Một năm qua mà ngỡ như mới ngày nào. Chúng tôi lại ra phi trường quốc nội Tân Sơn Nhẩt để lấy chuyến bay đi Đà Nẵng. Theo chương trình, chúng tôi đến Hội An để ngày hôm sau sẽ mướn xe đi Quảng trị phát quà. Nhìn trời mưa cả ngày như vậy trong lòng tôi cảm thấy ngán ngẫm.

Theo lời đề nghị của sơ Hương ở Quảng Trị – người giúp tôi trong việc phát quà cho đồng bào Thượng ở vùng sâu, đề nghị tặng mỗi gia đình lãnh quà một bộ chén ăn cơm vì họ nghèo quá, nhiều gia đình không có đến cái chén để ăn cơm. Trước khi về Việt nam, tôi đã liên lại, nhờ Khanh kiếm các hãng sản xuất chén nhựa ở Sài gòn để mua dùm tôi 300 bộ chén. Thật may mắn, Khanh rành về lãnh vực này nên hãng cung cấp, nghe chúng tôi mua để làm từ thiện nên bán giá sỉ, lại còn tặng thêm mấy chục bộ lẻ. Mấy thùng chén đã được gửi ra Đà Nẵng từ trước để chờ tôi chở ra Quảng Trị.

Bác tài xế cho biết đi đường hầm Hải Vân, nhanh và đỡ nguy hiểm hơn. Từ khi có đường hầm, xe cộ ít lưu thông trên những con đường đèo ngoằn ngoèo, hiểm trở.  Vì việc lưu thông vắng vẻ nên đường đèo trở nên nguy hiểm vào sáng sớm và khi trời sụp tối khi vắng bóng xe cộ. Bọn gian manh thừa cơ hội nên mặc sức trấn lột người qua lại.

Qua khỏi đoạn đường hầm, xe bắt đầu chạy chậm, nối đuôi theo đoàn xe tải trên đoạn đường quanh co, chật hẹp. Khí hậu miền Trung khắt nghiệt, mỗi năm có các trận mưa lũ liên tiếp đã làm sạt lở nhiều đoạn trên đường đèo Nam Hải Vân. Đá rơi làm đường thủng lỗ chỗ. Đáng chú ý, đoạn đường này thường xuyên có sương mù dày đặc, có lúc tầm nhìn xa chỉ còn 1 mét. Suốt đoạn đường, trời vẫn mưa không dứt. Trời không lạnh nhưng cảm giác ướt át khiến mình khó chịu.  Tôi bắt đầu lo ngại. Thời tiết như thế này, làm sao phát quà được đây?

Cuối cùng, chúng tôi cũng tìm ra địa chỉ đến Cam Lộ ở Quảng trị. Trời hôm nay lạnh hơn ngày thường. Nhiệt độ là 10 độ C. Chúng tôi co ro bước xuống xe, chào hỏi nhau làm quen. Nhà mồ côi Cam Lộ này được nhóm từ thiện Care2share ở Ohio bảo trợ. Em gái tôi nằm trong nhóm này nên tôi có dịp biết đến sơ Hương, con chim đầu đàn ở đây. Nhóm từ thiện chúng đã bao lần tôi nhờ sơ Hương đại diện Nhà tình thương Cái Rắn phát quà cho đồng bào thiểu số nghèo ở vùng xa, người nữ tu này rất sẵn lòng. Ngày mai chúng tôi sẽ vào các buôn làng để phát quà. Tôi nhìn ra ngoài trời và đề nghị sơ Hương, có thể hoãn ngày phát quà lại được không? Sơ Hương nói không được vì ngày phát quà đã được thông báo từ trước. Mấy gia đình nghèo từ các buôn làng xa xôi họ nô nức chờ đợi ngày này đã từ lâu. Dù mưa gió bão bùng họ cũng lặn lội đến.

Quần áo tôi mang theo không đủ ấm với thời tiết 10 độ C ở đây. Tôi chọn chỗ ngủ trên chiếc nệm mỏng trải dưới đất, kê sát cửa. Tối hôm đó, trời mưa gió bên ngoài. Tôi nghe tiếng lá đập vào nhau, tiếng gió rít mà đâm nản lòng. Thời tiết như thế này mà phát quà làm sao được? Tôi thầm cầu nguyện ơn Trên cho một phép lạ. Ngày mai đừng mưa bão như thế này, tội cho người nghèo quá đi thôi. Tụi tôi thì trốn mưa được, nhưng còn xe gạo, xe thực phẫm và đoàn người lặn lội từ các buôn làng xa thì như thế nào?

Có một điều khiến tôi không lấy làm thoải mái là năm ngoái, Thời Báo qua sự giới thiệu của tôi đã giúp nhà mồ côi của sơ Hương này làm hệ thống bơm nước giếng để mọi người có đủ nước xài trong mùa nắng hạn. Ngày xưa tôi xem hình, thấy cảnh các bà sơ ở đây và các em mồ côi phải đi xa, đem quần áo ra sông lạch để giặt giủ, tắm rửa. Từ khi có hệ thống máy nước, các em được tắm rửa, giặt giủ trong nhà. Vì đây là vùng đất vôi nên nước uống phải lọc. Sơ Hương xin gắn hai máy lọc nước để các em có nước uống, khỏi phải đi mua nước bên ngoài. Tôi đến đây một phần cũng muốn xem kết quả tốt đẹp của sự góp tay của độc giả Thời Báo. Nhưng theo sơ Hương cho biết, ngay ngày chúng tôi đến, điện bị cúp cả ngày nên máy không bơm nước được. Đến tối trước khi đi ngủ thì điện lại cúp, chúng tôi phải lần mò từng bước với cây đèn dầu.

Cảnh thiếu nước trầm trọng của dân miền Trung vào mùa hè

Cảnh thiếu nước trầm trọng của dân miền Trung vào mùa hè

image003

Vì không có điện cả ngày nên nước trên gát không được bơm lên. Một sô nhỏ chứa nước chỉ còn quá nửa. Nhà vệ sinh dưới nhà cũng vậy. Tôi e ngại với đoàn người của chúng tôi, nếu ban đêm làm vệ sinh mà không có nước dội thì không biết phải làm sao. Chúng tôi phải tiết kiệm từng gáo nước. Tắm rửa sơ sơ để sạch bụi trên đoạn đường đi. Nghĩ lại thấy thương dân miền Trung quá. Thiếu thốn đủ mọi thứ. Mùa hè thì nóng như thiêu đốt. Nước thì không đủ dùng. Sông lạch thì cạn khô. Nhìn cảnh mấy đứa con nít con nhà nghèo lội bộ thật xa dưới cái nóng bỏng da để xách về mấy bình nước dơ dáy cho gia đình xài. Miền Trung khác với hai miền Nam và Bắc là mùa hè nơi khác thì mưa nhiều, có lượng nước mưa lớn nhất, thì miền khí hậu này lại đang ở thời kỳ khô nhất.

Sáng hôm sau, trời quang, mây tạnh, không còn mưa nữa. Sơ Hương mừng rỡ, nói lạ thật. Cả tháng nay Quảng Trị mưa ngày đêm, không một ngày nắng. Thế mà hôm nay chúng tôi ra đây, hôm nay trời tạnh. Tôi nói với người nữ tu, ơn Trên đã nhận lời cầu nguyện của tôi.

Buổi điểm tâm được mọi người thanh toán thật nhanh để còn lên đường đi phát quà cho bốn buôn làng người Thượng ở xa xôi.

Xe chúng tôi lên đường theo sự chỉ dẫn của sơ Hương. Tôi giật mình khi xe chạy qua một địa điểm đã đi vào sử xanh với mùa hè đỏ lửa vào năm 1972. Đó là Cổ thành Quảng Trị. Tự nhiên trái tim tôi thắt lại và thấy buồn muốn khóc. Tôi cúi đầu, thầm cầu nguyện cho các vong linh của các chiến sĩ đã bỏ mình nơi đây. Tôi không ngờ sau mấy chục năm, tôi lại có dịp đặt chân đến đây. Sau cuộc chiến, khung cảnh chung quanh có gì khác lạ? Nghèo và nghèo! Những khuôn mặt khắc khỗ, vắng nụ cười trên môi. Tội cho dân của tôi quá đi thôi.

Hôm nay chúng tôi sẽ đi phát quà cho bốn buôn làng đồng bào Thượng. Đó là thôn Khe Hiền, Krông Klang, Hà Bạc và Xa Vì. Tôi không biết là mấy thôn này xa hay gần nhưng đã đến đây thì cứ đi, không thể đổi ý. Xe theo quốc lộ 9 về hướng Lao Bảo. Tôi nhìn rừng núi hai bên đường mà đầu óc thì suy nghĩ vẫn vơ. Bỗng dưng nhìn cây số bên vệ đường chỉ đường đi Khe Sanh, cách đó chừng chục cây số, tôi giật mình. Đây là một địa danh nổi tiếng, với sự tham dự Lực Lượng Đặc Biệt Mũ Xanh (Green Berets) Hoa Kỳ. Tôi lại lan man nghĩ đến những người lính Mỹ năm xưa đã đến đây.

Trước khi về đây làm từ thiện, tôi đã hỏi đi hỏi lại sơ Hương là phải xin phép mấy ông làng, ông xã ở đây cho chúng tôi đến phát quà. Làm từ thiện, không phải dân ở xa về rồi muốn đi đâu thì đi, phát quà cho ai thì phát đâu. Tôi đã có kinh nghiệm nên đến chỗ nào, tôi nhờ thiện nguyện viên địa phương xin phép, xin tắc đàng hoàng.

Xe chúng tôi chờ đợi người dẫn đường. Đợi chừng năm phút thì chúng tôi thấy một người đàn ông cởi xe gắn máy chạy đến. Nhìn khuôn mặt tôi biết ngay đó là công an, mặc dù  chỉ mặc thường phục. Khuôn mặt anh ta im lìm, đôi mắt nhìn chúng tôi quan sát.

Chiếc xe cam nhông mui trần chở gạo cũng vừa tới. Thế là xe chở gạo và người đàn ông đi trước. Xe van của chúng tôi chạy theo. Rẻ vào một con đường đất đỏ gập ghềnh, xe chúng tôi nghiêng qua ngả lại, chạy được một khoảng ngắn thì bác tài dừng lại và nói không thể đi được nữa vì đường ngập sình lầy, chạy thêm vào bên trong xe sẽ lún bùn.

Chúng tôi bối rối, tất cả cùng xuống xe. Mưa cả tháng trời ở đây, đường đất đỏ nhão nhẹt. Chúng tôi bàn bạc với nhau. Thật là tiến thối lưỡng nan. Đến đây rồi chẳng lẽ bỏ đi về?  Bây giờ chỉ còn một cách. Đoàn người chúng tôi sáu người cả thảy sẽ sang qua ngồi trên xe gạo. Kẹt một cái xe gạo đã chở đầy nhóc mấy bao gạo, nước mắm, đủ thứ nhu yếu phẫm. Ông tài xe cam nhông nói có một chỗ ở băng ghế trước bên cạnh tài xế.

Cả nhóm người leo lên xe cam nhông chở gạo mà ngồi để đi tiếp và bên trong. Tôi thấy bác tài xe van nhỏ của chúng tôi từ chối lái tiếp tục là đúng. Xe cam nhông bánh to như thế này mà chạy còn trơn trượt, lượn qua lượn lại trên lớp bùn đỏ sền sệt như nhảy rumba.  Chưa bao giờ tôi thấy loại bùn một màu đỏ rực như ở đây. Không biết có phải loại bùn làm gạch hay không mà đỏ như vậy. Ông tài nói đỡ là hôm nay không có mưa chớ như mấy ngày trước thì xe lớn như xe này cũng chịu thôi.

Xe đậu ở một sân đất trống. Chúng tôi phải tìm một chỗ sân lát xi măng phía dưới căn nhà sàn để bày những phần quà ra. Lúc này đồng bào bắt đầu kéo đến đông đảo. Mấy ông làng, bà xã người Thượng yêu cầu chúng tôi phát quà theo phiếu họ đã đưa dân nghèo đã được chọn lựa trước. Mỗi một gia đình được một bao gạo, một chục chén đĩa, một bao nhu yếu phẫm cùng một bì thư tiền. Tôi đi phát cho các gia đình có con nhỏ đi theo những ổ bánh mì thịt cho họ ăn đỡ đói trong lúc chờ lãnh quà. Ôi, ở đây có người chưa bao giờ nếm thử được ổ bánh mì xa xỉ như vậy. Nhìn đôi mắt họ long lanh sáng khi nhai nuốt từng miếng bánh với vẻ sung sướng tột độ.

Niềm vui lãnh quà

Niềm vui lãnh quà

image007

Vùng này đang chịu thời tiết lạnh nên thiên hạ ăn mặc đủ cách, đủ màu sắc. Tội nghiệp, tôi thấy nhiều em bé một, hai tuổi đi chân đất, mủi chảy lòng thòng mà mẹ nó chỉ lấy tay quệt rồi chùi vào áo.

Người cuối cùng của thôn Khe Hiền đã lãnh xong. Chúng tôi đếm các phần quà còn lại. Còn ba thôn nữa phải đi xa hơn. Tôi đề nghị với ông bà xã, liên lạc với người đại diện mấy xã kia giao quà cho dân ở xã của họ theo danh sách đã được chấp thuận. Sau khi liên lạc, mọi người đồng ý sẽ làm việc phân phối số quà còn lại. Chúng tôi nghe nhẹ nhỏm. Đường xá lầy lội, nguy hiễm như thế này mà đi vào sâu thì càng mệt thêm nữa.

Giã từ vùng đất xa xôi của miền Trung này, tôi thấy một chút lưu luyến khi nhìn những bộ mặt thật thà của đồng bào Thượng. Dân Việt đã nghèo, dân thiểu số còn nghèo hơn. Nhìn mấy người đàn bà tay xách bao gạo, tay xách lỉnh kỉnh túi nhu yếu phẫm, chén bát lội trên con đường đất bùn, đi mấy cây số để về nhà của họ. Có bà lãnh được ổ bánh mì mà không dám ăn, kẹp nách để dành mang về cho chồng con.

Mọi người chia tay giã từ. Một chút bịn rịn, một chút luyến lưu. Tôi cám ơn người nữ tu ở nhà mồ côi Cam Lộ. Có đi mới thấy thương mấy người làm việc thiện nguyện. Cực quá chớ sướng ích gì? Nhớ cảnh người nữ tu mặc áo bà ba, leo lên chiếc xe cam nhông, tay bíu thành xe, ngồi trên mấy bao gạo.. xe chạy lắc lư thấy mà thương.

(Roof of Love)

You may also like

Comments are closed.