Tường trình công tác từ thiện giúp nạn nhân bảo lụt Quảng Bình 2013
Trong những tháng cuối năm 2013, chúng ta đã nghe nhắc nhở nhiều đến những thiên tai, bão lụt qua hai cơn bão 10, 11 ở Việt Nam cũng như bão Hải Yến ở Phi Luật Tân. Mọi người khắp nơi trên thế giới đã hết lòng giúp đỡ các nạn nhân Phi trong bất hạnh vì thiên tai đã cướp đi mạng sống, tài sãn dành dụm suốt cuộc đời của họ. Thế giới không để ý nhiều đến nạn lụt ở Việt nam vì sự thiệt hại chưa đến nỗi lớn lao với tầm vóc quốc tế. Nhưng dân nghèo ở miền Trung đất Việt, mái nhà đơn sơ của họ bị nước lũ tàn phá, dù chính quyền trong nước và các đoàn thể từ thiện đã góp tay giúp họ xây dựng lại cuộc sống nhưng làm sao bù đắp được những gì họ đã mất đi vì thiên tai, từ mái nhà bị trốc mái nếu không bị tàn phá hoàn toàn?
Quảng Bình là thành phố miền Trung nghèo nhất ở Việt nam, mà xã Lâm Trạch, huyện Bố Trạch ở gần miền núi hẻo lánh lại nghèo nhất Quảng Bình. Đất đai khô cằn, người dân không có ngành nghề gì ngoài việc lên rừng đốn củi, đốt than. Dân ở đây vốn nghèo, cơ cực lại gánh thêm hai trận bão lớn nhất trong lịch sử khiến mọi người hầu như kiệt quệ.
Nhà Tình Thương Cái Rắn đã nhận được điện thư kêu cứu của một linh mục trẻ tên Trần Trung Năng ở huyện Bố Trạch, Quảng Bình, xin các ân nhân giúp đỡ cho dân chúng nơi này chống đỡ với cái đói sau nạn nước lũ gây nên. Khi đọc lời kêu cứu này, tôi hình dung ngay một vùng đất mà hai năm trước tôi có dịp đi qua, trên đường thăm viếng động Phong Nha. Tôi vẫn nhớ lúc ngồi trên ghe để được đưa vào cửa động, tôi thấy trên những ngọn cây hai bên bờ sông có những bao ny lông, rác rưỡi nằm vắt trên cành. Tôi ngạc nhiên hỏi người lái đò, ai mà tinh nghịch leo lên cây treo những bao ny lông dơ dáy như vậy để làm mất đi vẻ thẫm mỹ? Người lái đò cười cho sự ngờ nghệch của tôi, giải thích đó là vết tích của trận lụt tháng trước. Trí óc tôi suy nghĩ miên man. Miền Trung năm nào cũng lụt lội, nước mà dâng cao lên đến nửa thân cây thì căn nhà của dân chúng phải chìm trong biển nước là cái chắc. Tội nghiệp quá! Cảm nghĩ đẹp về người dân vùng này vẫn ăn sâu trong ký ức tôi. Giọng nói miền Trung nặng, đặt sệt của người dân vùng này rất khó nghe đối với người xa xứ như tôi nhưng tôi thấy họ hiền lành, kiên nhẫn khi cắt nghĩa và nhắc đi nhắc lại cho tôi nghe những thắc mắc mà tôi vẫn không hiểu họ nói gì. Một điều khiến tôi khâm phục cho dân nghèo địa phương nơi đây là họ không đập đổ hay chèo kéo du khách để bán những vật lưu niệm địa phương như những điểm du lịch khác mà tôi đã đi qua. Không có cảnh mấy tay “cò” dành giật khách vào nhà hàng ăn. Thực đơn, giá cả phải chăng… Ai muốn ăn đâu thì cứ xem thực đơn và chọn quán mình muốn ăn, thật thoải mái.
Theo bức thư kêu cứu của linh mục vùng này, ông cho biết tình hình thật cấp bách và hỗn loạn. Dù xã Lâm Trạch không bị ngập trong dòng nuớc lũ, nhưng tai hại do mưa, gió đã làm tan nát mọi thứ, nhà cửa, mùa màng. Phương tiện giao thông không có, lại sinh sống trên vùng cao của núi rùng Trường Sơn nên sự giúp đỡ hết sưc hạn hẹp. Các đoàn thể, tư nhân với công tác từ thiện không thể lội bùn, trèo đèo, vượt suối để có thể cứu trợ khẩn cấp. Người dân vô cùng hoang mang khi đối diện với cái đói và tương lai mờ mịt.
Hội Nhà Tình Thương Cái Rắn, với sự hỗ trợ của Thời Báo Canada, chúng tôi đã xuất quỹ khẩn cấp để gửi về cứu đói.
Theo lời người linh mục trẻ này kể, vì thương tâm trước cảnh tượng người dân khỗ sở sau trận bão, nên ông đã đến các đại lý bán gạo, các tiệm tạp hóa cách xa xã khoảng 60 cây số để xin mua chịu gạo, mì gói, bột ngọt, muối…để phát cho dân. Người bán hàng nhìn chiếc áo tu hành nên tin tưởng và cho mua chịu. Ông cha Năng này gan thật. Nếu không kiếm được ân nhân giúp đỡ thì làm sao? Trong bức tâm thư, cha Năng có những cảm nghĩ hơi buồn. Mới thụ phong linh mục đã được đưa về một vùng khỉ ho, cò gáy… Không có giáo dân, không có ngôi thánh đường mà chỉ có “chòi” thờ với những người dân lam lũ, đói khỗ.
Vùng này hứng chịu mưa bão thường xuyên nên người dân phải đào hầm trú bão. Khi mưa to, nước tràn vào ngập cả hầm thì bà con lại phải kéo nhau lên rừng mà lánh nạn thiên tai.
Sau hai trận bão, lũ lụt đã cuốn đi trâu bò, lúa má, thức ăn dự trữ …Người ta thường nói; “sau cơn mưa, trời lại sáng..”. Nhưng dân chúng ở đây, nhà cửa chưa sửa sang lại được vì không có tiền, kế đó thì bệnh tật kéo đến. Dịch tiêu chảy xuất hiện vì nước bị ô nhiễm, rất nhiều người dân bị bệnh. Đã thế những năm gần Tết thời tiết lại rét thấu xương. Mấy ông bà già run rẫy trong cơn gió lạnh. Với tiền trợ giúp của độc giả Thời Báo, ngoài việc mua gạo và thực phẫm, cha Năng còn mua thêm mền để giúp cho những gia đình ưu tiên có người già và em bé. Nhìn hình cụ già móm mém ôm chiếc mền cười sung sướng, ngồi trên sàn xi măng giá lạnh, mọi người cảm thấy nhói cả con tim. Tại sao dân Việt của chúng ta lại khỗ quá vậy Trời? Đến tuổi xế chiều mà cụ già này vẫn chỉ mơ có chén cơm no bụng, chiếc giường ấm cúng để nằm. Tôi đã có kinh nghiệm cái rét ở miền Trung vào những tháng cuối năm khi tôi có dịp làm khi tôi có dịp làm tư thiên năm xưa. Mặc dù sống trên xứ sở nổi tiếng lạnh nhưng tôi chưa có cảm giác lạnh thấu xương sống như khi nằm trên sàn nhà ở Quảng Trị. Ở xứ văn mình, bên ngoài trời lạnh, tuyết trắng xóa nhưng trong nhà vẫn ấm áp khi hệ thống sưỡi chạy suốt ngày.
Tôi đã đọc được một bài trong trang điện tử quốc nội, một người trong nước đã viết lên những dòng chữ xuất phát từ con tim của ông, nói lên cách thành thật: “Dù có lạc quan hay mơ mộng bao nhiêu thì cũng phải thừa nhận rằng nước ta vẫn còn nghèo, cơ chế chính sách vẫn còn quá nhiều bất cập và tài nguyên đất đai khoáng sản thì khó có thể sinh sôi nảy nở thêm ra. Cái mộng ước của tiền nhân là “sánh vai các cường quốc năm châu” vẫn là con đường dài và rất dài nếu nhìn nhận từ hiện thực, hiện trạng đất nước hôm nay.
Không dám xa vời với những đòi hỏi tất cả người già đều có lương hưu, tất cả người thất nghiệp đều có trợ cấp, thực tế thì ngay cả những người đóng bảo hiểm y tế đều đặn thường xuyên vẫn còn đó những nỗi lo khi không may ốm đau phải nhập viện. Hãy khách quan làm một người quan sát tích cực, hàng ngày chúng ta ra đường có bao nhiêu trẻ em, người già, người tàn tật… đang phải đầu tắt mặt tối mưu sinh kiếm ăn từng bữa. Tự mỗi một người hãy làm một con số thống kê, những “cảnh đời” ấy đã tồn tại từ khi nào và cho đến hôm nay nó có chiều hướng tăng thêm hay giảm xuống? Song song với sự phù phiếm vật chất của ánh đèn phố hội là sự vô cảm, sự xuống cấp của đạo đức và lắm lúc, người ta còn chấp nhận thỏa hiệp với “tiêu cực” để được việc cho chính bản thân mình. (Tin 247.com)
Đó là hoàn cảnh hiện tại ở huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình này. Kinh tế nghèo nàn, dân không đủ cơm no, áo mặc để chống đỡ với kiếp lầm than. Có người sau khi qua đời, gia đình không có tiền mua một chiếc hòm thô sơ bằng ván mỏng để chôn cất. Gia đình đành phải cuốn chiếu vùi thi thể người thân dưới lòng đất lạnh. Con nít mù chữ vì không có phương tiện đến trường. Lũ đã cuốn đi sách vở của các em… Những cuốn tập vở trôi theo dòng nước vô tình, mang theo kiến thức thô thiển của các bé với bước chân chập chững vào trường để mong thu thập chút ít chữ nghĩa. Sách vở trôi đi, mang theo những hy vọng của cha mẹ mong con mình có chút kiến thức để lận lưng cho tương lai. Cuộc sống chỉ tính được từng ngày, từng tháng. Khi mùa bão đến, người dân có một chỗ trú thân thứ hai là những hầm nhỏ bé như ổ chuột dưới đất. Những ngôi nhà quá đơn sơ, không bảo đảm tính mạng khi cơn bão đến hàng năm.
Đau lòng hơn khi nhìn một em bé bị bệnh tâm thần, cha mẹ em phải nhốt em vào chiếc lồng củi để hàng ngày lên rừng mưu sinh. Không một món đồ chơi, không một cuốn sách hình để xem. Thui thủi một mình trong chiếc lồng, dù người không bệnh cũng muốn điên huống hồ một đứa bé? Phải chi ở xứ tân tiến, có phương tiện thì số phận của em đã khác đi nhiều. Biết nói sao bây giờ? Tiền từ thiện giúp đỡ chỉ như muối bỏ biễn. Ai sẽ là người chịu trách nhiệm đứng ra phát cần câu để dân nghèo tự lực cánh sinh, tự câu cá mà ăn? Những bao hột giống rau cải được phân phát cho dân chỉ giúp giai đoạn đoản kỳ… Làm sao mang lại nụ cười tươi trên những khuôn mặt nhăn nheo của các cụ già gần đất xa trời, ít ra cũng được ấm áp trong những ngày đông gió bấc.
Những đóng góp của các độc giả Thời Báo đã được gửi đến kịp lúc để những người dân nghèo nơi đây có chút quà Tết. 700 gia đình ở vùng đèo heo hút gió này đã nhận được nhận phần quà gồm gạo, mì gói, chăn màn, nước mắm… Cha Năng đã đại diện cho toàn thể bà con dân xã Lâm Trạch, xin hết lòng cảm ơn các độc giả Thời Báo đã không quên những người bất hạnh ở quê nhà. Ông linh mục vùng xa xôi này lại mơ ước có tiền để làm một nhà máy nước lọc để người dân có được nguồn nước sạch, không phải hứng chịu bệnh tật nữa. Phí tổn khoảng $3500.
Các ân nhân muốn giúp đỡ đồng bào nghèo ở Quảng Bình, có thể liên lạc trực tiếp qua địa chỉ:
- Linh mục Trần Trung Năng, Quản xứ Tam Trang, Lâm Trạch, Bố Trạch, Quảng Bình
- Email: trantrungnang@yahoo.com
- Điện thoại: 0962842177
Trong những công tác từ thiện, tôi cảm thấy buồn nhiều hơn vui khi chứng kiến được nhiều mảnh đời bất hạnh ở khắp nơi, từ Bắc chí Nam. Những đêm mất ngủ, tôi vào trong internet, xem những tin tức quê hương và tôi đã nhói lòng khi xem bức ảnh của nhóm phóng viên Thông Tấn Xã Vàng Anh trong nước đã chụp được tấm ảnh em bé vài ba tuổi ngủ gục bên vệ đường, chờ người ghé mua vài mụn măng rừng với lời chú thích bên dưới. So sánh những đứa bé sinh ra bên Âu Mỹ… Điều này chỉ làm mình muốn khóc!
Trên đất nước Việt Nam ngày hôm nay vẫn còn đó, có quá nhiều những cảnh đời như thế này. Những hình ảnh như thế này không phải là biểu hiện của một tương lai tốt đẹp với dân tộc. http://www.ttxva.net/ban-co-khoc/
Thay mặt Nhà Tình Thương Cái Rắn, xin cám ơn tất cả độc giả Thời Báo đã đồng hành cùng chúng tôi trong mọi công tác từ thiện khắp nơi. Mọi đóng góp đều được cấp biên lai khai thuế. Địa chỉ liên lạc:
Roof of Love Cai Ran, 1 Windhurst Drive, Ottawa, Ontario – K2G 6G7, Canada. Điện thoại: 613 8430275 – Email: roofoflove@gmail.com
Tống Minh Long Quân