Quê hương nhìn lại (kỳ 2)
Ngày hôm qua chúng tôi đã đi chơi một vòng phía Bắc, hôm nay anh tài xế Hiệp đề nghị sẽ đưa đòan chúng tôi đi một vòng phía đông và nam đảo Phú Quốc. Các cậu con trai cho biết, hôm mới đến đã đi một vòng thành phố và mấy làng lân cận đông dân cư sinh sống ở phía nam rồi kia mà. Anh tài xế nói chưa hết đâu, còn nhiều bãi biễn và thắng cảnh lắm mà mọi người chưa đi. Nào là Suối Tranh, bãi Sao, giếng Ngự, dinh Cậu… Thế là bọn trẻ lại hồ hỡi ghé mua bia bọt, khô mực làm mồi nhắm trên lộ trình và bãi biển.
Tuổi trẻ lúc nào cũng vô tư. Đám con trai, con gái nói chuyện, đùa giỡn trên xe, không chút ưu phiền. Trong khi đó, tôi nhìn qua cửa xe, thấy hai bên đường ở vùng ngọai ô, nhiều căn nhà lá rách nát, chung quanh là cỏ cây khô cằn, nhuộm màu đất đỏ do bụi bám vào, khiến lòng tôi xốn xang. Hỏi thăm anh tài xế, nguồn lợi chính của cư dân ở đây là gì. Chỉ là chài lưới và làm vườn! Đất đỏ khô cằn như thế kia, không biết huê lợi thu họach về có đủ cho họ sống qua ngày không? Tôi thấy nhiều em bé áo quần bạc màu, chân đi đôi dép Nhật, đầu đội nón đủ các lọai. Khuôn mặt các em không có những nét vui tươi, hồn nhiên như các trẻ em ở các nước tân tiến. Cũng nụ cười trẻ thơ, cũng miệng nói líu lo nhưng khuôn mặt các em vẫn phảng phất một vẻ chịu đựng vì sự thiếu thốn vật chất nào đó, khó mà diễn tả được.
Xe chạy chỉ trong vòng mười lăm phút, người tài xế chỉ cho chúng tôi biết: đây là Dinh Cậu, còn có tên gọi là Miếu thờ Long Vương, là nơi thờ Cậu Tài và Cậu Qúy, hai vị thần sông nước cai quản cửa sông Dương Đông. Miếu nằm trên đỉnh núi đá lô nhô với những hình thù kỳ lạ. Anh tài xế tự nguyện làm hướng dẫn viên du lịch cho đòan. Mọi người đi lên bậc thang bằng đá để lên phía trên mà ngắm nhìn cảnh đẹp bao quát chung quanh. Hiệp chỉ cho chúng tôi một miếu nhỏ bên lối đi và nói đó là miếu Thổ Thần. Chung quanh dinh Cậu có hàng rào bằng đá, nền lát bằng xi măng. Nơi cửa chính Dinh Cậu, vòm cửa bằng gỗ có ghi ba chữ Thạch Sơn Điện. Đứng trên cao, nhìn phía dưới ghềnh đá Dinh Cậu là bãi biển cát trắng tinh, nước trong xanh, với tiếng sóng vỗ ầm ì trông tuyệt đẹp. Dân trên đảo đã lập ngôi đền này để thờ thần sông nước để mong thần linh che chở trước khi ra khơi. Du khách đến Phú Quốc, ai cũng đến miếu này để ngọan cảnh.
Tham quan hết một vòng, chúng tôi trở lại xe búyt. Đám trẻ cầm những tài liệu hướng dẫn du lịch, chúi đầu nghiên cứu để quyết định sẽ đi đâu kế tiếp vì trong bản đồ. Ở đâu cũng là bãi biển. Mọi người quyết định địa điểm kế tiếp viếng thăm là Suối Tranh.
Chạy chừng nửa tiếng đồng hồ, xe dừng ngay một con dốc, chung quanh chỉ thấy cây cối xanh tươi bao phủ. Anh tài xế cho biết đã đến Suối Tranh.
Ngay ở cỗng đi vào bên trong là hai gian hàng nghèo nàn bán đặc sản Phú quốc như rong biển khô, mấy đồ trang sức thô sơ bằng vỏ sò, vỏ ốc… mấy gói lá cây Hà thủ ô hay các lọai lá khô gì đó để nấu nước uống cho mát. Cả nhóm chúng tôi sáng mắt lên khi thấy sạp hàng bán chuối chiên ngay ở bãi đậu xe. Rẻ quá đi thôi. Một miếng chuối xiêm nướng, mùi thơm ngào ngạt giá chỉ có 3000 đồng (15 xu). Lâu ngày mới thấy lại miếng chuối chiên dùng đúng lọai chuối của thời đi học. Tôi và cả đám con trẻ xúm nhau mua, người nào cũng ăn hai, ba miếng mà vẫn chưa đã thèm. Chị bán chuối mừng quýnh lên, lột chuối thả vào thau bột để rồi múc từng muỗng bột thả vào chảo dầu sôi. Chỉ tiếc một điều là miếng chuối chiên ngon lành được chị bán đặt trên giấy báo cũ cắt nhỏ, đưa cho khách cầm. Thôi kệ, đáo giang tùy khúc, mất vệ sinh một chút cũng chả sao. Tôi ăn ba miếng mà vẫn còn thèm thuồng. Thấy đám trẻ bắt đầu bước đi xuống bậc thang tiến vào bên trong, tôi tiếc nuối đi theo nhưng bụng bảo dạ, một lát trở lên tôi sẽ “chơi” thêm vài miếng nữa. Ai cười mặc ai. Tôi hẹn mấy chị bán hàng sẽ trở lại mua, sau khi đi một vòng xuống suối.
Tôi hơi lấy làm lạ, tại sao một địa điểm du lịch nổi tiếng Suối Tranh theo tài liệu du lịch của Phú Quốc mà sao cũng vắng vẻ đến như thế. Một người đàn ông địa phương đứng gần đó nghe tôi hỏi mấy chị bán hàng thì buột miệng nói:
– Mùa khô, nước cạn. Suối không có nước nên ít du khách đến đây.
À ra vậy! Nhưng đã đến thì cứ việc đi xuống tham quan cho biết. Theo tờ hướng dẫn du lịch, Suối Tranh bắt nguồn từ các khe nhỏ của các ngọn núi thuộc dãy Hàm Ninh, men theo những khe đá, uốn lượn qua những trảng tranh xanh mượt trước khi hòa vào một dòng chính để tạo ra con suối lớn với chiều dài 15km. Suối mùa này chỉ có những dòng nước chảy ngoằn nghèo trên những tảng đá phẳng lì, du khách cứ việc bước qua từng tảng đá mà chụp hình. Tuy không có nước, chỉ là những con lạch nước nhỏ chảy uốn lượn qua mấy tảng đá, nhưng chung quanh cây cối rậm rạp, cùng tiếng chim hót líu lo đủ khiến người du khách phương xa cảm thấy thích thú lắm rồi. Vừa đi vừa chụp hình nên mọi người không cảm thấy mệt. Riêng tôi, cứ theo đám trẻ nhảy qua nhảy lại các ghềnh đá, suối nước để chụp hình mãi tôi đâm chán. Phần thì trời nóng oi bức với độ ẫm khiến mồ hôi ai nấy tuôn ròng ròng, áo ai cũng ướt đẫm. Đám trẻ cởi áo ra để đùa giỡn, vẫy nước vào nhau.
Tôi cảm thấy mệt, quyết định đi ngược lên, mặc cho bọn trẻ tiếp tục tiến sâu vào bên trong. Tôi nhớ gian hàng chuối chiên ở đầu dốc. Tôi hẹn bọn trẻ gặp lại ở chỗ đậu xe.
Thấy tôi trở ra, mấy chị bán hàng sáng mắt lên. Không biết làm gì hơn, tôi sà lại bên chị chuối chiên, kéo chiếc ghế đẩu gần đó ngồi tán gẫu. Tôi nài chị để lại cho tôi một nải chuối xiêm tươi. Chị ngần ngừ một chút rồi bằng lòng. Chị nói hôm nay vắng khách nên chị để lại tôi, chớ thường ngày chị mua đủ chuối để bán mà thôi. Tôi ngồi học cách chị làm chuối chiên sao mà ngon quá vậy. Thật ra chẳng có bí quyết gì. Tôi nhìn chị cán dài trái chuối dẹp lép ra, bỏ vào thau bột rồi dùng muỗng múc lên, đổ từ từ qua miếng lá chuối vào chảo dầu sôi. Ăn sốt dẻo tại chỗ thì ngon vô cùng. Lớp bột không dầy như những trái chuối chiên ở các nhà hàng Việt Nam bên này làm món tráng miệng bán cho thực khách.
Ngồi nói chuyện trên trời, dưới đất với mấy chị bán hàng gần một tiếng đồng hồ thì cả đòan lại kéo lên. Những trái chuối chiên tôi mua sẵn được bọn chúng chiếu cố tận tình, sau khi đã tắm suối mát bên dưới.
Bây giờ mọi người bắt đầu cảm thấy đói bụng. Tôi đề nghị đi đến bãi Sao để tắm biển và ăn trưa. Ai nấy hớn hở ra mặt. Mấy cô đầm da trắng nghe tắm biển thì thích lắm. Mùa này ở Canada là mùa đông tuyết giá, đi du lịch về với nước da nâu đỏ sẽ khiến bạn bè thèm thuồng, khen tặng, chẳng khóai lắm sao?
Bãi Sao cách trung tâm thị trấn Dương Đông, Phú Quốc, Kiên Giang khoảng 25 km đường bộ. Con đường đi đến đó là con đường đất đỏ gập ghềnh, bụi mù trời. Người ngồi trên xe lắc lư, nghiêng qua ngã lại theo từng ổ gà. Anh tài xế đưa chúng tôi đến khu rì sọt Gió Biển, nơi có tiệm ăn mà anh quảng cáo là ngon. Thật ra đám du khách miền xa như chúng tôi, ăn cái gì cũng thấy lạ và ngon hết. Cứ đồ hải sản là thấy ngon miệng rồi.
Ông chủ nhà hàng này lấy tên Gió Biển cùng đúng thật.
Gió ở đây thổi hây hây với làn sóng biển lăn tăn, nhẹ nhàng. Khung cảnh cũng im vắng, không nhiều du khách. Đây là nét đặc trưng của Phú Quốc. Bãi biển đẹp nhưng vắng người. Du khách đến đây để xa lánh sự ồn ào, náo nhiệt của các đô thị lớn.
Việc đầu tiên là phải gọi thức ăn cho bữa ăn trưa. Làm gì cũng phải có món canh chua. Cô bé tiệm ăn hỏi khách muốn ăn canh chua với cá mú, cá bớp hay cá nhồng, cá thiều… Lọai cá nào tôi cũng mù tịt, không hình dung được hình dáng nó ra sao, ngon dở thế nào. Hỏi cô ta, cá nào theo ý cô là ngon. Cô ta đề nghị: cá bớp. Thế là bữa ăn mang đậm chất địa phương với một lẫu canh chua đầy đủ các lọai rau giá mang ra, cùng món mực luộc, cá kho tộ. Cá tươi, cơm nóng ăn tại bãi biển, thật thú vị vô cùng. Anh tài xế được nhà hàng chiêu đãi bên trong. Về sau anh bộc bạch cho tôi biết. Hễ anh đưa khách đến tiệm ăn thì nhà hàng nào cũng cho anh một phần ăn miễn phí. Nhưng hễ khách ăn gì thì anh cũng được ăn y như vậy. Anh chỉ mong được ăn thịt nhưng phần đông du khách đến đây ít ai gọi món này. Đồ biễn đối với anh là món ăn thường ngày, anh ngán lắm rồi nhưng không thể đòi thức ăn khác.
Ăn xong đôi mắt tôi muốn nhíu lại. Mướn võng của nhà hàng, căng dưới bóng mát hai cây dừa để thiu thiu, thật không có gì thích bằng.
Ngày mai là chúng tôi giả từ hải đảo này. Tôi lúc nào cùng mang tâm trạng lưu luyến những nơi đã đặt chân qua vì không biết bao giờ mới trở lại. Dù khi có dịp trở lại thì cảnh củ, người xưa còn đó hay không? Ai còn, ai mất? Ai đã phiêu bạt bốn phương trời?
Tôi điện thoại cho cha Hậu, cho biết chúng tôi sẽ đến Cà Mau ngày mai. Cha ngạc nhiên hỏi tại sao đòan chúng tôi đến sớm hơn dự tính. Tôi cắt nghĩa cho Người là các cô cậu trẻ cảm thấy thăm viếng đảo Phú Quốc đủ rồi nên nôn nóng muốn đi Cà Mau bắt tay vào việc. Tôi xin Người chỉ cho chúng tôi biết cách đi đến Cà Mau như thế nào. Tôi mượn chiếc điện thọai cầm tay của anh tài xế, ngồi trên xe lắc lư nên nghe giọng Người tiếng được, tiếng mất. Người giải thích cho tôi: lấy tàu cao tốc từ Phú Quốc đến Rạch Giá, rồi lại đi đến bến đò Rạch Sỏi, lấy tàu cao tốc khác đi Cà Mau. Đến Cà Mau thì gọi điện thọai, Người sẽ cho người đón chúng tôi đi vào Cái Rắn. Người cho tôi biết thêm, theo như chương trình, Khánh sẽ từ Sài gòn xuống ngay trong ngày chúng tôi đến Cà Mau để đón chúng tôi và cùng đi chung đến Cái Rắn. Nhưng Khánh bận việc gia đình vào phút chót nên không thể xuống Cà Mau theo hẹn với tôi mà sẽ đi hai ngày sau đó. Tôi nghe mà lùng bùng lỗ tai. Trời đất ơi, tòan những địa danh lạ hoắc tôi chưa hề đặt chân đến trong đời. Tôi cứ chắc mẫm, mọi sự trông chờ vào sự sắp xếp của Khánh. Tôi chỉ than trời trong bụng. Nếu không có người đón thì chắc bọn tôi bơ vơ, không biết sẽ đi về đâu. Như đọc được ý nghĩ của tôi, Người trấn an, bảo cứ đến đi, sẽ có người khác đón chúng tôi. Không có gì phải sợ.
Cậu Cả nghe đi tàu là hỏang kinh hồn vía vì cậu ta có tật say sóng nên rất sợ. Nhưng không còn phương tiện nào khác để rời Phú Quốc nếu không đi bằng đường thủy. Chúng tôi nhờ anh tài xế chở đến mấy điểm bán vé tàu cao tốc đi Rạch Giá. Tiếc thay, đến nơi, quá sáu giờ chiều, mấy văn phòng đã đóng cửa. Tôi lại bắt đầu lo khi biết mỗi ngày chỉ có hai chuyến tàu cao tốc rời Phú Quốc vào lúc 8 giờ 30 sáng và 2 giờ 30 chiều, mặc dù có nhiều chuyến với các hãng tàu khác nhau. Đi chuyến chiều thì không kịp đi chuyến tàu đi Rạch Giá – Cà Mau, khởi hành lúc 2 giờ chiều. Đành vậy chớ biết sao bây chừ?
Chị chủ khách sạn thấy tôi trở về với khuôn mặt buồn xo như bánh tráng mắc mưa thì hỏi lý do. Khi nghe tôi nói, chị trấn an tôi và nói có người bạn bán vé tàu cao tốc. Văn phòng đóng cửa nhưng chị ta có sẵn vé ở nhà. Tôi mừng còn hơn bắt được vàng. Ngồi nghe chị chủ điện thọai, tôi theo dõi từng nét biến đổi trên khuôn mặt của chị. Thấy vẻ tươi vui với chiếc đầu gật gù, tôi mừng hết lớn. Sau khi gát máy, chị cho tôi biết là người bạn sẽ mang vé lại khách sạn cho tôi. Giá vé là 240 ngàn đồng một người đi đến Rạch Giá. Tôi thở phào nhẹ nhỏm.
Nửa tiếng đồng hồ sau, cô bạn chị chủ khách sạn đem vé đến. Chúng tôi sẽ đi chuyến tàu cao tốc ngày mai vào lúc 8 giờ 30 sáng. Tàu chạy khỏang 3 tiếng đồng hồ là đến Rạch Giá, như vậy chúng tôi có đủ thời giờ để đi tiếp đến Cà Mau. Còn thêm một vấn đề. Phải mua vé tàu cao tốc trước ở Rạch Giá. Nhưng chị trấn an tôi, cho biết chị có quen một cậu làm việc ở bến tàu cao tốc Rạch Sỏi. Chị cho tôi số điện thọai của cậu ta, bảo tôi khi đến đó, điện thọai ngay cho cậu Tâm, nói là do chị giới thiệu để cậu ấy mua dùm vé cho tôi.
Thế là yên lòng rồi.
Đêm cuối cùng ở đây, chúng tôi quyết định đi ăn tối ở chợ đêm gần Dinh Cậu cho biết với người ta. Từ khách sạn tôi ở, nếu đi bộ qua cầu chừng hai mươi phút thì đến chợ. Nhưng chúng tôi ngại kéo cả đòan đi bộ lếch thếch, không biết có an tòan hay không. Leo lên tắc xi rồi thì chúng tôi lại tiếc, phải chi hồi nãy đi bộ vì xe cộ không được lưu thông qua chợ ban đêm nên phải chạy đánh một vòng thật xa, tốn tiền xe cách lãng nhách.
Đến nơi thì mọi người vui ra mặt. Chín giờ tối mà khách đến đây khá đông. Có rất nhiều gian hàng lộ thiên bán thức ăn dọc hai bên đường, mùi thơm ngào ngạt tỏa ra trong không khí. Hàng nào cũng có thực khách đang hì hụp ăn uống, nói cười ồn ào. Giống như chợ đêm ở Thái lan. Chợ đêm Phú Quốc có nhiều gian hàng bán đồ thủ công mỹ nghệ bằng vỏ ốc, xa cừ. Những xâu ngọc trai bày trên tủ, hằng hà xa số khiến khách hoa mắt cả lên. Người biết giá trị thì không dám mua ngọc trai bày bán ở chợ như vậy. Hôm qua chúng tôi có ghé tham quan chỗ nuôi ngọc trai do người Nhật quản lý ở đây. Thấy nghề nuôi ngọc trai này cùng khá công phu nên giá thành cũng không phải là rẻ. Bây giờ nhìn mấy xâu chuỗi đeo cổ mà giá “bèo” như vậy, ai mà dám mua.
Chúng tôi chọn gian hàng ẫm thực có đông đảo thực khách địa phương, yên chí là thức ăn phải ngon nên người ta mới chiếu cố. Đám con trai tha hồ gọi sò nướng, mực phơi một nắng, cá hấp gừng cuốn bánh tráng. Bên cạnh chúng tôi là một bàn dài, khách là các cô cậu trẻ, dân Sài gòn xuống đây chơi. Nhìn cách ăn uống của các cô cậu, bạo dạn khác hẵn người địa phương. Có mười cô cậu cả thảy mà họ kêu đem ra hai két bia 24 chai để kế bên bàn. Lọai bia Con Cọp chai to gần một lít. Mỗi lần cụng ly nhau là các cô cậu nói to lên “Dô!” khiến các người ngồi bàn gần bên phải quay lại nhìn. Một cặp vợ chồng Tây ngồi gần đó thấy lạ và thích chí, nên khi thấy mấy người trẻ này cầm ly lên là họ cũng cầm ly của họ lên mà nói theo. Con gái uống không thua gì con trai. Sau mỗi tiếng “Dô” là các nàng cầm ly nốc một hơi chớ không phải nhắp cho có lệ. Thật đáng nễ!
Mấy đứa bé tuổi chừng chín, mười tuổi, cầm xấp vé số đi từng bàn mời khách mua. Chúng tôi cho tiền nhưng không lấy vé số. Hỏi thăm các bé, một vé bán được lời bao nhiêu. Một ngàn đồng – bằng 5 xu tiền Mỹ. Một con bé, nước mắt ràn rụa, đến mời con trai tôi mua vé số. Hỏi nó tại sao khóc. Nó nói đâu có khóc, tại buồn ngủ quá nên ngáp, chảy nước mắt sống. Tôi hỏi nó có đi học không. Nó nói có. Trời đất, còn đi học mà khuya lơ khuya lắc như thế này còn lang thang đi bán vé số thì còn giờ đâu để học bài? Tôi cho tiền nó, bảo nó thôi về nhà sớm để ngủ đi. Nó nói không bán hết vé số, về nhà mẹ đánh. Đầu óc nó đơn sơ, không nghĩ là số tiền tôi cho, đủ cho nó nghỉ bán đêm nay hoặc cả tuần rồi.
Mãi đến khi chúng tôi cuốc bộ trở về khách sạn, tôi thấy con bé này đang ngồi bệt bên vệ đường vắng, cùng một thằng bạn tuổi cũng nhỏ như nó. Dưới ánh sáng đèn đường vàng vọt, ánh sáng lờ mờ, trông hai đứa bé này như hai bức tượng câm. Tôi dừng chân lại hỏi, sao khuya rồi mà nó chưa về. Nó nói đang chờ người cho quá giang đến đón về nhà. Tôi lại thầm so sánh những đứa trẻ lớn lên bên trời Âu Mỹ. Giờ này chúng nó đang nằm trong nệm ấm, chăn êm bên cạnh mấy con thú nhồi bông, trong vòng tay yêu thương của cha mẹ, chớ đâu ngồi ngủ gà, ngủ gật bên đường vắng như mấy đứa trẻ này? Đôi mắt tôi cảm thấy cay cay. Biết làm sao bây giờ? Quê hương nghèo của tôi đó!
Sáng sớm hôm sau, cậu Hiệp lái xe đưa đòan chúng tôi ra bến. Vẫn cảnh nhộn nhịp như bất cứ bến tàu nào. Hành lý chúng tôi cồng kềnh vì số người đông. Theo số vé, nhóm chúng tôi được ngồi tuốt phía sau, gần chỗ nhân viên phục vụ. Tuy ồn ào nhưng ngồi gần cửa mát hơn. Không khí trong tàu nóng và ngột ngạt nên đám trẻ lên tầng trên của tàu, ra lan can đứng ngắm cảnh và hóng mát. Biễn mênh mông khi tàu bắt đầu rời bến, bỏ lại Phú Quốc đằng sau lưng.
Tôi lại bắt đầu lo. Điện thọai cầm tay của con trai tôi xử dụng không được. Tôi mượn điện thọai của một cậu nhân viên phục vụ trên tàu để gọi. Các cậu nhân viên ở đây phần nhiều người từ miền Bắc vào, tánh tình vui vẻ dễ thương. Điện thọai cho cậu Tâm nào đó nhưng không ai bắt máy. Thấy vẻ mặt ưu tư của tôi, cậu trai cho mượn máy hỏi tôi muốn liên lạc với ai. Tôi kể rõ sự việc, cần mua vé tàu cao tốc khi đến Rạch Giá mà không biết đường đi, nước bước. Cậu ta đề nghị. Chúng tôi có thể mướn tắc xi đi từ Rạch Giá đến Cà Mau kia mà? Giá vé tàu cao tốc cho nhóm người chúng tôi cộng lại cũng bằng tiền thuê riêng xe để đi. Nếu cần cậu ta sẽ điện thọai cho người bạn làm tài xế hãng xe tắc xi Mai Linh để chở chúng tôi đi. Tôi mừng quá với đề nghị này. Đi bằng gì cũng được miễn đến Cà Mau. Thế là cậu ta điện thọai nói chuyện với người bạn dùm tôi. Cậu ta cho biết. Giá thuê xe là một triệu rưỡi (khỏang 85 đô la). Giá hơi đắt nhưng tôi chấp nhận.
Khi đến Rạch Giá, tôi thấy quyết định đi xe là đúng. Lúc đó gần 12 giờ trưa. Nếu đi tiếp tàu cao tốc thì phải đón xe đến bến Rạch Sỏi, chờ đến 2 giờ chiều mới đi thì thật là bất tiện với số hành lý cồng kềnh như thế này, rủi dân bất lương địa phương giở trò chôm chỉa thì còn mệt hơn. Dù có ăn mặc xuềnh xòang cách mấy nhưng dân ở đây vẫn biết chúng tôi là Việt kiều như thường, cộng thêm đám bạn Tây, đầm của các con tôi thì không thể nào giấu gốc gác được.
Được liên lạc báo trước, khi chúng tôi bước lên cầu tàu thì có một cậu mặc đồng phục hãng tắc xi Mai Linh đến hỏi tên tôi. Chính cậu là người sẽ lái xe đưa chúng tôi đi.
Chiếc xe nhỏ có 7 chỗ ngồi nhưng với số lượng hành lý nhiều như vậy, xe trở nên chật chội. Cậu tài xế ái ngại, nói phải chi biết trước có nhiều hành lý như vậy th́ì cậu lấy xe lớn 15 chỗ ngồi cho thỏai mái. Nhưng bây giờ trễ rồi, không thể thay đổi. Tôi hy sinh ngồi băng cuối với đám hành lý, co chân cứng ngắt, không có chỗ xoay sở suốt cả mấy tiếng đồng hồ.
Xe chạy một vòng trong thành phố Rạch Giá. Lúc từ Sài Gòn xuống, tôi thấy thành phố này nghèo nàn, giống như “thị trấn buồn hiu”. Giờ thì từ hải đảo hoang liêu trở về thành phố đẩt liền, tôi lại thấy Rạch Giá sao mà văn minh, vui đến thế. Con trai tôi yêu cầu tài xế chở cậu ta đến nhà thuốc để mua kem xức trừ muỗi. Trước khi đi, bác sĩ có cho toa mua thuốc uống ngừa sốt rét. Phải uống một ngày trước khi đến đó, trong suốt thời gian ở Cà Mau và hai mươi tám ngày sau khi rời nơi đó. Thuốc có phản ứng phụ nên chúng tôi ai nấy cảm thấy lừ đừ, ăn không thấy ngon miệng nữa. Lần đầu tiên trong đời tôi mới uống thuốc ngừa sốt rét như vậy. Một viên thuốc sáu đô la. Nội tiền uống thuốc ngừa cũng tốn bộn tiền. May mà cả gia đình tôi ai cũng có bảo hiễm thuốc men của sở làm nên cũng đỡ, không thôi cũng lủng túi.
Trước khi đi, bạn bè tôi ai cũng nhắc nhở cho tôi đừng có quên đem thuốc trừ muỗi. Muỗi Cà Mau nổi tiếng là độc. Thường thì mỗi khi đi du lịch ở nước khác, tôi chỉ cần mang theo lọai dầu Skin-so-Soft của hãng Avon, xức vào vừa thơm tho mà muỗi lại sợ mùi thơm này mới đã. Kỳ đi này tôi cũng “thủ” một chai dầu này nhưng không mấy tự tin vì phen này gặp phải “ông trùm” muỗi, đáng ngại lắm chớ không phải giỡn mặt.
Con đường Rạch Giá-Cà Mau nhỏ hẹp, đầy ổ gà nên xe chạy dằn xốc, không thể chạy nhanh được. Tôi hỏi anh tài xế khỏang mấy giờ thì đến Cà Mau. Anh ta ậm ừ nói còn tùy… Coi bộ anh chàng này không phải là tài xế chuyên nghiệp cho lộ trình này đây. Xe rời thành phố Rạch Giá, nhìn hai bên đường, vẫn cảnh nghèo quen thuộc như ở Phú Quốc. Vẫn những căn nhà lá lụp xụp cất ven sông. Những ngôi chợ chồm hỗm nghèo nàn. Những đứa bé mặt mày ngơ ngác nhìn xe chạy qua.
Tôi ngồi phía sau, xe dằn xốc nên cả người tôi ê ẫm mà không có chỗ để xoay trở, đổi tư thế ngồi. Chạy chừng một tiếng đồng hồ, tôi yêu cầu anh tài xế kiếm chỗ nào dừng lại để tụi tôi kiếm chỗ đi tiểu. Thật ra tôi chỉ muốn đi xuống cho giãn gân cốt một chút chớ hai chân đã tê rần rồi. Anh tài nói chờ thêm một chút nữa rồi anh sẽ ghé lại nhà bà mẹ ruột trên đọan đường cách đây chừng nửa tiếng đồng hồ.
Đúng như anh tài nói. Nhà bà mẹ ở ngay trên tỉnh lộ. Anh dẫn đòan chúng tôi vào giới thiệu với mẹ và hai em gái. Tôi hơi lấy làm ngạc nhiên khi anh tài dẫn chúng tôi vào một căn nhà khang trang, sàn lót gạch bông bóng lóang, trông có vẻ khá giả. Mẹ anh khỏang trên dưới tám chục, nhưng trông vẫn còn khỏe mạnh và vui tính. Bà lăng xăng sai con gái chạy qua bên kia đường mua nước ngọt đãi chúng tôi, mặc dù tôi hết sức thối thóat mà không được. Bà vui vì gặp lại anh tài xế tắc xi, con trai trưởng của bà. Bà nhìn con trai mắng yêu:
– Thằng mắc dịch này, làm ăn bận rộn gì dữ mà không thấy ghé thăm má gì hết!
Nhìn tấm ảnh trên bàn thờ, tôi hỏi bà là ai. Bà cho biết, đó là người chồng quá cố. Vui chuyện, bà nói chồng bà ngày xưa là tỉnh ủy Rạch giá từ năm 1975, sau về hưu mới về đây cất nhà. Ông ta chết được mấy năm rồi. Tôi hơi giật mình. Ngày xưa khỏang thời gian này là anh chị em tôi đi xuống Rạch giá để tìm đường vượt biên. Nếu gặp phải ông nội này là kể như toi mạng rồi. Tôi hỏi bà chủ nhà có biết ông Tám Lết, ngày xưa là xếp sòng công an ở khám lớn Rạch Giá hay không. Lúc đó dân vượt biên nghe đến tên Tám Lết là sợ như sợ cọp. Bà chủ nhà thật thà nói biết chớ. Ông Tám Lết này về sau chết trong tù vì trâu cột ghét trâu ăn. Ông ta ăn tiền của dân vượt biên nhiều quá nên về sau bị thanh trừng, lột lon và bị tống vào tù. Chính quyền xét nhà ông, đào ở sau nhà và tịch thu được một khạp vàng lá, tiền ăn của dân vượt biên. Tôi ậm ừ nói cho qua chuyện. Ngày xưa ông Tám Lết này nổi danh là “con hùm xám”. Đàn bà, con gái nào vượt biên bị mắc cạn là hết đời với ông ngay. Đúng là Trời trả báo.
Tôi đứng dậy cáo từ, lấy cớ đường còn xa. Bà chủ nhà ân cần dặn tôi khi nào có dịp về đây thì ghé nhà bà chơi. Tôi lịch sự vâng dạ nhưng trong bụng thầm nghĩ. Cuộc đời bèo giạt hoa trôi, những dịp gặp gỡ như vầy biết bao giờ có được lần thứ hai? Nhưng phải thành thật nói, tôi cảm thấy mến người đàn bà trong dịp gặp gỡ ngắn ngủi này. Dù chồng bà ngày xưa có là gì đi nữa nhưng cá nhân bà là một người đáng mến.
Xe lại tiếp tục chạy trên tỉnh lộ 63 thêm hai tiếng đồng hồ nữa mà đường vẫn còn xa tít mù. Tôi cứ hỏi thăm anh tài xế là còn bao lâu nữa mới đến Cà Mau. Lộ trình Rạch Giá-Cà Mau chỉ có 130 cây số. Đối với Canada hay Mỹ, khỏang đường này chỉ chạy vèo hơn một tiếng đồng hồ là tới. Ở Việt Nam đường chật, xe chạy gập ghềnh ổ gà, lại thêm nhiều khỏang đường đang sửa nên xe chạy cà rịch, cà tang…không thể tính được thời gian cho chuyến đi. Đi ngang những thị trấn Minh Lương, Thứ Bẩy, tôi lại bùi ngùi nhớ lại ngày xưa anh chị em tôi vượt biên bị mắc cạn, bị đưa về kinh làng đây học tập. Mấy người em gái của tôi lúc đó ở tuổi đôi mươi, dân thành phố ăn trắng mặc trơn mà bị bắt, bị đưa về kinh Thứ Bẩy để đi làm ruộng. Các cô nàng phải học cấy lúa, nhổ mạ, nhưng các nàng sợ đỉa còn hơn sợ công an. Thấy đỉa là la tóang lên, nhẩy tót lên bờ đứng run lẫy bẫy, mặc cho giám thị chửi rủa sa sả bắt phải leo xuống. Thời gian qua nhanh thật. Thấm thóat mà đã mấy chục năm rồi. Tôi chua chát thở dài, nhớ lại hai câu thơ của một tác giả nào đó đã ngâm “Ngày đi tóc hãy còn xanh. Ngày về tóc đã bạc màu muối tiêu…”
Nhìn đồng hồ, đã ba giờ chiều. Eo ôi, không biết từ Cà Mau đến Cái Rắn còn bao xa nữa, tôi sợ đến nơi trời tối, người đi đón chúng tôi có nhận ra được không. Bao nhiêu mối lo trong đầu nhưng không thể làm gì khác hơn được. Ngày đầu tiên về đến Sài gòn, tôi đã gặp cha Hậu rồi, và đã cho Người biết trước chuyến công tác từ thiện này của chúng tôi. Người vui lắm. Tôi có đưa tiền trước để cha mang về Cà Mau, nhờ mấy bà phước mua dùm quà sắp đặt sẵn cho đòan. Tôi không thể mang cồng kềnh mọi thứ. Mấy va li lớn thuốc tây tôi mua ở Canada, tôi gửi lại Sài gòn cho Khánh để nhờ mang xuống Cà mau bằng xe đò để tặng đồng bào nghèo. Tôi đóan chắc giờ này mọi người ở chỗ cha Hậu cũng trông chúng tôi lắm đấy.
Tôi ngần ngại mượn điện thọai cầm tay của anh tài tắc xi để điện thọai cho Người. Tôi không muốn dùng điện thọai của người khác mà gọi viễn liên, sợ tốn tiền người ta tội nghiệp. Nhưng không còn cách gì khác hơn được. Gọi số điện thọai trực tiếp văn phòng cha thì không có ai trả lời. Gọi số điện thọai thứ hai cho mấy bà phước. Khi nghe tiếng trả lời bên kia đầu giây, tôi mừng hết lớn. Tôi xưng tên. Bà sơ reo vui, nói biết rồi và hỏi tôi đang đi đến đâu? Câu hỏi này tôi bù trất nên đưa điện thọai cho anh tài trả lời. Nghe anh gật đầu, cho biết là đang đi qua thị trấn Vĩnh Thuận, vùng U Minh Thượng. Sau khi cúp máy, anh nói lại cho tôi biết. Anh sẽ lái xe xuống tận Cái Rắn, đến chỗ hẹn mà bà sơ vừa chỉ, sẽ có người đón chúng tôi để đưa về nhà thờ, nơi chúng tôi cư ngụ.
Bây giờ thì tôi yên tâm rồi, ngả đầu vào thành xe mà lim dim đôi mắt một chút, mặc dù xe chạy nhẩy cà tửng cà tưng, đầu tôi va vào thành xe đau điếng.
Anh tài nói đường không còn xa, vậy mà xe vẫn cà rịch, cà tang trên con đường lộ tỉnh nghèo nàn. Nhiều cửa hàng tạp hóa hai bên đường trông tồi tàn đến tội nghiệp. Những bao ni lông treo tòn ten một vài gói kẹo, bánh qui hay cục xà phòng. Thôi thì đủ thứ hầm bà lằng của một tiệm tạp hóa ở thôn quê. Dân cư nơi đây cất nhà sàn dọc mé sông. Những ngôi nhà lá xập xệ, bên cạnh nhà cột chiếc xuồng tam bản dùng làm phương tiện di chuyển.
Thỉnh thỏang điện thọai cầm tay của anh tài tắc xi reo lên. Bà sơ cũng nóng lòng, điện thọai nhắc chừng để hỏi thăm đòan chúng tôi đã đi đến đâu rồi. Nghe anh tài cho tên hãng và số xe tắc xi của anh ta thì tôi thầm khen trong bụng là bà sơ này thật là cẩn thận.
Cuối cùng thì xe đến thành phố Cà Mau. Chúng tôi đều dán mắt nhìn qua cửa xe. Thành phố cũng nhộn nhịp. Phố xá đông đúc giống như Rạch Giá, Cần Thơ chứ không hoang liêu như chúng tôi nghĩ. Cũng nhờ anh tài xế không rành đường, chạy vòng vòng nên chúng tôi được dịp ngắm cả thành phố. Vì hãng xe tắc xi của anh ta nằm ở Rạch Giá, anh là dân địa phương của thành phố này. Đây là lần đầu anh chở khách đi Cà Mau nên anh hơi quờ quạng. Anh có vẻ bối rối khi không tìm ra đường đi xuống Cái Rắn theo lời chỉ dẫn cặn kẻ của bà sơ. May quá, chạy qua một con đường, anh sáng mắt lên khi thấy một chiếc tắc xi mang bảng hiệu Mai Linh, cùng công ty của anh. Anh dừng xe, chạy lại hỏi đồng nghiệp. Trở lại xe, khuôn mặt anh vui tươi hẳn ra, vừa nhìn chúng tôi nói:
– Mình chạy ngược đường rồi. Họ chỉ chạy ngược lại đầu đường kia rồi lấy tỉnh lộ đi tiếp. Cũng không xa lắm…
Tôi không còn lo ngại gì nữa. Trời vẫn còn sáng. Khỏi sợ bị lạc đường nữa rồi.
Xe chạy chừng nửa tiếng đồng hồ, anh tài xế bắt đầu chạy chậm để tìm cây cầu mà bà sơ đã căn dặn. Chúng tôi nhìn trước, nhìn sau để kiếm phụ dùm anh. Chung quanh là những thửa ruộng và cây thảo dại xơ xác bên đường.
Kia rồi, anh tài xế reo lên. Đứng bên lề, cạnh cây cầu, một người đàn bà trung niên giơ tay vẫy lia lịa khi thấy chiếc xe tắc xe chạy rà rà với nhãn hiệu công ty mà anh tài đã cho biết. Thế là đến rồi. Chúng tôi thở phào nhẹ nhỏm, vui mừng xuống xe và tự giới thiệu tên. Người đàn bà mặc áo bà ba xanh đậm chính là bà sơ đã nói chuyện với anh tài xế qua điện thọai nãy giờ. Sơ giới thiệu tên là Hương. Hai chiếc ghe nhỏ mà dân địa phương gọi là vỏ lãi đang đậu dưới chân cầu chờ chúng tôi. Tôi e ngại khi thấy mấy va li cồng kềnh mà hai chiếc vỏ lãi thì nhỏ, không biết chở nỗi không. Sơ Hương nói không sao đâu, cứ chất hết đồ đạc xuống vỏ lãi để đi vào nhà thờ Cái Rắn. Thế là chúng tôi lục tục kéo xuống hai chiếc ghe. Anh tài công dặn chúng tôi, mỗi khi vỏ lãi chạy xuyên dưới cầu thì chúng tôi phải thụp đầu xuống vì chân cầu thấp, không khéo thì đụng đầu.
Lần đầu tiên tôi được đi trên chiếc vỏ lãi bé nhỏ trên sông lạch như thế này. Khỏi cần phải dặn lần thứ hai, mỗi khi vỏ lãi chạy qua chiếc cầu khỉ nào là chúng tôi cúi rạp người xuống. Hai bên bờ, nằm lẫn sau mấy bụi lau sậy, nhiều căn nhà lá lụp xụp đập vào mắt chúng tôi. Đây là quang cảnh hiện thực trong cuốn Nhật Ký Truyền Giáo của cha Ngô Phúc Hậu đây! Một ý nghĩ thóang nhanh trong trí của tôi là “vùng quê này sao nghèo quá vậy!”.
Chạy chừng mười lăm phút, hai chiếc vỏ lãi chở chúng tôi cặp sát vào một thành cầu nhỏ, sát bên một hàng rào. Mọi người lục tục leo lên bờ. Mỗi khi lên xuống vỏ lãi, anh tài công dặn chúng tôi phải bước nhẹ, không thôi ghe mất thăng bằng sẽ bị lật. Không dặn thì chúng tôi cũng lom khom lết từng bước một, chớ không dám đứng thẳng lưng mà leo lên bờ. Sơ Hương dẫn đòan chúng tôi vào dẫy nhà khách thô sơn phía sau nhà thờ. Mấy căn phòng nhỏ dính liền nhau. Mỗi phòng nhỏ kê hai, ba chiếc giường gỗ, có mùng giăng và chiếu trãi sẵn. Không thấy cha Hậu đâu cả. Sơ Hương cho biết là Người đi lên tỉnh có công việc cần. Tôi hơi thất vọng khi đã báo tin cho Người ngày hôm qua là chúng tôi đến Cái Rắn hôm nay cơ mà. Chúng tôi không quen biết ai cả ở nhà thờ Cái Rắn, ngọai trừ sơ Hương là người đã đón chúng tôi trên lộ. Không có màn giới thiệu. Sau khi chỉ phòng cho chúng tôi, sơ Hương vội vã bỏ đi vì nói phải tham dự thánh lễ chiều lúc 4 giờ 30. Chúng tôi thấy vài dì phước trong chiếc áo dài xanh ở dẫy nhà đằng xa đang đi vào nhà thờ. Thấy ai cũng vội vã nên tôi không tiện đến giới thiệu làm quen. Các con tôi và bạn chúng nó lo mang hành lý, chia phòng để ở. Tôi cũng đi vào nhà thờ để dự lễ misa chiều. Không thấy cha Hậu mà chỉ thấy một linh mục trẻ làm lễ. Về sau tôi mới biết đó là cha phó Nguyễn Tiến Đạt. Nhiều em bé – trai cũng như gái, sau buổi học chiều là chúng nó đến nhà thờ để dự thánh lễ và chơi đùa ở sân nhà thờ. Nhìn các em thật dễ thương, nghèo nhưng rất ngoan. Gặp khách lạ là chúng nó gật đầu chào lễ phép.
Sau khi tan lễ, vẫn chưa thấy bóng dáng cha Hậu đâu cả. Sơ Hương cho biết đến 6 giờ 30 sẽ ăn tối. Chúng tôi không biết làm gì trong lúc chờ đợi người chủ chiên về. Phòng thì nóng hầm hập. Chúng tôi thơ thẫn ra ngồi trên mấy băng ghế đá để tán gẫu. Cảnh nơi đây thanh vắng, thật buồn. Cảm giác lần đầu tiên đến một làng quê hẻo lánh, nghèo nàn, tôi có một cảm giác bồn chồn và lo sợ vu vơ.
Sơ Hương hỏi chúng tôi có muốn ra sau nhà xem vuông tôm không. Đồng ý là cái chắc, ít ra cũng có việc gì làm trong lúc chờ đợi buổi ăn tối nhưng chúng tôi ai nấy bụng đói cồn cào. Còn cả tiếng đồng hồ nữa mới đến bữa ăn. Chung quanh khu nhà thờ không có hàng quán gì để mua quà ăn vặt cả. Thấy bà sơ dễ thương, tôi đánh bạo hỏi sơ có chút gì cho chúng tôi ăn trong lúc chờ cơm không. Sơ Hương nói chỉ có hột gà chưng sữa, nước đường (caramel) dành cho mỗi người, để một lát ăn tráng miệng. Tôi xin dì phước cho chúng tôi ăn phần tráng miệng trước, một lát khỏi ăn. Sơ mỉm cười và chìu lòng đám du khách đói ăn này.
Ai nấy sáng mắt lên khi tôi mang mấy đĩa tráng miệng ra sân. Chưa bao giờ mọi người cảm thấy ăn ngon đến như thế. Thanh tóan mấy đĩa tráng miệng nhanh như chớp, chúng tôi đem đĩa ra sau bếp để rửa. Bây giờ thì chúng tôi sẵn sàng đi tham quan bất cứ nơi nào cũng được.
Một dì phước trẻ, kéo chiếc bè làm bằng mấy miếng xốp kết liền nhau để chèo ra ngòai ra hồ, kéo mấy lưới tôm lên. Dì hỏi chúng tôi ai muốn theo dì ra ngòai xa để chơi cho biết. Nhìn chiếc bè tự chế, chúng tôi không ai dám thử, ngọai trừ cậu út. Sơ Hương cũng cười, cho biết ở đây chỉ một mình dì phước này là dám ngồi trên chiếc bè tự sáng chế ra mà chèo đi trên hồ mà thôi. Mấy dì phước khác cũng sợ.
Mặt trời buổi hòang hôn, rọi trên mặt hồ, tạo nên một cảnh vật tuyệt đẹp như trong tranh. Chúng tôi vỗ tay reo vui khi chiếc bè trở lại, trong rỗ có mấy chú tôm to đang vẫy. Tuy thích thú nhưng chúng tôi bắt đầu đập đồm độp trên cánh tay nhau. Trời về chiều là mấy “ông trùm” muỗi bắt đầu xuất quân đây. Mấy dì phước cũng đề nghị chúng tôi nên vào nhà vì giờ chiều, ở ngòai vườn muỗi nhiều lắm. Vừa lúc đó một dì phước khác ra cho chúng tôi biết là cha Hậu đã về. Ai nấy hớn hở ra mặt, giống như trẻ mong mẹ đi chợ về.
Chúng tôi chạy ùa ra, đi kiếm người chủ chiên. Người mồ hôi, mồ kê cắt nghĩa cho tôi biết sự vắng mặt của Người trong thời gian qua. Thì ra cả ngày hôm nay, Người đi ra văn phòng xã để xin giấy cư trú cho đòan chúng tôi. Nhưng mấy ông xã nói không có thẫm quyền cấp giấy cư trú, vì trong đòan chúng tôi có hai cô đầm là người ngọai quốc, mặc dù họ biết chúng tôi đến đây để làm việc từ thiện. Họ đề nghị cha Hậu lên tỉnh xin giấy phép. Thế là Người phải hộc tốc chạy lên thành phố Cà Mau để gặp các quan trên tỉnh. Cũng may là ở đây, danh tiếng của linh mục Ngô Phúc Hậu là ai cũng biết nên quan tỉnh chấp thuận ngay. Người mừng rỡ cầm tờ giấy chấp thuận cho chúng tôi cư trú để mang về nộp cho mấy quan ở xã. Tôi ái ngại cho Người. Tôi hối hận vì đã “hờn dỗi” khi đến đây mà không thấy Người, để đòan chúng tôi lạc lỏng như gà con lạc mẹ. Tôi đề nghị với Người, nếu như mấy quan xã còn khó dễ, tôi sẽ xin đi gặp mặt họ mà giải thích. Nếu có chuyện gì khó khăn nữa thì chúng tôi sẽ rút về Sài Gòn, để tiền lại cho Người phát quà cho dân nghèo. Người nói mọi việc giải quyết xong rồi, không có gì phải thắc mắc. Tôi thấy Người nhiệt tình thấy mà thương. Tôi là Việt kiều, có khó khăn, bất quá tôi trở về quê hương thứ hai của tôi. Nhưng tôi không muốn Người bị khó dễ vì sự hiện diện của chúng tôi, mặc dù mục đích chỉ là việc tốt mà thôi.
Tối hôm đó cha Đạt mang hết thông hành của chúng tôi để lên văn phòng xã đăng ký. Sau mấy mươi năm trở lại quê hương, tôi tưởng đâu việc đăng ký chỉ còn là dĩ vãng. Chính quyền Việt Nam đã kêu gọi người Việt hải ngọai về thăm quê hương kia mà. Ôi, quê hương là chùm khế ngọt hay chua đây? Tự nhiên tôi cảm thấy thương mấy người ở quê nhà quá. Thương dân nghèo của tôi. Thương những người đã tận hiến cuộc đời trong lớp áo tu sĩ. Đôi mắt tôi rưng rưng buồn.
Sau buổi ăn tối, cha Hậu cho biết sáng hôm sau sẽ gặp lại. Năm giờ sáng dậy đọc kinh. Ăn điểm tâm lúc 6 giờ. Trời đất, tất cả các con trai và ngay cả tôi, chưa bao giờ ăn vào giờ giấc sớm bửng như thế này. Tôi trả lời cho Người. Thôi để cho đòan chúng tôi tự túc lo buổi điểm tâm vì không thể nào dựng đầu mấy cậu ấm vào lúc tờ mờ như vậy. Hơn nữa chúng tôi không có thói quen ăn sáng sớm. Hầu như tôi không còn nhớ những buổi ngồi bàn ăn điểm tâm trong gia đình như thế nào nữa. Cuộc sống vội vã ở Bắc Mỹ này, sáng ra ai cũng vội vàng. Trẻ thì đi học, lớn thì đi làm. Con đi trường học, cha mẹ đi trường đời. Khi còn nhỏ, buổi sáng các con tôi ăn vội vàng chén cereal, uống cốc sữa rồi ôm cặp táp chạy ra đầu đường chờ xe búyt. Còn tôi thì quanh năm chỉ là những lát bánh mì nướng phết bơ ăn trong văn phòng làm việc vào lúc 9 giờ rưỡi. Bây giờ các con tôi lớn, ra đời làm việc thì không còn những buổi điểm tâm ở nhà nữa. Sáng ra mạnh ai nấy chạy.
Vào phòng ngủ, chúng tôi cảm thấy ngột ngạt vì nóng nực. Các dì phước dặn tôi phải đóng kín cửa lại, không thôi muỗi bay vào, mặc dù có mùng đi chăng nữa. Nhưng ban đêm mà trời vẫn nóng hừng hực. Tôi cứ tưởng ở Cà Mau này mát hơn Sài Gòn chớ ai dè cũng nóng như nhau. Ban đêm mà thời tiết khỏang 30 độ C lại không có gió. Sơ Hương kiếm cho tôi một cây quạt máy cũ, chắc từ thời Bảo Đại làm trùm. Tiếng quạt máy quay sè sè không đủ mát một chút nào. Nhìn cây quạt máy, tôi nhớ lại những ngày đổ rác trong thành phố tôi ở, người ta quẳng ra ngòai đường nhiều máy móc còn tốt nguyên. Phải chi ở gần, tôi rinh hết những món này mà tặng cho nhà thờ và mấy người nghèo ở quê đây.
Vào nhà tắm, các con trai tôi ngơ ngác khi nhìn vòi nước phải vặn tay, hứng vào thau mà ngồi xuống, khóat nước vào mình. Tụi nó sinh trưởng bên này nên không biết tắm ngồi, múc nước xối lên người như vậy. Đây là hệ thống nước giếng nhưng nước vẫn có mùi phèn. Gia đình tôi nực cười khi thấy bà phước chu đáo để sẵn cho mỗi phòng đủ xà phòng, kem đánh răng và một chiếc khăn mỏng, nhỏ như khăn lau tay bên này. Bên Việt Nam khi tắm xong, người ta dùng chiếc khăn nhỏ lau khắp mình cho khô chớ không choàng những khăn tắm kếch sù như bên Âu Mỹ. Đứa nào cũng dành tắm trước vì chắc chắn là người tắm sau sẽ xài khăn ướt của người trước. Chẳng đặng đừng, tôi chạy sang phòng cha Hậu bên cạnh, hỏi mượn thêm khăn. Người mở tủ ra cho tôi coi. Bản thân Người cũng không có khăn, chỉ có mấy tấm khăn rằn mỏng dính. Thôi đành vậy, tôi lấy một chiếc khăn rằn giống lọai khăn của các chị nhà quê đội đầu để dành chia nhau xài. Trong lòng tôi tự nhủ. Đi làm từ thiện phải hy sinh chớ đòi hỏi tiện nghi như dân thành phố sao được?
Đêm đó tôi trằn trọc không ngủ được. Phần lạ chỗ, phần không quen nằm giường gỗ nên cả thân người tôi đau rần. Các con tôi cũng vậy. Không có những chiếc gối dầy như ở thành phố. Mỗi người chỉ có một chiếc gối xẹp lép, nhỏ bằng hai bàn tay. Xoay trở trong chiếc mùng, vừa nực nội vừa ngộp thở nên tôi mở hé cửa sỗ, mong tìm chút gió mát ban đêm, quên cả lời khuyên của dì phước.
Ngày hôm sau, chúng tôi không có việc gì làm vì còn phải chờ hai ngày nữa Khánh mới dẫn đòan người từ Sài gòn xuống, để góp tay trong việc phát quà từ thiện với chúng tôi. Đòan người Sài gòn ngọai trừ Khánh ra còn có bốn người đàn bà ở họ đạo nhà thờ cha Tam, một người bạn của Khánh và một cha xứ ở Châu đốc. Tôi cũng cho mọi người biết, việc làm từ thiện này do Thời Báo ở Canada bảo trợ, góp tay cùng với đòan người của chúng tôi. Khi viết những dòng chữ này, thay mặt đồng bào nghèo ở Cái Rắn, tôi xin cám ơn Thời Báo, nhất là anh chủ báo, lúc nào cũng nhiệt tình trong những họat động từ thiện.
Sơ Hương dẫn tôi vào một phòng, chỉ cho tôi xem một bàn đầy những gói quà đã sắp sẵn để chờ phát. Tội nghiệp cha và mấy dì phước, lúc nào cũng hết lòng lo cho dân nghèo. Sơ Hương phải lên tận Cà mau mới mua đủ số quà này đây. Tôi nói với sơ Hương, tôi còn mấy va li lớn chờ mang từ Sài Gòn xuống, trong đó có nhiều lọai thuốc căn bản như thuốc cảm Tylenol, Pepto Bismol, dầu xanh, xà phòng, kem đánh răng mua từ Canada, để bỏ thêm vào mấy túi quà… Nhưng sơ Hương ngăn lại, cho biết số thuốc tôi mang xuống sẽ để ở phòng phát thuốc của nhà thờ, ai có bệnh đến khám thì dì phước sẽ cho họ. Nếu lần này tôi cho họ nhiều thì mấy lần khác cha Hậu không có những thứ quà đó thì người ta sẽ ganh tị. Sơ cho biết người dân ở đây thật thà, đơn sơ lắm. Mỗi năm cha Hậu dùng tiền bán sách và tiền của người ta giúp mà mua quà phát cho người nghèo bốn lần. Danh sách người nhận ít nhất là 250 người cho mỗi lần phát. Sơ Hương nói làm gì thì làm nhưng tránh cho cha khỏi khó khăn về sau. Tội nghiệp cho vị linh mục nhà văn này quá. Dĩ nhiên là tôi không bao giờ muốn Người bị phiền tóai vì chuyến đi của chúng tôi. Tôi cảm thương người thợ gặt trong cánh đồng truyền giáo này. Cả cuộc đời Người đã hy sinh ở vùng đất hoang sơ, nghèo nàn này quá nhiều rồi. Từ căn “chuồng” thờ mà nay Người đã sữa sang thành một ngôi thánh đường đàng hòang, tuy không thể so sánh với những ngôi nhà thờ bên này nhưng ít ra cũng là một chỗ thờ phượng để các con chiên có chỗ lui tới mà cầu nguyện. Khuôn viên nhà thờ có sân lát xi măng là chỗ để cho con nít trong làng đến chơi sau giờ học.
Sáng hôm sau, khi cả đòan người chúng tôi xuống phòng ăn, đồng hồ chỉ 8 giờ. Cha Hậu chờ ăn chung với chúng tôi trong khi các dì phước đã ăn xong rồi.
Chương trình hôm nay, cha Hậu sẽ dẫn chúng tôi đi viếng thăm mấy gia đình có người bại liệt, tàn tật. Sơ Hương đưa cho tôi mấy gói quà để mang theo cho họ và mấy bao thơ tiền. Tôi hỏi có thể cho tiền thêm được không. Sơ nhắc lại cho tôi. Đừng làm gì khác, nữa cha Hậu bị khó khăn.
Hai chiếc vỏ lãi được cha Hậu gọi đến, đang chờ ở cầu gỗ. Thế là chúng tôi bắt đầu lên đường, làm công tác từ thiện.
* * * * *
(hết kỳ 2)
Tống Minh Long Quân