thống kê là ở Việt nam, người dân chết vì tai nạn giao thông nhiều hơn chết vì bệnh AID.

Cảnh xe cộ lưu thông hỗn lọan ở ngay trung tâm thành phố Sài gòn

Cảnh xe cộ lưu thông hỗn lọan ở ngay trung tâm thành phố Sài gòn

Khỏang 8 giờ tối, trước bồn binh chợ Bến Thành, luồng xe cộ bị kẹt cứng. Đèn xanh, đèn đỏ gì xe cũng không nhúc nhích. Thiên hạ vui vì được hòa nhập vào đám đông. Mấy nhân viên trẻ phục vụ ở khách sạn, ai phải làm việc vào buổi tối giao thừa Tết Tây này là mặt mày buồn so. Tôi hỏi vậy chứ các cậu em đón Tết Tây như thế nào. Cũng chỉ họp mặt nhau, chén chú chén anh bí tĩ cho đêm đó là vui rồi. Khắp tất cả mọi nẻo đường, tiệm ăn đều đông đúc người. Dân nghèo thì quá nhiều nhưng dân có tiền, thuộc lọai đại gia thì cũng không thiếu. Trung tâm New World sang trọng với những party của các công ty ngọai quốc có văn phòng làm việc ở đây. Thiên hạ quần là, áo lượt, mốt miếc còn hơn dân xứ người. Tiếng nhạc từ các phòng tiếp tân vọng ra. Nhiều công ty ngọai quốc lẫn nội địa tổ chức tiệc đãi nhân viên tại đây cho sang. Trên trần nhà cao của trung tâm, một giỏ lớn với hàng mấy trăm chiếc bong bong đỏ đã được treo lên, chờ đến lúc giao thừa sẽ được thả xuống. Tôi đến đây mà có cảm tưởng mình đang ở trong một khách sạn sòng bài lớn nào đó ở Las Vegas. Ai bảo Việt Nam nghèo đâu? Các cô gái mặc đồ hiệu lộng lẫy, nước hoa thơm lừng, thời trang còn hơn cả đám Việt kiều. Dạ vũ hóa trang, các nàng  với những chiếc áo dạ hội lóng lánh, thân hình thon gọn trông thật bắt mắt. Thành thật mà nói, các cô gái Sài gòn bây giờ cao ráo, mảnh mai, đẹp hơn các cô gái ở xứ bơ sữa. Có lẽ vì vậy mà các bà Việt kiều không dám để chồng về Việt Nam một mình? Mấy ông Việt kiều về đây, già cỡ nào cũng dễ bị “bắt cóc” lắm đó nghe.

Vài ngày sau, khi hãng hàng không đã giao đủ hành lý, gia đình chúng tôi lên đường đi Phú Quốc. Vé máy bay từ Sài Gòn đi Phú Quốc, một lượt đi giá 47 đô la. Phải vất vả lắm mới mua được vé vì đúng vào dịp lễ nên du khách ngọai quốc đến Việt Nam cũng khá đông. Theo lịch trình, chúng tôi sẽ đi chơi ở Phú quốc vài ngày rồi từ đó mới qua Cà Mau làm việc từ thiện. Phải chìu ba cậu ấm và mấy cô bạn đầm, tây của chúng nó trước khi bắt chúng nó góp tay vào việc. Cậu Cả rủ thêm ba người bạn cùng từ Ottawa đến để nhập chung với đòan. Trước khi đi mấy cậu ấm vào internet để kiếm khách sạn. Không còn chỗ nào trống chỗ. Tôi nói thôi mặc kệ, đến đó rồi hỏi thăm người địa phương, kiếm đại một nhà nghỉ nào cũng được.

Sáu giờ sáng, gia đình tôi đã lấy tắc xi ra phi trường để lấy đi chuyến bay lúc 8 giờ. Phải trừ hao việc kẹt xe. Ở đây là như vậy đó. Vào giờ cao điểm, kẹt xe một, hai tiếng đồng hồ là chuyện thường. Tôi nghĩ đến những người đi làm việc ở đây. Không biết những ngày bị kẹt xe như vậy, đến sở làm trễ họ có bị xếp “càm ràm” hay không?

Anh tài xế thấy đòan người chúng tôi có hai cô đầm và các cậu ấm nói tiếng Anh líu lo thì tự động chở chúng tôi đến sân bay quốc tế, thay vì quốc nội. Phi trường Tân sơn nhất bây giờ được chia thành hai cảng cách xa nhau. Một dành cho những chuyến bay quốc tế. Và một dành cho nội địa. Xuống xe hỏi thăm nhân viên an ninh thì mới biết. Lại phải lấy tắc xi đi một vòng ở phi trường.

Giờ này mà phi trường đã nhộn nhịp rồi. Hành khách nối đuôi rồng rắn để lấy vé lên tàu. Chuyến bay nội địa nên hành lý bị giới hạn. Mỗi người chỉ được gửi một va li tối đa là 20 kí. Tôi đã biết trước nên gửi hai va li lớn đầy thuốc men và quà cáp cho người bạn ở Sài gòn mang xuống Cà Mau cho tôi bằng xe đò. Một đòan người sẽ từ Sài Gòn xuống thẳng Cà Mau để giúp chúng tôi trong việc phát quà, làm từ thiện.

Bên trong phòng chờ đợi của phi trường Tân Sơn Nhất có gian hàng bán phở thuộc lọai thức ăn nhanh nhưng thơm lừng. Gì chớ mùi thơm của phở không thể khiến cho người ta phải làm ngơ được. Cả đòan xà vào ăn trong lúc chờ đợi chuyến bay. Ăn cũng tạm được, giá mỗi tô là 35 ngàn, bằng 3.5 đô la theo hối xuất hiện thởi.

Đúng giờ, nhân viên hàng không yêu cầu hành khách đáp chuyến bay đi Rạch Giá bắt đầu sóat vé lên tàu. Vẫn xếp hàng như thường lệ. Nhưng có một vài ông bà sồn sồn, không cần biết ai đã xếp hàng trước, cứ thản nhiên lấn tới trước, chìa vé để lách mình qua mặt người khác mà vào trong. Họ hối hả dành đi trước… làm như thể đi trễ sẽ mất chỗ ngồi không bằng. Chẳng có ai phàn nàn vì cảnh này đã quá quen mắt rồi hay sao? Dân mình thật dễ tính.

Vì hết vé máy bay đi thẳng từ Sài Gòn đến Phú Quốc nên đòan chúng tôi phải lấy chuyến bay đến Rạch giá, rồi từ đó mới đi Phú Quốc.

Chiếc máy bay của hãng Hàng Không Việt Nam nhỏ xíu, bước vào đầu muốn đụng trần. Ông già sồn sồn hồi nãy qua mặt mọi người để đi trước, giờ thì vừa bước vào máy bay đã đứng khựng, nói năng phân bua gì với cô tiếp viên. Cô gái nhăn mặt có vẻ khó chịu. Đám người đi phía sau đứng dồn cục lại để xem việc gì. Thì ra cái ông già này vừa bước vào máy bay đã hỏi cô tiếp viên toa lét ở chỗ nào. Thiệt tình! Nãy giờ thấy ông ta ngồi lù lù ở ghế chờ đợi, vậy mà không chịu “xả xú bắp” trước khi lên máy bay.

Mọi người kiếm chỗ ngồi theo số ghế của mình. Máy bay trông cũ kỹ và bé tí hon. Người phi công Đại Hàn lên tiếng chào mừng hành khách bằng tiếng Anh qua máy ô bạt lơ  từ phòng lái. Cô tiếp viên nói lại bằng tiếng Việt. Máy bay cất cánh trên bầu trời trong xanh. Hành khách được phát mỗi người một chai nước và một khăn giấy ướp lạnh.

Nhìn qua cửa sỗ, cả một màu xanh lá mạ của mấy thửa ruộng trông thật đẹp mắt. Lần đầu tiên tôi mới nhìn thấy được miền đồng bằng sông Cửu long nhìn từ trên cao. Ruộng lúa thật phì nhiêu với những kênh nước phù sa màu cam chảy uốn khúc. Thảo nào người ta đã ví miền Nam là vựa lúa của cả nước là như vậy. Không như ở miền Bắc, mấy thửa ruộng được phân chia nhỏ từng ô vuông như bàn cờ. Miền Nam vẫn còn những thửa ruộng cò bay thẳng cánh. Ai là chủ nhân ông của những thửa ruộng này? Chỉ có Trời biết.

Đang suy nghĩ miên man, chai nước cầm trên tay chưa uống hết thì nghe tiếng cô tiếp viên đến bên cạnh nhắc nhở  hành khách sửa ghế ngồi để máy bay đáp xuống. Chuyến bay Sài gòn-Rạch giá chỉ có 20 phút.

Máy bay từ từ đáp xuống. Tôi dụi mắt nhìn kỹ. Trời ơi, phi trường Rạch giá đây sao? Một tòa nhà cũ kỷ, bạc màu sơn. Nhà của dân chúng ở sát phi đạo chừng trăm mét. Bắt đầu thấy nhà lá rồi đây. Sau bao năm biển dâu, khung cảnh không có gì khác hơn xưa. Cũng một không gian tĩnh mịch, buồn bã. Tự nhiên tôi cảm thấy nao nao, nhớ lại câu thơ của Bà Huyện Thanh Quan:

Lối xưa xe ngựa, hồn thu thảo

Đền củ lâu đài, bóng tịch dương…

Khác với khung cảnh điêu tàn của Bà Huyện. Thành phố Rạch Giá vẫn còn đây nhưng người xưa đã tản mạn đâu mất rồi? Tôi nhớ, cũng tại thành phố này, mấy chục năm về trước tôi đã từ Sài gòn xuống đây ẩn náu để chờ ngày vượt biên. Đối với con mắt người Sài gòn của tôi lúc đó, tôi đã thấy thành phố này buồn và đơn sơ làm sao thì bây giờ, với đôi mắt Việt kiều, tôi càng cảm thấy tội nghiệp hơn.

Phi trường Rạch Giá

Phi trường Rạch Giá

Mặt trước của phi trường Rạch Giá

Mặt trước của phi trường Rạch Giá

Hành khách vào phòng đợi để lấy máy bay chuyển tiếp đi Phú Quốc. Những chiếc ghế nhựa thô sơ với màu sắc sặc sỡ. Không có gì để nhìn ngắm ngọai trừ mấy tấm hình chụp thật to để quảng cáo một vài khu nghỉ mát ở đảo Phú Quốc. Phòng vệ sinh ở phi trường không có giấy. Du khách có kinh nghiệm, khi về Việt Nam nhớ mang theo một hộp khăn giấy bỏ trong xách tay. Nhiều chỗ dừng chân cho du khách, có nhà vệ sinh nhưng không có giấy. Hai năm trước cậu Cả đi về Việt Nam lần đầu chưa có kinh nghiệm, đến khi làm xong việc rồi thì chẳng tìm thấy giấy ở đâu mà xài, đành phải hy sinh lột vớ ra mà làm việc vệ sinh. Khi nghe kể lại câu chuyện có một không hai này, mọi nguời ai cũng ôm bụng cười nghiêng ngửa.

Ngồi chờ chừng nửa tiếng đồng hồ thì nghe máy phóng thanh yêu cầu hành khách đi Phú Quốc ra sân. Đòan người lại lục tục đi ra, vừa cười nói râm rang. Nhìn xứ nghèo thấy cái gì cũng lạ. Những căn nhà lá cất gần sát phi đạo. Có những chiếc chòi lá, có một nhân viên ngồi trong đó, không biết để làm gì trong khung cảnh vắng vẻ, đìu hiu như thế này?

Máy bay cất cánh. Lại chai nước lọc và chiếc khăn giấy trong gói ny lông ướp lạnh. Tôi đã từng đọc những bài viết nói về việc tái chế những khăn giấy này nên không dám đưa lên mặt mà lau. Tôi có mang theo khăn ướt trong hộp, sản xuất từ Canada để dùng cho chắc ăn. Vừa sát trùng vừa vệ sinh. Quay qua quay lại, chừng 20 phút thì máy bay lại đáp xuống phi trường Phú Quốc.

Phú Quốc là đây sao? Phi trường Rạch Giá đã nhỏ thì Phú Quốc lại còn nhí hơn nữa. Phòng đợi nhỏ hơn phòng ăn trưa trong sở làm của tôi ở Canada. Máy chuyển hành lý bé tẻo teo quay vòng tròn. Hành khách không cần phải đợi lâu đã thấy va li của mình chạy ra.

Bây giờ đòan của tôi đang lo không biết phải đi về đâu. Thời may, thằng bạn của cậu Cả, con trai tôi đến Phú quốc trước chúng tôi nửa tiếng đồng hồ vì nó đi máy bay thẳng từ Sài gòn chớ không ghé Rạch giá. Nó gửi tin qua điện thọai cho con trai tôi biết là người cậu nó đã giữ phòng từ trước ở Phú Quốc nhưng nay không đi, để phòng lại cho chúng tôi. Hiện nó đang ở ngay khách sạn của một resort, có bãi biển riêng. Nó đang điều đình để lấy thêm ba phòng cho đòan chúng tôi. Xe ca của khách sạn sẽ ra phi trường đón và dặn chúng tôi phải chờ người hướng dẫn đến. Tôi thở phào nhẹ nhỏm. Đất lạ, có chỗ ngủ, khỏi phải ngủ đường. Tôi nhớ một kỷ niệm để đời khi mười mấy năm về trước, gia đình chúng tôi đi du lịch ở Bermuda, không có đặt phòng trước ở khách sạn, cứ đinh ninh là đến đó sẽ hỏi tài xế tắc xi chở đi kiếm, thế nào chẳng có. Ai dè khi đến nơi, nhằm lúc một hội quốc tế nào đó đang có những ngày hội thảo tại đây nên không một khách sạn nào còn chỗ trống. Không biết làm sao hơn, chúng tôi lại văn phòng du lịch của chính phủ địa phương để “ăn vạ”. Nhân viên ở đây thấy các con tôi còn nhỏ nên điện thọai khắp nơi, kiếm bất cứ chỗ nào cho chúng tôi. Thời đó internet chưa có thịnh hành. Muốn giữ phòng khách sạn ở nước ngòai là cực trần thân chớ không phải dễ.

Bây giờ, tôi không còn lo lắng gì nữa nên họp cũng bọn trẻ mà đấu láo.  Chờ đợi thêm nửa tiếng đồng hồ nữa mới có người cầm bảng tên đến phi trường. Chúng tôi sáng mắt lên khi thấy tên của con trai tôi.

Mọi người lục tục leo lên chiếc xe ca củ rích. Nhìn quang cảnh hai bên đường, tôi cảm thấy lạ lẫm và thất vọng với vẻ nghèo nàn thô sơ của một thành phố được quảng cáo rầm rộ trong internet  khiến mấy cậu con trai của tôi khi còn ở Canada, đòi phải đi cho bằng được cho biết.

Chiếc xe ca rẻ vào con đường đất hẹp, gồ ghề, chỉ dành cho một chiếc xe đi mà thôi. Nếu như một chiếc xe nghịch chiều chạy đến thì một trong chiếc xe phải ép sát vào lề đường. Hai bên lề là cây cối rậm rạp. Đây rồi, xe dừng ngay trước cửa căn nhà với bảng tên HT mà thằng bạn của con trai tôi đã gọi là resort. Không kềm được, cả đòan bật lên cười với cùng một ý nghĩ. Resort với bãi biển riêng là đây sao? Trông nghèo nàn quá vậy? Thôi kệ, có một chỗ ở nơi đất lạ, quê mình là quí rồi.

Vào phòng tiếp tân để lấy phòng thì càng nản hơn nữa. Dẫy phòng thô sơ, các cô nhân viên đang làm vệ sinh mấy phòng trống khách vừa đi. Phòng nào phòng nấy nhỏ như lỗ mủi, trong kê hai giường đôi với tủ đựng quần áo là không còn lối đi. Các cô gái ngồi xổm dưới sàn nhà, bỏ chân không, cầm miếng giẻ ướt lau sàn, không phải cầm cây lau nhà như bên này, trông tội nghiệp lắm. Tôi cảm thấy thất vọng ngay với cảm giác đầu tiên khi đến đây. Giá phòng là 40 đô la Mỹ một ngày với tiêu chuẩn 2 người một phòng. Thêm một người là 10 đô la. Phòng vệ sinh nhỏ xíu với bồn cầu và vòi sen tắm gần nhau nên một người nào tắm là cả nhà tắm ướt át cả ngày. Dĩ nhiên nếu ở những khách sạn vài ba sao thì tiêu chuẩn khá hơn nhưng so với mấy chỗ du lịch khác, tôi thấy khách sạn này thuộc về lọai “không sao”. Vậy mà hình ảnh giới thiệu trong internet thật là đẹp.

Quầy tiếp tân chỉ là một bàn gỗ thô sơ với một cô tiếp viên khuôn mặt không mấy niềm nở, khác hẳn các cô tiếp viên ở các khách sạn ở Sài gòn.

Không còn sự chọn lựa nào khác, có được chỗ ở đã may lắm rồi vì nghe nói mùa này là cao điểm nên ở Phú Quốc, không còn phòng trống. Đòan chúng tôi là người Việt duy nhất ở đây, còn tất cả là “Tây”. Ngay cả cô nhân viên khách sạn cứ nhìn tôi tủm tỉm cười. Tôi hỏi chuyện gì thì cô ta cho biết, ít khi cô ấy thấy Việt kiều đến đây. Tôi biết lý do tại sao, để tôi sẽ kể cho các bạn nghe. Nhân viên khách sạn cho biết, vì còn sớm nên chưa có phòng, phải chờ khỏang ba, bốn tiếng đồng hồ nữa mới có.

Chúng tôi đem hết hành lý để tạm vào phòng bạn của con trai tôi rồi kéo nhau đến phòng ăn của khách sạn. Đây là kiểu phòng ăn trống trãi, chung quanh không có vách, kê vài cái bàn thô sơ, trên trãi khăn ca rô bằng ny lông. Có vài người khách ngọai quốc đến từ Đông Âu đang ngồi ăn sáng ở đây. Điểm tâm được tính chung với tiền phòng. Chúng tôi mới tới nên chưa kể là một ngày nên gọi thức ăn nào là phải trả tiền. Thực đơn thật thô sơ. Điểm tâm chỉ là bánh mì trứng ốp la hay hủ tiếu đồ biển. Một tô giá 20 ngàn đồng. Ly cà phê sữa giá 10 ngàn. Tôi đinh ninh đây là vùng biển nên hăm hở gọi ngay tô hủ tiếu với hình ảnh những con tôm, con mực hấp dẫn trong đầu. Nhưng ơ kìa, khi tô hủ tiếu được mang ra, tôi chưng hửng. Vài ba con tôm “nhi đồng” màu nhệch nhạc với loe hoe vài lát mực. Tiêu chuẫn điểm tâm miễn phí cho khách trọ là đây. Tô hủ tiếu nhỏ một cỡ, lọai xì môn của các tiệm ở Việt Nam (không phải lọai xì môn ở mấy tiệm phở Bắc Mỹ đó nghe!). Ăn một tô chắc chắn là không đủ no rồi đó. Phải kêu thêm bánh mì ăn thêm mới dằn bụng được. Tôi cứ thầm so sánh những tô bún mắm, bún vịt, phở bò, phở gà ở Sài Gòn thật hấp dẫn với giá bằng như ở đây mà tô to, tôm thịt ê hề. Tôi đến đây cũng vì chìu mấy cậu ấm và đám bạn bè trẻ của chúng đã cùng theo đòan của tôi về Việt Nam, để  rồi sẽ đi Cà Mau và các địa điểm làm phước thiện. Tôi không thể càm ràm hay ca cẫm gì nhưng trong bụng cảm thấy thất vọng não nề.

Ăn xong chúng tôi thả bộ theo con đường đá vòng quanh khách sạn để xuống bãi biển. Hèn chi khách Tây chọn mấy khách sạn như thế này. Bãi biển không có người Việt nam mà tòan là dân mắt xanh, mủi lỏ. Không có mấy chiếc dù xanh đỏ như bãi biển Nha Trang hay Vũng Tàu. Chỉ có vài ba chiếc ghế gỗ dài dành cho khách. Nhiều gia đình đem con nít theo. Coi bộ chúng đùa giỡn với sóng biển với vẻ thích thú vô cùng. Phải công nhận biển Phú Quốc thật đẹp, nước thật trong với màu xanh lơ, cùng với bãi cát mịn một màu trắng tinh, tạo nên một khung cảnh nên thơ, êm ả vô cùng. Tôi thầm so sánh bài biển Phú Quốc với bãi biển Cam Ranh mà ngày xưa vào năm 1973 tôi đã có dịp viếng thăm Trung Tâm Hồi Lực của các anh Quân y Việt Nam Cộng Hòa đang làm việc tại đây. Tôi chưa bao giờ  thấy cát trắng tinh như cát ở Cam Ranh. Nghe nói lúc đó một vài công ty Nhật đến Cam Ranh mua cát để đem về Nhật chế biến đồ thủy tinh. Sau mấy chục năm tôi mới thấy lại màu cát trắng này ở Phú Quốc. Cảnh ở đây thật đẹp nhưng cũng thật buồn.

Tôi vẫn thích bãi biển Vũng Tàu hay Nha Trang hơn. Mặc dù hai thành phố nổi tiếng này, bãi biển nước đục và nhiều rác nhưng tôi vẫn thích nhìn người chung quanh nô đùa. Nhất là thích thú nhìn mấy cô gái quốc nội, xuống biển nhưng vẫn mặc áo thun và quần tây. Hiếm lắm mới thấy các nàng mặc bikini như các cô gái ở xứ văn minh bên này.

Bãi biển ở đây vắng vẻ, không như bãi biển Vũng Tàu hay Nha Trang. Vì là bãi riêng của resort nên không có mấy hàng quà gánh bán dạo. Điều này khiến tôi buồn năm phút. Tôi vẫn thích bãi biển Nha Trang, có nhiều người bán hàng rong, gánh tôm tươi, mực tươi, mời khách mua rồi nướng thơm phức ngay tại bãi biển cho mình ăn. Về Việt Nam tôi chỉ có cái thú duy nhất là ăn hàng vặt, nhất là những món không có hay quá đắt bên này.

Bãi biển khách sạn tôi ở đây, không có mấy cây dù che nắng ngũ sắc. Không có bóng dáng dân địa phương để mình bắt chuyện làm quen. Chỉ có mấy anh “cò du lịch”, thấy du khách là sà đến đưa tờ bướm quảng cáo mời chào, với những chương trình du hí hấp dẫn.

Bãi biển Phú Quốc

Bãi biển Phú Quốc

Tôi chỉ nằm trên ghế gỗ, dưới bóng mát của rặng dừa, nhìn đám thanh niên nô đùa dưới nước. Gió hây hây thổi, vừa nóng vừa ẫm khiến mồ hôi chảy rít chịt. Không có gì làm, không có hàng quà vặt để ăn cho đỡ buồn. Tôi đâm chán ngán và buồn ngủ vì chưa quen giờ giấc. Tôi một mình trở về phòng khách sạn, hy vọng họ đã dọn phòng xong để tôi có thể ngã lưng và tắm một phát cho dễ chịu. Nhân viên dọn trước cho tôi một phòng. Đám thanh niên vẫn còn nô đùa ngòai bãi biển. Nhà tắm của phòng tôi nhỏ xíu, xoay qua xoay lại, nước chảy tùm lum, ướt cả sàn nhà. Chiếc máy lạnh trong phòng rên xiết ì ạch như bà già bị suyễn. Tắt thì nực nội không chịu nỗi. Mở thì tiếng máy lạch xạch ồn ào thật khó chịu. Đành phải chịu vậy thôi.

Mệt mỏi, tôi ngủ thiếp đi hồi nào không hay. Đến khi mở mắt ra thì trời đã sụp tối. Đám con trai của tôi và bạn bè của chúng sau khi chơi đã đời ở bãi biển, chúng nó nghe theo lời giới thiệu của nhân viên khách sạn nên đã rủ nhau đi mướn xe gắn máy, chở nhau đi chơi để khám phá hải đảo. Tôi vừa lo vừa bực mình vì chúng nó có rành đường đi nước bước ở đây đâu mà dám lái xe gắn máy, lọai xe chúng chưa bao giờ lái ở Canada.

Loay hoay không biết làm gì, phần thêm đói bụng, tôi lò mò đi kiếm chút gì để trấn an đàn kiến đang biểu tình trong bao tử. Ơ kìa, phòng ăn lộ thiên buổi sáng bây giờ đã đóng cửa, đèn đuốc tối thui. Tôi hỏi cô nhân viên duy nhất ngồi ở quầy tiếp tân,chỉ cho tôi nhà hàng nào ở gần đây để tôi kiếm bữa ăn tối. Cô ta cho biết, phải xuống nhà hàng ở bãi biển, cũng thuộc về khách sạn này. Ngòai ra thì phải đi ra ngòai thị trấn mới có chổ ăn.

Khung cảnh lờ mờ, vắng vẻ làm tôi sợ. Thôi thì lần mò xuống bãi biển hồi trưa xem sao. Đằng xa có ánh đèn. Thì ra ban đêm nhà hàng đặt vài cái bàn trên bãi để làm chỗ ăn cho khách. Ban ngày tôi không để ý vì nhà hàng chỉ mở cửa buổi tối, đám đầu bếp là nhân viên của khách sạn được đưa xuống đây phục vụ. Thảo nào phòng ăn và khách sạn vắng tanh như chùa bà Đanh.

Tôi là thực khách người Việt duy nhất ở đây và đi lẻ loi một mình. Từng cặp vợ chồng và tình nhân da trắng, ngồi từng bàn với cây đèn dầu leo lét đặt trên đó. Mấy ngọn đèn vàng giăng ở chung quanh khu “nhà hàng”, không đủ ánh sáng để soi bước chân đi. Tôi vốn không thích lọai ánh sáng mù mờ như vậy. Phải kê cặp mắt với đôi kính cận vào sát mơ nu để xem thức ăn. Trời, tôi có hoa mắt không vậy? Thực đơn gồm những món mì sợi Ý, thịt bò khoai tây chiên, mỗi món giá trung bình tương đương tử 15 đến 20 đô la. Tôi đi nửa vòng trái đất để đến đây, đâu phải để thưởng thức món mì spaghetti là món ăn đơn giãn tôi vẫn nấu, khi nào bận việc ở sở làm về trễ, không thể sửa sọan buổi ăn tối tươm tất được. Tôi cảm thấy giận trong lòng. Nhà hàng này định đặt máy chém túi tiền du khách hay sao chớ? Người chủ là một dân da trắng, nói tiếng Anh, tiến đến chào hỏi tôi. Tôi hõan binh, nói là chờ đám con trai tôi về nên chưa muốn gọi thức ăn vội. Ông ta lịch sự chào và đi chỗ khác. Về vùng đất của miền đảo xa xôi này lại phải ăn đồ ăn Tây, trả tiền giá bằng những nhà hàng ở Bắc Mỹ thì về đây để làm gì? Chắc ông chủ nhà hàng này là rễ Tây của một gia đình nào ở đây chớ gì? Tôi đã gặp nhiều đàn ông mắt xanh về Việt Nam để rồi ca bài “xin nhận nơi này làm quê hương”. Các cô gái Việt nam tài thật.

Tôi hỏi anh bồi người Việt, có món ăn nào nhẹ nhẹ chớ tôi không thấy đói. Nhẹ với hai nghĩa. Nhẹ tiền và nhẹ thức ăn. Anh ta chỉ cho tôi một hàng chữ mà nãy giờ tôi bị “hoa mắt” nên không để ý. Tô hủ tiếu đồ biền giá 150 ngàn đồng, tương đương với 8 đô la. Thật khỉ! Ở Sài gòn tô phở bình dân giá có 75 xu. Ở tiệm trung bình khỏang từ 2 đến 3 đô la. Vậy mà ở đây tính giá trên trời như vậy. Tôi muốn bỏ đi nhưng làm như vậy coi cũng kỳ, chắc người ta nghĩ là tôi thuộc hạng “kẹo kéo”. Thôi đành kêu tô hủ tiếu ăn đỡ lòng vậy.

Tô hủ tiếu được mang lên. Cũng vài ba con tôm nhi đồng đang bơi lội trong đó. Vài cọng râu mực cuốn tròn lại, cùng kích thước với đám tôm cho có anh, có em. Nước lèo thì trong, khá ngọt. Tôi vừa đưa muỗng nước lèo lên thưởng thức thì đám con trai và bạn chúng nó ào đến. Chúng nó cũng biết đến giờ ăn tối nên vội trở về khách sạn để đón tôi đi ăn chung. Mặt mủi đứa nào đứa nấy lem luốc như vừa đi thủy lợi về không bằng. Thì ra đường xá ở Phú Quốc là đường đất đỏ mới khai hoang nên chạy xe gắn máy, bụi ngập đầu. Du khách đến đây thích mướn xe gắn máy chạy cho lạ nhưng chỉ ngày đầu là ai nấy chạy tét. Mặc dù chỗ cho thuê bao xe gắn máy có đưa cho khách đủ mọi khẩu trang, nón sắt nhưng bụi đường mịt mù không làm du khách cảm thấy thích thú cho lắm.

Du khách với xe gắn máy

Du khách với xe gắn máy

Tôi đẩy tô hủ tiếu cho một cậu con trai ăn tiếp dùm tôi, để vội vã về phòng thay quần áo đi chung với chúng nó, không thôi chúng nó bỏ tôi “home alone” thì có nước than trời.

Khu này không có đèn đường nên ngòai khu vực của khách sạn là tối thui. Chúng tôi nhờ cô nhân viên gọi dùm chiếc tắc xi. Mấy cô đầm vội vã tắm sơ cho giủ bớt “bụi trần”.

Leo lên tắc xi, tôi hỏi anh tài biết chỗ nào có đặc sãn Phú quốc cho chúng tôi thưởng thức. Anh ta ngần ngừ đề nghị ăn gỏi cá trích, món ăn đặc biệt của Phú Quốc. Nghe tả tôi thèm lắm nhưng nhớ lời căn dặn của ông bác sĩ chích ngừa cho chúng tôi trước khi lên đường là: “mấy du nên nhớ khuôn mặt của mấy du là người Việt nam nhưng bụng mấy du là bụng Cà na điên. Không thể ăn uống tự do như người bản xứ được, nghe chưa?”. Phần đông khách du lịch đi về xứ lạ hay bị chứng đau bụng và Tào Tháo rượt. Tôi đã có kinh nghiệm lần đi hai năm về trước. Đau bụng râm ran suốt cả thời gian ở đó, tưởng đâu phải kêu hãng bảo hiễm đổi vé máy bay về gấp.

Anh tài cho biết, ở Phú Quốc có một tiệm bán đồ hải sãn nổi tiếng, chỉ mở cửa buổi tối cho dân nhậu. Mình không phải dân nhậu nhưng nghe cái tên tiệm là Nghêu, Sò, Ốc, Hến đã thấy hấp dẫn rồi.

Đến nơi đã thấy đông đảo thực khách địa phương đang thưởng thức đủ các món. Liếc sang các bàn bên cạnh, thấy họ ăn món gì là lạ. Thì ra món gỏi cá trích là đây. Tôi lân la bắt chuyện cô chủ quán. Khách đến đây thường thích gọi món gỏi cá trích. Đây là món ăn đặc biệt, chỉ có Phú Quốc mới có. Cô cắt nghĩa cho tôi món ăn trứ danh này như sau:

Con cá trích là lọai cá lớn hơn cá lòng tong một tí, vừa được ngư dân đem lên từ biển, còn tươi rói với vảy mịn trắng bóng. Người ta lấy những miếng thịt nạc dọc xương sống của cá trích ướp với nước đá để giữ độ tươi, trong lúc sữa sọan nước chấm mâm rau sống. Một dĩa rau rừng toàn như loại chưa từng nếm qua như: đọt bứa, rau cóc, trâm sắn, bằng lăng, kim cang, trâm kiềng kiềng, trâm ba vỏ, trâm dòi… mang đủ vị chua, chát, ngọt, bùi. Rau trồng thì gồm có: xà lách, húng cay, rau thơm, dấp cá. Sau đó thịt cá được trộn với nước dấm có nêm muối, đường, hành phi…, bên trên phủ lớp mỏng rau răm, củ hành tím, ớt sừng xắt nhỏ. Một chén dừa nạo. Một chén nước chấm và một dĩa bánh tráng được nhúng bằng nước cốt dừa, vừa dai vừa không dính.

Nước chấm làm bằng nước mắm biển ngon, nguyên chất, thêm đường, bột ngọt, ớt, khi ăn cho thêm đậu phộng rang giã nhuyễn. Trước khi dọn gỏi cá lên mâm, đem bánh tráng bột gạo nhúng vào nước cốt dừa. Nước cốt dừa hơi loãng chứ không đậm đặc.

Bởi vậy, đến Phú Quốc mà hỏi thăm đặc sãn thì được người dân ở đây đề nghị khách du lịch thưởng thức món gỏi danh bất hư truyền này. Người ta còn ngâm nga câu ca dao để đùa giỡn là:

     Nước mắm ngon đem dầm con cá trích
    Anh có vợ rồi đứng xích cho xa.

Không những du khách thích thưởng thức món gỏi cá trích mà cả cư dân cũng thích món này. Nhậu gỏi cá sống phải đi kêm với chút chất men là uống chút rượu giúp cho sự tiêu hóa, bởi cá trích có rất nhiều đạm và còn tươi sống. Đó là rượu sim, một loại rượu đặc sản của Phú Quốc.

Cô bán hàng chỉ cho tôi xem mấy chai rượu xếp hàng ngay ngắn trên kệ và giới thiệu thêm về một đặc sãn khác đi sánh đôi với gỏi cá trích như đôi tình nhân không thể thiếu nhau. Mặc dù cây sim có ở nhiều nơi, nhưng sim ở Phú Quốc có những đặc điểm riêng. Ví dụ, sim ở Phú Quốc chín rộ vào dịp tháng giêng âm lịch, còn sim ở miền Bắc thì chín vào dịp tháng bảy. Trái sim nguyên liệu đưa về rửa sạch, chọn quả chín mọng xay nhuyễn và ủ lên men với đường cát theo một tỷ lệ nhất định, để từ 40 đến 45 ngày. Sau khi sản phẩm lên men hoàn chỉnh, lúc đó sẽ được một loại rượu màu hồng, uống có vị cay chua ngọt như rượu vang nho với nồng độ khoảng 11,5%.

Rượu vang sim Phú Quốc được coi là một lọai dược tửu, được chế biến theo phương thức cổ truyền, có tác dụng tiêu hóa và tăng cường sinh lực.

Nghe tả món gỏi đã thấy nhễu nước miếng rồi nhưng lại nhớ đến khuôn mặt hãm tài của ông bác sĩ dọa kỹ quả, nên… thôi!  Giờ đây khi viết những dòng chữ này, nhớ lại đĩa gỏi mà chưa được nếm qua, tôi lại tiếc. Ra đến tận huyện đảo này mà nhát gan, sợ Tào Tháo làm chi không biết nữa để rồi vẫn chưa thưởng thức được. Tôi nhớ lại những bộ mặt đỏ gay của mấy thực khách ngồi bàn bên cạnh, sung sướng đưa từng cuốn vào chén nước chấm rồi lên miệng, nhai nhóp nhép, rồi cầm ly bia hay rượu tu một hơi với vẻ khỏai trí tột cùng.

Thế mà các cậu thanh niên trong đòan chỉ gọi thức ăn theo thói quen, quanh đi quẫn lại cùng chỉ mấy món thịt, gỏi… đi đâu lại chả có, đâu phải đặc sản ở đây. Nhưng tôi mặc kệ, ai muốn ăn gì nấy gọi. Trả tiền theo lối Mỹ kia mà. Cứ có ý kiến, ý cò mãi thì bọn trẻ tưởng tôi thích chỉ huy, muốn kiễm sóat cả túi tiền của tụi nó.Hơn nữa xúi chúng nó ăn cá sống, lỡ cả bọn ôm bụng dành nhà vệ sinh thì tụi nó lại đổ thừa, mắc công lắm.

Mặc bọn trẻ ngồi vừa ăn vừa nói chuyện đùa cợt rôm rã, tôi đưa mắt nhìn thiên hạ chung quanh. Nhìn chán, tôi ăn vội mấy miếng rồi bỏ đủa. Phần thì có chút hủ tiếu lót bụng ở quán ăn bãi biển nên tôi đã thấy lửng dạ. Tôi để các cậu ngồi đây, một mình tôi đón tắc xi, nhờ anh tài xế chở đi, kiếm dùm tôi một vài khách sạn nào đó trong thành phố. Dĩ nhiên tôi chỉ muốn chọn khách sạn nào khả dĩ ở được, tiện lợi mà giá không cắt cỗ. Tôi chán cái resort với thực đơn món ăn Tây giá mấy chục đô la một phần ăn lắm rồi. Anh tài chở tôi đi một vài nơi. Ở đâu mọi người cũng đều cho biết đã hết phòng. “Mùa của Tây mà!” Người địa phương cho biết, từ tháng 10 đến tháng 3 là mùa khô,  khách du lịch da trắng đến đây đông nên họ đặt là “mùa Tây”. Đối với dân Tây phương, Phú Quốc hấp dẫn vì nét hoang sơ, mộc mạc của huyện đảo du lịch mới mẻ. Điều đó cho phép du khách được tự do lang thang tận hưởng thiên nhiên trong lành ở những khu rừng nguyên sinh, tha hồ vẫy vùng ở những bãi biển dài thưa vắng, có cát trắng mịn, nước biển trong xanh như mắt mèo. Dân Ta như tôi thì không mấy gì thích cho lắm. Tôi thích nhìn sinh họat của dân địa phương. Tôi thích hòa mình vào sinh họat hàng ngày của họ chứ không sống cách biệt như lọai resort nửa quê, nửa tỉnh của tôi. Cuối cùng tôi cùng tìm được một khách sạn nhỏ tên Minh Tân ở đường Nguyễn Trung Trực. Khách sạn này thuộc lọai “không sao” nhưng sạch sẽ, giá phòng là 300 ngàn đồng Việt Nam cho 3 người với một giường đôi và một giường chiếc trong mỗi phòng. Tôi vui ra mặt. Như vậy là chia ra, mỗi người chỉ trả khỏang 5 đô la một ngày. Rẻ quá, còn đòi hỏi gì nữa. Hơn nữa, phòng rộng rãi hơn phòng ở rì sọt tôi đang tạm trú.

Tôi trở lại quán ăn, báo tin này cho cả đòan. Ai nấy vui ra mặt. Tiết kiệm được đồng nào hay đồng đó.

Ngày hôm sau, ăn sáng xong, chúng tôi ra phòng tiếp tân xin trả phòng. Cô nhân viên chưng hửng, tường đâu chúng tôi sẽ ở ít nhất là ba ngày. Tôi nói dối là đi ra vùng biển phia bắc, có lẽ trời tối nên chúng tôi sẽ kiếm phòng nơi đó ở lại cho tiện. Một ông khách Tây cũng đang đứng chờ trả phòng như chúng tôi. Ông ta thấy chúng tôi cầm thông hành Canada nên bắt chuyện làm quen. Thì ra ông ta cũng là dân Cà na điên ở Montreal. Ông ta cũng bực mình về máy chém ở rì sọt này. Chúng tôi đổi qua nói tiếng Pháp để cô nhân viên không hiểu, tha hồ nói xấu cơ sở của cô ta. Đó là một cái dở của những nơi du lịch còn non kém. Muốn thu hút khách thì phải nương tay chớ giơ cao, đánh mạnh thế này thì thiên hạ chạy có cờ hết. Mặc dù giá cả như thế này đối với Bắc Mỹ thì không cao nhưng sự phục vụ không có, phòng thì thiếu tiện nghi, chật hẹp thì dễ làm người ta mất thiện cảm ban đầu.

Đi đến khách sạn mới, chúng tôi đem hành lý vào mỗi phòng. Chín ngừoi cả thảy cho ba phòng trống. Thật là tiện lợi. Chị chủ khách sạn người thật thà, đôn hậu. Mới quen mà chị đã tâm sự thật với tôi. Ngày trước chị nghèo lắm, nhờ người chị ruột bên Mỹ gửi tiền về đầu tư xây khách sạn này, giao cho chị trông nom để khi về già, người chị sẽ về đây dưỡng già. Chị đề nghị, chị có thằng cháu chạy xe đưa đón khách du lịch. Gia đình tôi đông, mướn xe bus đi cả ngày tiện hơn, giá khỏang 1 triệu rưỡi, khòang 80 đô la cho tám tiếng đồng hồ. Tôi nhẫm tính. Tối hôm qua tắc xi chạy vòng vòng trong nửa tiếng đồng hồ mà tôi đã trả hơn 100 ngàn đồng rồi. Giá này tương đối rẻ nếu chia ra cho 9 người cùng trả.

Có xe để di chuyển, chúng tôi bắt đầu làm chương trình đi tham quan, khám phá đảo Phú Quốc. Anh tài đề nghị ngày thứ nhất đi một vòng phía Bắc, đi câu mực ban đêm và ăn tối ở đó. Tất cả đồng ý.

Chúng tôi lấy bản đồ ra xem để định hướng đi. Phú Quốc hay còn gọi là Đảo Ngọc, là hòn đảo lớn nhất của Việt Nam, cũng là đảo lớn nhất trong quần thể 22 đảo tại đây, nằm trong vịnh Thái Lan. Đảo Phú Quốc cùng với các đảo khác tạo thành huyện đảo Phú Quốc trực thuộc tỉnh Kiên Giang, nằm cách thành phố Rạch Giá 120 km và cách thị xã Hà Tiên 45 km. Toàn bộ huyện đảo có tổng diện tích 593,05 km², xấp xỉ diện tích đảo quốc Singapore. Phú Quốc có 2 thị trấn là thị trấn Dương Đông, tọa lạc ở phía tây bắc, là thủ phủ của huyện đảo và thị trấn An Thới . Ngòai ra, Phú Quốc được chia thành 8 xã là: Dương Tơ , Cửa Cạn , Gành Dầu , Cửa Dương , Bãi Thơ, Hòn Thơm , Hàm Ninh , Thổ Châu.

Địa điểm thứ nhất anh tài đưa chúng tôi đến là tiệm bán đặc sãn khô ở đây tên Khải Hòan. Thương hiệu này nổi tiếng, có nhiều mặt hàng bán ở Sài Gòn. Chao ôi, vào tiệm này thấy cái gì cũng ham. Nào tôm khô, khô mực, khô cá thiều, mắm ruốc… trông thật hấp dẫn. Một bịch khô cá thiều nửa kí lô giá khỏang 150 ngàn đồng, tương đương khỏang 7.5 đô la. Cả đám tụi tôi thấy cái gì cũng muốn mua. Những thứ này ở xứ Canada của tôi giá đắt giàn trời, có thứ còn không có nữa (ví dụ như khô cá thiều, cá khoai…). Anh tài xế quảng cáo hết lời, khoe tiệm này là tiệm số một, có tiếng nhất ở đây nhưng tôi cũng thừa biết, tiệm nào cho các anh tài tiền “bo” khấm khá thì các anh sẽ đổ du khách đến, giống như các anh lơ xe đổ khách xuống tiệm ăn nào mà “mấy ảnh” có ăn chịu chớ không có gì lạ.

Sau đó anh tài xế chở chúng tôi đi thăm cơ sở nước mắm. Hiện ở Phú Quốc có khỏang 100 cơ sở sản xuẩt nước mắm, ước tinh sản lượng 10 triệu lít một năm. Các cơ sở sản xuất nước mắm được gọi là nhà thùng. Nước mắm Phú Quốc nổi tiếng thơm ngon vì có độ đạm cao, do làm từ cá cơm sọc tiêu, giống cá đặc sản chỉ có ở hải đảo này.. Bất cứ loại cá nào cũng có thể sử dụng để làm nước mắm, nhưng người sản xuất nước mắm Phú Quốc chỉ sử dụng duy nhất loại cá cơm làm nguyên liệu. Cá cơm có nhiều loại: Sọc Tiêu, Phấn Chì, Cơm Đỏ, Cơm Lép, Sọc Phấn, Cơm Than. Loại cá cơm cho nước mắm ngon nhất là Sọc Tiêu và Cơm Than. Người ta trộn 2 hay 3 phần cá với 1 phần muối rồi để đến 1 năm, càng để lâu hàm lượng đạm càng cao nhưng nước mắm ít thơm và màu bị sậm hơn. Người ta còn chôn nước mắm vài ba năm, lúc đó màu nước mắm thành đen gọi là nước mắm lú, dùng để chữa bịnh. Ngư dân cho biết, ngậm nước mắm lú vào miệng khiến thân nhiệt nóng lên, họ có thể lặn lâu dưới nước mà không thấy lạnh. Trong việc sản xuất  nước mắm, nếu dùng cá ươn thời gian sẽ mau hơn nhưng nước mắm không thơm và màu không đẹp. Nước mắm ngon có màu cánh gián đậm, trong và mùi thơm nhẹ rất đặc trưng, vị mặn – ngọt có hậu béo của đạm đã tạo ra ưu thế tuyệt đối của nước mắm Phú Quốc, nổi tiếng trên thị trường tiêu thụ từ nhiều năm nay. Nghe nói gần đây nước mắm Phú Quốc “dỏm” xuất hiện tràn lan, làm người tiêu dùng không phân biệt được đâu là thật, giả. Chính quyền Phú Quốc và Hiệp hội ngành nghề biết rõ nước mắm Phú Quốc giả bày bán ở các tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long, ở Sài gòn, miền Trung, miền Bắc… nhưng đành bó tay, vì không có cơ sở ngăn chặn. Ngay cả ở Thái lan, người ta sản xuất nước mắm tại đây, ngang nhiên để nhãn hiệu là nước mắm Phú Quốc cách tỉnh queo. Nghe nói Bộ Thủy Sản Việt Nam cùng chính quyền tỉnh Kiên Giang đang bắt đầu hỗ trợ Hiệp hội Nước Mắm Phú Quốc, phạt nặng những cơ sở sản xuất nước mắm nào để nhãn hiệu Phú Quốc mà không phải là sản xuất tại đây.

Đi vòng lên hướng Bắc, chúng tôi được đưa đi thăm vườn tiêu. Nơi trồng tiêu nhiều nhất Phú Quốc tập trung ở hai xã Cửa Dương và xã Gành Dầu, nhiều nhất là ở Khu Tượng với những vườn tiêu bạt ngàn, nối liền từng dãy, chạy liền xa tít. Dọc theo con đường nhựa tỉnh lộ 47, hai bên đường nhà nào cũng có trồng tiêu. Tiêu được trồng ở khắp nơi trên đảo. Hồ tiêu Phú Quốc nổi tiếng về chất lượng do hạt mẩy, vỏ mỏng, ruột đặc,cay nồng và thơm không đâu sánh bằng. Thời cực thịnh, hàng năm sản lượng tiêu Phú Quốc có tới ba, bốn vạn tấn tiêu ngon xuất khẩu. Thế rồi chỉ trong vòng mấy năm qua, giá cả tiêu cứ chập chờn theo chiều hướng sút giảm nên nhiều nhà vườn rơi vào thế cầm cự và dần dần bỏ bê. Diện tích vườn tiêu Phú Quốc bây giờ đã thu hẹp hơn 50% diện tích so thời hoàng kim hồi trước.

Vườn tiêu bạt ngàn

Vườn tiêu bạt ngàn

Tiêu đang chờ mối đến mua

Tiêu đang chờ mối đến mua

Chúng tôi vào thăm vườn tiêu. Vợ chồng, con cái chủ vườn đang ngồi nhặt tiêu trong một thúng to. Mọi người niềm nỡ với khách, mời mua sản phẩm. Không có hàng để nếm thử trước khi mua. Lạ ghê, có những hủ tiêu chín ngào đường. Tôi hỏi ăn cách nào thì chủ nhân cho biết dùng để kho cá. À, thì ra vậy. Tiêu ngào đường dùng để kho thịt, kho cá. Ông chủ nhà với giọng miền Bắc tỉnh Thái Bình, tánh tình vui vẻ, cho chúng tôi biết, ngày xưa ông là bộ đội. Sau năm 75, ông giải ngũ, trôi giạt đến hải đảo này, thấy đất đai phì nhiêu, dân hiền hòa nên ông quyết định nhận nơi này làm quê hương. Ông vay mượn chút vốn, cất cái chòi, trồng một ít dây tiêu để kiếm huê lợi sinh sống. Thời xưa giá tiêu còn cao, mưa thuận gió hòa nên vốn liếng của ông càng ngày càng chồng chất. Đất đai ở Phú Quốc thời gian đó còn mênh mông. Ai có sức thì khẫn hoang, trồng trọt để có miếng ăn. Những người từ miền Bắc vào, thấy đất đai ở miền Nam phì nhiêu, thiên nhiên ưu đãi nên họ kéo nhau đến Phú quốc cũng khá đông. Tôi cũng để ý đến điều này. Từ hôm đến đây, tôi đi tắc xi, mấy anh tài phần đông là người Thái Bình, Hưng Yên, Thanh Hóa… Tôi hỏi thăm các anh: đi xa xứ như vậy, có nhớ nhà hay không. Hầu hết các anh đều bùi ngùi trả lời “nhớ lắm chứ nhưng đã mấy năm rồi, không dư tiền để về miền Bắc thăm nhà..”.

Các anh vào Nam, có người may mắn còn đem được vợ con theo. Có anh khi đến đây, tứ cố vô thân nên phải lòng các cô gái miền Hậu giang thật thà, quyết định lập nghiệp ở đây nên ca bài “yêu ai cũng dzậy, yêu anh, anh cám ơn”. Cảnh chồng Bắc, vợ Nam ở đây rất nhiều. Vợ thì thích nghe vọng cỗ hòai lang, chồng thì nghe hát chèo. Riết rồi cũng quen.

Tôi nhớ hai năm về trước, tôi có dịp viếng thăm Hà nội. Ngày chót trước khi rời Việt nam, theo chương trình du lịch, chúng tôi được đi một vòng 36 phố phường bằng xe xích lô. Anh tài xế xích lô thật thà tâm sự với tôi:

– Người miền Bắc chúng cháu chỉ mong được vào miền Nam sinh sống, dù cực khổ cách mấy nhưng cũng có cái ăn. Người trong Nam chỉ rmong xuất ngọai, nhưng người Bắc chỉ mong vào đất thiên đàng phương Nam.

Tôi vẫn nhớ mãi câu nói này. Thật hay không thì không biết nhưng bằng chứng là ở Sài gòn và các tỉnh miền Nam bây giờ, đi đâu cũng thấy “người anh em phương Bắc” làm đủ thứ nghề. Nhiều nhất là chạy tắc xi…Người ta nói thành phố Sài gòn bây giờ “quá tải”, số lượng người và xe cộ đông không thể tưởng tượng được. Người Sài Gòn chính gốc thưở xưa nay đã tản mác bốn phương trời đâu cả rồi. Giờ chỉ còn mấy khuôn mặt lạ với giọng nói của người miền xa.

Qua mấy ngày ở Phú Quốc, tôi nhận xét thấy dân địa phương ở đây hiền lành, thật thà. Mình trả tiền cho họ, cho thêm chút tiền “típ” mà họ tưởng mình đưa dư tiền nên chạy theo trả tiền lại. Ngày xưa trước năm 75, dân số trên đảo chỉ hơn 5000 người. Sau năm 1975, dân số trên đảo tăng lên nhanh chóng do hiện tượng di dân. Theo thống kê của tỉnh Kiên Giang năm 2003, dân cư sinh sống trên đảo đã lên đến trên 79.800 người.

Nhìn qua cửa sổ xe búyt, tôi thấy hai bên đường, có nhiều tấm bảng gỗ củ rich với những hàng chữ sơn trắng viết tay nguệch ngọac “Bán chó xóay”. Mắc cười quá, một tấm bảng ghi như vậy để trước một tiệm sửa xe gắn máy, tôi tưởng đâu “chó xóay” là tiếng lóng của một món đồ phụ tùng xe nào đó. Hỏi cậu tài xế, chó xóay là bộ phận gì, dùng làm cái gì cho xe. Cậu ta cười trước vẻ khờ khệch của tôi. Con chó đó mà! Chó có xóay. Để giữ nhà và để ăn thịt. Đúng là cắt nghĩa giống như sách giáo khoa cho học trò mẫu giáo.

À, thì ra vậy. Chó xóay là lọai chó nổi tiếng tinh khôn, đã được tự điển Larousse liệt vào lọai chó quý hiếm và tinh khôn nhất thế giới. Đặc điểm là trên lưng mấy chú cẩu này có những vòng xóay lông chạy thẳng hoặc ngoằn nghèo trên sống lưng, từ vai đến cuối xương khu. Lông của chúng dài không quá hai phân, rất mượt ôm sát thân. Hầu hết chúng đều có móng đeo, giữa các ngón có miếng da kết nối như màng vịt. Thân hình chó xoáy rất cơ bắp với phần ngực nở nang, bụng thon chắc. Chó Phú Quốc thích sống trong thiên nhiên, cảnh hoang vắng, đẻ 2 lứa một năm, mỗi lứa bình quân 4-5 con.  Khi nuôi tập trung chó rất ít khi mang thai và nếu có đẻ thì cũng rất khó nuôi. Thì ra các anh chị cẩu này cũng biết mắc cỡ, nếu nuôi trong nhà, ông đi qua, bà đi lại thì anh chị cẫu không chịu giao phối. Khó tánh thế thì thôi! Làm tình phải trong cảnh hoang vắng, thơ mộng cơ…
Mặt khác, chó cái chỉ đẻ trong hang tự đào, vì vậy nếu không được bố trí môi trường thích hợp chúng sẽ thủ tiêu con ngay sau khi sinh.  Khác với chó Bẹc-giê, dòng chó xoáy Phú Quốc hiện nay vẫn duy trì được cuộc sống hoang dã với các hoạt động leo trèo, săn bắt mồi trong rừng, dưới nước, đào hang làm chỗ ở, đẻ và nuôi con… Theo thống kê của địa phương, toàn đảo Phú Quốc hiện chỉ còn khoảng 10.000 con chó xoáy đang có nguy cơ giảm dần vì tuổi thọ và tình trạng xẻ thịt hiện nay.

Chó Phú Quốc với vòng xóay trên lưng (Ảnh internet)

Chó Phú Quốc với vòng xóay trên lưng (Ảnh internet)

Bây giờ tôi xin kể tiếp về chương trình du ngọan Bắc đảo. Du khách nào đến đây thì cũng có dịp đi tham quan những địa điểm tiêu biểu giống nhau. Một trong điểm viếng thăm là đền thờ Nguyễn Trung Trực ở Gành Dầu. Học Sử chúng ta cũng đã biết.  Ông sinh ra dưới thời Minh Mạng, thuở nhỏ có tên là Chơn. Từ năm Kỷ Mùi (1859) đổi là Lịch (Nguyễn Văn Lịch, nên còn được gọi là Năm Lịch). Cũng từ tên Chơn ấy cộng với tính tình ngay thật, nên ông được thầy dạy học đặt thêm tên hiệu là Trung Trực. Nguyễn Trung Trực nguyên quán ở xóm Lưới, xã Vĩnh Hội, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định.
Sau khi hải quân Pháp nhiều lần bắn phá duyên hải Trung Bộ, gia đình ông phải phiêu bạt vào Nam, định cư ở xóm Nghề (một xóm trước đây chuyên nghề chài lưới), làng Bình Nhựt, tổng Cửu Cư Hạ, huyện Cửu An, Phủ Tân An (nay thuộc ngoại ô thị xã Tân An, tỉnh Long An) và sinh sống bằng nghề chài lưới vùng hạ lưu sông Vàm Cỏ. Không rõ năm nào, lại dời lần nữa xuống làng Tân Thuận, tổng An Xuyên (nay là xã Tân Tiến, huyện Đầm Dơi, tỉnh Cà Mau). Ông là con trưởng trong một gia đình có 8 người con. Lúc nhỏ, ông rất hiếu động, thích học võ nên khi lớn lên ông là người có thể lực khoẻ mạnh, giỏi võ nghệ và là người có nhiều can đảm, mưu lược.
Tháng 2 năm 1859, Pháp nổ súng tấn công thành Gia Định. Vốn xuất thân là dân chài, nằm trong hệ thống lính đồn điền của kinh lược Nguyễn Tri Phương, nên ông sốt sắng theo và còn chiêu mộ được một số nông dân vào lính để gìn giữ Đại đồn Chí Hòa, dưới quyền chỉ huy của Trương Định. Năm 1861, nhờ công đốt tàu L’Espérance, ông được triều đình phong chức Quyền sung Quản đạo nên còn được gọi là Quản Chơn hay Quản Lịch. Sau khi ba tỉnh miền đông Nam Bộ mất (hòa ước Nhâm Tuất 1862) ông được phong làm Lãnh binh. Năm 1861 ông lại được triều đình phong chức Hà Tiên thành thủ úy để trấn giữ đất Hà Tiên.

Sau khi thành Hà Tiên thất thủ, ngày 23-6-1867, ông rút quân về Rạch Giá tiếp tục cuộc chiến đấu, lập căn cứ ở Hòn Chồng. Ngày 16-6-1868 ông cho quân đánh úp đồn Kiên Giang (nay là thị xã Rạch Giá) tiêu diệt địch và làm chủ tình hình được tài liệu. Giặc Pháp phản công, ông rút ra đảo Phú Quốc lập căn cứ nhằm chống giặc lâu dài. Pháp phải huy động một lực lượng hùng hậu đến bao vây và tấn công đảo. Đến tháng 10-1868, để bảo đảm lực lượng nghĩa quân và nhân dân trên đảo, ông tự ra nộp mình. Sau đó, ông bị giải về Sài Gòn.  Cuối cùng Pháp đem ông ra hành hình ở chợ Rạch Giá ngày 27-10-1868, hưởng dương 31 tuổi. Để tỏ lòng biết ơn Ông, hiện nay, người dân lập đền thờ cúng ông ở ba điểm tiêu biểu tại Long An, Rạch Giá và tại Gành Dầu Phú Quốc.

Xe chạy qua các con đường ổ gà, đất đỏ bụi mịt mờ. Bây giờ tôi mới hiểu tại sao lúc mới đến, các cậu ấm nôn nao mướn xe gắn máy chạy đi tham quan bán đảo, có mấy tiếng đồng hồ mà về nhà mặt mủi trông dơ dáy như tướng cướp. Dọc đường đi tôi cùng thấy nhiều cặp du khách da trắng chở nhau đi bằng xe gắn máy. Đường thì chật nên mỗi khi có xe lớn chạy qua, họ phải chạy nép vào lề, trong khi bụi đất đỏ tung lên mờ mịt. Khuôn mặt người nào cũng có vẻ căng thẳng. Trông thật tội nghiệp và nguy hiễm. Có lẽ ai cũng đi thử một lần cho biết bằng xe gắn máy mà thôi. Chính quyền ở đây đang sửa rộng đường để khuyến khích ngành du lịch. Phú Quốc được quảng cáo rầm rộ nhưng tôi nghĩ, ít nhất phải mất 10 năm nữa Phú Quốc mới trở thành một Phukhet của Thái lan hay là thành phố biển như Nha Trang, Vũng Tàu.

Dọc hai bên đường, nhiều túp nhà lá của dân chúng trông xơ xác, nghèo nàn. Những đứa trẻ đi chân không hay mang những đôi dép cùn, quần áo củ kỹ trông thấy thương vô cùng. Một điều lạ là dân quê nghèo rớt mồng tơi nhưng lại có tấm lòng hiếu khách kỳ lạ. Mình vẫy tay chào họ. Để đáp lại, từ mấy ông già bà lão cho đến mấy đứa con nít đều vẫy tay rối rít chào lại du khách với khuôn mặt tươi vui. Họ như quên đi cảnh nghèo, chấp nhận số phận, không chút ganh tị với người may mắn hơn mình.

Người buôn bán dọc đường, nếu mình muốn thử món ăn nào mà không mua, họ cũng không hằn hộc hoặc chửi thề theo. Dân ở đây nghèo nhưng hiền hòa lắm. Họ không đập đổ hay nói thách nhiều với du khách như những điểm du lịch khác trên thế giới. Tôi mua mấy ổ bánh mì thịt bên đường. Lúc trả tiền, bà bán hàng nói giá cũng bằng giá ông xe ôm cũng đang chờ mua bên cạnh.

Ở đây tôi thích nhất là uống dừa tươi. Nước nhiều và ngọt lịm. Lúc nào mua tôi cùng xin bà bán chặt ở đầu rộng ra một chút. Trong túi tôi đã thủ sẵn một thìa lớn chôm của nhà hàng, dùng để nạo cơm dừa mà ăn. Lạ thật, cũng là dừa tươi ở vùng biển nhưng tôi chỉ thấy nước dừa ở Việt nam và Thái lan là ngọt. Còn dừa tươi ở Puerto Rico hay Costa Rica thì nhạt như nước ốc.

Sau đền thờ Nguyễn Trung Trực, anh tài xế lái một vòng, đưa chúng tôi  đến Bãi Dài, Bãi Thơm. Phải nói cảnh ở đây thật đẹp. Bãi cát trắng phau, nước trong xanh dài vô tận. Bây giở tôi mới hiểu tại sao “Tây, Đầm” thích đến đây du lịch. Cảnh thiên nhiên với bầu không khí trong lành, nước ấm..ít khi tìm thấy ở những bãi biển du lịch thế giới.

Chương trình lý thú nhất mà mấy người trẻ mong đợi là câu mực đêm bắt đầu từ lúc 7 giờ tối. Tùy theo số lượng khách đi, giá vé cho mỗi đầu người từ 50 đến 80 đô, bao gồm mọi chi phí  du thuyền đưa ra khơi cùng giá mướn dụng cụ.  Khách du lịch được đưa đến bãi mực cách bờ khoảng gần 10km. Mấy công ty du lịch địa phương tổ chức câu mực, họ kết hợp với ngư dân đánh bắt cá chuyên nghiệp theo phương pháp truyền thống cùng đi để hướng dẫn kỹ thuật câu mực cho du khách. Sau khi đã neo đậu, toàn bộ đèn pha của du thuyền được bật sáng hết công suất để “dụ” mực đến. Người câu được hướng dẫn gắn mồi câu (mồi câu thẻ mực là những con tôm giả, sơn màu phản quang lòe loẹt, đuôi mang chùm lưỡi câu sắt nhọn), sau đó thả mồi xuống nước ở độ sâu từ 10 – 15 m và liên tục kéo rê con mồi. Khoảng chừng vài chục phút sau, từng đàn mực xuất hiện mỗi lúc một nhiều tranh nhau đuổi theo con mồi và dính câu. Mực câu được, du khách tự tay mình nướng trên bếp than hồng được chuẩn bị sẵn, chấm với muối tiêu chanh. Nếu không muốn ăn mực nướng, nhà bếp sẽ dùng mực khách câu được để nấu cháo mực, thêm một vài thức ăn hải sãn để đãi khách. Trước khi đến Phú Quốc, tôi nghe người ta nói món ăn độc đáo chỉ có ở hải đảo này, ngòai gỏi cá trích còn có chả trứng mực. Nhưng tôi hỏi mấy nhà hàng thì không ai có. Có lẽ món ăn ngon và hiếm này chỉ để dành cho dân địa phương mà thôi.

Sau một ngày đi chơi dong duỗi, cả đòan chúng tôi đều mệt nhòai. Trở về khách sạn, chúng tôi ngạc nhiên hết sức khi nghe tiếng nói cười ồn ào ở các hành lang. Thì ra có một đòan khách du lịch ở mấy tỉnh đồng bằng sông Cửu long đến đây du ngọan. Phòng nào phòng nấy cửa mở tan hoang, người ở phòng này chạy qua phòng kia như chốn công cộng. Căn phòng đối diện phòng tôi là phòng các thanh niên. Cả đám khỏang mười người tụ nhau ngồi trên giường chơi đánh bài. Họ la hét trong canh bạc đen đỏ. Ai nấy ngước nhìn “đám Việt kiều và Đầm kiều” chúng tôi với vẻ tò mò nhưng lễ độ. Một vài bà già trầu gật đầu chào tôi như muốn làm quen. Tôi mỉm cười với họ nhưng không còn sức đâu để nói chuyện. Người ngợm rít chịt, tôi thèm được đứng trước vòi sen để tắm táp và leo lên giường để đánh một giấc cho đã. Chiếc khăn tắm của khách sạn mỏng tanh, không biết màu nguyên thủy là màu trắng hay màu kem. Nhưng mặc kệ. Chọn khách sạn “không sao” thì phải chịu vậy.

Sáng sớm hôm sau thức dậy lúc tám giờ  thì đòan khách ở mấy phòng gần bên đã đi đâu mất tiêu rồi. Không khí lại vắng lặng. Thì ra khách du lịch đi theo đòan phải dậy sớm từ sáu giờ sáng để công ty du lịch hướng dẫn đi tham quan cho sớm sủa. Tôi nhớ lại chuyến du lịch hai năm trước, chúng tôi cũng đi theo kiểu này. Cứ năm giờ sáng là mọi người phải thức dậy. Mặt mủi người nào cũng phờ phạc vì còn buồn ngủ. Thức khuya, dậy sớm như vậy chúng tôi thấy mệt vô cùng nên kỳ này, tôi quyết định không đi chơi theo đòan du lịch mà chính mình tổ chức. Muốn đi giờ nào, về giờ nào thì  tùy ý, thích hơn. Đi chơi mà phải hấp ta, hấp tấp, mắt nhắm mắt mở để rồi ai nấy leo lên xe búyt ngủ gục, chẳng tha thiết gì ngắm cảnh hai bên đường.

Tôi tò mò hỏi chị chủ khách sạn đòan người hồi tối từ đâu đến vậy. Ồn ào nhưng dễ thương. Chị chủ cho biết, nhiều khi chị gặp khách “nhà quê” ở mấy tỉnh Hậu giang. Họ đến đây chơi cho biết nhưng lén đem theo nồi điện, mua cá mực về rửa trong bồn rửa mặt rồi lén nấu nướng, mùi thức ăn xông ra ngòai hàng lang. Tôi trố mắt như không thể tưởng tượng được. Phòng ở đây đã nhỏ, nấu nướng kiểu này thì vi phạm luật an tòan và mất vệ sinh quá đi thôi. Chị chủ chỉ biết chắc lưỡi, lắc đầu.

Theo lời chị chủ khách sạn quảng cáo, chúng tôi băng qua đường, sà vào quán ăn đối diện. Hủ tiếu, cháo lòng thật là ngon. Một tô giá 2 đô la. Chị bán hàng ngạc nhiên khi thấy chúng tôi đòi bỏ ít thịt và nhiều rau giá. Người địa phương thì xin thêm chén nước béo, kỳ kèo thêm vài lát thịt. Chúng tôi xin chị đừng bỏ váng mỡ vào. Tây với Ta khác nhau ở điểm này.

Ngày hôm nay, anh tài xế trẻ tên Hiệp, thật dễ thương. Hôm nay anh sẽ chở chúng tôi đi chơi một vòng hướng Nam. Địa điểm đầu tiên anh chở chúng tôi đến là chùa Sư Muôn.

Chùa nằm cách thị trấn Dương Đông khỏang 5 cây số, phía bên phải trên đường đi Hàm Ninh. Chùa có tên chữ là Hùng Long Tự, theo phái Tịnh độ cư sĩ, thuộc Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam được thành lập bởi vị sư tên Nguyễn Kim Muôn. Qua con đường vòng vèo, lên trên lưng chừng núi, một ngôi chùa cỗ kính với kiến trúc độc đáo đã hiện ra, nằm giữa rừng cây tịch mịch, dưới một bóng cây Kơ nia cỗ thụ 300 tuổi. Cảm giác đầu tiên của mọi người khi đến đây  là một sự bình lặng, tâm hồn thư thới như đã xa chốn bụi trần. Phong cảnh chung quanh thật là đẹp. Sau chùa là núi có nhiều cây to cao vút. Nước từ  khe cao chảy xuống chân chùa, chia làm nhiều ngách bao bọc quanh thềm, chảy vào sân sau. Ngách khác len lõi dưới rặng tre để xuống đồi sim.

Chánh điện được cất trên nền đá cao gần 3 mét bên trong thờ tượng Phật lớn, với đường nét điêu khắc sắc sảo. Xung quanh chánh điện có lan can bao bọc. Ngòai chánh điện trang nghiêm thờ tượng Phật lớn, phía trước sân chùa còn có bức Di lặc với các chú tiểu vây quanh trông rất sống động. Đắc biệt ngay trước sân chánh điện có một tảng đá giống như hình một con cọp đang nằm phủ phục.

Chùa Sư Muôn (Hùng Long Tự)

Chùa Sư Muôn (Hùng Long Tự)

Nhưng kìa, tiếng đàn não nuột của ai đã khiến cho lòng người du khách phương xa bủn rủn đến như vậy? Thì ra, trước khi bước lên những bậc thang đá đi lên viếng chùa, có một vài người bán hàng lưu niệm với những chiếc bàn gỗ thấp thô sơ. Trong số người này, có một cô gái trẻ gù lưng, dị dạng tật nguyền đang xử dụng độc huyền cầm (còn gọi là đàn bầu) với vẻ điêu luyện. Cô đàn những bảng dân ca Nam bộ nghe buồn hiu hắt. Tiếng đàn vang lên trong bầu không khí tĩnh mịch của cửa thiền. Cô ngồi trước mẹt bán nhang, bản đồ hải đảo cùng một ít đồ lưu niệm bằng vỏ ốc thô sơ. Cô không để ý đến khách để mời chào mua hàng mà đắm mình trong tiếng nhạc, say sưa kéo những bài ca nghe như tiếng nức nở cho thân phận hẫm hiu. Tôi nhẹ nhàng ngồi xuống bên cô thật lâu, thưởng thức tiếng đàn bầu mà lòng cảm thấy rưng rưng. Bài Lòng Mẹ của Y Vân qua ngón tay điêu luyện của cô khiến những đứa con tha phương, xa rời đất Mẹ hoặc nhừng kẻ bất hạnh đang cài hoa hồng trắng trên ngực áo như tôi không thể cầm được nước mắt. Rồi thêm những bản dân ca Lý Con Sáo, Lý Bông Dừa… Trời ơi, buồn chi mà buồn đến thế.

Sau khi dứt những bản nhạc, cô gái lúc đó mới ngẫng mặt lên nhìn khách mỉm cười thay lời chào. Nụ cười thật hiền. Tôi hỏi thăm cô. Cô tên Bích Nhiều, 30 tuổi, đã học đàn từ sáu năm nay với một Sư phụ ở Dinh Cậu. Cô hiện sống nương náu ớ căn phòng trống ngòai cổng chùa. Cô cho biết, cô bán chút đồ tạp hóa lưu niệm cùng băng nhạc do cô đàn, kiếm chút tiền về nuôi con. Thấy tôi tròn mắt như không thể tin được, cô nhẹ nhàng cắt nghĩa:

– Đó là con nuôi của con… Hòan cảnh con đã khổ nhưng hòan cảnh cô gái kia còn nghèo và khổ hơn con. Cô ấy sinh con ra, một mình không đủ sức nuôi con nên đem bỏ ở cổng chùa. Con thấy đứa bé tội nghiệp quá nên xin Sư Cô cho con nhận đứa bé làm con nuôi. Cơm chùa cho con ăn không. Con kiếm được chút ít tiền để dành mua sữa cho con.

– Thế đứa bé bao nhiêu tuổi vậy?

– Dạ năm tháng… nhưng nó ngoan lắm, không có khóc hay quấy phá gì. Nó ngủ trong kia. Khi nào con nghe tiếng nó con sẽ đi vào cho nó bú.

Quả là một tấm lòng vàng. Thân cô tật nguyền đã phải bò lê dưới đất để di chuyển. Giờ cưu mang thêm một đứa bé, thật tội cho cô.

Cô Lê Bích Nhiều

Cô Lê Bích Nhiều

Tôi cầm cuốn VCD nhạc tấu Độc huyền cầm của cô lên xem. Cô cho biết có một du khách một lần ghé thăm cảnh chùa, biết được hòan cảnh của cô thu cuốn băng này. Ngòai bìa có hình của cô cùng một bài thơ cảm khái của một tác giả vô danh nào đó:

Phú Quốc ơi! Ai một lần ra đảo

Tháng năm dài lòng cứ mãi bâng khuâng

Con tàu nhỏ đón muôn ngàn giông bão

Suốt ngày đêm trắng xóa dưới chân cầu.

Tôi dúi vào tay cô một số tiền và xin địa chỉ của cô để liên lạc. Cô thật thà nói:

– Sư Cô cho con nương náu ở đây không có lấy tiền nên con không dám làm phiền Sư Cô nhiều. Con mượn một địa chỉ ngòai thị trấn để nhận thư từ. Mà con cùng đâu có thân nhân để nhận thư ai đâu. Không ngờ mấy tháng trước, con ngạc nhiên hết sức khi có giấy báo kêu con ra địa chỉ này để nhận tiền. Một khách thập phương nào đó đã thương hòan cảnh của con mà gửi cho con hai triệu (tương đương 100 Mỹ kim).

Tôi ghi địa chỉ này xuống, hy vọng một mạnh thường quân nào đó mở lòng thương xót hai mẹ con cô. Lê Thị Nhiều, 7A Hòa An, Mong Thọ, Tỉnh Kiên Giang, Việt Nam. Thôi, xin từ giã người nghệ sĩ tài danh bất hạnh. Không bíết có ngày tái ngộ nữa không nhưng tôi tin nếu con người có duyên với nhau thì thế nào cũng có ngày gặp lại. Lòng tôi còn vương vấn tiếng đàn của cô, Bích Nhiều ơi!

Đang còn nấn ná lúc chia tay, chúng tôi may mắn gặp được Sư Cô, người chủ trì ngôi chùa Sư Muôn này, đang lững thững từ dốc cao đi xuống. Sư Cô năm nay đã 94 tuổi, đi đứng chậm chạp, khuôn mặt nhân hậu, hiền từ. Thấy nhóm người chúng tôi nói chuyện vui vẻ, Sư Cô cũng đi lại, nói chuyện với chúng tôi. Chúng tôi xin chụp hình chung. Sư Cô đứng vào, quàng tay qua vai chúng tôi cười thật tươi, đưa cả chiếc miệng móm mém không răng. Sư Cô quơ tay chỉ đám người chúng tôi nói đùa bằng giọng nhà quê, thật thà:

– Hai ba đứa bây cộng tuổi lại cũng không bằng Sư Cô đâu.

Thấy Sư Cô vui tính nên tôi cũng nói đùa lại. Vừa chỉ ngón tay vào ngực mình, vừa chỉ một cậu thanh niên lớn tuổi nhất trong đòan, tôi nói:

– Đứa này và đứa kia cộng lại là bằng tuổi Sư Cô rồi.

Sư Cô cất tiếng cười to, giọng thật sảng khóai. Bà nhìn tôi mắng yêu:

– Bây thật là lanh!

– Dạ, tại hồi nhỏ má con cho con ăn ớt nhiều nên lưỡi bị lột đó, Sư Cô ơi!

 

* * * *

Hết kỳ 1

Tống Minh Long Quân

You may also like

Comments are closed.