Quê hương nhìn lại (kỳ 3)
Chiếc vỏ lãi chạy dọc theo rạch Cái Rắn. Hai bên mé rạch, dừa nước mọc dầy đặc, thấp thóang phía sau là mấy căn nhà lá tồi tàn. Cha Hậu cắt nghĩa cho chúng tôi biết: rắn thích nằm trên đọt dừa từng đàn, vì thế ngày xưa người ta đặt tên rạch và xóm nhà lá này là Cái Rắn. Mấy ông già bà cả còn nhắc lại, Cái Rắn còn có tên lịch sử là Long Ẫn. Ngày xưa vua Gia Long bôn tẫu, chạy vào rạch này nương náu một thời gian, và ra lệnh đắp một nền cao lớn cất trại, dừng binh gần trong ngọn rạch, kế bên đình xóm Cái Rắn bây giờ. Kế bên nền, vua cho đào cái ao tròn, đường kính cỡ 15 mét, gọi là “Ao Ngự”, nước ngọt quanh năm như nước mưa. Bây giờ nền trại vẫn còn lưu dấu vết, nhưng đã bị người địa phương lén đến xúc đất đem về đắp nhà của mình nên nền trại xưa không còn cao như thưở ban đầu nữa. Những câu truyện truyền miệng nhau, khi người ta đào nền nhà xưa, họ còn tìm được đạn súng đồng, miểng chén đĩa cỗ của cung đình. Ao Ngự thì bây giờ cũng cạn nước hơn nhiều vì dân làng vài ba năm mới chịu vét đáy.
Chiếc vỏ lãi chạy qua những cây cầu nhỏ. Tôi ngạc nhiên khi thấy cây cầu được mang tên “Viết cho Em”. Tôi lấy làm lạ hỏi người chủ chiên. Thì ra Người đã dùng tiền bán cuốn sách tựa đề Viết Cho Em mà tu bổ cây cầu này. Còn nữa, những con đường làng nhỏ mang tên đường “Nhật Ký Truyền Giáo”. Ngày xưa con đường này chỉ là một bờ đê lồi lõm, dành cho một người đi mà thôi. Nhà văn linh mục hiền lành, khá nổi tiếng trong việc làm từ thiện ở xứ khỉ ho, cò gáy này nên những công trình xây dựng được dân làng biết ơn. Những cây “cầu tre lắc lẻo, gập gềnh khó đi..” ngày xưa bây giờ đã được sửa sang thành cầu xi măng. Xe đạp, xe gắn máy có thể chạy qua. Mấy em bé học sinh, đạp xe đi học, chạy trên chiếc cầu do công lao của vị nhà tu khiêm nhu này rất nhiều. Người âm thầm làm những việc xã hội để giúp dân nghèo. Nhưng chính quyền xã, huyện mới là người được tuyên dương. Nhà nước lo đời sống của dân thật chu đáo. Người chủ chiên tên Phúc Hậu này chỉ muốn đóng vai người thợ gặt trong việc truyền giáo mà thôi. Người thương từng người dân nghèo xứ Cà Mau của Người, lương cũng như giáo.
Căn nhà chúng tôi đến viếng thăm đầu tiên là căn nhà của một gia đình có hai đứa con bị tật nguyền. Hai anh em sinh đôi này nằm liệt một chỗ từ hơn hai mươi năm nay. Khi chúng tôi đến, cha Hậu cho biết người em trai vừa mới qua đời ba tháng trước đó, Cậu bé còn lại có vẻ buồn, nằm rên ư ử như con mèo bị thương. Hai anh em đều bị dị dạng lại câm, không đi đứng được nên suốt ngày, nằm trên hai chõng tre kê sát nhau mà ọ ẹ đùa giỡn với nhau. Bây giờ thì một con chim đã lìa đàn. Nhìn cậu bé còn lại, tuy cậu ta không nói được, nhưng tiếng nói khẹt khẹt trong cuống họng, với cái nhìn lạc thần, chứng tỏ cậu ta buồn khỗ nhớ em. Đám con trai của tôi dù đã trưởng thành, nhưng lần đầu tiên nhìn thấy hình ảnh thương tâm này, chúng nó cầm lòng không được mà bật khóc thút thít như những đứa trẻ. Nhìn chung quanh, căn nhà lá thô sơ nghèo nàn đến tội nghiệp. Bà mẹ suốt thời gian dài, không thể làm gì khác hơn là ở nhà hai mươi bốn tiếng đồng hồ để lo cho hai đứa con tật nguyền. Cha Hậu cho biết, có một gia đình Việt kiều Mỹ, một lần đến đây thăm gia đình này theo sự hướng dẫn của Người. Thấy tình cảnh thương tâm quá nên họ đề nghị cha Hậu trợ giúp gia đình này hàng tháng, họ gửi tiền về cho Người lo dùm. Khi đòan chúng tôi đến thăm thì không thấy bà mẹ đâu cả. Người cha cho biết, vì lo cho đứa con bị bệnh vừa qua đời nên bà buồn và kiệt sức, bà ngã bệnh luôn. Bây giờ bà đang nằm điều trị ở bệnh viện tỉnh Cà Mau. Người cha không thể bỏ thằng con trai tật nguyền ở nhà một mình, không ai săn sóc nên không thể lên tỉnh để lo cho vợ. Thật khổ không hả Trời? Tôi cũng không cầm được nước mắt. Những mảnh đời cơ cực như vậy, biết kêu ai cho thấu bây giờ? Khi tôi viết những dòng chữ này cho các bạn đọc thì tôi cũng vừa nhận được tin của cha Hậu cho biết bà mẹ đã qua đời! Tôi nhắm mắt lại, nước mắt ứa ra, hình dung đến hình ảnh cậu bé trai nằm oằn ọai trên chõng tre. Rồi đây ai sẽ săn sóc cho cậu bé bây giờ khi người mẹ thân yêu của cậu không còn nữa? Cha cậu còn phải ra đồng làm ruộng, lấy ai mà lo cho cậu đây?
Căn nhà của gia đình cậu cũng đã được cha Hậu giúp đỡ lợp lại mái tôn theo chương trình “năm trăm đô la cho một mái nhà” của Người đề xướng ra. Cha Hậu cũng giúp đỡ gia đình này rất nhiều. Nhưng năm dài, tháng rộng… Làm sao cha Hậu lo cho xuể đây? Không phải một gia đình mà rất nhiều gia đình khiến Người phải nặng lòng.
Tôi trao cho người chủ nhà gói quà và bao thư tiền. Bụng tôi muốn cho gia đình này nhiều hơn nhưng nhớ lời bà sơ đã dặn nên tôi ái ngại chào từ giã. Đôi mắt mọi người ai cũng đỏ hoe.
Chúng tôi lại lục tục đi xuống vỏ lãi để đi đến địa điểm thứ hai. Mọi người chia nhau ngồi trên hai chiếc ghe nhỏ, lòng nặng chình chịch, không ai nói chuyện với ai. Đám con trai sinh trưởng ở đất nước văn minh, chúng nó chưa hề chứng kiến cảnh gia đình nghèo đến thê thãm như vậy. Chúng nó không thể tưởng tượng được, những kẻ tàn phế như vậy mà không có một trợ cấp xã hội nào trợ giúp thì làm sao sống nỗi? Đó là lý do tôi muốn các con tôi phải chứng kiến tận mắt những kẻ bất hạnh của những người cùng màu da, giống nòi với chúng nó.
Gia đình thứ hai chúng tôi đến là gia đình bà Hai. Bà có cô con gái bị bệnh tâm thần từ khi mới sinh. Bây giờ cô gái đó đã 39 tuổi. Sau phần uống nước trà xã giao, chúng tôi nôn nóng muốn đi thăm người con gái điên này.
Người anh trai của cô gái cùng bà mẹ dẫn cha Hậu và đòan người chúng tôi đi qua căn chòi bên cạnh nhà. Căn chòi rách nát, mái lá nửa trống, nửa hở.. Vách phên lá trống tuếch, trống tóac. Trong căn chòi này chỉ có một chỏng tre xập xệ, có người con gái ngồi trên đó. Chúng tôi phải vạch phên lá, đứng bên ngòai mà nhìn vào vì bên trong chật chội, chỉ đủ cho một người đứng sát chỏng mà thôi. Người con gái giương đôi mắt xa xăm nhìn chúng tôi, không một chút cảm xúc. Chân của cô gái bị cột vào thành chỏng bằng những sợi vải dầy. Ăn uống, ngủ nghê, làm vệ sinh gì cũng một chỗ. Bà mẹ hàng ngày chăm non, thay quần áo cho con gái. Bà mẹ năm nay khỏang bảy chục tuổi. Giống như gia đình cậu trai tật nguyền tôi vừa viếng thăm vừa rồi, tôi lại lẫn thẫn nghĩ. Nếu như bà mẹ chết đi thì ai sẽ là người săn sóc cho cô con gái này đây?
Chúng tôi chụp hình những căn nhà trong xóm. Thảo nào Chánh, người lo việc in ấn cuốn Nhật Ký Truyền Giáo của Người đã nói riêng với tôi, nửa đùa nửa thật:
– Tội nghiệp “bác Tám Hậu” của mình lắm. Tiền bán sách và tiền của người ta ủng hộ, mình gửi về Việt Nam, Người nói giống như mưa xuống máng xối, không bao nhiêu là đủ vì người nghèo cần giúp đỡ dầy đặc như muỗi Cà Mau…
Lúc trước, khi nghe Chánh nói, tôi tưởng chỉ là câu nói đùa. Bây giờ tôi mới hiểu thấu ý nghĩa “mưa xuống máng xối”. Vị chủ chiên này suốt hơn bốn mươi năm sống ở đất Cà Mau này, tiếp xúc hàng ngày với dân nghèo “tận cùng bằng số” nên trái tim và tấm lòng của người rất bao la. Đúng là không biết bao nhiêu là đủ. Sao dân tôi nghèo khổ quá như vậy? Hình ảnh tiệc tất niên ở Sài Gòn, ở trung tâm New World mấy ngày trước đây in rõ nét trong trí tôi. Thật đúng như là thiên đàng và địa ngục. Mấy đại gia tung tiền qua cửa sổ, chạy những chiếc xe đắt tiền trị giá cả trăm ngàn đô la, họ có nghĩ đến những người dân quê mà suốt cuộc đời họ chưa dành dụm nổi số vốn là năm đô la? Điều này chính cha Hậu đã cho tôi biết. Ân nhân cho họ chừng năm, mười đô la là họ mừng run lên. Đủ cho họ mua được mười, hai mươi ký gạo. Niềm vui của họ đơn giãn đến độ tội nghiệp. Ước mơ của họ có đủ gạo để ăn hàng ngày là họ mãn nguyện lắm rồi.
Tôi cảm thấy mình may mắn khi quen được linh mục Ngô Phúc Hậu này nên mới có cơ hội đến được nơi cùng khổ như vùng Cái Rắn, chứng kiến cuộc sống lầm than của dân tôi. Tôi đã từng gây quỹ, giúp đỡ cho rất nhiều hội từ thiện ở khắp nơi. Nhưng đây là lần đầu tiên tôi và các con tôi được nhìn tận mắt cảnh khổ cùng của kẻ bất hạnh. Nhất là kẻ bất hạnh trên chính quê hương của tôi. Nếu không có người chủ chiên này chịu hy sinh ở chốn bần hàn và đã viết những cuốn sách nói về cuộc sống dân quê ở vùng Năm Căn, Cái Rắn thì tôi chắc chắn ít ai biết được mình quá diễm phúc so với những dân nghèo cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc này. Dân quê không có đạo, gọi cha Hậu bằng một tên mộc mạc là “bác Tám Hậu” – vì cha là người con thứ bảy trong gia đình. Người từng tâm sự trong những cuốn sách người viết. Người thương dân nghèo vì người xuất thân từ gia đình nghèo. Thưở Người còn bé, bà mẹ Người chắt chiu nắn trong ruột tượng đưa Người số tiền nhỏ để lên đường đi thi. Số tiền này không là bao nhưng mẹ của Người đã phải dành dụm suốt bao nhiêu năm. Tôi nhớ khi đọc đến đây, mắt tôi cay xè. Tôi thương mấy bà mẹ Việt Nam quá. Bây giờ tôi mới hiểu những câu truyện trong hầu hết các cuốn sách của vị linh mục này lúc nào cũng nhắc đến cảnh sống nghèo của dân quê ở tận cuối bản đồ nước Việt mà Người đã gắn bó, xem như người thân ruột thịt.
Rời căn chòi, chúng tôi đi dọc theo bờ đê để chụp hình những căn nhà lá lụp xụp. Có những căn nhìn bên ngòai khang trang hơn. Thì ra những căn trông “được mắt” một chút chính là những căn đã được người chủ chiên trợ giúp xây cất lại. Năm trăm đô la để sửa sang một căn chòi với mặt trước bằng gạch, mái lợp tôn và cột bằng gỗ bên trong để chống đỡ mưa gió. Ba vách chung quanh vẫn là lá nhưng được chằm lại để che mưa gió.
Chúng tôi lần bước trên những con đường đê lồi lõm. Mùa này không ai cầy cấy nên đồng ruộng khô cằn. Biết chúng tôi không quen đi bộ nhiều nên cha Hậu mới cho chúng tôi di chuyển bằng vỏ lãi chớ bình thường, Người lội bộ hàng mấy cây số để thăm dân làng. Dân ở đây nghèo nhưng hiếu khách lắm. Nếu mình ghé thăm nhà nào thì họ mừng rỡ đi nấu nước pha trà đãi khách. Nụ cười mộc mạc trên những khuôn mặt chơn chất khiến chúng tôi bịn rịn mãi không muốn chia tay. Hẹn ngày gặp lại, lòng chúng tôi thật lòng muốn như vậy. Dân ở đây không có thuốc men. Đau bệnh thì cứ ba thuốc lá dân tộc nấu uống, cho nên những viên aspirin đối với họ như thần dược. Bà Hai than thở với tôi là hai chân đau nhức vì tê thấp. Tôi muốn nói bà Hai gặp riêng tôi để tôi cho bà riêng một ít thuốc nhưng tôi nhớ lời sơ Hương căn dặn. Trong lòng tôi thật khổ tâm khi nhìn khuôn mặt già nua, mệt mỏi của bà nhưng tôi cứ sợ dân quê ganh tị nhau mà làm khổ cho vị chủ chiên. Tôi thì thầm vào tai người con trai của bà Hai. Dặn anh ta ngày mai ra nhà thờ gặp riêng tôi để tôi tặng bà Hai chai dầu xanh và chút ít thuốc. Tôi dặn anh ta phải giữ bí mật, đừng nói cho ai biết. Thật là khổ. Làm từ thiện không phải là dễ. Phải công bằng với tất cả mọi người. Tại nhà thờ, cha Hậu có một phòng phát thuốc miễn phí do một dì phước đứng ra trông nom. Nghe nói bà sơ này có học vấn cao trong ngành y tế. Dì cai quản một phòng thuốc và phòng khám bệnh. Một tủ lớn gồm đủ các lọai thuốc, do một tổ chức từ thiện Việt- Pháp từ bên Pháp gửi thuốc về trợ giúp hàng năm, trị giá khỏang vài ngàn đô la. Tôi thấy buổi sáng ra dân làng đến sân nhà thờ, ngồi chờ ở hành lang. Mới đầu tôi không hiểu, đến chừng mấy bà sơ dẫn cho tôi đi xem phòng phát thuốc, tôi lấy làm nễ phục mấy dì phước này vô cùng. Cũng có một tủ lớn ghi hồ sơ các bệnh nhân đến khám bệnh. Mấy va li thuốc tôi mang về từ Canada cùng sẽ được nhập vào phòng phát thuốc này để phân phát cho bệnh nhân cần thiết. Cách làm việc, tổ chức thật chu đáo.
Thấy chúng tôi bịn rịn mãi không muốn đi, cha Hậu nhắc nhở, nói gia đình cô bé do tôi đỡ đầu mời chúng tôi đến ăn trưa. Thế là đòan chúng tôi lục tục kéo nhau trở lại chiếc vỏ lãi đang chờ ở ven rạch. Chuyện là vầy, lúc trước đọc một câu chuyện thương tâm trong internet: một em bé trai ở quê lên Sài gòn để thi đại học. Em đi bằng xe đạp. Lên đến Sài gòn để đi thi, tối đến em trãi giấy báo ngủ ở vĩa hè, lấy xích cột xe đạp vào chân để kẻ gian khỏi đánh cắp. Tình cờ nhà báo nào đó ở Sài Gòn đi ngang nên biết chuyện, đăng lên báo. Đọc xong, tôi đã suy nghĩ nhiều khi so sánh các em học sinh vùng Bắc Mỹ này. Đi học có xe búyt nhà trường đưa đón. Thế mà có đứa chỉ muốn nghỉ học ngang để đi làm việc vớ vẫn, mục đích là có tiền ăn xài. Tôi quyết định, nhờ cha Hậu kiếm dùm tôi một em bé nghèo ở quê, học khá để tôi có thể giúp nó có phương tiện tiếp tục học vấn. Cha Hậu đã gửi sang tôi hồ sơ một cô bé 19 tuốin, học khá, rất ngoan tên Mộng Trinh. Tôi rất mừng khi có thể giúp được những em sống dưới quê, với hy vọng sau này các em sẽ là người khuyên các chị em cùng trang lứa đừng lấy chồng Đài Loan hay Đại Hàn để rồi bị trở thành những nô lệ tình dục hay thể xác.
Chúng tôi đến nhà cô bé Trinh. Con bé đi học chưa về. Tôi ngạc nhiên khi thấy cả một gia đình họ hàng nội ngọai của cô bé đang chờ chúng tôi đầy một nhà. Mới đầu tôi tưởng đâu gia đình nhà quê này tò mò muốn xem mặt Việt kiều nên tôi không để ý. Đến khi nói chuyện, nghe mấy bà nhà quê khoe mấy gia đình ở xóm trên, xóm dưới có con gái lấy chồng Đài Loan bằng giọng thèm thuồng, nễ phục thì tôi chợt hiểu. Họ thấy đám con trai của tôi thì hy vọng con gái của họ sẽ lấy chồng Việt kiều mà giúp đỡ gia đình. Nhất là khi một bà nhà quê nói với tôi bằng giọng nhắn nhủ, hy vọng qua xứ người, tôi thương và lo cho cháu Trinh, đừng hất hủi nó tội nghiệp. Tôi tá hỏa tam tinh. Tôi chỉ muốn giúp đỡ con bé tài chánh để nó có phương tiện theo đuổi bậc đại học để về sau còn giúp đỡ cho gia đình nó và cho xóm làng, các chị em bất hạnh khác không được đến trường. Thiệt tình! Mục đích tôi đến đây đâu phải muốn kiếm “Dâu Ta” đâu? Đối với tôi, “Dâu Ta” hay “Dâu Tây” đâu thành vấn đề, miễn chúng nó thương nhau là tôi chấp nhận, miễn gia đình cô gái đó có gốc gác đàng hòang, không phải là dân bá vơ, bụi đời.
Nhưng phải công nhận người dân quê thật hiếu khách. Gia đình con bé Trinh lăng xăng lo dọn cơm đãi khách. Chỉ là món cá kèo kho, canh chua tôm nấu bằng những con tôm được nuôi ở vuông tôm sau nhà. Ngày hôm trước tôi đã ăn một bụng cá kèo kho tiêu do mấy bà phước nấu ở nhà thờ nên đã thèm rồi. Phần thì thuốc ngừa sốt rét làm chúng tôi ai nấy ngầy ngật, no hơi, không có hứng thú ăn uống. Chúng tôi cố ăn thật nhiều cho chủ nhà vui. Cha của cô bé Trinh lớn hơn cậu Cả nhà tôi chừng vài ba tuổi chớ mấy. Anh ta hứng chí, lôi ra mấy chai la de 333 để đãi khách. Chai la de ở Việt Nam lớn hơn chai ở bên này nhiều. Vẫn cụng ly với tiếng nói “Dô” quen thuộc nghe khắp nơi. Hình như dân nhậu không nói tiếng này thì uống không thấy ngon thì phải?
Bữa ăn gần tàn thì cô bé đi học về. Nhìn cô bé bẽn lẽn trong chiếc áo dài trắng đồng phục nữ sinh, tôi cảm thấy vui lòng khi có người con đỡ đầu trông dễ thương, ngoan như vậy. Cô bé mắc cỡ không dám lên bàn ngồi ăn chung với khách. Tôi nhất định kêu cô bé ra ngòai ngồi ăn chung để nói chuyện chơi. Không biết mấy cô gái làng mà mấy bà nhà quê hồi nãy nói đã đi lấy chồng Đài, không biết có dễ thương như cô bé Trinh này không. Nếu vậy thì thật là uổng, giống như hoa lài cắm bãi cứt trâu vậy. Mấy cha nội ba Tàu tôi thấy nhan nhãn. Họ ở cùng khách sạn của tôi ở Sài Gòn. Mặt cha nào cha nấy thấy mà chán ngắt. Vừa xấu, vừa già, vừa đần. Thế mà mấy cha qua Việt nam để kiếm mấy cô gái trẻ mang về nước mình làm vợ. Hay làm đầy tớ đó?
Bữa ăn kéo dài cả mấy tiếng đồng hồ. Mọi người cười nói râm ran thật vui vẻ. Cha Hậu vén tay áo nhìn đồng hồ. Tôi hiểu ý Người muốn đi về nên dục các con tôi kiếu từ chủ nhà để ra về. Mọi người tiễn chúng tôi ra đến bờ rạch. Không biết sau đó cả gia đình dòng họ có ngồi lại bàn tán về chuyến viếng thăm của chúng tôi hay không? Chắc họ ngạc nhiên khi thấy tôi không đá động gì đến việc tiến tới, tiến lui gì cả. Trong câu chuyện họ cứ nhắc đi nhắc lại mấy cô gái có diễm phúc lấy được chồng Đài. Hễ họ nói tới thì tôi bàn ra nên họ không biết tôi muốn gì. Tôi thấy mắc cười trong bụng. Hèn chi mấy cô gái quê rủ nhau lấy chồng xứ lạ hết trơn. Tội nghiệp cho mấy trai làng. Mấy nàng chê trai làng nghèo nên không thèm sữa túi, nâng khăn chớ gì? Nhìn mấy người đàn ông ở quê, vẻ mặt người nào cùng có vẻ khắc khổ. Người nào người nấy gầy gò, ít có ai có “thùng nước lèo” trước bụng cả. Khỏi tốn tiền đi tập thể dục.
Chiếc vỏ lãi quay đầu chở chúng tôi trở lại nhà thờ Cái Rắn. Đám bà con vẫn còn đứng trên bờ vẫy tay chào theo. Cuộc sống của dân quê ở đây giản dị đến tội nghiệp. Cả cuộc đời họ sinh ra, lớn lên trong cảnh nghèo. Đời cha tiếp nối đời con nên họ chỉ mong có con gái lấy chồng khá giả một chút để gia đình được vươn lên. Có được căn nhà gạch, mái ngói là cả một ước mơ của một đời người.
(hết kỳ 3)
Tống Minh Long Quân