Cứu Trợ Hà Tĩnh – 2013
Những ngày qua, đồng bào trong và ngoài nước ai cũng hướng về miền Trung khi theo dõi tin tức, thấy những hình ảnh kinh hoàng do ảnh hưởng của cơn bão số 10 vừa đi qua, làm thiệt hại biết bao tài sãn, nhà cửa bị nhấn chìm trong biển nước. Người dân miền Trung chưa vượt qua thiên tai tàn khốc này thì lại phải gồng mình hứng chịu cơn bão 11 đến tiếp theo trong tháng 10 năm 2013 vừa qua. Mưa lũ làm thiệt hại nhiều tỉnh, từ Nghệ An đến Bình Định, nhiều người chết và bị thương, hàng ngàn ngôi nhà bị ngập trong nước lũ.
Quảng Bình và Hà Tĩnh là nơi hứng chịu nhiều thiệt hại nhất. Riêng Hà Tĩnh, mưa to gió lớn kéo dài ba ngày liên tiếp, mực nước có nơi lên đến 14 mét. Nước sông Ngàn Sâu, Ngàn Trươi dâng cao khiến cho các xã Đức Lĩnh, Đức Giang (huyện Vũ Quang) và một số xã thuộc huyện Hương Khê bị ngập trong biển nước.
Tại xã Sơn Kim 2 của Hà Tĩnh, là nơi bị thiệt hại nặng nề nhất do mưa lũ gây ra. Theo tin tức trong nước cho biết, con số sơ khởi là 400 gia đình bị ngập nước , trong đó nặng nhất là 200 gia đình nghèo ở làng Hạ Vàng, làng Chè. Nhiều nhà đã bị lũ cuốn trôi, bão phá xập hoàn toàn mái nhà của họ.
Trước tổn thất nặng nề về người và tài sản mà người dân các tỉnh miền Trung phải gánh chịu, nhiều đoàn cứu trợ khắp nơi trong và ngoài nước đã nhanh chóng chuyển hàng, tiền cứu trợ đến bà con vùng thiệt hại.
Nhà Tình Thương Cái Rắn với sự bảo trợ của quỹ Thời Báo cũng đã nhanh chóng góp tay trong công tác từ thiện theo tinh thần nhường cơm, xẻ áo cho đồng bào đang gặp khó khăn ở quê nhà. Đoàn thiện nguyện viên, gồm các người trẻ tuổi, giáo viên các trường trong Hà Tĩnh, đã đại diện Nhà Tình Thương Cái Rắn, đến xã Sơn Kim 1 – huyện Hương Sơn để làm công tác cứu trợ.
Đoàn người lên đường khi nước lũ đã rút xuống, nhưng khung cảnh nơi đây vẫn mang mầu sắc u ám, ảm đạm. Dọc theo hai bên quốc lộ 8A, từng lớp phù sa, rong rêu, cỏ rác dầy đặc bám đầy vệ đường. Có nhiều đoạn đường, chướng ngại vật, bùn đất vẫn còn ngỗn ngang, nằm chắn ngang trên lối đi. Chiếc xe tải chở hàng cứu trợ chạy chòng chành, bánh xe trơn trợt trên con đường bùn nên di chuyển rất chậm chạp, khó khăn. Nhiều đoạn đường bị lở sâu chưa kịp sửa sang lại, xe bị lún bánh. Nhóm thanh niên trong đoàn phải leo xuống, phụ đẩy xe qua những đoạn bế tắc.
Từ thành phố Hà Tĩnh đến địa bàn huyện Kim Sơn chỉ có 75 km nhưng đoàn thiện nguyện phải mất hơn 3 tiếng đồng hồ mới tới được địa điểm đầu tiên. Theo đề nghị của nhóm thiện nguyện, dân chúng gồm 52 gia đình của huyện bị thiệt hại nặng nề trong cơn lũ này, hỏi điều họ cần thiết nhất ngay lúc này là gì? Câu trả lời là gạo. Dân chúng cần có gạo để cầm hơi trong lúc khó khăn nên đoàn quyết định phát mỗi người 15 kí gạo, không thêm thứ gì khác.
Có đi đến những nơi này, người ta mới thấy hết nỗi cơ cực mà người dân miền Trung phải gánh chịu. Nước lũ đã đi qua, nhưng người dân nơi đây còn biết bao nhiêu việc phải làm. Nhiều gia đình, vốn liếng gầy dựng bao lâu nay, giờ tất cả lại trở về con số 0 to tướng với hai bàn tay trắng. Nước mắt đã rơi đến nỗi không còn giọt lệ nào đọng trên những đôi mắt đã thâm quầng vì mất ngủ để chống chọi với lũ và khóc cho số phần nghiệt ngã của cuộc đời. Những con người chân chất, quanh năm làm việc vất vả, dành dụm từng chút một, giờ tất cả đã trôi ra sông, ra biển. Tiếp xúc với người dân ở đây, mọi người cảm thấy lòng quặn thắt khi nhìn tận mắt những nỗi gian truân, khổ cực mà người dân nơi đây phải gánh chịu. Năm nào miền Trung cũng chịu cảnh bảo lụt nhưng chưa có năm nào tàn tệ giống như năm nay. Khuôn mặt người nào cũng mang vẻ khắc khổ, thân người gầy còm…
Những bao gạo mang đầy tình thương được đoàn thiện nguyện trao tận tay các gia đình trong vùng thiên tai. Trên nét mặt bà con tới nhận quà, tuy vừa trải qua bao mất mát, cực khổ tang thương nhưng vẫn ánh lên tia hy vọng,niềm vui với những nụ cười thân thiện, khiến đoàn người hầu như quên hết mệt nhọc sau lộ trình dài.
Rời xóm Kim Cương đã hơn 4 giờ chiều, đoàn thiện nguyện được người hướng dẫn tới thăm gia đình anh Nguyễn Văn Dương. Gia đình anh vừa mất đi người vợ quý yêu,người mẹ hiền của đàn con dại. Chị Nguyễn Thị Thiên trong lúc nước lũ dâng về, chị ra ven dòng sông cạnh nhà quan sát tình hình mưa lũ. Ngờ đâu dòng nước tràn về quá mạnh ,chị trượt chân và bị dòng nước cuốn trôi đi, cách xa nhà trên 25km, sau gần năm ngày mới tìm được thi thể. Ai nấy nghẹn lòng, cùng nhau thắp nén hương nguyện cầu cho linh hồn chị sớm siêu thoát. Cầu chúc anh và các cháu sớm vượt qua tang thương, gượng đứng lên sau nỗi buồn đau quá lớn này!
Đoàn người lưu luyến giã từ để tiếp tục đi đến xóm Chè thuộc xã Sơn Kim 2. Đây là các xã vùng núi, biên giới giáp với nước Lào, nơi phải gánh chịu thiệt hại lớn nhất của huyện Hương Sơn và của cả tỉnh Hà Tĩnh.
Lần theo con đường quanh co khúc khủy trên 15km, hai bên đường nhiều chổ vách núi dựng đứng, nhiều đoạn đường cây cổ thụ bị mưa lũ quật ngã trốc rễ. Dấu tích của trận cuồng phong hiện hữu ngay trước mắt mọi người.
Xóm Chè có tổng cộng 1300 gia đình, tọa lạc giữa vùng thung lũng, xung quanh được bao bộc bởi nhiều núi cao, khe suối . Điểm quy tụ bà con đón nhận quà đó là ngôi nhà nguyện tranh tre dột nát rất đỗi đơn sơ của họ Chè. Phải mất khá lâu xe mới vào tận nhà nguyện vì ngoài khuôn viên bùn lầy, phù sa dầy đặc xe không thể lăn bánh. Anh em trong làng cùng xúm vào phụ đẩy xe mới bò vào tận nơi. Nhờ ban điều hành cộng đoàn và cha xứ ở đây sắp xếp nên danh sách những gia đình bị thiệt hại nặng nề, những cụ ông bà già neo đơn, tàn tật được cứu xét trước hết, không phân biệt lương hay giáo. Nhờ vậy chỉ trong chưa đầy 30 phút đoàn đã hoàn thành công việc trao 55 phần quà cho bà con. Nhìn những đôi mắt ánh lên niềm vui trên những khuôn mặt khắc khỗ, ôm trên tay những phần gạo cứu trợ, đoàn thiện nguyện cảm thấy ấm lòng, quên cả nỗi cực nhọc.
Nhìn những hình ảnh trên, nếu không lời giải thích thì nghĩ ngay tới những cảnh trong chiến tranh. Nhưng thực tế còn khốc liệt hơn nhiều. Theo lời kể của anh Trương Công Tứ và chị Võ Thị Giang ở xóm Chè thì trận cuồng phong ập về nhanh không thể tượng tượng được. Lúc đó khoảng 7 giờ sáng ngày 16 tháng 10 vừa qua. Khi các con vừa đi học, vợ chồng vừa ra khỏi nhà đi làm, bỗng chốc trời xám xịt. Gió thổi mạnh cùng cơn mưa trút xối xã. Nước ầm ầm đổ về, chưa đầy 30 phút mà cả khu vực trở nên một biển nước mông mênh. Cả làng bị cô lập, ngập chìm trong biển nước. Dòng nước lũ hung dữ cuốn phăng căn nhà của vợ chồng anh. Tất cả đồ dùng trong nhà, lúa gạo dự trữ cho đến những viên đá móng cũng bật lên. Chỉ trong chốc lát, tay trắng trở về trắng tay, cơ nghiệp gầy dựng cả đời người bỗng chốc trôi theo dòng nước… Nhưng cũng rất may là lúc đó các cháu đi học và bố mẹ đi làm không có trong nhà, nếu không thì thiệt hại về nhân mạng là điều không thể tránh khỏi. Biết làm sao bây giờ? Những món quà cứu trợ đơn sơ, ít ỏi không đủ bù đắp những thiện hại mà dân miền Trung đang gánh chịu. Nhưng đó là những hành động biễu lộ tình người, xuất phát từ trái tim của đồng bào ở vùng đất lạnh Canada, chia xẻ nỗi bất hạnh với người ở quê nhà. Biết rằng ước mơ có lại một mái nhà để làm nơi trú ngụ, cho gia đình có nơi ăn chốn ở ỗn định giống như xưa là cả một giấc mơ dài nhưng hy vọng với bản tính cần cù, chịu thương chịu khó của người dân ở vùng địa thế khắc nghiệt này, hy vọng mọi người sớm gầy dựng lại cuộc sống đơn sơ theo mong muốn. Đoạn đường này khá dài và chông gai nhưng cầu chúc mọi may mắn đến với người dân bất hạnh ở quê hương.
Xin cám ơn độc giả Thời Báo đã đồng hành cùng Nhà Tình Thương Cái Rắn trong mọi công tác từ thiện. Ân nhân nào muốn đóng góp thêm cho nạn nhân vùng lũ miền Trung, có thể liên lạc trực tiếp với anh Nguyễn Ngọc Mỹ, đại diện nhóm Thương Việt Nghèo, địa chỉ ở số 72, đường Quang Trung, thành phố Hà Tĩnh. Điện thoại số 0915 955 615.
Mọi sự đóng góp qua Nhà Tình Thương Cái Rắn sẽ được cấp giấy khai thuế. Chi phiếu xin viết “Roof of Love Cai Ran” và gửi về địa chỉ: 1 Windhurst Drive, Nepean, Ontario K2G 6G7. Điện thoại 613 843-0275.
Tống Minh Long Quân