Tôi nhớ trước khi về Việt Nam, tôi đã viết thư báo tin cho cha Hậu biết cuộc hành trình của đòan chúng tôi. Tôi còn căn dặn Người thu xếp cho tôi và thằng con út trú ngụ ở một nhà dân nào đó để chúng tôi có kinh nghiệm thực tế. Ngày đầu tiên gặp Khánh và Người ở Sài Gòn, tôi nhắc lại yêu cầu này. Người nhìn tôi nói tỉnh bơ:

– Nhà dân có ai có chỗ đâu mà cho khách ở? Vợ chồng con cái nằm ngang trên một một chõng tre, liệu Việt kiều có ngủ chung với họ được không?

Tôi làm thinh, tưởng là Người nói đùa. Còn Khánh chỉ cười cười không nói, ngầm ngụ ý “đi đến đó rồi biết!”. Bây giờ gia đình cô bé Trinh nài nỉ tôi ở lại ngủ một đêm chơi nhưng tôi thối thóat. Gia đình này không “tận cùng bằng số” đến nỗi vợ chồng, con cái chất nhau trên một chiếc giường. Nhưng tôi nói nhỏ cho các bạn nghe. Tôi sợ “cầu cá tra” lắm rồi.  Đây là cuộc sống thật ở dân quê hiện tại, không phải chuyện tưởng tượng trong tiểu thuyết về đời sống dân quê mấy chục năm về trước. Đi thăm nhà nào, nếu cần đi vệ sinh thì phải nói rõ. Từ trong nhà đi ra “cầu cá tra” cũng một khỏang đồng. Đến nơi thì chỉ là chiếc cầu bằng hai thân cây nhỏ ghép lại, cất bên mé ao, chung quanh bao bọc bằng mấy miếng ni lông sơ sài, rách nát. Phải ngồi thụp xuống thì người bên ngòai chỉ thấy cái đầu. Mấy cây cột dựng cầu trông lỏng lẻo, xiêu vẹo, xô một cái là ngã ngay. Chị đàn bà dẫn tôi đến “cầu cá tra” này, còn căn dặn tôi đừng nên vịn vào cột vì không có chắc chắn. Mèn ơi, nội việc bước lên hai thân cây tròn lẳng, rung rinh là cả một cuộc phiêu lưu rồi. Mình chỉ mong chộp được vật gì đó để giữ thăng bằng. Không vịn thì láng cháng rơi tòm xuống ao, làm mồi cho cá tra là cái chắc! Chị nhà quê đưa tôi miếng giấy báo cũ xì. Không có giấy toa lét, toa liết gì cả. Tôi lết từng bước trên thân cầu như đi xiếc, nhắm mắt lại vì sợ khi nghe tiếng đàn cá vẫy đuôi đồm độp dưới nước. Tôi nhớ “ngày xưa còn bé”, theo mẹ về quê ăn giỗ. Tôi tham ăn, nghĩ đến ăn thì thích thật và đòi theo mẹ, nhưng hồi đó tôi sợ cầu cá tra vô cùng. Sau mấy chục năm, đi nửa vòng trái đất, bây giờ quay trở lại quê hương vẫn thấy những chiếc cầu này. Thiệt tình!

Khi xong việc, trở vào nhà. Chị nhà quê đứng đợi ở phía xa để dẫn đường. Tôi hỏi vậy chớ ban đêm trong nhà có người chột bụng hoặc đàn bà, con gái như con bé Trinh thì làm sao? Chị trả lời. Thì cũng phải cầm đèn pin soi đường mà đi. Có gì đâu mà sợ. Trời đất!

Bởi vậy khi đến đây, thấy rõ cuộc sống của dân quê, đám con trai tôi – và ngay chính tôi đều nín re, không dám nhắc lại lời yêu cầu cha Hậu lúc trước. Ở nhà khách của nhà thờ, ngủ giường gỗ với chiếc chiếu mà ai cũng than đau mình thì ở nhà dân còn hỡi ơi hơn nữa. Tôi cảm thấy áy náy. Dân của tôi ai nấy sống cảnh như vậy mà sao mình không sống được? May phước là cha Hậu không nhắc lại những lời yêu cầu của đám “anh hùng rơm” lúc trước.

Trở về giáo xứ, buổi chiều nóng nực với ánh nắng chói chang. Không có việc gì làm, các con trai tôi và bạn chúng bàn tính rủ nhau đi ra tỉnh Cà Mau chơi cho biết. Tôi nghe thì cũng thích đi lắm, vì lúc xe tắc xi chạy vòng vòng kiếm đường xuống Cái Rắn, tôi thấy thành phố nhộn nhịp, phát triễn giống như thành phố Cần Thơ chứ không quê mùa như tôi vẫn nghĩ . Tôi muốn tham quan cho biết cách sinh họat của người dân ở miền cuối nước Việt hình chữ S. Đây là lần đầu tiên tôi mới biết vùng đất này. Ngày xưa, trước năm 1975, ít ai dám đến vùng U Minh, đất Cà Mau này nếu không muốn gặp “người anh em khăn rằn” ban đêm đến dẫn đi. Vùng đất này ngày xưa là vùng xôi đậu. Ban ngày Quốc gia kiểm sóat. Ban đêm Giải phóng làm trùm. Quê ngọai tôi ở Bến Lức, không xa Sài gòn là bao, nhưng ngày xưa thỉnh thỏang lắm, ngày giỗ bái gì đó mẹ chúng tôi mới dẫn một vài đứa con về thăm quê ngọai. Sáng đi, chiều về liền. Tôi lúc nào cũng xin đi vì tôi thích những mâm cỗ cúng, thức ăn ê hề đặt trên bộ ván gỗ. Những món ăn nấu theo kiểu nhà quê rất lạ miệng mà tôi không được thưởng thức ở thành phố. Tôi nhớ có một lần kẹt đường sao đó mà tôi phải ở lại qua đêm ở nhà bà con bên ngọai. Tối về là có những người đàn ông mặc áo bà ba đen đến nhà, thì thào nói chuyện gì đó với bà dì, em bà ngọai tôi ở phía sau bếp. Mẹ tôi mặt tái xanh như tàu lá. Bà sợ rủi mấy người lạ mặt này dẫn anh em tôi đi thì chắc bà chết mất. Ba của tôi thì chẳng bao giờ dám về quê vợ, dù là ban ngày.

Cha Hậu đề nghị đám thanh niên, nếu muốn ra thị xã Cà Mau chơi thì mỗi người nên đi xe ôm. Người sẽ điện thọai kêu họ đến sân nhà thờ mà chở khách. Dĩ nhiên là đám trẻ hớn hở, bằng lòng là cái chắc. Phương tiện gì cũng được, miễn chúng nó khám phá được những điều mới lạ ở những nơi chúng đi qua. Tôi ngần ngại vì rất sợ ngồi xe ôm. Hai năm trước tôi mới về Sài Gòn sau hơn ba mươi năm xa cách, người chị bà con của tôi đã cho con trai của chị đến khách sạn chở tôi đến nhà chị chơi. Xe cộ ở Sài Gòn thì khỏi nói. Xe nào xe nấy chạy lạng lách, sát bên nhau không theo hướng nào nhất định. Tôi ngồi phía sau xe mà sợ mướt mồ hôi. Hai tay tôi ôm bụng thằng cháu chắc nịch, mặt úp vào vai nó để khỏi thấy chiếc xe phía đối diện đang lao vào người mình. Hai bàn tay tôi như bàn thắng, siết bụng thằng cháu thật mạnh mỗi khi tôi thấy mấy chiếc xe bên cạnh đang chạy sát vào xe của nó. Mọi người cười tôi nhát gan. Nhưng kỳ này tôi về, được tin người chị bà con của tôi đang bị thương mấy tuần trước. Cũng tai nạn xe hai bánh đã nghiến nát gót chân của chị. Vào nhà thương băng bó sơ xài, bây giờ vết thương làm độc. Đám con của chị phải chơi chiêu “đầu tiên – tiền đâu” để nhờ các cô y tá chăm sóc cách đặc biệt hơn, không thôi phải cưa bàn chân.

Một đòan xe ôm chạy vào sân nhà thờ. Đám trẻ hí hửng, mỗi đứa đội nón an tòan lên đầu với vẻ thích chí. Mấy cô đầm leo lên phía sau xe, vòng tay ôm eo anh tài xế cách tỉnh bơ, cho chắc ăn. Không biết mấy anh tài này có bị “nhột’ không nữa.

Tụi nó chào từ giã. Vị chủ chiên hẹn chúng nó phải trở về trước 6 giờ 30 chiều để ăn tối. Tôi thấy đám thanh niên ngần ngừ nhìn tôi như hỏi ý. Tôi biết ngay chúng nó muốn ra thành phố để thưởng thức những đặc sản của xứ này. Trước khi đi, tôi thấy chúng nó đã tìm tòi trong internet để biết những món ăn đặc biệt ở mỗi nơi chúng nó sắp đi để có dịp thưởng thức cho biết. Tôi ngồi làm thinh, như ngầm bảo chúng nó phải về đây ăn cơm với cha Hậu và các dì phước, sợ các người buồn. Tôi cũng biết ở Cà Mau có món tôm tít, thịt thơm ngon đặc biệt, chỉ có ở đây mới có. Thịt tôm tít này khác hẳn hương vị của tôm sú, tôm hùm. Tôi cũng thèm được ra ngòai thành phố để kiếm món chả trứng mực trứ danh mà bất kỳ một du khách phương xa nào cũng muốn thưởng thức. Nhưng sự hiếu khách của các người tu hành của giáo xứ Cái Rắn đây rất thật tình. Khách đến đây khó lòng từ chối những bữa ăn để “nhẩy rào” đi ăn bên ngòai. Xứ Cà Mau này nổi tiếng với các món ba khía chiên giòn, lươn um sả v..v.. Đặc biệt hơn nữa, cua gạch son ở Cà Mau được đánh giá ngon nhất vùng đồng bằng sông Cửu long bởi thịt chắc, gạch nhiều, thơm béo và rất nhiều đạm. Những người sành ăn thường chọn cua gạch loại to, hấp bia chấm muối tiêu chanh ăn nhớ hoài hương vị món ngon đất Cà Mau. Tối hôm qua các dì phước làm món lẫu cua, nấu bằng nước dừa tươi đãi chúng tôi. Trời ơi, ngon tuyệt cú mèo. Nước lẫu ngọt lịm bằng tôm cá tươi bắt dưới ao, nấu với nước dừa từ trên cây hái xuống, không có nhà hàng nào có thể sánh bằng.

Tôi ở lại nhà xứ một mình. Khung cảnh yên ắng làm tôi cảm thấy buồn da diết. Giờ này bên Canada, quê hương thứ hai của tôi đang đổ tuyết. Có nóng nực như vầy tôi mới thèm lại không khí lạnh. Thà lạnh để mặc nhiều áo ấm hơn là nực nội, không biết phải làm gì cho mát đây. Không một cơn gió thỏang. Không máy lạnh, không quạt máy, tóc tai ướt dính bẹp vào nhau, người ngợm rít chịt, thấy khó chịu vô cùng. Ở Sài Gòn dù sao cũng còn đỡ hơn. Khách sạn, xe tắc xi, mấy trung tâm thương mại đều có máy lạnh. Mình vào đó trốn cái nóng cũng còn đỡ. Không phải Việt kiều mới thấy nực đâu nghe. Tôi thấy nhiều ông nông dân cởi trần, đưa thân người ốm tong teo, da đen như củ súng. Đàn bà ở Việt Nam thì sợ đen nên ai nấy dù nóng nực cũng mặc áo dài tay, đội nón, che khẩu trang kín mít. Bởi vậy Tây và Ta khác nhau ở chỗ đó. Tây thì cố phơi nắng để về xứ mình khoe nước da rám nắng với bạn bè. Ta thì thèm thuồng nước da trắng, vì được coi đó là thành phần “quí tộc”.

Tôi mượn vị linh mục mấy cuốn sách đọc để giết thời giờ. Sách ở Việt Nam in ấn, giá bán thật bèo. Giá mỗi cuốn sách chừng một, hai đô la mà thôi. Cha Hậu tặng tôi cuốn Cà Mau xưa. Tôi thích thú đọc để khám phá thêm về vùng đất tôi đang có mặt.

Phòng làm việc, cũng là phòng ngủ của vị chủ chiên thật đơn sơ đến tội nghiệp. Cũng căn phòng nhỏ xíu như căn phòng dành cho khách. Nhưng phòng của người thì phía trước đặt một bàn giấy làm việc, nơi Người giải quyết bao công việc của giáo xứ, việc từ thiện và viết lách. Tôi xin phép Người cho tôi được chụp hình nơi ăn, chốn ở của người thợ gặt trên cánh đồng truyền giáo.

Đây là phòng làm việc của vị chủ chiên Ngô Phước Hậu

Đây là phòng làm việc của vị chủ chiên Ngô Phước Hậu

Chỗ ở đơn sơ của linh mục nhà văn với 4 tác phẫm nổi tiếng

Chỗ ở đơn sơ của linh mục nhà văn với 4 tác phẫm nổi tiếng

Đọc hết sách, tôi thơ thẫn đi chung quanh khuôn viên nhà thờ Cái Rắn. Sát bên nhà thờ là cây cầu xi măng do Tòa Giám Mục Cần Thơ giúp tiền xây cất.  Bên kia cầu là mấy tiệm chạp phô, bán lèo tèo vài vật dụng cần thiết. Buổi sáng chợ nhóm họp, theo lối “chợ chồm hỗm”. Người ta đem tôm cá, rau quả trong vườn nhà ra bán để lấy tiền mua thứ khác. Không có một hàng ăn nào. Hèn gì khi tôi đề nghị để gia đình tôi tự túc lo ăn sáng thì cha Hậu không cho. Thì ra nếu muốn ăn sáng phải lên tỉnh chớ không có hàng ăn vặt ở đây. Ngay cả mấy tiệm tạp hóa cũng không có bánh kẹo gì nhiều. Mấy bà nhà quê thật dễ thương. Thấy người lạ là họ cười, mời mua. Mình lắc đầu thì họ cũng cười theo.

Mấy dì phước ở đây thật là giỏi. Dưới sự hướng dẫn của cha Hậu, khuôn viên nhà thờ là nơi dân làng lui tới. Ban ngày thì có lớp mẫu giáo và lớp một do hai dì phước phụ trách. Cha mẹ đem con đến đây học miễn phí, khỏi phải trả tiền. Một dì phước khác lo việc khám bệnh, phát thuốc cho dân nghèo. Dì khác thì lo việc nấu ăn. Phía sau nhà thờ, có vuông tôm, ao cá và mảnh vườn trồng rau để cung cấp thức ăn hàng ngày. Qua hai ngày ở đây, được các bà sơ nấu nướng đãi ăn, tôi rất ngạc nhiên cho tài nội trợ của các bà sơ. Tuy bếp núc đơn sơ, với những phương tiện xưa cũ nhưng bàn tay khéo léo của các bà nấu ăn ngon không thua bà Quốc Việt.

Mỗi buổi chiều, sau giờ tan trường là các em bé đến nhà thờ dự lễ mi sa, đồng thời chơi banh hay đạp xe đạp chơi đùa với nhau. Tôi không ngờ trận bão khủng khiếp năm 1997 ấy đã tàn phá 100% nhà thờ và nhà xứ của họ đạo Cái Rắn. Lúc đó ngôi nhà thờ tồi tàn, vách lá đã được vị linh mục Ngô phúc Hậu đặt tên là ‘chuồng thờ’ trong cuốn sách của Người. Thế rồi không đầy một năm sau, cũng trên nền đất ấy, một ngôi thánh đường khang trang nhất từ trước đến giờ ở vùng Cái Nước – Năm Căn. Dĩ nhiên là khang trang so với các nhà thờ ở các vùng quê hẻo lánh khác.

Tôi quỳ phía sau hàng ghế dành cho các em thiếu nhi trong thánh đường. Chúng nó thật là ngoan. Mỗi đứa cầm cuốn kinh lên hát những bài Thánh ca. Mặc dù tôi chăm chú nghe những lời giảng của vị linh mục trên bàn lễ, tôi vẫn bị chia trí khi để ý đến một cậu bé nhỏ cỡ chín, mười tuổi quì phía trước tôi. Quần áo nó luộm thuộm so với bạn bè cùng trang lứa với nó. Chiếc áo sơ mi trắng đồng phục của nó ngã màu cháo lòng. Có một điều khiến trái tim tôi nhói lên. Thằng bé mang đôi dép nhật mòn lẳng đến phân nửa bàn chân. Tôi quan sát từng đứa bé.. Tan lễ, chúng nó ùa ra sân để nô đùa. Tôi thấy thằng bé “dép cùn” cũng chạy theo đám bạn nhưng coi bộ mấy đứa bạn nó lãng ra, không muốn cho nó chơi. Một con bé mở cặp táp lấy ra mấy trái me dốt phân phát cho đám bạn. Thằng “dép cùn” cũng đến xòe tay xin nhưng bàn tay vẫn trơ trọi đưa ra nhưng rồi rút lại, không có quả nào. Tôi tiến đến và xin con bé cho tôi một quả. Tôi không thích ăn chua, nhưng tôi xin là để cho thằng “dép cùn”. Tôi kéo thằng bé ngồi phía xa, ở bậc thang nhà thờ để hỏi chuyện. Tôi hỏi nó tại sao không mua đôi dép mới mang đi học. Đôi mắt nó thật buồn, nó nói “má chưa cho tiền”. Tôi hỏi thăm nó về gia đình. Nó có tất cả năm anh chị em. Nó là thằng giữa trong gia đình. Tôi hỏi tại sao các bạn không cho nó chơi chung. Khuôn mặt ngây thơ với giọng nói hiền hậu, nó nói:

– Con cũng không biết nữa. Tụi bạn trong trường, tụi nó không thích con. Đứa nào nó muốn “óanh” con là nó “óanh”. Con không có làm gì hết.

– Sao con không méc cô giáo, thầy giáo?

– Méc cũng vậy. Méc rồi mai mốt tụi nó chận đường “óanh” nữa…

– Vậy con để tụi nó “óanh” hòai sao?

Thằng bé làm thinh một hồi rồi mới nói nhỏ:

– Thằng nào dữ thì con tránh nó. Tan học là con ôm cặp chạy trước..

Tôi biết lý do tại sao tụi bạn đánh nó nhưng tôi không nói ra. Tôi đã có ý định trong đầu. Tội nghiệp thằng bé. Nó bị bạn đánh chẳng qua vì tội nghèo. Ở đây ai cũng nghèo nhưng không có đứa nào mang đôi dép cùn đến nửa bàn chân như nó. Tôi xoa đầu, biểu nó đi chơi với bạn đi. Tôi đi lần đến khu nhà bếp, nơi làm việc của mấy bà sơ. Tôi hỏi thăm một dì phước và chỉ về thằng bé. Bà sơ này cho tôi biết, gia đình thằng bé nghèo nhưng ỷ lại nhà thờ. Họ xúi con lên đây xin cha, xin mấy bà sơ cho tiền mua quần áo. Tôi im lặng lắng tai nghe, không nói thêm lời nào nhưng trong đầu tôi không nghĩ vậy. Cha thằng bé làm công nhật, ai mướn gì làm nấy. Còn mẹ nó thì sanh năm đứa con. Đứa nhỏ nhất mới một tuổi thì làm ăn gì được? Nhà bảy miệng ăn thì cũng mệt cầm canh chớ không phải giỡn. Mấy bà sơ lo cho những gia đình nghèo mỗi ngày quá nhiều nên cũng « õai ». Danh sách người nghèo dài thòng nên mấy bà muốn công bình, mỗi nhà được phần bằng nhau. Không thể cho nhà này nhiều hơn nhà kia. Nhưng tình cảnh gia đình thằng « dép cùn » này, tôi nghĩ nếu gia đình nó không bám theo mấy nhà tu này thì không biết bám víu vào ai. Dân ở đây chạy cơm ngày ba bữa, có đủ tiền mua gạo là cũng bở hơi tai rồi. Tôi nghĩ không bà mẹ nào không đau xót khi nhìn con của mình đi học ăn mặc rách rưới đâu. Cực chẳng đã chớ ai nào muốn? Thua sút bạn, đi học thế nào đứa bé cũng trở nên mục tiêu cho bạn bè chế nhạo và ăn hiếp.

Nghe bà phước già nói khẳng định như vậy, tôi không dám cãi. Nhưng tôi đi gặp riêng sơ Hương và năn nĩ bà sơ trẻ làm dùm tôi một việc. Tôi đề nghị, đưa tiền nhờ sơ Hương mua dùm tôi mấy bộ quần áo lành lặn cho thằng bé. Sơ Hương ngẫm nghĩ một hồi rồi nói :

– Hồi nãy dì Sáu có nói rồi. Có cho gia đình này rồi nhưng họ cứ muốn con rách rưới để nhà thờ thấy tội nghiệp mà lo cho con họ. Nhưng thôi… nếu muốn thì tôi sẽ giúp cho. Tôi tìm cách làm phần thưởng cho thằng bé, vì nó học cũng khá. Chớ khơi khơi mình mua quần áo cho nó mà mấy đứa khác không có thì họ lại ganh tị.

Thấy sơ Hương đồng ý. Tôi mừng thiếu điều muốn ôm hôn bà sơ. Tự dưng tôi thấy gắn bó với thằng bé. Tôi sẽ nhờ cha Hậu và sơ Hương lo cách riêng cho nó, giống như tôi đã lo cho con bé Trinh.

Ngày hôm sau, mới 6 giờ sáng mà tôi đã nghe tiếng động cơ nổ ồn ào dưới rạch, bên hông nhà thờ. Thì ra đòan người từ Sài Gòn đã xuống tới, do Khánh hướng dẫn. Họ đi xe đò chuyến đêm, rời Sài Gòn lúc 9 giờ tối, bây giờ mới tới. Tôi chạy theo cha Hậu ra đón mọi người. Đòan người có tất cả bảy người, có cả cha sở ở giáo xứ Châu đốc tên Hải cũng đến để tham dự buổi phát quà từ thiện.

Người chủ chiên Cái Rắn vui mừng ra mặt. Lâu lâu có khách đông đảo đến như vậy là người vui lắm. Các dì phước cũng biết trước hôm nay có đòan khách từ Sài Gòn xuống nên đã chuẩn bị buổi ăn sáng thịnh sọan cho mọi người. Đám Việt kiều cũng đã thức dậy để nhập với đòan người. Mấy bà sơ đãi chúng tôi món hủ tiếu tôm với rau xanh mới hái trong vườn, thật ngon.

Khánh khệ nệ mang mấy va li thuốc to mà tôi đã nhờ Khánh mang xuống. Tôi bận rộn sọan quà ra để trao cho dì phước phụ trách phòng phát thuốc. Sơ Hương chỉ cho tôi đống quà cao ngất đã được mấy dì sọan sẵn để vào bao ni lông cho từng người theo danh sách. Thật tình, không có cha Hậu và mấy dì phước tiếp tay thì tôi không thể nào thực hiện được công tác từ thiện này. Thế mới biết làm việc gì cũng theo châm ngôn « một cây làm chẳng nên non, ba cây chụm lại thành hòn núi cao ». Việc làm từ thiện của cha Hậu cần người khác góp tay. Và người hải ngọai như chúng tôi cũng cần có những người ở tại quê hương để hướng dẫn. Không phải một hay hai người mà bao nhiêu người cũng không đủ tay mà xoa dịu nỗi đau thương, khốn khổ của kẻ bất hạnh. Không có cha Hậu, mấy dì phước, nhóm người của Khánh thì không bao giờ những người xa xứ như tôi có dịp đi về vùng xa xôi như Cái Rắn này. Mà dù có đến tận nơi, nội việc xin giấy phép của mấy ông làng, ông xã để qui tụ dân chúng lại mà phát quà thì tôi nghĩ không bao giờ có thể có.

Tôi cám ơn cha phó Đạt đã làm trang trí, làm biểu ngữ cho buổi phát quà vào buổi trưa.

Qua giờ ăn cơm, tôi thấy sân nhà thờ đã lác đác có người đến. Mấy dì phước lăng xăng chạy tới chạy lui để lo mọi việc. Tôi cũng đám người vào phòng của giáo xứ, nơi làm chỗ phát quà.

Cha Phó xứ Cái Rắn nói lời mở đầu với sự tham dự của cha Hải, cha Hậu..

Cha Phó xứ Cái Rắn nói lời mở đầu với sự tham dự của cha Hải, cha Hậu..

Vào phòng hội, mọi người dân đã tề tựu đông đủ trong đó. Nói thật với các bạn, làm từ thiện nhiều năm nhưng lần đầu tiên tôi thấy khuôn mặt nhóm người trước mặt khiến tôi bàng hòang, kinh sợ. Họ không phải chỉ nghèo không mà thôi nhưng lại mà bị tật nguyền, dị dạng. Không khuyết điểm về thể chất thì cũng về trí tuệ. Không phải là một vài người mà hầu hết những người có mặt ngày hôm nay để nhận quà đều bị khuyết tật.

Cha Hậu nói vắn tắt vào lời. Sơ Hương cầm danh sách đọc tên những người lên lãnh quà. Kẻ mù lòa, người bò dưới đất. Đám chị em trong đòan nhanh nhẫu cầm từng gói quà đem đến tận chỗ cho người nhận theo từng tên dì phước xướng lên. Tôi đi theo để đưa phong bì tiền. Khuôn mặt ai cũng sáng lên vì mừng rỡ.

Chờ đợi lãnh quà…

Chờ đợi lãnh quà…

Lá lành đùm lá rách…

Lá lành đùm lá rách…

Tôi hỏi nhỏ sơ Hương. Tại sao dân ở đây bị tật nguyền, dị dạng nhiều đến như vậy. Sơ cắt nghĩa cho tôi biết. Vì cuộc sống thiếu thốn ở đây, không có thuốc men nên khi bà mẹ mang thai, không ăn uống đầy đủ chất bổ dưỡng, sanh đứa con ra èo uột, cơ thể không phát triễn nên khi lớn lên, có đứa bị vẹo lưng, có đứa chân tay cong queo, không biết bao nhiêu mà đếm hết. Sơ kể cho tôi nghe một chuyện thương tâm. Một chị nhà quê đến giờ sanh, gia đình chạy đi mời bà đỡ đẻ vườn. Khi đến nhà bà mụ này, bà ta đang làm việc ngòai vườn. Nghe nói người đàn bà đang bể bầu, bà mụ rửa sơ hai bàn tay, lau nhanh hai bên ống quần, sau đó đến nhà bà bầu lo việc sinh nở. Không có thuốc sát trùng. Không có thuốc cầm máu hay gì khác ngòai con dao được đốt nóng dưới ngọn đèn dầu. Sanh xong đứa con, người mẹ bị nhiễm trùng tử cung và qua đời một tuần sau đó. Dân trí ở đây còn thô sơ, thấp kém lắm. Ngọai trừ miếng ăn phải chạy hàng ngày, y tế hay vệ sinh là một sự xa xỉ mà họ không có thời giờ để nghĩ đến. Thế hệ tuổi 60 trở lên, học vấn trung bình của mỗi người chỉ hết lớp năm. Dân cư ở đây, ngoài vài gia đình có máy cưa hay máy chà gạo, thì hầu hết sống về nghề nông, trên những mảnh đất bị nước mặn xâm chiếm. 20% là khá giả, 60% nghèo nhưng đủ ăn, và 20% ở vào diện cần cứu đói, nói theo cách của vị chủ chiên là « tận cùng bằng số ». Vì không có thuốc men nên hệ miễn dịch của người dân rất thấp. Nhưng khi đau yếu, họ dùng một viên thuốc căn bản như aspirin mà họ cảm thấy khỏe mạnh ra, coi như thần dược. Tôi nhớ một lần nhóm bạn hữu trung học của tôi về Việt Nam phát quà cho người nghèo. Một anh thương phế binh đã viết thư sang cám ơn tôi, nhắc lại chai dầu xanh và chai thuốc aspirin. Anh ta nói gia đình rất quí, cất để dành khi nào bệnh nặng mới dám đem ra dùng. Thật khổ cho dân của tôi.

Đồng bào ở xã Phú Hưng, huyện Cái Nước,  rất biết ơn cha Ngô Phúc Hậu. Trong năm 2009, Người đã vận động quyên góp, xây được 20 cây cầu bê tông. Ngòai ra, Họ đạo Cái Rắn giúp khoan được 31 giếng nước, xây cất được 41 căn nhà tình thương. Đó là chưa kể 10 cây cầu đã được xây từ trước, với hơn 90 giếng nước. Người còn đóng góp để sửa chữa cho ba ngôi trường, và xây hẳn một ngôi trường mới. Cha thường nói “Đầu tư cho giáo dục để góp phần cùng với chính quyền địa phương nâng cao dân trí”. Đó là mục tiêu mà Linh mục Ngô Phước Hậu đề ra trong suốt 15 năm làm chánh sở Họ đạo.

Mỗi năm Người phát gạo giúp người nghèo bốn lần, mỗi lần danh sách trung bình là 250 người. Tiền Người quyên giúp được, người đổ ra lo cho người khốn khó hết trơn. Bởi vậy khi Người đi sang Mỹ, chị em gái tôi thấy Người ăn mặc một chiếc áo len bạc màu và mang đôi dép cũ thì đã nói đùa với anh Chánh, người phụ trách việc đón tiếp Người:

– Anh này, sao anh không chịu sắm cho cha áo len đủ ấm? Trời trở lạnh mà cha ăn mặc mong manh, tội nghiệp quá.

Chánh đã cười, trả lời mấy em tôi:

– Mấy cô nói oan tôi, tội nghiệp. Bà xã tôi có sắm cho “ông già” bao nhiêu quần áo mới mà “ông già” khi đi vẫn lén bỏ lại. Qua bên này mà “ông già” chỉ mang tòn ten một xách tay quần áo nhỏ xíu. Vậy mà mấy chị ở các tiểu bang khác muốn sắm sửa thì “ông già” nhất quyết từ chối.

Bây giờ thì tôi hiểu tại sao Bác Tám Hậu này từ chối. Tiếp xúc hàng ngày với đám dân nghèo, Người tiếc từng đô la khi ngẫm nghĩ đổi ta tiền đồng Việt Nam. Ngay cả lúc Người đến Ottawa, tôi đề nghị đưa Người và Khánh đi ăn cơm tiệm nhưng Người cứ khăng khăng đòn về nhà ăn cơm.

Niềm vui được nhận quà…

Niềm vui được nhận quà…

image014

Sau phần phát quà, một đại diện dân lên nói lời cám ơn. Thật là cảm động khi nghe những lời nói mộc mạc chân tình. Tôi nghẹo ngào không biết nói gì hơn. Tôi chỉ nói vắn tắt. Thay mặt anh em Thời Báo, tôi chúc các ông bà, anh chị em được may mắn. Đây chỉ là món quà nhỏ của người hải ngọai chia xẻ cho đồng bào ở quê nhà. Tôi hẹn sẽ gặp lại họ sang năm, nếu không có gì trở ngại.

Nhìn khuôn mặt mấy bà già hằn nếp nhăn của thời gian, tôi thấy nhói trong tim. Biết bao giờ mấy bà mới được hưỡng những phút giây thanh nhàn, thỏai mái về vật chất ?

Sang năm còn gặp nhau không ?...

Sang năm còn gặp nhau không ?…

Các chị dòng Ba, họ đạo nhà thờ Cha Tam ở Sài Gòn cũng rất nhiệt tình. Cách chị thấy mấy người tàn tật vừa bò lê trên sàn đất, vừa ôm quà nên mấy chị cõng mấy người này xuống đò và trả tiền đò luôn cho họ. Thật cảm động cảnh « lá lành đùm lá rách ».

Khi mọi người đã ra về hết, trong sân nhà thờ chỉ còn loe hoe vài cậu nhỏ. Con trai tôi xin phép cha Hậu để tặng cho các em bé mấy con chim bằng sứ mà cậu ta mua ở Phú Quốc. Cha Hậu nhìn quanh như để đếm số con nít và hỏi « Có đủ hông ? » Tôi và con trai đếm nhanh. Dạ đủ. Có hai chục con chim sứ, đổ nước vào và thổi, nghe như tiếng chim hót líu lo. Thằng con nghe cha bằng lòng, mừng rỡ, co giò phóng nhanh vào phòng, mang túi đồ chơi và ly nước ra để chỉ cho các em cách chơi. Tôi vui ra mặt khi thấy thằng « dép cùn » cũng có mặt trong đám con nít có quà này. Thế là ai nấy đều vui. Đám con nít đua nhau thổi, giống như đàn chim líu lo hót buổi sáng.

Bây giờ tôi mới hiểu tại sao sơ Hương cứ căn dặn là không cho riêng một người nào, không thôi họ ganh tị. Ngay cả việc con trai tôi cho mấy con chim bắng sứ xong xuôi, chừng nửa tiếng đồng hồ sau, không biết tụi nó bảo nhau thế nào mà mấy thằng lớn hơn đạp xe đến nhà thờ và dáo dác kiếm quà. Con trai tôi nói hết rồi, thế mà chúng vẫn đạp xe lượn qua, lượn lai. Tôi đang ngồi nói chuyện lang bang với mấy chị dòng Ba thì thấy con trai tôi đi nhanh lại một thằng lớn đang ngồi trên xe đạp và sừng sộ gì nó. Tôi ngạc nhiên không hiểu chuyện gì và cũng đi lại xem. Thì ra thằng lớn này đã bắt nạt thằng « dép cùn » và lấy con chim sứ của nó. Con trai tôi giật lại từ tay thằng lớn. Thằng kia bỏ đi. Con trai tôi kéo thằng « dép cùn » đến ngồi nơi ghế đá, nói chuyện. Khuôn mặt con trai tôi có vẻ buồn thiu. Tôi hỏi lý do. Nó nói không thể ở đây lâu để bảo vệ thằng bé nghèo này. Mai kia khi tụi tôi trở về thành phố thì thằng bé này vẫn tiếp tục bị ăn hiếp, bị bắt nạt. Tôi thấy cặp mắt con trai tôi đỏ hoe. Tôi thầm nhủ trong bụng. Khi lớn lên con sẽ còn chứng kiến nhiều cảnh bất công trong xã hội lắm, nhất là trong những nước nghèo chậm tiến. Mình xoa dịu được những nỗi bất hạnh của người khác trong khả năng của mình thì làm. Có lẽ con trai tôi sinh ra, sống trong môi trường một nước tiên tiến, nó chưa thấy cảnh « cá lớn nuốt cá bé » như thế nào đâu. Không những chỉ những đứa bé ăn hiếp lẫn nhau mà người lớn cũng vậy.

Còn một ngày ở lại đây, cha Hậu đề nghị đưa tất cả đòan đi viếng Đất Mũi (vùng tận cùng của Cà Mau). Đã đến Cà Mau mà không biết Đất Mũi là cả một sự thiếu sót. Tháng 5, năm 2009, tại kỳ họp thứ 21 của Ủy ban Điều phối Quốc tế về chương trình Con người và Sinh quyển của UNESCO tại Hàn Quốc, Mũi Cà Mau được xét duyệt với 100% số phiếu của các đại diện tham dự. Các chị Sài Gòn vui vẻ, mừng rỡ vì lần đầu có dịp đi chơi xa như vậy.

Cha Hậu điện thọai kêu một chiếc ca nô cao tốc để đưa đòan người đi. Đó là một chiếc ghe lớn có mui, bên trong đặt hai hàng ghế cho khách ngồi. Các chị dòng Ba và nhóm người của Khánh đã đi chung xe đò từ Sài Gòn xuống nên quen, nói chuyện tiếu lâm cười rôm rả. Anh Tiến trong đòan có cách nói chuyện làm mọi người ôm bụng cười nghiêng ngửa. Anh nói mấy bà vợ hay ghen, có chồng léng phéng thì hăm he chồng là mấy bả đi mua rắn độc về nuôi. Tôi ngơ ngác hỏi rắn độc có liên quan gì đến việc ghen tuông. Tiến cười nói tỉnh bơ. Thả rắn độc cắn chết, khỏi bị ở tù. Mọi người lại ré lên cười.

Cà Mau là vùng đất mới, bao gồm: đất phèn, đất mặn, đất than bùn và đất bãi bồi tạo nên những cánh đồng màu mỡ. Cà Mau có mạng lưới sông ngòi chằng chịt, 7 sông chính là sông Ông Đốc, Bảy Háp, Cái Lớn, Gành Hào, Dầm Dơi, Trèm Trẹm, Bạch Ngưu tạo thành các cửa sông lớn. Phương tiện di chuyển ở vùng này phần nhiều bằng đường thủy với những con sông, rạch chằng chịt, ngoằn ngòeo. Đi khỏang hai tiếng đồng hồ thì đến vùng đất cuối của nước Việt.

Tôi đã đọc trong cuốn sách nói về Cà Mau và Đất Mũi mà cha Hậu đã tặng tôi. Bà con Đất Mũi này thiếu thốn, khao khát nhiều thứ: đó là nước ngọt, văn hóa và tình người. Trẻ em ở Đất Mũi Cà Mau bỏ học giữa chừng chiếm tỷ lệ khá cao, người dân luôn thiếu nước ngọt quanh năm, cũng không có báo chí để đọc, không có biểu diễn văn nghệ để xem.

Nhiều người sinh trưởng ở Cà Mau, sống ở đây mấy chục năm mà vẫn chưa đặt chân đến Đất Mũi, mặc dù khỏang cách chỉ 60 cây số. Không biết tại vì họ không có tiền hay không thích đến vùng đất bùn, nước mặn này?

Mỗi lần chiếc ca nô chạy qua những chiếc đò nhỏ trên sông thì anh tài công chạy giảm tốc độ lại. Tôi không cần hỏi cũng biết anh tài này có lương tâm. Vì mấy chiếc ghe máy lớn chạy nhanh qua mấy chiếc ghe nhỏ, nước sẽ bắn tung tóe vào chiếc ghe mỏng manh bên cạnh hoặc làm lật chìm. Người nghèo chỉ có chiếc chiếc xuồng ba lá dùng để di chuyển. Nhưng họ chỉ chạy cặp sát mé sông chớ không dám ra giữa dòng.

Chạy ngang Năm Căn, cha Hậu chỉ cho tôi địa danh được Người nhắc nhở nhiều trong cuốn Nhật Ký Truyền Giáo của Người. Người đã bị bắt và quản thúc ngay tại đây. Tôi đưa mắt nhìn theo ngón tay chỉ của Người. Những nhân vật nhà quê trong cuốn sách của Người, lúc đó họ không có “mặn mà” gì cho lắm đối với một “ông cha” nói giọng Bắc cờ mà mấy bà nhà quê cho là “giọng Quế”. Vậy mà Người vẫn gắn bó với vùng này mấy chục năm.

Đây rồi, chúng tôi đã đến địa điểm Đất Mũi. Một anh hướng dẫn viên du lịch bước ra chào đón đòan người. Thật ra không có gì để hướng dẫn xem, ngòai trừ dẫn du khách đến vọng hải đài cao 20m. Leo lên những nấc thang trôn ốc đến tầng cao nhất, khách có thể quan sát toàn cảnh Đất Mũi. Anh hướng dẫn cho chúng tôi biết, mỗi năm đất phù sa bồi đắp, nối dài Đất Mũi ra ngòai khơi khỏang 100 mét. Như vậy trong tương lai, bản đồ Việt Nam được nối dài ra hơn?

Trên một bãi nước cạn, tôi thấy mấy con cá nhẩy lưng tưng rồi nhào xuống nước. Hỏi tên thì được biết đó là cá thòi lòi. Dân địa phương bắt lên phơi khô, làm mắm ăn cũng ngon lắm.

Đất Mũi Cà Mau

Đất Mũi Cà Mau

image020

Nhìn đằng xa, tôi thấy một hòn đảo mờ mờ ẩn hiện. Tôi hỏi thì anh hướng dẫn cho biết đó là Hòn Khoai. Nghe hai chữ này, lòng tôi lại nao nao… Nhớ lại ba mươi năm về trước, tôi rời quê hương bằng đường Rạch Giá theo diện người Tàu bị đuổi ra khỏi nước bằng cách đóng tiền cho chính quyền Cộng sản mỗi người 12 cây vàng để được « đuổi đi ». Chiếc tàu đăng ký của chúng tôi dài có 13 mét mà chở đến 140 người nên tàu khẳm quá, chạy ra khơi mũi Cà Mau thì bị hư máy nên ban tổ chức cho người đi vào Hòn Khoai để chờ họ tháo máy lên thành phố sửa chữa. Gia đình tôi lúc đó mang giấy tờ giả người Tàu nhưng trong bụng cứ lo ngay ngáy sợ bị khám phá ra là người Việt. Mấy anh chệt, chị xẫm chính cống, họ nói năng xí xô, xí xào cách tự nhiên. Trong khi đám người Việt trà trộn chúng tôi thì chỉ dám nói chuyện thì thào với nhau.

Vậy mà thời gian trôi qua nhanh quá. Người vượt biên năm xưa bây giờ trở về chốn cũ với tư cách khách du lịch. Còn bao nhiêu người kém may mắn khác, không đến được bến bờ ?

Chúng tôi đi trở lại ca nô để về giáo xứ Cái Rắn. Mấy chị dòng Ba xúm lại mua thổ sãn vùng Đất Mũi. Đủa ăn cơm bằng gỗ dà ở đây bán rất rẻ. Đặc biệt là tôm khô, cá khô và mật tràm.

Đi ngang tiệm ăn duy nhất ở đây có tên là Tiệm Ăn Đất Mũi, tôi đề nghị đòan người vào đây ăn trưa. Nhưng cha Hậu nhất định nói về nhà xứ ăn cơm. Ăn ngòai tốn tiền. Trời đất ơi, tôi đi theo là lòng tiếc nuối khi đọc thực đơn có món ốc len xào dừa mà mấy chục năm rồi tôi chưa có dịp thưởng thức.

Ngày vui nào cũng chóng tàn. Đêm cuối cùng ở Cái Rắn, tôi cảm thấy buồn buồn. Con trai tôi rất thích cha phó Đạt, có lẽ vì cùng trẻ tuổi nên dễ kết thân với nhau. Cậu ta hẹn sang năm sẽ trở lại đây làm từ thiện. Đó cùng là điều tôi mong muốn.

Sáng hôm sau, chúng tôi xuống vỏ lãi để đi đến bờ – nơi xe đò sẽ đón chúng tôi đi Sài Gòn. Khi mọi người leo hết lên xe đò, nhìn người chủ chiên đứng bơ vơ còn lại trên bờ, tôi cảm thấy buồn chi lạ. Tội nghiệp Người quá. Tôi thương cả mấy dì phước đã tận tụy làm việc trong giáo xứ, lo cho dân nghèo. Cám ơn cha Ngô Phúc Hậu. Cám ơn cha Nguyễn Tiến Đạt. Cám ơn sơ Hương và các dì Chín, dì Sáu…Tôi cầu xin cho tất cả mọi người được an lành. Hy vọng sang năm, hội từ thiện Mái Ấm Tình Thương Cái Rắn phát triễn mạnh, sẽ có nhiều người trẻ tham gia và xuống đây góp tay với họ đạo này mà đem chút niềm vui nhỏ đến cho những kẻ bất hạnh.

**** Hết ****

Tống Minh Long Quân

You may also like

Comments are closed.