Mái Ấm Tín Thác – 178 Đường Trần Bình Trọng, Lộc Thanh, Bảo Lộc, Lâm đồng
Năm ngoái, tôi được một cô thiện nguyện viên ở Sài gòn tên Châu Hạnh giới thiệu về căn nhà tình thương rất tội nghiệp này và xin những ân nhân hải ngoại trợ giúp. Hằng năm, trước ngày tôi lên đường, lịch trình viếng thăm và tiền bạc quyên giúp đã được phân phối và xác định ngày giờ đoàn chúng tôi sẽ đi thăm chỗ nào ở Việt nam đâu đó xong xuôi cả rồi. Nhưng khi nhận được hình ảnh và những câu chuyện thương tâm của những mảnh đời cơ cực vào phút chót, tôi lại nặng lòng khi thấy mình bất lực, không biết phải làm sao hơn để mà giúp đỡ. Tiền quỹ đã hết rồi!
Rồi lần nào cũng như có một phép lạ… Đang băn khoăn lo nghĩ thì có một bà tiên phúc hậu đã gỏ cửa nhà tôi để mang số tiền đến vào giờ phút chót trước khi tôi lên đường để biếu tặng cho các người nghèo. Nước mắt tôi rưng rưng khi nhìn bà mẹ trẻ dẫn hai đứa con gái nhỏ đến nhà tôi trong lúc trời đang đổ tuyết lạnh giá. Tôi cảm động muốn khóc, một phần vì cảm kích trước tấm lòng nhân hậu của người đàn bà này. Một mặt tôi biết ơn Trên đã dàn xếp hết mọi việc và dùng tôi như một liên lạc viên để mang tình thương của các ân nhân đến các kẻ bất hạnh. Tôi tin chắc điều này. Không thể nào có sự tình cờ. Nhất định phải có bàn tay nhiệm mầu giúp đỡ.
Nhận được số tiền này, lại thêm tiền của “ông già Noel” ở Toronto vào giờ phút chót, tôi vội liên lạc ngay với Châu Hạnh, trước ngày tôi rời Canada, nhờ Hạnh nhắn với bà sơ ở Lâm đồng, xuống Sài gòn gặp tôi vào ngày tôi đến để nhận số tiền giúp đỡ của ân nhân gửi đến nhà mồ côi Tín Thác và mua quà giúp cho đồng bào thiểu số nghèo đói theo ước mong. Hạnh mừng rỡ và báo tin cho các sơ ở Đà lạt biết.
Ngày đầu tiên tôi đặt chân trở về Sài gòn, mới tám giờ sáng mà điện thoại phòng tôi ở khách sạn reo lên. Tôi còn lừ đừ sau chuyến bay dài, băn khoăn không biết ai tìm tôi vào giờ giấc tinh mơ như thế này.
Bên kia đàu giây, Hạnh cho tôi biết là sơ Hoa ở dòng Mến Thánh Giá, từ Đà lạt xuống và hỏi tôi có thể đến khách sạn gặp tôi được không? Tôi ngần ngừ:
– Sao sớm quá vậy? Chừng một tiếng nữa được không?
– Bà sơ đã đi chuyến xe đò từ 4 giờ sáng nên đến Sài gòn vào sáng sớm. Sơ định gặp để nhận tiền xong rồi phải lấy xe đò đi trở lên Đà lạt ngay vì công việc trên đó bận rộn lắm, không thể vắng mặt được. Tội nghiệp sơ Hoa, bả đến nhà em từ sáng sớm nhưng em chờ đến bây giờ mới điện thoại.
Không thể làm gì khác hơn, tôi đồng ý gặp người nữ tu. Hạnh nói chắc nửa tiếng nữa là đến.
Tôi vội phóng nhanh vào nhà tắm để làm vệ sinh. Đồ đạc, hành lý còn ngỗn ngang chưa được mở ra. Tôi soạn một mớ thuốc men và để sẵn tiền để chờ Hạnh dẫn sơ Hoa đến.
Đúng như lời Hạnh nói. Tôi đang còn loay hoay với đám thuốc men, quà cáp thì có tiếng điện thoại của nhân viên khách sạn cho biết có khách muốn gặp tôi. Nhân viên đưa tên người khách. Tôi bảo nhân viên cho khách đi lên phòng để gặp.
Lần đầu tiên gặp người nữ tu, tôi có cảm tình ngày. Khuôn mặt người đàn bà khắc khổ nhưng đôi mắt hiền từ. Nghe Hạnh nói nhiều về bà sơ này và gọi là “bà sơ già”, tôi tưởng đâu một người già lắm chứ. Ai dè bà sơ bằng tuổi tôi nhưng vì cuộc sống cực khổ nên khuôn mặt trông già hơn nhiều. Sơ nói cho tôi nghe những chương trình từ thiện mà sơ dự định làm và cần sự giúp đỡ của các ân nhân hải ngoại.
Địa điểm đầu tiên sơ nói đến là Mái ấm Tín Thác thuộc Thanh Xuân, Lộc Thanh, thành phố Bảo Lộc. Đây là cơ sở chăm sóc các trẻ em bị bỏ rơi và các bà mẹ đơn hành do các nữ tu dòng Mến Thánh Giá Đà Lạt phụ trách.
Mái ấm này mới được thành lập chừng hơn 3 năm nay, hiện do ba nữ tu và tám nhân viên chăm lo phục vụ. Nơi đây đang chăm nuôi khoảng 50 em nhỏ và một số các bà mẹ trẻ sa cơ lỡ vận, không chồng. Cũng giống như Mái ấm Hoa Hồng ở Củ Chi, các nữ tu này không khuyến khích việc phá thai. Các cô gái lầm lỡ mang thai, các sơ khuyên các cô đừng phá thai, sanh ra các sơ sẽ lo nuôi dạy dùm cho. Vì thế nơi mái ấm này, các em bé mồ côi bị cha mẹ bỏ rơi càng ngày càng nhiều. Phần đông các bé còn quá trẻ, có bé mới được một tháng tuổi. Bé lớn nhất chưa đến bốn tuổi.
Tôi xem những tấm hình sơ Hoa đưa ra. Trông các em bé thật xinh xắn, dễ thương. Những đôi mắt to tròn, ngây thơ chưa biết được nỗi bất hạnh khi em vừa mới chào đời, chưa được một lần bàn tay người mẹ hiền, người cha nâng niu ẵm bồng thì mẹ đã bỏ em lại bệnh viện và ra đi. Chính các bác sĩ đã chăm sóc và mang các bé bị bỏ rơi này đến mái ấm Tín Thác.
Nhìn hình mấy em bé nằm chung nhau trên một chiếc giường lớn. Bình sữa được kê bằng tấm khăn lông. Bàn tay bé nhỏ tự ôm bình sữa. Không có người ẵm trên tay để chăm chút từng dòng sữa ngọt. Uống xong bình sữa, các bé chìm vào giấc ngủ an bình, có một chị ngồi đó canh chừng để đem bình sữa không mà cất đi.
Không thấy thì thôi, nhìn những hình ảnh này, không ai mà không thấy tim mình thắt lại. Những đứa trẻ sinh ra ở vùng trời Âu và Bắc Mỹ, mỗi bé được nằm riêng trong chiếc nôi với bao nhiêu đồ chơi chung quanh, đâu phải chen chúc, đắp chung chiếc mền như vậy? Tương lai của các bé chắc cũng sẽ không thênh thang như các em bé may mắn khác đâu? Tội nghiệp quá. Các người tu hành lúc nào cũng có trái tim lớn nhưng vòng tay lại quá nhỏ. Các vị muốn ôm hết các kẻ bất hạnh vào vòng tay nhân ái để an ủi nhưng không có phương tiện… Biết làm sao bây giờ?
Các nữ tu nhớ lại ngày sinh ra đời khó nghèo của Chúa Giê su trong máng cỏ chuồng bò nên các sơ đã xin thành lập nhà mồ côi này và khai trương đúng vào đêm Giáng sinh năm 2009. Ban đầu các sơ nhận được 7 em bỏ rơi nhưng nhà dòng không có phương tiện chăm sóc nên đã gửi ở nhà dân chúng gần đó nuôi dùm. Con số này càng ngày càng đông nên các sơ không thể đem gửi người khác nuôi được. Vì thế mà Mái ấm này mới được thành lập. Cái tên Tín Thác có nghĩa là mọi việc phó thác cho Chúa quyết định và giúp đỡ. Mái ấm vẫn tiếp nhận tất cả các em để chăm sóc, nuôi dưỡng mặc dù các phương tiện thật nghèo nàn. Các nữ tu không mong con số trẻ em mồ côi này tăng lên, cũng không mong mái ấm mở rộng thêm. Các sơ chỉ ước mong các em bé khi sinh ra phải được lớn lên trong vòng tay yêu thương của mẹ cha để các em được khôn lớn như các em có số phần may mắn khác trong xã hội.
Đi xa hơn việc chăm sóc các trẻ em tại Mái ấm Tín Thác, các nữ tu này kêu gọi sự hợp tác của giáo dân và các người có lòng hảo tâm, góp một tay trong công việc chôn cất những thai nhi bị phá ở các bệnh viện, bị vất bỏ trong thùng rác. Xem những tấm hình các thai nhi, tôi đâm lạnh cả người. Trời ơi, tại sao người ta có thể làm như vậy được nhỉ? Những bào thai có đầy đủ hình hài, đến 6 tháng tuổi mà vẫn bị oan khiên giết đi. Những người nữ tu và thiện nguyện viên đem những bào thai xấu số này về tắm rửa, quấn trong mảnh khăn trắng xong đặt ngay ngắn trong quách rồi mang ra nghĩa trang chôn cất. Mỗi hài nhi được đặt tên, gắn số thứ tự riêng lưu trong hồ sơ. Bé nào chưa rõ giới tính thì các nữ tu đặt cả hai tên cả trai lẫn gái. Sau đó mọi người chung nhau cầu nguyện trước khi mang hình hài bé nhỏ này đi chôn.
Bà sơ kể cho tôi nghe, mỗi một hài nhi là một hoàn cảnh. Có một cô nữ sinh ở Sài gòn, yêu mù quáng một chàng trai, trao cả sự trong trắng của mình cho người yêu. Kết quả là một bào thai trong bụng. Chàng trai khuyên cô gái nên lánh mặt gia đình, lên Đà lạt chờ ngày sinh nở, trong lúc anh ta cố gắng thuyết phục gia đình anh ta chấp thuận cưới cô gái. Nhưng hỡi ơi, cô gái lên xứ sương mù này, trông người yêu mỏi mòn mà anh chàng họ Sở vẫn biệt tăm. Bụng càng ngày càng lớn. Cô phẫn uất uống thuốc phá thai mặc dù bào thai lúc đó đã được tám tháng tuổi rồi. Khi người ta mang cô đến bệnh viện cứu cấp, bác sĩ khuyên cô gái đừng làm vậy… nhưng đã quá muộn. Bác sĩ không làm gì khác hơn được là phải tiến hành việc phá thai để cứu sống người mẹ. Mấy nữ tu mang bào thai về chôn, người nào người nấy nghẹn ngào khi thấy đứa bé đã đủ hình dạng, khuôn mặt dễ thương, hai cánh tay bị cắt rời trong việc phá thai này. Đạo Thiên chúa không ủng hộ việc phá thai vì cho việc làm này là tội lỗi, giết một linh hồn vô tội. Mỗi khi bệnh viện có một vụ phá thai nào, các sơ được thông báo là vội vàng đến bệnh viện ngay để đem các bào thai về nhà chôn cất liền, sợ vong linh các em lạnh lẽo nếu nằm trong thùng rác. Lúc ôm bào thai 8 tháng tuổi, bà sơ đã phải rưng rưng nước mắt khóc vì thấy thân hình bé vẫn còn ấm.
Hình ảnh nghĩa trang với những hàng gạch thẳng tắp, chia thành từng ô nhỏ cho mỗi nấm mộ thai nhi. Trong nghĩa trang có 3 nhóm mộ. Nhóm có số thứ tự từ 1 đến 1000 là nơi an nghỉ các em từ 4 tháng tuổi trở xuống. Nhóm bắt đầu bằng số 01 dành cho các em 5-7 tháng tuổi và số 001 cho các em 8-9 tháng tuổi. Trong đó, nhóm mộ thai nhi 8-9 tháng tuổi có 4 hàng gạch lớn, mỗi hàng cách nhau chừng 3 gang tay… Theo lời người nữ tu cho biết, đến cuối năm 2011, nghĩa trang đã có được tất cả là 3,100 nấm mộ. Con số này càng ngày càng tăng mà khả năng hành chánh của các nữ tu thì quá hạn hẹp. Các nữ tu muốn nhờ tôi chuyển đến các vị hảo tâm ở hải ngoại, nếu khả năng tài chánh có thể được, giúp một tay cho các sơ thi hành được sứ mệnh của mình. Đem yêu thương vào chốn lỗi lầm. Mục tiêu của các nữ tu này là cố khuyên các cô gái lầm lỡ nên để đứa con lớn lên trong bụng, khi sanh xong các sơ sẽ lãnh nuôi để cho người mẹ trẻ làm lại cuộc đời. Còn những người không có cơ may gặp các nữ tu này mà lỡ phá thai thì các sơ sẽ đem hài nhi về chôn cất tử tế.
(Roof Of Love)