Qua sự giới thiệu của một độc giả Thời Báo ở Toronto, tôi đã gặp được người đại diện của Nhóm Bạn Người Phong ở Sài Gòn trong lần về Việt Nam làm từ thiện năm 2012. Anh Minh – người đại diện nhóm đã đem đến cho tôi xem những hình ảnh bệnh nhân cùi ở Tây nguyên cùng những công tác từ thiện của nhóm thiện nguyện mà các anh đã làm trong hai mươi năm nay. Mặc dù đã đi viếng thăm nhiều trại cùi, những trung tâm khuyết tật khắp nơi trên đất nước, nhưng khi nhìn những hình ảnh mấy đồng bào Thượng mang căn bệnh bị người đời xa lánh, mất hết chân tay khiến tim tôi thắt lại, nhưng lúc đó tiền quỹ của hội đã cạn nên có xót lòng cũng đành chịu.. Năm nay, việc đầu tiên tôi làm là liên lạc ngay với người đại diện Nhóm Bạn Người Phong để nhờ giúp hội từ thiện Nhà Tình Thương Cái Rắn mang chút quà tình thương đến cho các người anh em bị đời quên lãng.

Thật ra, từ nhiều năm qua, cứ gần đến lễ Giáng sinh và các lễ lớn, nhóm Bạn Người Phong sắp xếp trong khả năng của họ để đi thăm và chia xẻ tình thương với bà con bệnh nhận phong cùi trong các làng ở vùng xa, gần biên giới Campuchia của miền Tây nguyên. Tùy theo khả năng tài chánh quyên góp có nhiều cho nhiều… Các anh trong Nhóm Bạn Người Phong vẫn làm những cuộc hành trình, dù gian nan, cực khỗ cách mấy đi nữa. Năm nay, với sự bảo trợ của Nhà Tình Thương Cái Rắn và Thời Báo Canada, nhóm thiện nguyện này rất vui khi mang 200 phần quà đến cho người bệnh phong cùi đói khổ, hầu hết là người già và tàn phế, không còn tay chân.

Đoàn người khởi hành từ Sài Gòn lúc trời còn chạng vạng lúc 4 giờ sáng ngày 20 tháng 12, 2013. Từ Sài gòn đi Ban Mê Thuột. khoảng cách chỉ có 350 km nhưng đường quốc lộ 14 rất xấu nên phải mất 9 tiếng đồng hồ xe mới đưa đoàn người đến được địa điểm đầu tiên là trại phong Eana thuộc tỉnh Daklak. Đây là trại phong dưới sự điều khiễn của một nữ tu dòng Nữ Vương Hòa Bình chăm sóc. Vì đây là trại phong được tổ chức nề nếp, được nhiều đoàn thể đến cứu trợ nên đoàn từ thiện chỉ tặng ít quà bánh kẹo cho bệnh nhân, sinh họat với họ và ở lại qua đêm. Cũng cần nói thêm, người cùi mang mặc cảm bị xã hội hắt hủi nên họ cần tình thương nhiều hơn vật chất, mặc dù cái nghèo đeo đuổi họ như một số phận..

Sáng hôm sau, đoàn từ thiện tiếp tục lên đường đi Gia Lai để ghé thăm làng phong ở một xã gần thành phố Pleiku. Con đường không xa nhưng đường xá gồ ghề, xe chạy cà rịch cà tang… Con đường vào làng cùi này mới được tu bổ lại cách đây vài năm mà thôi. Lúc trước thì đành chịu, không phải “lòng người ngại núi, e sông” mà chính vì đường đi đã khó, mà chính quyền làng xã lại khó khăn hơn với các đoàn từ thiện muốn đến nơi này, nếu không muốn nói là cấm đoán. Bây giờ thì mấy ông dễ dãi hơn khi thấy các nữ tu đã lên đây lo việc chăm sóc cho đám người Thượng mang căn bệnh cách tận tình – căn bệnh mà xã hội ghê sợ.

1. Làng cùi Pleingol, thuộc huyện Dakdoa, cách thành phố Pleiku gần 20 km:

Ở hai tỉnh Gia Lai và Komtum không có bệnh xá hay trung tâm dành cho người cùi. Nơi duy nhất người bệnh có thể đến khám và lãnh thuốc miễn phí là các Trung Tâm Da Liễu. Người Thượng bị cùi họ rất mặc cảm bị kỳ thì nên họ không tới những nơi như bệnh viện, trạm xá hay trung tâm y tế của nhà nước để xin thuốc uóng. Dù họ không còn bệnh cùi nhưng bị tàn phế, họ cũng bị kỳ thị nên chỉ đi vào các làng thật xa xôi để sống chung với những người cùng chung số phận. Cho nên các đoàn từ thiện đến đây, phải đi vào mấy địa điểm khác nhau mới gặp được họ. Một làng cùi có khi chỉ có dăm ba gia đình, họ sống quây quần bên nhau. Con cái lớn lên, dù không bị cùi nhưng cũng ít dám léo hánh đến nơi sinh sống của người Kinh hoặc người bình thường, dù cùng chung sắc tộc đi nữa. Hễ người nào mắc bệnh cùi là bị đuổi ra khỏi làng, nên họ phải đi sâu vào trong rừng sâu ẫn náo và tự tìm cách sinh nhai. Họ không dám về làng cũ vì sợ người làng đánh đuổi.

image002

Người cùi già cả, không còn tay chân...

Người cùi già cả, không còn tay chân…

Vì lý do đó, khi phát quà nơi này xong, đoàn người lại hối hả lên đường để kịp đến. Làng này có trên 200 người, trong số đó có 46 người bị bệnh, tàn phế cả hai tay và chân nên không thể lao động để kiếm sống. Số phận thật khắc nghiệt với họ. Đau đớn, ngứa ngáy vì bệnh cùi nhưng họ không còn tay để mà gãi.

Đến nơi, bà con đã tập họp và chờ đợi đoàn người đến cùng với các nữ tu dòng Thánh Phao Lồ. Nhiều bệnh nhân lớn tuổi, vui mừng nhận tấm bánh ăn bằng hai cùi tay. Họ nhìn mình cười sung sướng nhưng mình chỉ muốn khóc.

Đoàn từ thiện được các nữ tu sắp xếp chỗ ở qua đêm để hôm sau lại tiếp tục lên đường cho công tác từ thiện..

2. Làng Ron, huyện Đức Cơ, giáp biên giới Campuchia.

Đây là một địa danh nổi tiếng thời chiến tranh với đơn vị quân đội Nam Hàn đã trú đóng tại đây để giúp quân đội Việt Nam Cộng Hòa. Trận đánh năm 1966, giữa quân Bắc Việt và lính Nam Hàn, theo tài liệu Wikipedia đã ghi lại điểm son cho các chàng lính xứ kim chi với chiến tích vẻ vang.

Chiếc xe chở đoàn người đi qua chặng đường 60 cây số còn nhiều dấu tích chiến tranh năm xưa. Con đường đất đỏ, vào mùa mưa khó có xe cộ nào di chuyển qua một đọan đường tử thần, nổi tiếng trơn trợt, chạy xuyên qua rừng cao su. Anh Minh trưởng đoàn cho biết, bao nhiêu lần đoàn phải dừng xe lại vì không thể đi xa hơn nữa nếu gặp trời mưa.

Trong bản làng này có tất cả gần một trăm người, trong số đó có 26 người bệnh sống cùng con cháu của họ. Làng này ngày xưa sống biệt lập với xã hội bên ngoài nhưng đất nơi này tốt, dễ trồng trọt nên dần dần người Việt từ phương Bắc vào đây khai khẫn làm rẫy.

Những món quà mang đầy tình thương của các độc giả Thời Báo khắp nơi gởi về. Hội đã nhờ các nữ tu ở đây mua và đóng gói trước từng phần cho mỗi gia đình, gồm một bao gạo, mì gói, cá  khô, muối đường, bột ngọt. Những ánh mắt biểu lộ niềm vui. Những em bé vui sướng khi nhận được những gói bánh kẹo.

image006 image008

 

3. Làng Tang, thuộc huyện Lagray, cũng giáp biên giới Campuchia.

Người nữ tu cho biết một tin, mới ngày hôm qua, có một nhóm từ thiện khác muốn vào làng này để tặng quà cho người cùi nhưng chính quyền địa phương cấm không cho vào, không biết đoàn chúng ta hôm này có thể đến được hay không. Ngay cả tin tức được báo động trên internet, nhóm từ thiện của một linh mục nào đó đã bị chính quyền xã cấm vào và đánh một thiện nguyện viên trong đoàn người Thượng. Sau khi bàn bạc, mọi người trong đoàn quyết định cầu nguyện ơn trên che chở rồi tiếp tục dấn bước. Bất quá mấy “ông kẹ” không cho vào thì quay về. Tuy vậy, trong lòng mọi người vẫn nao nao, nhớ đến những người bà con phong cùi đang đói khỗ, sống cô độc bên trong, nếu vì lý do gì đoàn không thể vào thăm họ được, buồn và thất vọng biết bao!

Thật không tưởng tượng được, như một phép mầu. Đoàn người đã được cho phép vào trong làng để phát quà. Không bút mực nào tả xiết nỗi vui mừng của người dân khi nhìn đoàn từ thiện đến với họ bằng tấm lòng yêu thương, cụ thể qua những món quà tình nghĩa mà mọi người không quản ngại xa xôi với bao nhiêu khó khăn để đến với họ, để có những cái nhìn ấm áp, những lời hỏi thăm chân tình. Phải cám ơn anh Minh, người đã quen đi lại trên vùng này nên mấy ông làng xã không gây khó khăn..

Những ánh mắt tươi vui khi biết mình không bị quên lãng..

Những ánh mắt tươi vui khi biết mình không bị quên lãng..

Cũng xin nói thêm về con người của anh trưởng đoàn. Anh được mọi người đặt hỗn danh “Minh cùi”, đã từng lặn lội đến làng này từ 20 năm nay để làm từ thiện nên mọi người hầu như biết mặt anh, xem như một người thân trong gia đình. Các bệnh nhân cùi nhìn anh cười tươi với bộ mặt dị dạng, đưa những cùi tay không ngón, chào đón thân tình. Mặc dù năm nay anh Minh đã 67 tuổi nhưng anh vẫn miệt mài vào các vùng xa, đặc biệt chỉ những làng cùi trên Tây nguyên. Mỗi chuyến đi từ thiện mất đến mấy ngày, khi về đến Sài gòn lần nào anh cũng mệt nhoài, có khi bị bệnh nhưng khi khoẻ lại, anh lại nhớ đến những khuôn mặt của kẻ bất hạnh, lại mong ân nhân gửi tiền giúp đỡ để đi tiếp. Anh nói ngày xưa đoạn đường vùng này khó đi vô cùng. Anh kể cho tôi nghe một câu chuyện như một cơ duyên. Cách đây gần hai mươi năm, anh có quen một người bạn da trắng Mỹ đến Việt Nam và nhờ anh làm hướng dẫn để đến thăm và tặng quà cho bà con bệnh phong cùi ở miền Tây nguyên. Thời điểm đó, chưa có Việt kiều và ngoại kiều đến Việt nam nhiều, nhà nước chưa có chính sách mở cửa  nên mọi việc đi đứng rất khó khăn, bị chính quyền kiểm soát tối đa.

Thế mà như một phép lạ, anh đến đây nhiều lần với một người ngoại quốc mà không bao giờ gặp rắc rối với chính quyền một lần nào cả. Ông bạn người Mỹ này đã quả quyết nói với anh: là một con chiên Thiên Chúa với đức tin mạnh mẻ, ông tin Chúa đã sai ông đến vùng đất này để giúp cho kẻ bất hạnh thì Chúa đủ quyền năng để hướng dẫn và bảo vệ ông. Chính người bạn này đã là tấm gương cho anh trưởng đoàn noi theo. Tiếc rằng người bạn Mỹ vẫn đồng hành với anh trong việc từ thiện này đã qua đời cách đây sáu năm nhưng đã để lại tấm gương tốt cho anh đi theo. Một người da trắng ở một nơi xa xôi, không quản ngại cực khỗ mà đến với những người nghèo bất hạnh ở đất nước Việt nam xa lạ thì chẳng lẽ mình mang trong người dòng máu Lạc Hồng lại sợ cực khỗ hay sao? Anh và các nữ tu cũng thú thật, lúc đầu tiên đến với người cùi, trong lòng ai cũng cảm thấy sờ sợ. Nhưng với đức tin, mọi người đã vượt qua biết bao khó khăn về mọi mặt và được bình an cho đến ngày hôm nay. Cũng như anh Minh, các nữ tu đã khấn nguyện dấn thân phục vụ cho những người kém may mắn, nhất là những đối tượng người cùi ở vùng cao nguyên này cũng đã đồng hành từ hơn hai mươi năm.

Vùng Tây nguyên này có tất cả hai mươi làng cùi lớn nhỏ.  Bởi vì người Thượng mắc bệnh cùi là bị dân đuổi ra khỏi buôn làng. Họ phải đi vào trong rừng sâu hơn, năm ba người chung nhau ở và thành lập làng cùi. Có làng chừng mười lăm gia đình, có làng từ hai mươi trở lên. Cuộc sống của những người Thượng bị bệnh cùi quả là thiếu thốn cơ cực vô cùng dù trốn trong rừng hay trôi nỗi ngoài buôn ngoài làng. Các nữ tu đã tìm đến mấy người bất hạnh này để cho họ thuốc uống. Ngày nay nhiều hội đoàn nước ngoài đã viện trợ thuốc trị cùi rất hiệu nghiệm, có thể trị dứt căn bệnh. Nhưng điều cần nhất là phải uống đúng giờ, đến giờ đó là phải uống. Điều quan trọng, khi uống thuốc trị bệnh cùi phải được uống khi bụng no thì mới khỏi bị phản ứng, khỏi bị vật vã. Đói mà uống thuốc cùi thì chịu không nỗi đâu. Hàng tháng các sơ mua mắm muối chở vô cho họ, phát cho họ ăn để họ chống đóí. Những người phong cùi bị tàn tật, họ đâu có làm việc được nữa để có miếng ăn? Ân nhân nào cho được bao nhiêu thì các sơ để dành mua gạo cho họ. Những ai còn có thể lao động được thì các sơ giúp hột giống, dụng cụ để họ làm mùa. Có những người còn tương đối trẻ nhưng không còn tay chân thì làm sao để lao động? Nhà nước không có chính sách giúp đỡ họ thường xuyên nên đây là gánh nặng cho các nữ tu và các hội từ thiện trong và ngoài nước. Anh Minh được các sơ cho biết, bây giờ làng này đã được câu điện nên hội từ thiện quyết định tặng dân làng một máy ti vi để họ xem giải trí. Các nữ tu sẽ trả tiền điện cho họ.

4. Làng Chri, huyện Chư se:

Mỗi nơi đến thăm, đoàn chỉ nán lại thăm hỏi, phát quà cho bệnh nhân xong lại lên đường. Địa điểm kế tiếp là làng Chri, cách thành phố Pleiku trên 40 km. Đọan đường này không xa nhưng dấu tích chiến tranh ngày xưa vẫn còn với những hầm hố, lại thêm trời đổ mưa nên phải mất đến hai tiếng đồng hồ mới đến nơi. Làng này có khoảng 30 người bệnh, sống cùng con cái của họ, tổng số dân số là 100 người. Hầu hết bệnh nhân đều tàn phế.

Những món quà đã được trao tặng với  những vòng tay ôm thân tình. Mỗi lần dân làng thấy anh Minh và các sơ đến là họ vui mừng, ôm chầm lấy đoàn người bằng cử chỉ thương yêu chân tình khiến mọi người rất xúc đồng. Nhìn ánh mắt tươi vui và những nụ cuời của họ mà mọi người chỉ muốn khóc. Có một gia đình, ông cụ già nằm trong mái  lều che bằng mấy tấm phong đơn sơ. Đây là mái ấm của gia đình họ. Chính vì sự thương yêu, mong đợi của đám người bất hạnh này đã tạo nên một động lực và sức mạnh giúp anh Minh và các nữ tu tiếp tục đến với họ mặc dù phải trãi qua bao nhiêu khó khăn và thử thách. Đoàn gửi lại 37 phần quà cho người bệnh ở một làng cùi khác ở cách đây 20 cây số để nhờ người nhắn họ ra lấy. Chỗ này chính quyền xã rât khó chịu nên không cho phép ai đến.

5. Làng Dakrve, huyện Man Yang

Làng này nằm trên quốc lộ 19, trên đường đi Qui Nhơn, khoảng 20 km. Cũng giống như các con đường vào làng ở các nơi khác. Đường xá hẹp và sình lầy nên rất khó đi. Làng có khoảng 200 người, trong số có 34 người mắc bệnh, còn lại là con cháu của họ. Các nữ tu, trong những hoàn cảnh cho phép, họ đã giúp cho các em một tương lại bằng cách đưa các cháu về trong tu viện nuôi nấng, cách ly với cha mẹ chúng để khỏi bị lây bệnh. để giúp cho các cháu được hòa nhập với xã hội, được cấp sách đến trường như bao trẻ bình thường khác, quên đi lý lịch bản thân từ một làng cùi. Có rất nhiều các nữ tu trong ban bác ái xã hội của dòng lên phục vụ cho đồng bào Thượng bị bệnh ở vùng Tây nguyên này. Bổn phận của các sơ là nhắc nhở các bệnh nhân uống thuốc. Trình độ dân trí của người Thượng rất thấp nên họ không biết việc uống thuốc là quan trọng vì bệnh cùi ngày nay có thể chữa trị được. Chẳng qua họ đói, không có thức ăn trong bụng nên thuốc vật khiến họ sợ. Nhắc nhở họ uống thuốc nhưng các nữ tu phải xem bếp của họ có thức ăn không. Đó là một khó khăn trong vòng lẩn quẫn. Giúp thức ăn, giúp người còn sức lao động canh tác, quả là một thử thách lớn, đúng ra không phải là trách nhiệm của những người tu hành.

Chấm dứt chuyến công tác từ thiện làng cùi Tây nguyên, anh Minh bị bệnh mất mấy ngày. Nhưng anh cũng ráng gửi email gửi lời cám ơn hội Nhà Tình Thương Cái Rắn, với sự bảo trợ Thời Báo đã giúp cho các đồng bào bất hạnh một chút an ủi khi biết có bao tấm lòng nhân ái ở bên kia đại dương đã không quên họ. Anh cho biết, làm công tác từ thiện rất mệt nhưng vui vì anh nhớ đến lời người bạn Mỹ năm xưa đã nhắc lại lời nói của Chúa Giê su nói với các tông đồ là “Hãy cho kẻ nghèo ăn”.

Mọi đóng góp để có những chuyến công tác giúp đồng bào cùi vùng Tây nguyên sắp đến, độc giả có thể liên lạc và gửi thẳng về:

Anh Nguyễn Đắc Minh – Đại diện Nhóm Bạn Người Phong Sài Gòn

  • Địa chỉ: 350/ 6 Duong Nguyễn Trọng Tuyến, Phường 2, Quận Tân Bình, TP HCM
  • Điện thoại: 0906347945 hoặc 0839970950 (Nhà)
    Email: apminhdung@hcm.vnn.vn

Nhà Tình Thương Cái Rắn xin cám ơn tất cả độc giả Thời Báo đã đồng hành cùng chúng tôi trong mọi công tác từ thiện khắp nơi. Hội dự tính làm thêm chuyến từ thiện thứ hai cho làng cùi Tây nguyên vào tháng 4, 2014. Xin cám ơn anh HTH đã giới thiệu Nhóm Bạn Người Phong ở Sài Gòn để nối tay trong công tác giúp đỡ kẻ bất hạnh, khốn cùng.

Mọi đóng góp của ân nhân gửi đến đều được cấp biên lai khai thuế.

Địa chỉ liên lạc:

  • Roof of Love Cai Ran, 1 Windhurst Drive, Ottawa, Ontario – K2G 6G7, Canada.
  • Điện thoại: 613 8430275 – Email: roofoflove@gmail.com

Tống Minh Long Quân

You may also like

Comments are closed.