Tịnh xá Bửu Sơn, Xã Ngọc Định, Huyện Định Quán, Tỉnh Đồng Nai
Hôm nay, đoàn từ thiện chúng tôi khởi hành làm chuyến công tác từ thiện phát quà ở chùa Bửu sơn, Định quán và buôn làng thượng B’Dor ở Lâm đồng. Chúng tôi gặp một chút rắc rối vào giờ chót. Một nhóm từ thiện khác ở Việt nam quyết định đi chung và góp tay với tôi để làm từ thiện thì đến giờ phút chót, hai nhân vật chính của nhóm này bị kẹt những công việc bất thình lình nên không thể đi theo. Thoả thuận mướn xe buýt 16 chỗ để chở hàng và chở người thì bây giờ còn lại chỉ có hai mẹ con tôi.
Hồng Khanh và Bích, Nhóm Từ Thiện Trẻ vì mới đi Sóc Trăng về nên không thể đi tiếp tục với tôi được nữa vì bận rộn đi làm. Tôi bối rối không biết tính sao. Lặn lội đi ở các vùng xa xôi, đi chung với người trong nước thì tôi không sợ. Chúng tôi điện thoại liên tục, hỏi người tài xế có thể đổi xe nhỏ và bớt tiền được không. Anh ta đổ quạu, nói tôi đã “mướn miệng” là dùng xe lớn, anh ta không cho ai mướn mà bây giờ đổi ý khiến giờ chót, làm sao anh ta cho người khác mướn được. Tôi cố giải thích, việc này cũng ngoài ý muốn của tôi.
Công tác từ thiện không phải dễ. Kiếm chỗ để giúp, phối hợp công tác, nhờ người tin cậy ở Việt Nam đứng sắp xếp mua quà sẵn… thật đủ thứ công việc điên đầu. Đến giờ chót mà vẫn còn trục trặc.
Mấy tháng trước, lúc còn ở Canada, tôi có ý định đi qua Campuchia để giúp người Việt nghèo khó ở Biển Hồ. Sư cô An Quý ở chùa Bửu sơn, do bạn bè giới thiệu, sẵn sàng hướng dẫn đoàn tôi đi qua Miên để làm từ thiện vì sư cô đã từng tổ chức nhiều lần cho các Phật tử trong nước. Tôi hăm hở lắm nhưng thư qua, tin lại…càng ngày tôi càng nản chí. Không thể tụ tập dân Việt mình bên Miên mà phát quà giống như ở Việt Nam mình đâu. Ngoài việc phải xin phép tắc của chính quyền Miên đàng hoàng, tôi đồng ý phát luôn cho 50 đồng bào nghèo người Miên bên đó để họ khỏi ghen tị mà gây khó dễ… nhưng rồi vẫn không thể thực hiện được. Làm từ thiện phải có quen biết người địa phương, đứng ra lo cho mình thì mới được. Phần đông các đoàn du lịch qua Miên, xe buýt đều dừng lại Biển Hồ. Thấy dân Việt ở đó nghèo khổ, mọi người ai cũng dốc túi ra cho, đưa qua một người là thầy Tư bên đó để đưa lại dân chúng. Việc phát quà tôi dự định cũng phải qua tay thầy Tư này, giúp cho xã Chong Khơ Nía ở Siêm Reap gồm hơn hai ngàn người. Tôi còn đang phân vân, không cảm thấy thoải mái khi việc từ thiện phải qua tay một tư nhân mà không phải các nhà tu hành. Sau đó những đoàn từ thiện khác ở Việt nam gửi thư riêng cho tôi biết, có nhiều xã ở xa xôi, có nhiều người Việt nghèo cần giúp đỡ hơn, việc gì phải qua sự sắp xếp của thầy Tư, biết tiền có đến tay dân không? Vì thầy Tư đề nghị sự giúp đỡ chỉ là tiền, không phải là gạo và nhu yếu phẫm.
Thế là mọi dự tính bị bế tắc. Đi vào làng xã xa xôi phải có sự đồng ý của chính quyền địa phương và sự bảo vệ của họ, còn không đám cướp người Miên sẽ thịt mình trước tiên.
Sau những góp ý, tôi thấy lạnh cẳng. Người đứng ra tổ chức cho tôi là sư cô An Quý ở chùa Bửu sơn, một nhà tu trẻ tuổi nhưng rất nhiệt tình. An Quý hứa sẽ kêu gọi Phật tử đi chung theo đoàn để chung tay nhau đóng góp và chia tiền xe, nhưng vấn đề chính là du lịch. Chỉ đi theo làm từ thiện ở đó vài tiếng đồng hồ hoặc nửa ngày, sau đó chương trình sẽ đi thăm thắng cảnh đó đây. Chuyến đi mất ít nhất là bốn ngày. Như vậy cũng kẹt. Về Việt nam tôi không có thời gian nhiều mà mất bốn năm ngày ở một điểm từ thiện thì không thể được.
Tôi đành cám ơn mọi người đã góp ý, thư đi tin lại mà chuyến đi không thể thực hiện được, hẹn họ năm sau, hy vọng tôi có nhiều thời gian hơn. Mãi đến khi tôi về đến Việt Nam, tình cờ tôi quen biết một nữ tu đang lo việc đón tiếp và chuẫn bị cho một nhóm linh mục dòng Francisco bên Mỹ về Việt nam, đi làm từ thiện ở Biển hồ. Tôi vui mừng được làm quen họ dù mọi việc đã trễ tràng. Quỹ phần nhiều đã được dốc ra giúp cho đồng bào ở Long Phú, Sóc Trăng rồi. Nhóm linh mục dòng Francisco này, có nhà dòng bên Campuchia nên có các cha bên đó lo việc xin phép giấy tờ với chính quyền. Các tổ chức từ thiện lớn như nhà dòng Francisco, như Caritas thì được chính quyền địa phương kính nễ, được bảo vệ an ninh. Còn đám từ thiện tư nhân cò con cở như tôi, đi láng cháng thì bọn cướp hù một tiếng cũng sợ khiếp vía, đó là chưa kể cái mạng có còn không.
Tôi ước gì mình có thời giờ để đi chung với các cha dòng này thì hay biết mấy. Nhưng bây giờ tôi đã có địa chỉ liên lạc. Trong tương lai nếu tôi muốn qua bên Miên, đã có các linh mục dòng bên đó giúp đỡ trong việc đi đứng, giống như các nhà tu hành đã lo cho tôi ở Việt nam.
Tôi cảm ơn sư cô An Quý đã hết lòng muốn giúp tôi chuyến đi từ thiện ở Biển hồ nhưng không thực hiện được. Tôi sực nhớ lại, tịnh xá Bửu sơn nơi sư cô tu cũng là nơi nuôi trẻ mồ côi và các cụ già neo đơn, vậy tại sao tôi lại không đi đến thăm chỗ này, trên đường đi làm từ thiện ở Lâm đồng?
Thế là tôi liên lạc với sư cô, hẹn ngày giờ trong chuyến về Việt Nam năm nay để tôi đến thăm và giúp đỡ các em mồ côi ở chùa Bửu sơn này.
Trở lại việc dàn xếp với anh tài lo việc mướn xe. Tôi đồng ý đi xe lớn nhưng cắt bớt ngày thuê vì những người dự định đi chung với tôi để chia tiền mướn xe đã rút lui, chỉ còn một mình tôi chịu. Anh tài lầu bầu nhưng rồi cũng phải chấp nhận. Mọi hợp đồng chỉ làm bằng miệng, “xù” vào phút chót cũng được thôi, chỉ hơi mất uy tín một chút. Bây giờ chỉ còn việc kêu thêm người đi chung. Tôi điện thoại cho Bích, Nhóm Từ Thiện Trẻ. Bích nói sẽ giới thiệu hai người đi chung với tôi cho có bạn đường, không chia chi phí gì .
Thế là sáng hôm sau, trong lúc tôi đang đi mua bánh mì để đoàn người ăn dọc đường thì xe buýt đến đón chúng tôi ở khách sạn vào lúc 8 giờ sáng. Tôi đinh ninh đoàn chỉ có bốn người đi với anh tài xế nên mua có năm ổ bánh mì. Ai dè họ tự động rủ thêm hai bạn khác đi chung cho vui, và còn dặn tài xế trên đường đi, đón thêm một người bạn khác. Tôi không biết nói gì hơn. Tôi băn khoăn vì đã nhờ sư cô An Quý ở Định quán nấu dùm tôi bữa cơm chay để tôi có thời gian tiếp xúc nhiều với các em mồ côi. Số người đến tôi đã cho các nữ tu biết. Thôi kệ, đến đâu hay đến đó. Dân Việt nam mình mà! Tôi đã có nhiều kinh nghiệm. Nhiều người ở Việt nam hoặc chưa bao giờ làm từ thiện, nghe đoàn đi phát quà thì xin đi theo chơi cho biết, vì nghĩ có được một chuyến du lịch khỏi tốn tiền. Chỗ ăn, chỗ ở có mấy nhà tu hành lo. Họ đâu có biết là đi đến đâu, tôi đã nhờ các nhà tu này nấu cho tôi bữa ăn, tiền tôi gửi trả lại. Nhóm bạn trẻ do Bích giới thiệu cũng nằm trong trường hợp này. Tôi hơi lấy làm buồn trong lòng nhưng biết nói sao bây giờ? Trong khi đoàn đi Sóc Trăng, Bích và Khanh đã chia mọi chi phí với tôi cách rõ ràng, minh bạch. Tiền chi phí dọc đường là tôi phải móc tiền túi ra, nhiều người không biết.
Nguồn gốc của tịnh xá Bửu sơn theo sư cô An Quý cho biết: vào thập niên 70, Định Quán là một vùng rừng nghèo heo hút, ít người lui tới. Có một vị Hòa Thượng đã tìm đến đây, nhận thấy không gian thanh tịnh nên dựng một mái lều tranh làm nơi tịnh tu. Mái lều tranh ngày ấy, nay là Tịnh Xá Bửu Sơn, thuộc ấp Hòa Thuận, xã Ngọc Định, huyện Định Quán, Đồng Nai. Còn vị Hòa Thượng ấy chính là Hòa thượng Thượng Đức Hạ Quang, vị sáng lập nên Tịnh Xá Bửu Sơn năm 1976. Năm 1979, vị hòa thượng này ủy nhiệm phật sự tại chùa lại cho ni sư Thích nữ Diệu Ngọc Liên để ngài tiếp tục vân du hành đạo.
Năm 1988, vì tuổi già sức yếu, ni sư Diệu Ngọc Liên thỉnh Thượng tọa Thích Minh Dũng điều hành Tịnh Xá Bửu Sơn cho đến ngày nay.Từ ngày nhận trụ trì năm 1990, Thượng tọa Thích Minh Dũng thương cảnh những thân phận trẻ mồ côi, người già, người tàn tật, bệnh tâm thần không nơi nương tựa nên đã tiếp nhận cưu mang, nuôi dưỡng, chăm sóc… sau này được đổi tên là Cơ sở bảo trợ xã hội Hoa Sen Trắng vào năm 2008. Với lòng từ của người con Phật, thượng tọa nhìn thấy những người dân nghèo sống trong địa phương ốm đau, bệnh tật nhưng không tiền thuốc thang, thượng tọa lại mở phòng thuốc nam từ thiện Tuệ Tĩnh Đường hoạt động vào thứ bảy và chủ nhật hàng tuần, khám và chữa bệnh miễn phí cho người nghèo.
Hiện nay, Cơ sở bảo trợ xã hội dân lập Hoa Sen Trắng đang nuôi dưỡng hơn 25 trẻ mồ côi. Các em đều được đi học từ lớp Mẫu giáo đến lớp 11. Có ba em nhỏ nhất vào khoảng một tuổi.
Khi xe của chúng tôi đến sân chùa, cảnh tượng hết sức dễ thương hiện ra. Các em nhỏ mặc áo quần màu lam, màu nâu với mái tóc cạo trọc theo kiểu chú tiểu, đồng thanh cất tiếng chào đoàn chúng tôi cách lễ phép. Gương mặt em nào cũng sáng sủa, vui tươi khiến đoàn từ thiện ai cũng phải nở nụ cười trên môi. Phải công nhận các sư cô ở đây nuôi nấng các em thật khéo. Mặt mủi em nào cũng sạch sẽ, không lem luốc như các nhà mồ côi khác mà tôi từng viếng thăm.
Tôi thích sư cô An Quý ngay phút tiếp xúc đầu tiên. Người nữ tu có học vấn khá nhưng vẫn khiêm nhu và hiền hậu. Còn trẻ tuổi nhưng An Quý đã nương thân vào cửa Phật, dùng thời giờ của mình để chăm sóc nhà từ thiện Hoa Sen Trắng và tổ chức những buổi gây quỹ giúp người nghèo.
Khi chúng tôi mở cửa xe để khuân quà vào, các em nhỏ dạn dĩ chạy lại dành khuân với chúng tôi. Em nào nhỏ quá không khuân được thì đứng nhìn các bạn, mặt mày tiu nghĩu trông thật dễ thương.
Vào trong sảnh đường chánh, việc trước tiên là chúng tôi phân phát cho mỗi em một hộp sữa tươi uống và mấy viên kẹo làm quen. Các em vui vẻ, bạo dạn vì đã quen với sự viếng thăm của nhiều đoàn từ thiện.
Một ca sĩ tí hon cầm micro hát liên tục các bài ca Phật pháp. Sinh hoạt của các em tại Hoa Sen Trắng như một gia đình. Tôi nhìn thấy một tình thương chân thật thể hiện trên ánh mắt hiền từ của các ni cô. Các em bé nhỏ tuổi, nũng nịu hay vòi vĩnh với các ni cô như mẹ hiền. Mấy em bé mới thức dậy, tôi đòi ẵm thì không chịu, nhất định ôm tay một nữ tu và nép mình vào đó. Khung cảnh thật cảm động. Nhìn các em tự nhiên với các ni cô mà chúng xem như mẹ, tôi thấy chúng đã được đền bù bằng tình thương thật sự của các nữ tu nên các em vẫn vui tươi, không rụt rè như những đứa trẻ ở nhà mồ côi khác mà tôi đã viếng thăm. Cậu ca sĩ tí hon hết hát bài này đến bài khác. Gói kẹo sô cô la đã phân phối hết cho các em bé khác, quên để phần lại cho cậu bé. Một lát hát xong, sư cô An Quý mời chúng tôi sang phòng bên để dùng bữa cơm chay và để các em có thời giờ sửa soạn đi học buổi chiều. Cậu bé ca sĩ hát xong, không thấy phần kẹo sô cô la để dành cho mình thì giận dỗi, mặc cho các sư cô dỗ dành. Đôi mắt doanh tròng, cậu bé không chịu ngồi vào bàn chung với các em khác mà ngồi ở góc phòng khóc thút thít. Sư cô lớn tuổi ngồi chung bàn với tôi phải năn nĩ cậu bé hết lời, để cậu bé ngồi bàn chung với đoàn từ thiện mà cậu ta vẫn nhất định không ăn cơm. Không còn chiếc kẹo nào để dỗ cậu bé. Tôi lục trong xách tay, lấy ra thỏi kẹo cao su và đưa cho cậu bé, dỗ dành là chỉ có ca sĩ mới được quà đặc biệt này, không đứa nào đó. Cậu bé xăm soi nhìn thanh kẹo cao su rồi nín khóc, sau đó mới chịu cầm chén ăn cơm.
Đúng như lời sư cô An Quý đã quảng cáo với tôi từ trước. Tịnh xá Bửu sơn nổi tiếng nấu ăn ngon. Lần đầu tiên trong đời tôi được ăn một bữa cơm chay ngon đến như vậy. Nào món lẫu chua với các loại rau hái trong vườn. Bông chuối tẫm bột chiên, ăn dòn tan thật lạ. Chả giò chay, đậu hủ kho sốt cà ăn với bún tươi. Toàn là món do nhà chùa tự sản xuất làm lấy. Căn phòng ăn trống trãi không vách, nhìn ra khoảng vườn rậm rạp cây cối chung quanh. Khung cảnh thật thanh tịnh, thật là chỗ lý tưởng cho kẻ tu hành muốn lánh xa thế tục.
Ăn xong, các em lo sữa soạn để một thầy trong chùa chở đi học. Điều đáng quý là các em mồ côi đều được đi học tại các trường học trên địa bàn. Điều mà hòa thượng và các sư cô hãnh diện nhất về cơ sở của mình là các em không bị thất học. Hiện nay, có hai em đang học lên cao học. Nhiều em trưởng thành, đã lập gia đình, có cuộc sống, nghề nghiệp ổn định, thường dẫn vợ chồng, con cái về thăm chùa như trở về chính ngôi nhà của mình. Ngoài giờ học, các em phụ nhà chùa nhổ cỏ, quét sân.
Hôm nay tôi đến thăm thì thượng tọa đi vắng. Các sư cô dẫn tôi đi xem Tuệ Tĩnh Đường. Đây là phòng thuốc nam được thành lập đã hơn mười lăm năm nay, do các tăng ni và phật tử trong chùa phụ trách. Với kinh nghiệm và sự hiểu biết về đông y, ban đầu Thượng tọa Thích Minh Dũng chỉ có ý định thành lập phòng khám bệnh và cho thuốc cho những người dân nghèo địa phương, mà họ không có khả năng chạy chữa khi ốm đau (giống như thầy Đỗ Đức Ngọc của chúng ta ở Canada).
Càng ngày, tiếng lành của nhà sư đồn xa, số người đến khám bệnh ngày càng tăng. Để giải quyết khó khăn về chuyên môn, tịnh xá đã khuyến khích một số phật tử có tâm nguyện về Sài gòn để theo học các lớp dạy thuộc ngành đông y để về phục vụ cho phòng thuốc. Với số lượng bệnh nhân khá đông, mỗi tuần lễ có khoảng ba đến bốn trăm người đến lấy thuốc vào hai ngày thứ bảy và chủ nhật, tất cả đều miễn phí. Thuốc nam trồng ở chùa và chung quanh vùng địa phương không đủ cung cấp cho bệnh nhân, nhà chùa đã khuyến khích bà con tự trồng thuốc nam để dành làm tủ thuốc trong nhà, nếu có dư thì đem ủng hộ cho chùa. Đối với những loại thuốc khó tìm thì nhà chùa phải đi mua ở nơi khác, nhất là ở Sài gòn.
Có rất nhiều bệnh nhân nghe tiếng của thầy, lặn lội đến từ Sài gòn, Lâm Đồng, Bình Dương, Bình Thuận. Họ phải đi từ chiều hôm trước để có thể khám bệnh và lấy thuốc hôm sau. Họ phải tìm nhà người quen ngủ lại hoặc thuê võng ở quán trọ, Thượng tọa cũng không đành lòng nên đã dành một khoảnh đất để xây dựng nơi ăn ở cho bệnh nhân ở xa. Thật không thể nào tả hết tấm lòng nhân từ của một vị sư luôn lo cho những người kém may mắn. Thấy buổi trưa họ ăn uống tạm bợ qua bữa, Thượng tọa không đành lòng nên đã cho nhà bếp nấu cơm và đãi luôn cơm trưa miễn phí.
Nhiều bệnh nhân bị đau lưng hay đau bao tử, đi bệnh viện dùng thuốc tây không bớt, họ đã đến đây khám bệnh và dùng thuốc nam, thấy thuyên giảm nên tiếng đồn về vị Bồ tát này càng lan nhanh.
Tôi ngạc nhiên khi thấy từng thùng phuy bằng giấy chứa đầy vỏ quít, lá các loại thảo mộc khác nhau cùng các hộc tủ thuốc đủ loại như ở nhà thuốc bắc. Khi nào các thầy khám bệnh xong thì có người chuyên môn ở đây hốt thuốc cho bệnh nhân mang về nhà uống.
Khi được hỏi về những thuận lợi và khó khăn của cơ sở, các nữ tu cho biết là vẫn còn nhiều khó khăn lắm. Tịnh xá không có nguồn thu tài chính ổn định, Ai hiến cúng được chút nào, có tiền thì nhà chùa sửa sang hay làm những gì cần thiết ngay chút ấy, không thể hoạch định ngay từ đầu mà chỉ làm chắp vá, có tiền thì làm, hết tiền thì ngưng. Khi nhặt những trẻ bị bỏ rơi thì nhà chùa phải lo đủ thủ tục theo luật pháp để hợp thức làm con nuôi của chùa. Ngoài các em bé mồ côi, các sư cô dẫn tôi đi về phía dẫy nhà, được gọi là Dưỡng đường Bửu sơn để thăm các cụ già neo đơn đang sống nương náu tại đây. Hiện tại chùa đang chăm sóc cho 20 cụ vừa đàn ông vừa đàn bà. Mỗi người được một phòng nhỏ.
Thấy đoàn người đi ngang, các cụ đi ra ngoài, chắp tay như niệm Phật. Có một cụ ông vừa câm, vừa điếc, vừa bị thần kinh nhưng vẫn đi ra cười móm mém, chấp tay chào khách. An Quý nói riêng cho tôi biết, cụ này bị bệnh nên tiểu trong quần hoài nên không có đủ quần áo để mặc. Nhân sự trong chùa đàn bà nhiều hơn đàn ông, phần đông là người đến làm công quả, nên không có ai thay quần cho ông cụ thường xuyên được.
Có một cụ già khác đã 90 tuổi, suốt ngày ngồi tụng kinh niệm Phật, không để ý đến mọi việc xẩy ra chung quanh mình.
Tôi thấy từ các em bé mồ côi cho đến các cụ già, mọi người đều nhìn các sư cô bằng đôi mắt thương yêu bằng tình cảm chân thật như người nhà. Các em nhỏ thấy các sư cô đến là đòi ẵm như đứa con thấy mẹ. Tôi rất mến sư cô già mà tôi quên mất tên. Khuôn mặt bà trông thật hiền như…ma sơ, ánh lên đầy vẻ phúc hậu. Bà cho biết quần áo lam trong chùa cho các em và các cụ già đều do tay sư cô may, cùng sự phụ giúp của các người khác. Tôi thương người nữ tu này quá, nắm chặt tay mà không muốn rời trong phút chia tay. Tôi hy vọng bài viết này được các độc giả lưu tâm để góp một tay với các nhà tu hành ở đây. Hiện cơ sở còn thiếu nhân lực có chuyên môn để chăm sóc người già, trẻ sơ sinh nên các nữ to lo lắm. Tuệ Tĩnh Đường Bửu Sơn và cơ sở Hoa Sen Trắng đang rất cần sự giúp đỡ của các cá nhân, tổ chức và mạnh thường quân về nhân lực, vật lực, tài lực, để hoạt động có hiệu quả hơn. Tương lai của những đứa trẻ ớ đây sẽ ra sao khi chúng học đến những bậc cao hơn và có thể đi vào đại học mà chùa không có khả năng lo cho chúng?
Các phật tử của chùa cũng thường xuyên đến đây thăm hỏi, chơi đùa với các em như con cháu trong gia đình. Đây là niềm an ủi và khích lệ lớn lao của những người ở đây. Nhìn các em vui tươi, quấn quit bên chân các nữ tu, tôi nghĩ là chúng không biết thân phận mồ côi của mình. Duy chỉ có một em bé ba tuổi, được một dì vào đây làm công quả chùa ẵm trên tay mà nó vẫn khóc oằn người. Tôi hỏi lý do thì sư cô An Quý cho tôi biết, đứa bé này mới được đưa vào chùa ba ngày nay. Nó ở nhà với bà mẹ ác độc, đánh đập và tạt nước sôi vào người nó nên chính quyền tước quyền làm mẹ của bà ta, đem đứa bé giao cho chùa. Tuổi thơ nào biết gì, con bé vẫn nhớ mẹ nên khóc ngày đêm, chỉ muốn về lại với mẹ, mặc dù bị đánh đập tàn nhẫn. Nghe chuyện ai nấy đều thấy não lòng.
Cuộc viếng thăm chớp nhoáng nhưng đã lưu lại chúng tôi một kỷ niệm đẹp. Tôi hứa sang năm sẽ trở lại đây thăm các em và các cụ. Ai muốn giúp đỡ chùa Bửu Sơn, xin liên lạc với sư cô An Quý, địa chỉ liên lạc là 91/3 Ấp Hoà Thuận, xã Ngọc Định, huyện Định Quán, tỉnh Đồng Nai. Điện thoại số 0919335610.
Tống Minh Long Quân