Trại cùi Hòa Vân, Nam Ô – Đà Nẵng
Chiếc máy bay Jetstar đưa chúng tôi đi Đà Nẵng vào lúc 11 giờ khuya, thật là bực mình. Ở Việt nam, muốn đi các chuyến bay quốc nội, chỉ có hai hãng hàng không là Jetstar (công ty của Úc) và Hàng Không Việt nam. Vé máy bay của Jetstar rẻ hơn so với hãng máy bay kia nhưng nổi tiếng về các chuyến bay bị hủy hay hoãn vào giờ chót. Ít khi nào hành khách được đi các chuyến bay đúng giờ. Chúng tôi dự định đi chuyến 9 giờ tối mà giờ phút chót mới biết máy bay hoãn lại hai tiếng đồng hồ. Lúc gửi hành lý, cô nhân viên báo trước là có vật gì quí giá thì lấy ra. Tôi và các con nói không, trong đầu cứ đinh ninh là tiền bạc hay nữ trang. Ai dè đến nơi, chiếc máy hình không cánh mà bay. Va li vào bên trong, những bàn tay ma soi hành lý qua máy, thấy cái gì chúng thích thì cứ tự nhiên, lấy ra làm của riêng, kiếm thêm chút tiền. Tôi tiếc đến ngẫn ngơ vì bao nhiêu hình ảnh chụp kỷ niệm ở Copenhagen và Paris đều mất cả. Biết bao giờ tôi mới có dịp đi du lịch đến đó. Chùm khế ngọt bỗng trở nên chua lè!
Quang cảnh người ta chen nhau lên máy bay vẫn giống như năm nào. Chiếc xe buýt đưa hành khách từ sân bay đến chân máy bay chỉ có vài ba ghế ngồi, còn phần đông phải đứng. Tôi thấy cặp vợ chồng già, tóc bạc phơ, đứng liêu xiêu muốn ngã, trong khi một cô gái trẻ và tình nhân ngồi trên ghế chễm chệ, nhìn bà già cách thản nhiên. Không kềm được, tôi nhìn chàng trai và nói:
– Xin cậu đứng lên, nhường ghế cho bác gái này ngồi!
Chàng thanh niên đứng lên ngay, nhường chỗ cho bà già. Tôi nhìn cô gái nói tiếp:
- Cả cô nữa, nhường ghế cho bác trai.
Đến phiên cô gái riu ríu đứng lên. Không biết khuôn mặt tôi lúc đó “ngầu” lắm không mà nói người ta nghe. Tại sao mấy người trẻ tuổi trong nước có một số người không có chút lịch sự hoặc trái tim nhân ái khi nhìn người già cả, tàn tật đang cần sự giúp đỡ? Bởi vậy tôi đọc trên báo mạng, thấy nhiều du khách ngoại quốc đến Việt nam làm cảnh sát giao thông bất đắc dĩ để giải toả giao thông ùn tắt trên đường. Người Việt mình cả nễ người da trắng hơn dân trong nước.
Thôi, nói về Việt nam thì không bao giờ diễn tả hết được. Quê hương tôi đó mà!
Viết về làng phong Hòa Vân, tôi mang tâm trạng như viết một đoản văn buồn khi nói về những mảnh đời cô quạnh, buồn tẻ của những người bất hạnh mang một căn bệnh bị người đời xa lánh: đó là bệnh cùi!
Làng Hòa Vân tựa mình vào vách núi Hải Vân, dưới chân là sóng biển trắng xóa bất tận. Ngôi làng bị cô lập như một ốc đảo này chỉ có 291 người. Làng này trước đây là một vùng đất biệt lập. Năm 1968, một lính Mỹ đã ra đây lập trại để nuôi dưỡng người bị bệnh phong. Ban đầu làng này được gọi là làng cùi, làng hủi vì chỉ có những người bị bệnh phong đến đây sinh sống, không dám sống chung đụng với người khác vì mọi người tránh xa. Dần dần, bệnh nhân khắp các tỉnh miền Trung bảo nhau biết về vùng đất hẻo lánh này. Số người lên đến mấy trăm người. Giao thông đi lại hiểm trở cộng với nỗi tủi phận, người làng hầu như rất ít khi ra khỏi nơi mình sinh sống. Những mảnh đời khổ đau cứ lặng lẽ kiếm kế mưu sinh bằng việc mò cua, bắt ốc ven bãi biển hoặc đi vào rừng săn chim bắt thú. Cuộc sống chính yếu là tự kiếm ăn và đổi chác hàng hoá cho nhau. Lớp người trẻ trong làng tự tìm đến với nhau để chia sẻ nỗi đau, rồi kết tóc xe tơ thành chồng thành vợ. Năm tháng trôi qua, nhóm người bệnh ở làng cũng tìm được kế sinh nhai, từ việc đánh bắt cá dưới biển, trồng lúa nước và lấy sản vật của rừng. Họ tựa vào nhau tìm hạnh phúc. Rồi từng gia đình nhỏ ra đời, dần lớn thành xóm, thành làng, với tên gọi quen thuộc là làng Vân. Mãi đến tận năm 1998, Hòa Vân mới được công nhận là một đơn vị hành chính, có tên là xã Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu thuộc thành phố Đà Nẵng, được biết đến bởi cái tên nghe đầy xót xa: làng cùi!
Muốn vào làng chỉ có cách trèo lên đỉnh Hải Vân rồi cắt núi thả dốc dựng đứng mà đi xuống, đi bộ cũng mất một tiếng đồng hồ trên những con đường mòn ngoằn ngoèo đầy sỏi đá. Xuống hết dốc sẽ phải đi qua một đoạn đường bằng ghe máy. Muốn đi đường biển thì phải đợi, mấy ngày mới có một chuyến đò. Nhưng khi thời tiết xấu, nhiều chiếc ghe bị sóng biển đánh chìm, nhiều người chết là chuyện thường.
Hòa Vân yên bình được mấy năm thì bão biển, lở núi hoành hành. Đất của làng ngày một ít vì bị sóng biển xâm thực. Sau mỗi mùa biển động là làng lại mất đất. Đất đai vốn ít ngày càng mất đi, lại cằn cỗi. Có những cơn bão đánh sập và phá hủy gần chục căn nhà của làng. Mất đất, dân làng tha phương kiếm sống rồi định cư luôn ở vùng đất mới. Dân làng bỏ quê ra đi cũng vì miếng cơm manh áo, chứ ở lại thì không biết lấy gì mà sống. Gần 10 năm trước, một ngôi trường cấp một được dựng lên ở làng để giúp các em nhỏ biết chữ, nhưng rồi rơi vào cảnh đìu hiu vì chỉ có độ ba mươi học sinh. Càng ngày số lượng học sinh cứ giảm dần. Trường có đủ học sinh lớp một đến lớp năm nhưng mỗi lớp chỉ vài ba em. Vậy nên trường buộc phải ghép năm lớp vào hai lớp học. Học ghép kiểu này khổ cả thầy lẫn trò nhưng cũng đành chịu.
Cứ đến tuổi mười hai là bọn con nít làng này phải rời quê. Có muốn hay không cũng phải chấp nhận. Đứa nào con nhà khá giả một tý thì đùm cơm bới gạo ra phố học cấp hai. Cả năm may ra còn về nhà được vài ba lần. Còn mấy đứa con nhà nghèo khó đành bỏ ngang việc học, phiêu bạt khắp xứ. Lý do duy nhất cũng vì chữ nghèo! Cuộc đời phiêu bạt của những đứa trẻ mới lớn phải xa quê khốn khó trăm bề. Bọn chúng lam lũ với đủ thứ nghề để kiếm sống. Những đứa nào nhỏ, sức khỏe yếu thì bán vé số, đánh giày, nhặt rác. Còn mấy đứa lớn hơn thì đào cống, phụ hồ… Nhiều đứa bỏ làng đi làm ăn mấy năm nhưng đến Tết cũng không kiếm đủ tiền xe về thăm nhà. Trong làng càng lúc chỉ còn lại các ông bà già đang dỏi mắt trông chờ con. Có những đứa con ăn học thành đạt, đi làm ăn xa hoặc nên vợ nên chồng nhưng có mặc cảm xuất thân từ “làng hủi” nên không dám đem người phối ngẫu về giới thiệu với gia đình hoặc làm đám cưới trong làng. Nỗi ám ảnh, mặc cảm vì bệnh đeo riết trong đầu họ ở tuổi thơ, còn nói gì đến cái nghèo, cái khó? Ít ai ra đi, tha phương cầu thực mà dám nói xuất sứ của mình, xưng mình là cư dân Hòa Vân.
Ở làng này, hầu như nhà nào cũng có con đi xa. Có gia đình có tới năm, bảy người con nhưng rốt cuộc bố mẹ già vẫn côi cút một mình vì đàn con đã bỏ đi làm ăn xa biệt mù. Có những cụ già khi nhắc đến chuyện con cái chỉ ứa nước mắt mà lòng ứ nghẹn…
Tưởng đâu dòng đời cứ thế mà trôi đi… Ngày 25 tháng 8 năm 2012 năm ngoái, chính quyền Đà Nẵng quyết định di chuyển 127 gia đình gồm mấy ông bà già ở ốc đảo này để vào đất liền sống. Dĩ nhiên mỗi gia đình được chính quyền đền bù nhưng với giá rẻ mạt, số tiền nhận được không thấm vào đâu. Dân làng phải rời bỏ nhà cửa, ruộng nương lẫn ký ức làng quê để vào đất liền. Sau nửa thế kỷ tồn tại, kể từ đây làng cùi chính thức chỉ còn trong ký ức. Vùng đất sơn thuỷ hữu tình này, sẽ có tên gọi mới là Khu du lịch nghỉ dưỡng và giải trí tổng hợp cao cấp Hoà Vân, với mức đầu tư 5 tỷ đô la của công ty Vinpearl.
Ngày cuối cùng, chính quyền địa phương tổ chức tiệc chia tay, mấy ông bà lão mặt mày buồn thiu, nước mắt ngọn vắn, ngọn dài.. không còn lòng dạ nào để tham dự.
Tất cả mọi người được đưa vào một chung cư, mỗi gia đình được cấp cho một căn phòng nhỏ, diện tích là 75m2. Mỗi tháng chính quyền trợ cấp cho mỗi gia đình 240 ngàn đồng (tương đương 12 đô la). Người nữ tu giúp chúng tôi phát quà cho dân nghèo ở Quảng trị năm ngoái, nay đổi công tác về tỉnh Thừa thiên, biết được hoàn cảnh u uất của các gia đình bất hạnh của làng Hòa Vân nên đến thăm nom, an ủi. Sơ Hương liên lạc để xin hội Nhà Tình Thương Cái Rắn giúp đỡ các ông bà già này trong dịp Tết sắp đến.
Nhìn những khuôn mặt sầu héo của những mái đầu bạc, tôi có cảm tưởng tâm trạng những người bệnh cùi ở đây giống như bài thơ “Hổ nhớ rừng” của Thế Lữ năm xưa:
Gặm một khối căm hờn trong cũi sắt
Ta nằm dài, trông ngày tháng dần qua
Khinh lũ người kia ngạo mạn, ngẩn ngơ
Giương mắt bé riễu oai linh rừng thẳm
Nay sa cơ, bị nhục nhằn tù hãm
Để làm trò lạ mắt, thứ đồ chơi.
Đúng vậy, nhiều ông bà già tâm sự: gần 50 năm trước, họ đã rời xa cuộc sống ngoài xã hội, rời bỏ ánh mắt sợ hãi của gia đình, làng xóm để đến ốc đảo Hòa Vân sinh sống, một nơi lý tưởng cho những người bệnh bất hạnh làm nơi trú ngụ. Họ tự khai khẫn đất hoang tùy theo sức của mình. Có gia đình có từ vài trăm đến chục ngàn mét vuông vườn tược. Bây giờ lại thêm một lần nữa phải rời bỏ làng xã mà họ xem như quê hương chôn nhau, cắt rốn. Không ruộng vườn, không đất đai sản xuất, làm sao họ sống nỗi với số tiền trợ cấp xã hội quá ít ỏi như vậy?
Ngày xưa, khi ngành y tế thế giới chưa tìm ra phương thuốc chữa trị hữu hiệu cho bệnh nhân cùi nên xã hội xa lánh,khi rẻ người bệnh cùi vì sợ bị lây lan. Ngày nay, bệnh cùi không còn đáng sợ nữa, có thể được chữa lành nếu phát hiện sớm. Nhưng ở Việt nam người dân vẫn còn nhiều thiên kiến. Dù cho bây giờ bệnh nhân có đất để nuôi heo, nuôi gà…nhưng bán ra, chưa chắc ai dám mua ăn.
Thay mặt Nhà Tình Thương Cái Rắn, tôi xin cám ơn tất cả các mạnh thường quân đã góp tay, giúp đỡ tiền bạc cho dân nghèo ở các vùng xa xôi. Tôi cám ơn các nhà tu hành, các tăng sư và linh mục ở trong nước đã hy sinh cuộc sống của mình để mang nguồn an ủi đến chúng sinh. Cám ơn các độc giả Thời Báo, lúc nào cũng yễm trợ cho công cuộc từ thiện cách nhiệt tình. Cầu xin ơn Trên giúp đỡ quí vị và gia đình mọi sự may mắn và an lành.
Nhà Tình Thương Cái Rắn nhận được nhiều điện thoại của nhiều độc giả Thời Báo muốn tháp tùng về Việt nam trong các chuyến đi từ thiện hàng năm. Nhưng tôi muốn nói thêm điều rỏ ràng là các thiện nguyện viên phải tự túc vé máy bay và phương tiện di chuyển. Ngay cả việc tham dự đoàn người đi đến các vùng nông thôn xa xôi, các thiện nguyện viên cũng phải chia xẻ tiền xe cộ, cước phí… Xem như đó là một hy sinh, đóng góp tình thương.
Chúng tôi cần nhiều thiện nguyện viên địa phương cũng như hải ngoại trong mỗi chuyến đi từ thiện. Hội rất hoan nghênh sự góp tay của những kẻ có lòng. Tiếc rằng hội không có khoản tiền nào để chi phí cho việc vận chuyển. Những đồng bạc đóng góp của ân nhân sẽ được chuyển đến các đồng bào bất hạnh, dù việc giúp đỡ này không thấm tháp vào đâu so với cuộc sống khỗ cực thâm niên của họ. Biết làm sao hơn bây giờ hở các bạn? Hiện tại hội đang cần thêm tiền để giúp đồng bào ở Sóc Trăng để xây thêm giếng, giúp cho các người bị mù vì không có nước sạch để dùng trong sinh họat hàng ngày.
Mọi liên lại xin gửi về địa chỉ: Roof of Love / Nhà Tình Thương Cái Rắn, 1 Windhurst Drive, Nepean, Ontario K2G 6G7. Email: roofoflove@gmail.com. Điện thoại: 613 843-0275.
Tống Minh Long Quân