Chuyến từ thiện vùng Tây nguyên 2015
Khác với mọi năm, tôi không về Việt Nam làm từ thiện vào cuối năm mà dự định đi vào cuối tháng 3 với mục đích chính là đi vào mùa khô, tiện đi về các làng cùi xa xôi ở vùng Tây nguyên.
Nói thật lòng, đây là lần đầu tiên tôi về Việt Nam có một mình, không có các con trai tôi đi theo nên tôi không hứng thú mấy. Lúc đầu tôi hăm hở muốn đi vì giá máy bay trái mùa quá rẻ, nhưng gần đến ngày lên đường thì tôi ngần ngại muốn bỏ cuộc, một phần vì bị bệnh, một phần vì sợ… Cuộc đời tôi tự bé đến lớn chưa bao giờ phiêu lưu đi chơi xa một mình, nhất là đi về quê hương với nhiều vấn đề phức tạp. Mấy ngày trước khi lên đường, tôi đi lấy giấy bác sĩ, khai bệnh để có gì tôi sẽ hủy chuyến đi, lấy lại tiền vé máy bay từ hãng bảo hiểm. Tôi cầu xin ơn Trên, nếu muốn tôi đi thì giúp sức cho tôi hoàn thành nhiệm vụ, chớ rủi ro ngã bệnh dọc đường, không thân nhân bên cạnh không biết phải làm sao. Thật lạ lùng, hai ngày trước khi lên đường, tôi cảm thấy khoẻ hẳn ra như có người tiếp sức. Thế là tôi quyết định lên đường. Tôi gửi điện thư cho người bạn thiện nguyện viên ở Sài gòn, người đã góp tay với tôi trong nhiều năm làm từ thiện ở làng cùi Tây nguyên. Tôi cho biết là tôi sẽ đi với họ theo chương trình hoạch định. Hai vợ chồng này mời tôi tá túc ở nhà họ vì biết tôi ngần ngại khi phải ở khách sạn một mình. Tôi cho họ biết ngày giờ chuyến bay tôi sẽ đáp xuống Tân Sơn Nhất trong hai ngày sắp tới.
Từ xưa đến giờ tôi ngại nhất là khi đi du lịch, ở nhà bà con hay người quen biết, mất tự do.. biết đâu phiền phức cho cả hai bên. Nhưng bây giờ thì tôi không còn chọn lựa nào khác. Chuyến đi này tôi chỉ đi có mười ngày. Mất hết hai ngày đi và về, lý do chính để tôi quyết định chuyến đi nầy chỉ là muốn đi thăm các làng cùi ở Ban Mê Thuột, Kontum, Pleiku …Thời gian tôi ở Sài Gòn chỉ vỏn vẹn ba ngày nên tôi nghĩ có lẽ cũng không làm phiền gia chủ lâu .
Máy bay đáp xuống phi trường lúc 10 giờ đêm. Tôi mang một cảm giác khác hơn những khi tôi đi chung với các con tôi. Tâm trạng tôi không buồn, không vui, không nôn nao hay có cảm giác gì khác. Trở về quê hương mà không có một người thân mong đợi. Anh Minh – nhóm Bạn Người Cùi đón tôi ở phi trường và kêu tắc xi đưa tôi về nhà. Tôi cảm thấy yên tâm hơn, ít ra không cảm thấy lạc lõng ngay chính nơi mình sinh sống ngày xưa.
Tuy chuyến bay dài cả hai mươi bốn tiếng đồng hồ nhưng tôi vẫn không ngủ được, chỉ mong cho đến sáng đề mời vợ chồng chủ nhà đi ăn điểm tâm. Nhưng người vợ đã dậy từ lúc nào, mua sẵn cho tôi gói xôi bắp. Chị nói phần nhiều Việt kiều về thăm nhà, thích ăn những món đơn giản nầy.
Ngày đầu tiên mới đến, tôi còn được rảnh rang để chuẫn bị cho chuyến đi vùng Tây nguyên vào ngày hôm sau. Chị chủ nhà dùng xe gắn máy chở tôi đi chợ gần nhà. Đường phố vẫn ồn ào, bụi bặm. Tôi ngồi phía sau, choàng hai tay ôm bụng chị chặt cứng, cứ có cảm tưởng mấy chiếc xe bên cạnh sẽ tông vào mình. Cuối tháng 3, trời Canada vẫn còn lạnh nhưng ở đây thì nóng đến 34 độ C. Ánh nắng gay gắt như muốn đốt cháy da thịt mình. Hèn gì các cô gái trẻ, dù trời nóng các cô cũng mặc áo choàng, đeo bao tay, mang vớ để sợ đen. Chúng tôi mua chút thịt cá về để nấu bữa ăn trưa. Đã lâu lắm rồi tôi không có dịp đi vào chợ để mua từng bó rau, từng con cá nhỏ để về nấu. Tôi im lặng đi theo chị Dung, nhìn chị trả giá và chọn hàng. Mấy chị bán hàng nhìn tôi cách tò mò vì thấy tôi đi theo mà chỉ im lặng, không nói năng gì hết.
Sau bữa ăn trưa, hai vợ chồng chủ nhà lăng xăng lo sắp xếp những kiện hàng để chở lên vùng Tây nguyên ngày mai. Vì đã làm việc từ thiện làng cùi vùng cao nguyên này đã trên hai mươi năm nên anh Minh đã được nhiều Việt kiều hải ngoại cũng như dân ở đây biết tiếng. Các hãng sản xuất hàng tiêu dùng tặng những áo quần may mặc bị chút khiếm khuyết để nhờ anh Minh mang đi tặng các gia đình cùi. Hãng làm bánh mì, không bán hết trong ngày họ đem sấy khô, tặng từng thùng lớn để giúp người nghèo. Hãng sản xuất bánh kẹo tặng từng túi to kẹo bánh để đi phân phát cho trẻ em trong những gia đình bất hạnh vùng xa. Tôi thật ngưỡng mộ sự chung tay của người trong và ngoài nước. Nhà anh Minh bốn tầng lầu nhưng chỉ có hai vợ chồng và cô con gái ở hai phòng, một phòng dành cho khách vãng lai, còn bao nhiêu phòng khác để chứa đồ từ thiện, từ cửa trước cho đến cầu thang, chỗ nào cũng đầy những thùng giấy to chất cao. Gạo và thực phẫm cứu trợ tôi đã gửi tiền từ trước, được các cha, các sơ ở những nơi đó mua tại địa phương để tránh việc chuyên chở.
1. Trại phong EaNa, huyện Krong Ana – Ban Mê Thuột
Trước khi về Việt Nam, tôi đã bàn với anh Minh về chuyến đi từ thiện vùng Tây nguyên của tôi. Vì thời gian tôi ở đây không lâu nên tôi muốn đi máy bay từ Sài gòn lên Pleiku và chờ đợi đoàn người đi bằng xe và sẽ gặp nhau ở đó. Nhưng xui cho tôi, thời gian tôi đến, chính quyền đang sữa sang phi trường Pleiku nên đình chỉ tất cả các chuyến bay. Tôi ngần ngại rất nhiều nhưng cuối cùng cũng nhận lời đi đường bộ cùng mọi người.
Từ Sài gòn, chúng tôi khởi hành từ lúc 5 giờ sáng. Một chiếc xe đò lớn đỗ trước nhà anh Minh trước đó nửa tiếng đồng hồ. Đoàn người gồm mười người cả thảy đã đến đây đúng giờ để cùng đi. Trong nhóm người này, có bà cụ trên tám mươi tuổi.
Trời còn tờ mờ sớm nên xe cộ chưa đông đúc, mọi người vui vẻ nói chuyện trên xe. Anh Minh cho biết phải đi sớm, vì đoạn đường từ Sài gòn cách Ban Mê Thuột chỉ có 350km nhưng đường xá hẹp lại đang sửa sang, không cho phép xe chạy nhanh, mất ít nhất 7 đến 9 tiếng đồng hồ mới tới nơi.
Xe đi theo quốc lộ 13 hướng về Bình Dương, đến ngã tư Sở Sao rẽ phải theo hướng đi thị xã Đồng Xoài. Ký ức tôi trở lại thưở xa xôi với những chiến thắng rực rỡ với dấu chân của các anh lính cộng hòa trong những trận Đồng Xoài, Bình Giã, Bù Đăng. Ngày xưa tôi không tưởng tượng được có ngày tôi được nhìn lại mảnh đất mà các anh đã đi qua, đã đổ máu để giữ tự do.
Xe tiếp tục theo hướng quốc lộ 14 để lên Ban Mê Thuột. Dưới thời Việt Nam Cộng hòa, thị xã này có tên là Ban Mê Thuột, nay được gọi là Buôn Ma Thuột. Tôi lại miên man suy nghĩ khi xe chạy vào thành phố. Con đường này ngày xưa, bắt đầu ngày 10 tháng 3 năm 1975, quân Cộng sãn đã bất ngờ tấn công thành phố, đưa đến thảm cảnh đoàn người bỏ nhà cửa, nơi chôn nhau cắt rốn để di tản khi chính quyền Sài Gòn có quyết định bỏ thành phố cửa ngỏ vùng Tây nguyên này. Tôi hình dung cảnh ngày xưa, đoàn người lũ lượt, già trẻ chen lấn nhau để ra khỏi nơi mình đang được giải phóng. Cảnh vật vô tình vẫn còn đây. Trên những con đường này, đã có bao nhiêu người đã nằm xuống chỉ vì hai chữ tự do? Bao nhiêu người hiện còn phiêu bạt ở chân trời nào trên thế giới?
Chúng tôi rẻ vào con đường ngoằn ngoèo, lồi lỏm để đến trại phong Eana khoảng gần một giờ trưa. Trại phong này do sơ Tâm phụ trách. Tại đây có hơn 100 bệnh nhân cùi ở cách ly xã hội. Sơ Tâm xuất thân là một y tá nên không nệ hà săn sóc các bệnh nhân bị lở loét. Người nữ tu mừng rỡ, chào đón đoàn người chúng tôi như những người thân vì anh Minh đã đến nơi này thường xuyên. Sơ dẫn cho chúng tôi đi thăm trại. Các bệnh nhân tình trạng khá hơn, mất mấy ngón tay hay một phần cơ thể nào đó nhưng không có vết thương trên người được tập trung sống trong dãy nhà. Họ đan rỗ, làm đồ thủ công bằng gỗ để nhờ sơ bán kiếm chút huê lợi. Mấy người đàn bà với cơn bệnh lành tính hơn thì được sơ lãnh quần áo may gia công để họ có chút huê lợi và tự may quần áo cho gia đình mình. Tôi thầm phục cho sự tổ chức của người nữ tu gốc y tá này. Chỗ nào cũng gọn gàng sạch sẽ. Những luống rau xanh tươi được trồng để cung cấp thêm cho bữa ăn cho cả trại. Các bệnh nhân với các vết thương lở loét được sống trong chung trong căn phòng lớn, mỗi người một giường, được các nữ tu nấu thức ăn và băng bó vết thương hàng ngày. Anh Minh cho tôi biết, trại phong này được các nữ tu săn sóc chu đáo và được nhiều hội từ thiện khắp nơi biết đến nên không đến nỗi nào, chúng tôi chỉ phát chút ít quà tượng trưng cho các gia đình bệnh nhân mà thôi.
Trở về phòng ăn, sơ Tâm và các nữ tu lăng xăng dọn thức ăn để đãi chúng tôi bữa ăn trưa. Sơ Tâm cho biết, sơ sẽ theo chúng tôi đi Kontum để thăm viếng các làng cùi ở trong bản làng xa xôi, hoàn cảnh tội nghiệp hơn các bệnh nhân ở trại phong của bà. Lý do vì họ bị sống cách ly, ở tận trong các rừng sâu, thiếu thốn từ thực phẫm đến thuốc men. Sơ Tâm đã đặt người ta làm cả mấy chục tấm bánh chưng nóng hổi để mang lên các làng ở Kontum và Pleiku phát cho bệnh nhân cùi. Tôi thầm nễ phục người nữ tu với khuôn mặt hiền lành, tánh tình đôn hậu này. Không như những chỗ khác, chỉ muốn đoàn từ thiện giúp nơi của mình, sơ Tâm lại còn chia xẻ, muốn chúng tôi giúp những người bần cùng khốn khỗ hơn ở những chỗ khác. Sơ thành thật cho chúng tôi biết, so sánh mấy người cùi ở đây và các người Thượng cùi ở vùng sâu Kontum thì tội nghiệp hơn nhiều. Tôi cũng được các bác sĩ cho biết, bệnh cùi ngày nay y khoa có thể chữa được. Bệnh nhân khi được sống tập trung trong trại phong, được uống thuốc và ăn uống no đủ thì tình trạng cùi có thể được ngăn chận.
2. Xã Bờ Ngoong – Đăk Tô, Kontum
Ăn trưa xong, chúng tôi chia tay từ giã mấy người nữ tu trẻ dễ mến ở trại phong Eana để tiếp tục hành trình đi Kontum. Khoảng đường từ Ban Mê Thuột đi Kontum là 246km nhưng lái xe phải mất bốn tiếng đồng hồ. Anh Minh hướng dẫn đoàn từ thiện cho biết, chúng tôi sẽ trú ngụ ở nhà dòng các nữ tu ở thị xã Kontum qua đêm, sáng mai mới lên đường vào các làng xa xôi để phát quà. Đám đàn bà ở chung một phòng, mỗi người có một giường sắt đơn với những tấm mùng được xếp gọn ghẻ ở đầu giường. Mẹ bề trên của dòng bận công tác vùng xa nên không ai tiếp đón chúng tôi. Nghỉ ngơi một chút, anh Minh đề nghị đoàn ra phố kiếm chút gì bỏ bụng cho bữa ăn tối.
Thành phố Kontum nhỏ, nằm bên bờ sông Đăk Bla, cảnh vật êm ả và buồn muôn thưở như Ban Mê Thuột. Chạy một vòng thành phố, những kiến trúc đáng lưu ý là Tòa Giám Mục Kontum trên đường Trần Hưng Đạo với lối kiến trúc kiểu Âu châu kết hợp với lối kiến trúc của dân thiểu số nơi đây. Bên kia đường đối diện là nhà thờ chánh tòa . Anh Minh đề nghị tài xế chạy một vòng vào khuôn viên để mọi người thăm quan cho biết. Anh cũng cho mọi người biết, đây cũng là một điểm để du khách đến tham quan vì bên trong có một bảo tàng nhỏ trưng bày các vật dụng, nông cụ của các sắc dân thiểu số sinh sống ở đây qua bao thời kỳ. Đang dạo quanh ngắm cảnh, tình cờ một vị linh mục từ bên trong bước ra. Anh Minh đã quen biết nên tiến lại chào hỏi và giới thiệu mọi người. Đây chính là giám mục Hoàng Đức Oanh!
Anh Minh cho vị giám mục biết, ngày mai đoàn từ thiện chúng tôi sẽ vào các làng cùi xa xôi để phát quà. Khuôn mặt cha hơi có vẻ ưu tư. Cha chỉ nhẹ nhàng nói:
– Vào trong sâu, đang có những vấn đề khó khăn. Các con nên cẫn thận. Để cha chúc lành cho chuyến đi của các con được bình an.
Mọi người cúi đầu nghe cha đọc kinh và ban phước lành. Cầu xin ơn Trên che chở, đi đến đây rồi, khó khăn mấy chúng tôi cũng không thể quay về.
Sáng hôm sau, chiếc xe đò lớn chở đoàn chúng tôi về các làng hẻo lánh để phát quà cho các người cùi. Đi đến một đoạn đường rừng, chúng tôi ngạc nhiên thấy từ đằng xa, bầu trời phủ đầy những cánh hoa màu trắng. Chạy đến gần mới biết đó là loại bướm trắng. Lần đầu tiên mọi người mới thấy bướm ở đâu mà nhiều đến thế, che phủ khắp một bầu trời. Ngửi phấn bướm này cũng đủ ho lao.
Xe chạy vào trong sâu, đường quá gồ ghề nên anh tài xế cho biết không thể đi tiếp được. Tuy mùa này là mùa khô, nhưng đường đất ngoằn ngoèo, lên đồi xuống dốc nên xe không thể chạy. Mọi người xuống xe, phân vân tính kế. Tình cờ có chiếc xe chở gỗ đi tới. Chúng tôi xin tài xế chiếc xe này cho chúng tôi quá giang vào bên trong. Anh ta gật đầu, ra dấu cho mọi người leo lên sàn xe phía sau. Vì là xe chuyên chở nên sàn xe không có một chiếc ghế nào. Cả đoàn chúng tôi ngồi bệt trên sàn xe dơ bẫn, ngồi ôm nhau vì xe chạy dằn sốc, nếu không kết thành chùm thì sẽ bị va đầu vào thành xe. Bụi đất đỏ bay lên ngập trời. Tôi lấy những khăn giấy ra phát cho mọi người để che mặt lại cho bớt bụi. Thế mà khi đến nơi, chiếc khăn giấy trở nên một màu đen ngòm, dơ bẫn. Hai lỗ mủi đầy nghẹt bụi.
Người Thượng từ xưa đã khai phá rừng, sống trong sâu để kiếm hoa màu sinh sống. Người bị cùi càng khổ hơn vì bị dân trong làng đuổi ra khỏi bản. Họ phải đi thật sâu trong rừng, kiếm một chỗ nào che chắn làm chỗ ở, dùng tấm bạt ny lông che mưa, che gió. Thức ăn là lá rừng và bất cứ hoa lá, muông thú nào mà họ kiếm được. Vì thế các nữ tu và các vị chủ chiên phải lặn lội vào sâu những chỗ này để tìm cách giúp đỡ cho họ. Các nữ tu phát thuốc và năn nỉ cho họ uống. Nhiều người thật thà nói:
– Cái bụng nó đói nên không uống thuốc được. Có gạo thì ăn một ngày ba bữa. Gần hết gạo thì ăn một ngày một bữa. Hết gạo thì ăn lá cây. Uống thuốc nó làm cái bụng mệt lắm.
Thì ra thuốc trị bệnh cùi phải uống khi bụng có thức ăn, nếu không phản ứng của thuốc khiến bệnh nhân rất khó chịu.
Tôi đã gửi tiền nhờ các sơ ở đây mua nhu yếu phẫm từ trước nên khi đoàn đến nơi, dân chúng đã tập hợp đông đúc bên cạnh mấy bao gạo, thùng mì và nước mắm. Khuôn mặt người nào cũng sáng lên. Có những chiếc xe lôi dài, chở các bệnh nhân ở các làng lân cận về đây lãnh quà.
Lãnh quà xong, họ lần lượt ra những chiếc xe lôi để về. Đến và đi lặng lẽ như những chiếc bóng. Họ là những người thiểu số thuộc sắc tộc Xê Đăng, Ba Na, Gia Rai… Họ có ngôn ngữ riêng nên chỉ im lặng với nhau. Hơn nữa, làng cùi thường chỉ tập hợp các gia đình mấy chục người sống với nhau thật sâu trong rừng, xa cách với xã hội nên mỗi khi phát quà, các nữ tu phải tập hợp cho người chở các người ở làng lân cận đến một địa điểm nào đó để lãnh chung. Những chiếc xe lôi không mui, thùng xe dài với mấy bánh xe thật to, chạy bằng máy dầu nổ bành bạch. Một nữ tu xin tôi trả tiền xăng cho mấy tài xế chở họ ra. Đi mấy chục cây số mà họ chỉ xin tiền xăng là 2 hay 3 đô la mỗi chiếc xe!
Chúng tôi lại tiếp tục lên đường, đi phát thêm cho mấy làng khác. Mỗi nơi cách nhau nửa tiếng đồng hồ xe.
3. Xã Bàu Cạn, xã Ia Kriêng, xã H’Neng – Gia Lai
Đi đến các làng kế tiếp. Lại những mảnh đời bất hạnh. Những người cùi này bị mất cả tay chân, chống nạng hay lết dưới đất mà đi. Có người vết thương đang còn băng bó, màu đen của máu hay mủ còn rịn ra ngoài. Khuôn mặt họ có vẻ đau đớn nhưng cam chịu, không than van hay kể lễ. Một phần họ không nói tiếng Việt rành. Một phần vì họ đã quen với nỗi khổ nên chỉ chấp nhận số phận nghiệt ngã. Mấy đứa bé ở truồng, đi chân đất, đầu tóc màu vàng úa vì bụi đất đỏ. Tôi thấy tim mình thắt lại khi nghĩ đến những đứa trẻ ở xứ tân tiến được nuông chiều biết bao nhiêu. Mấy đứa trẻ này lớn lên thế nào cũng chịu nỗi bất hạnh như cha mẹ. Chắc chắn là tụi nó phải chịu dốt. Cái nghèo và cái đói làm sao có thể vượt qua được?
Nhìn những người cùi lết dưới đất, tôi mơ cho họ có chiếc xe lăn. Phải làm sao đây? Họ ở tuốt trong rừng sâu, làm sao mang những món quà này đến cho họ đây? Việc từ thiện còn gặp nhiều khó khăn. Trong lúc phát quà, tôi thấy có hai ba người công an đứng quan sát. Họ có vẻ không bằng lòng khi đoàn chúng tôi đến phát quà mà không báo cho họ biết trước. Anh Minh im lặng, ra dấu cho mọi người phát quà cho thật nhanh để rồi rút đi.
Sơ Tâm ở Ban Mê Thuột cùng xắn tay áo phát quà với chúng tôi. Thảo nào sơ nói các làng cùi xa xôi ở mấy vùng này tội nghiệp hơn mấy người cùi ở làng phong do sơ phụ trách. Những chiếc bánh chưng được để thêm trên những món quà. Sơ nói người Thượng họ khỗ lắm. Ăn được miếng bánh chưng có thịt bên trong là một món quà xa xỉ mà họ mơ ước. Tôi nhớ đi đến một vài làng, ngoài những món quà, các gia đình còn nhận được một kí thịt heo tươi. Quà này của đám người Sài gòn trong đoàn đã nhờ các nữ tu ở đây mua để phát cho họ.
Đến trưa, chúng tôi trở ra xe để về ăn cơm và gặp gỡ cha Nguyễn Vân Đông, giám đốc Caritas Kontum, người mà tôi hằng mong ước được gặp và là lý do chính cho chuyến về Việt nam của tôi lần này. Không có đoàn từ thiện hải ngoại nào về vùng Tây nguyên mà không biết cha Đông. Cha là con chiên đầu đàn ở đây đã hai mươi lăm năm. Tánh tình vui vẻ, dí dỏm.. Cha kể về hoàn cảnh người cùi bằng một giọng vui vẻ mà nước mắt người nghe lăn tròn. Cha kể về chuyện một người cùi từ làng xa, đội mưa đi cả chục cây số ra quán bên đường để mua mì gói. Chị chủ quán không bán vì sợ cầm tiền của người cùi sẽ bị lây. Người đàn ông cùi thèm thuồng nhìn những gói mì trên kệ, trong tay cầm những tờ tiền lẻ nhăn nheo, cũ nát và quay trở ra, lầm lũi đi trong mưa! Thật là buồn. Cha nói mầm mống bệnh cùi có rất nhiều nguyên nhân, nhưng then chốt là nguồn nước sạch không có. Những người cùi bị chính người trong buôn cấm lấy nước ở suối trong bản làng để ăn uống và dùng. Buồn nhất là khi có người cùi chết, người trong làng sợ lây không đến thăm. Gia đình muốn có cây làm cái hòm thì rừng không còn cây, chỉ có cây cao su. Muốn có cái hòm như người Kinh thì không có tiền, cuối cùng chỉ lấy cái mền, cái bạt cuốn lại, đào một cái lỗ, thả vội người chết xuống lấp lại rồi về. Biết được chuyện này, cha Đông dặn các thày dòng Francisco và các nữ tu, từ nay về sau không để những việc này xảy ra nữa. Khi trong làng có người qua đời, các tu sĩ phải có trách nhiệm lo cho người chết dù họ là ai và bất cứ bệnh gì. Cái khó khăn là các làng nằm rãi rác trên một địa bàn rộng lớn của giáo phận Kontum nên những nhà tu hành khó kiễm soát để mà giúp đỡ được. Cha Đông còn phụ trách một nghĩa trang thai nhi với một tấm hình đặc biệt mà cha trân quí là hình ảnh một bào thai đã bảy tháng bị phá. Khi cha cầm sinh linh bé nhỏ đó trong tay thì bàn tay nhỏ xíu của bào thai nắm chặt ngón tay của cha.
Ăn trưa xong, chúng tôi được đưa về khuôn viên của các sơ dòng St. Paul ở Pleiku để nghỉ ngơi để hôm sau đoàn lại tiếp tục đi phát quà ở vùng này. Rất tiếc tối hôm đó, tôi và hai chị thiện nguyện phải lấy xe đò trở về Sài gòn để tôi còn chuẫn bị bay trở về Canada. Chúng tôi chia tay vợ chồng anh Minh và đoàn trong bịn rịn. Đoàn người ở lại thêm hai ngày để đi tiếp các làng ở Pleiku, cách Kontum 47 km.
Ba người chúng tôi lấy chuyến xe đêm, khởi hành từ 7 giờ tối. Thật là một kinh nghiệm để đời. Xe chạy suốt đêm, mất 12 tiếng đồng hồ mới về đến nơi. Xe không có toa lét, chỉ dừng lại hai lần cho mọi người xả xú bắp bên vệ đường rồi tiếp tục đi. Mấy cậu lơ đi theo xe, nhiều lúc nằm dài trên sàn xe ngủ trong lúc xe nhồi lắc, chắc về nhà rêm mình lắm. Tôi bị chứng mất ngủ, phần thì xe chạy trong đêm, đường hẹp nên tôi sợ quá, cứ căng mắt canh xem tài xế có ngủ gục hay không, cứ nhìn đoạn đường hun hút mà cầu nguyện. Để kết thúc chuyến đi này, tôi xin ân nhân mở rộng lòng nhân ái, giúp đỡ những người thiểu số vùng Tây nguyên đã mắc phải căn bệnh bị xã hội xa lánh. Mọi giúp đỡ có thể liên lạc thẳng với cha Đông qua địa chỉ:
- Linh mục Phê rô Nguyễn Vân Đông
- Giám đốc Caritas Kontum
- 146 Trần Hưng Đạo, Thành phố Kontum
- Điện thoại: 0909 274705
Ân nhân muốn có giấy khai thuế, xin gửi chi phiếu về: Roof of Love Cai Ran, 1 Windhurst Drive, Ottawa, Ontario, K2G 6G7. Xin cám ơn tất cả độc giả Thời Báo.
Tống Minh Long Quân