Buôn B’Dor, xã Lộc An, huyện Bảo Lâm, tỉnh Lâm đồng
Từ Bảo Lộc theo đường 20 qua chợ Lộc An, huyện Bảo Lâm, có con đường mới tráng bê tông nhựa phẳng lỳ dẫn vào thôn B’Dor, xã Lộc An . Dân tộc thiểu số ở đây rất nghèo và tội nghiệp. Gần cuối năm, Tết nhất đến nơi mà nhiều người không có gạo ăn. Có nhiều người đang mang bệnh trầm kha mà nhà nghèo quá, không có gạo ăn, nói gì đến việc mua thuốc men uống. Việc từ thiện có nhiều mục tiêu, các sơ phải chọn cái gì cấp bách nhất để giúp người bất hạnh.
Trí óc tôi quay lại hình ảnh mấy em bé mặc áo không quần, mặc quần không áo, dân tộc thiểu số ở Quảng trị mà tôi đã đi phát quà ở buôn làng xa xôi ở miền Trung năm ngoái, để được chứng kiến tận mắt cảnh đời. Người Việt nghèo khổ một. Dân Thượng nghèo khổ mười.
Nguyên nhân nghèo đói một phần là do trình độ dân trí thấp, thời tiết và đất canh tác khó khăn, thêm lối
sống du mục nên cuộc sống của họ vô định. Trồng khoai sắn mùa nào ăn mùa nấy. Đất khô cằn thì họ di chuyển vào sâu nơi khác để tiếp tục trồng trọt. Họ thường trồng những cây có giá trị thấp, thu hoạch nhanh. Còn những cây đòi hỏi kỹ thuật cao và vốn lớn thì họ không thể làm được. Ngoài ra, tỷ lệ mù chữ, không biết tiếng Việt trong đồng bào rất lớn. Do đó, cái nghèo đeo đuổi họ từ đời này sang đời kia. Đầu óc tôi vẫn in đậm hình ảnh những người Thượng trong lần đầu tiên tôi trở về thăm quê hương năm 2007, sau mấy chục năm xa cách. Trên đỉnh núi Lang Biang của Đà lạt, trời hôm đó sương mù và lành lạnh. Chúng tôi ai nấy có áo khoát, khăn choàng cổ, co ro hai tay đút túi, miệng nói ra khói… Trong khi đó tôi thấy mấy người đàn bà Thượng trải tấm ny lông, bán những đồ kỷ vật nho nhỏ cho du khách. Những chiếc túi vải màu sặc sở, những sợi đeo cổ màu mè kết bằng cườm. Bên cạnh là mấy đứa con nít, đứa nằm đứa ngồi, áo phong phanh không lành lặn. Nước mủi chúng chảy có hàng nhưng mẹ chúng không buồn lau, có lẽ vì quen nhìn cảnh này. Tôi hỏi người đàn bà, sao không mặc thêm áo len cho con. Người đàn bà nói không có áo vì áo kia giặt rồi, phơi chưa khô. Lồng ngực tôi lúc đó như bị thắt lại. Tôi mua một số đồ lưu niệm và trả tiền cho người đàn bà rộng rãi. Nhưng tôi biết việc tôi làm chỉ giúp cho gia đình họ được một, hai ngày. Năm dài, tháng rộng… ai lo cho họ đây? Thà không thấy thì thôi. Thấy những cảnh này làm mình thêm u sầu, không còn hứng thú thưởng ngoạn nữa. Ngọn núi Lang Biang vẫn hùng vĩ, đẹp như ngày xưa. Dân Thượng vẫn nghèo xác xơ dù xứ sở không còn chiến tranh nữa.
Tôi đồng ý với đề nghị của sơ Hoa. Giúp đói cho dân thiểu số trước đã. Tôi hứa sẽ gửi thêm tiền để giúp các nữ tu lo việc chăm nuôi trẻ mồ côi.
Giống như ở Sóc Trăng, giờ phát quà được ấn định là 2 giờ chiều nhưng đồng bào đã lủ lượt kéo đến từ các buôn làng xa từ sớm để chờ nhận lãnh những món quà. Ở vùng Lâm đồng, cuối năm trời lạnh mà nhiều em bé không có đủ quần áo mặc. Nhìn các em ở truồng, đi chân đất trong lúc thời tiết về đêm xuống 10 độ. Không có miếng ăn, không có manh quần tấm áo, các em nhỏ lớn lên như loài cỏ dại. Đi học ư? Đó là một xa xỉ mà ít gia đình đồng bào Thượng nào dám nghĩ tới.
Châu Hạnh và vài cô thiện nguyện viên khác ở Việt nam là những người giúp sơ Hoa trong việc từ thiện ở Lâm đồng rất nhiều. Kể ra ở Việt nam bây giờ còn nhiều kẻ có tấm lòng vị tha lắm. Những câu chuyện về các người đẹp chân dài câu đại gia khiến người hải ngoại nhiều khi cau mày có cái nhìn không đẹp về các cô gái trong nước. Thật ra, có người này kẻ nọ. Tôi quen nhiều cô gái có học thức, công việc làm ổn định. Ngoài giờ làm việc, cuối tuần các cô tham gia các công việc từ thiện. Như PM – một cô gái làm trong tòa lãnh sự ngoại Canada ở Sài gòn. Là một Phật tử thuần thành giống như Khanh nhưng cô gái này rất siêng trong công việc giúp đỡ người nghèo. Cô dùng đồng lương của mình, về các miền quê, mua gạo và những vật dụng cần thiết để giúp cho các đồng bào nghèo tận cùng bằng số, không có đến một bình đựng nước để trữ nước mưa. Cô gái này đẹp cả người lẫn nết mà vẫn còn phòng không chiếc bóng. Chàng trai nào có diễm phúc lấy được một cô vợ như vậy, con cái được hưỡng phước của mẹ.
Không nghe, không thấy thì thôi. Biết được thì mình càng cảm thấy thất vọng vì sự bất lực của mình. Những sự giúp đỡ của người hải ngoại như muối bỏ biễn. Cuộc sống của dân nghèo phải làm sao? Tự hỏi để tự trả lời..
Tôi tự hứa trong lòng, phải cố gắng gây quỹ, gỏ cửa các ân nhân để xin chút tiền từ thiện giúp các kẻ bất hạnh, nhất là các mầm non của xứ sở. Tôi biết việc này không dễ dàng vì kinh tế toàn cầu đang đi xuống. Đời sống dân Việt bên này cũng đang gặp nhiều cảnh khó khăn. Một đồng bạc đóng góp cũng là một tấm lòng, một sự hy sinh. Tôi biết ơn những nhà hảo tâm đã đóng góp trong âm thầm. Họ là những thiên thần mang sự an ủi đến cho người bất hạnh. Làm từ thiện cũng có nhiều nỗi buồn vui. Tôi tin tưởng Mẹ Teresa đã hướng dẫn và giúp đỡ hội từ thiện để đi theo con đường của Mẹ. Đi đến với những người bần cùng nhất trong xã hội. Chủ trương của Nhà Tình Thương Cái Rắn là đi về các vùng càng xa xôi càng tốt. Kêu gọi sự góp tay của các mạnh thường quân quốc nội. Chính họ là những kẻ góp phần đắc lực, để giới thiệu chúng tôi đi đến các vùng sâu vùng xa mà tôi không thể nào tưởng tượng được cuộc sống của người dân ở thế kỷ 21 mà còn thô sơ, lạc hậu đến như vậy. Buồn!!!
Tống Minh Long Quân