Cùng em đến trường
Học bỗng giúp học sinh nghèo Hưng Hóa
Biết bao nhiêu lần, độc giả và ân nhân đã hỏi tôi: “tại sao hội từ thiện được đặt tên là Nhà Tình Thương Cái Rắn?”. Danh từ Cái Rắn này rất lạ lẫm đối với người Việt hải ngoại cũng như dân thành phố ở trong nước.
Chuyện là như vầy: năm 2010, dịp tình cờ tôi quen được một người trong nhóm thân hữu của cha Pio Ngô Phúc Hậu ở California. Từ lâu, tên vị linh mục nhà văn này đã rất quen thuộc và gần gũi qua các tác phẩm, nhất là quyển Nhật Ký Truyền Giáo, được xuất bản lần đầu tại Sài Gòn năm 1996 và in ba lần ở Mỹ năm 1999, 2000 và 2006. Sách in ra được bán sạch. Tôi đọc và thích thú với lối viết văn dí dỏm của một linh mục nhà văn, tự xưng mình là một Hai Lúa (nhà quê) ở đồng ruộng miền Nam. Với văn phong giản dị đầy hình ảnh đời thường, lại được chuyển đi với cả một tấm lòng yêu người và thương đời thiết tha, chính điều này đã tạo ra những lôi cuốn và lay động trong lòng độc giả. Người ta nói văn là người – câu nói này áp dụng cho cha Hậu là đúng lắm. Một linh mục giản dị đến tềnh toàng của một Hai lúa vùng Năm Căn – Cà Mau đã nhiều thập niên đi lội ruộng truyền giáo. Sẵn dịp nhóm thân hữa cha Hậu có mời người đến Cali để chữa mắt nên tôi có mời cha qua Canada chơi.
Tôi thật ngạc nhiên hết sức là đi đâu cha cũng có nhóm học trò cũ của cha dành đón tiếp những ngày cha có mặt ở đây. Thì ra, từ năm 1967 đến 1971, cha Hậu là Hiệu trưởng Trường Trung học Đồng Tâm tại Cần Thơ nên học trò xưa vẫn còn thương ông thầy mặc áo dòng có lối nói chuyện dí dỏm và chân tình khiến ai cũng thích lắng nghe và cảm thấy gần gủi. Mọi người đồng ý dành cho tôi hai ngày đầu tiên để đón tiếp cha khi mới đặt chân đến xứ lá phong, sau đó các nhóm khác ở Montreal, Toronto và Calgary mời cha đến thành phố của họ. Tháp tùng theo cha từ Viet nam là anh Chánh, một doanh nhân ở Sai Gon. Sau này, Chánh đã trở nên một cộng sự viên đắc lực của hội từ thiện chúng tôi. Sau chuyến viếng thăm Canada, cha Hậu có mời tôi về Việt nam, xuống vùng đất Cái Rắn, Cà Mau để thấy tận mắt cuộc sống của dân quê nghèo “tận cùng bằng số” ở đây.
Thế là năm 2011, theo tôi và các con trai quyết định về vùng Cái Rắn chơi cho biết. Cái Rắn là một ấp thuộc xã Phú Hưng, Huyện Cái nước, tỉnh Cà Mau. Từ lâu, vùng Năm Căn, Cái Rắn là biểu tượng của vùng sâu, vùng xa, ít ai nghĩ mình sẽ có dịp đặt chân đến chốn khỉ ho, cò gáy này nếu không có người địa phương hướng dẫn đi đến bằng những chiếc vỏ lãi (ghe máy), chạy qua những con kênh chằng chịt với những chiếc cầu thấp ọp ẹp bắt ngang, người ngồi trên ghe phải cúi rạp người xuống khi ghe chui qua cầu.
Tôi xin trích một đoạn trong sách quyển Nhật Ký Truyền Giáo để nghe cha giải thích về tên gọi Cái Rắn:
Cái Rắn, ngày 22-12- 1994
Một cụ già đến thăm mình. Cụ kêu ầm lên khi còn ở ngoài sân :
– Ông cha ơi, có ở nhà không ? Tôi đi tàu đò thấy người ta nói về ông cha nhiều quá, hôm nay tôi đến để coi mặt ông đây.
Mình mời cụ già ngồi và đánh trống lảng sang chuyện khác.
– Bác làm ơn cho tôi biết tại sao ở đây gọi là Cái Rắn ?
– Thì ngày xưa rạch này có nhiều rắn lắm, nên người ta mới đặt tên như thế.
– Tôi nghe nói dường như tên rạch Cái Rắn còn bắt nguồn từ cặp rắn thần ở miếu Bà Chúa Xứ. Cái đó thì trúng hay trật bác ?
– Hồi trước giặc giã, ở đó có cặp rắn thật. Rồi sau chiến tranh bom đạn, nó bỏ đi đâu hết. Tên Cái Rắn có trước, rồi sau này mới có cặp rắn ấy.
Đây cũng là lời giải thích tại sao hội từ thiện của chúng tôi có tên là Nhà Tình Thương Cái Rắn.
Khi về Cà Mau, nhóm chúng tôi được cha Hậu dẫn đi thăm các xóm làng ở vùng Cái Rắn này. Cha giới thiệu cho chúng tôi biết, kể từ năm 1994, cha được cử làm cha xứ Cái Rắn, Cà Mau. Ngôi nhà thờ trong khuôn viên chỗ chúng tôi tạm trú khi xưa chỉ là chuồng thờ. Sau trận lũ lụt, cha đã tu bỗ lại nơi thờ phượng cho khang trang một chút, nhờ những số tiền cha Hậu bán sách được. Cha dùng tiền này để giúp những gia đình “nghèo rớt mùng tơi”, sống cơ hàn trong những căn chòi với mái nhà lá dột nát. Với chi phí khoảng năm trăm đô la, cha cho lợp lại mái nhà bằng tôn và làm vách chung quanh để gia đình kẻ khốn khỗ có chỗ che mưa, che nắng, tạm gọi là nhà. Các con trai tôi sinh trưởng ở xứ văn minh, lần đầu tiên được về Việt nam, thấy cảnh sống bần cùng của những người ở đây, chúng đã bật khóc và hứa với cha Hậu sẽ kêu gọi các bạn ở Canada góp tay. Tôi có ý định thành lập hội từ thiện, mục đích ban đầu chỉ đơn giãn muốn gom tiền gửi về cha Hậu để góp tay sửa lại mái nhà cho dân vùng Cái Rắn mà thôi.
Nhưng công việc giúp riêng cho vùng Cái Rắn hoạt động được hai năm thì cha Hậu về hưu. Cha quyết định trở về quê hương miền Bắc của cha, sau mấy chục năm xa quê. Thế là tôi lại hụt hẫng. Ông cha trẻ lên thay thế cha Hậu vùng Cái Rắn không được năng nổ như cha Hậu nên chương trình giúp xây nhà của hội tôi kể như bị hủy bỏ. Chương trình từ thiện của chúng tôi lại đi theo từng bước chân của cha Ngô Phúc Hậu mà giúp khắp nơi.
Ra Bắc, cha Hậu hợp tác với cha Paul Nguyễn Quốc Anh, một linh mục trẻ rất năng động và nhiệt tình, giám đốc Ban Bác Ái Xã Hội Caritas Hưng Hóa, phụ trách việc giúp đỡ những mảnh đời bất hạnh trên địa bàn thành phố Hà Nội và 9 tỉnh miền Tây Bắc Việt Nam: Phú Thọ, Yên Bái, Lào Cai, Hà Giang, Tuyên Quang, Hòa Bình, Sơn La, Điện Biên, Lai Châu với 39 sắc tộc khác nhau như: Kinh, H’Mông, Tày, Nùng, Dao, Thái…Trên một địa bàn đồi núi và đa sắc tộc như thế, tình trạng kinh tế, văn hóa, giáo dục và y tế của người dân còn rất thấp.
Hơn nữa, giao thông đi lại khó khăn, chưa có điều kiện nâng cao trình độ văn hóa, thiếu các phương tiện truyền thông, lại thường gặp thiên tai như lũ lụt, hạn hán, lũ quét, sạt lở đất đai… Do đó, mức sống của người dân rất nghèo, nhất là là đối với đồng bào thiểu số. Nhiều trẻ em chưa có điều kiện để đến trường học, hoặc có đến trường cũng chỉ hết cấp I hoặc cấp II, sau đó phải đi làm để phụ giúp gia đình. Thêm vào đó là tình trạng thiếu đất canh tác, không có công ăn việc làm, giới trẻ phải đi làm ăn tại các tỉnh, thành phố khác, dễ kéo theo những tệ nạn xã hội, để lại làng quê những người già không ai chăm sóc.
Vốn là nhà giáo nên cha Hậu luôn đặt vấn đề học vấn lên hàng đầu. Cha khuyên tôi, làm từ thiện là giúp người nghèo cần câu để họ có phương tiện mưu sinh. Cha không hỗ trợ việc phát quà, giải thích việc làm này, giúp cho những gia đình đó sống được một, hai tháng… nhưng năm dài, tháng rộng họ sẽ làm sao? Cha cho rằng cái nghèo do việc thất học mà ra. Con đường cha đi và muốn chỉ dạy cho tôi là khuyến khích các em bé con nhà nghèo đi học để có cái chữ, về sau chúng mới có thể nuôi sống bản thân và gia đình.
Nhưng vấn đề giúp cho các em đi học cũng là khó. Con nhà nghèo, các em bé phải lội bộ đi hằng cây số, tay xách gà mên cơm hoặc nhúm gạo để hùn nhau nấu cho buổi ăn trưa. Cha Anh và cha Hậu đề nghị mua hai tủ cơm điện cho hai trường ở vùng xa xôi, quyên góp gạo để nấu cho các em ăn chung cho có buổi cơm nóng.
Và đây, các vị tu hành đã vui khi góp được phần thiết thực để giúp đỡ phần nào khó khăn của các trẻ em nghèo.
Hai tủ cơm dành tặng hai trường ở vùng xa để các em đỡ nhọc nhằn phần nào.
Các trường nhận được tủ cơm, họ vui mừng khôn xiết khi các em được hưỡng qui chế bán trú, các em ở xa có chỗ ăn trưa, khỏi lo kiếm miếng ăn bỏ bụng. Ngoài ra, cha Anh biết được hoàn cảnh của từng em gia đình nghèo, xin hội giúp đỡ học phí hằng năm cho các em có cơ hội đến trường. Học phí giúp hoc sinh cấp |I và cấp II là 75 đô la một năm và cấp III là 100 đô la. Các ân nhân muốn bảo trợ đặc biệt em nào để nuôi các em ăn học đến khi thành tài thì có thể liên lạc với cha Anh. Tôi quen một hội từ thiện bên Úc và đã đến đó xem những công tác từ thiện của họ và rất ngưỡng mộ. Hàng tuần vào ngày thứ bảy, nhóm thiện nguyện tổ chức nấu ăn bán lấy tiền ở một nhà để xe trống. Thế mà khách ăn đến rất đông, tiền quỹ rất nhiều, họ đã bảo trợ cho các em học sinh nghèo ở Việt nam. Một số các em này đã tốt nghiệp đại học, giờ được các công ty ngoại quốc mướn.
Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam hồi tháng 9 năm 2014 đưa ra báo cáo, cho biết ở Việt Nam có tất cả hơn một triệu trẻ em từ 4 đến 14 tuổi chưa từng đi học, đã bỏ học hoặc có nguy cơ bỏ học. Phần trẻ em này là những em thuộc các thành phần nghèo khó, sống ở các khu vực vùng xa xôi, hẻo lánh, là trẻ em dân tộc thiểu số, khuyết tật, trẻ phải lao động hay trẻ em di cư. Tỷ lệ trẻ em dân tộc thiểu số chưa bao giờ đi học khá cao. Một phụ huynh tại dân tộc thiểu số Hà Lăng ở Kon Tum, cho biết: “Bây giờ gia đình nào cũng muốn cho con được đến trường đi học nhưng có vấn đề là không còn như trước. Bây giờ tự túc hết cho nên nhiều địa phương, không giống anh em người Kinh, rất khó khăn, thiếu thốn đủ mọi bề. Chính vì lý do đó, nên các em nhỏ không được đến trường vì từ sách vở rồi học phí nhà trường và bao chi phí khác nên anh em địa phương không có đủ điều kiện cho con đi học. Cái rét, cái đói, cái nghèo cùng tấn công vào cuộc sống người dân nơi đây. Cũng không ít gia đình phải vào rừng kiếm sống qua ngày, kéo theo một bộ phận học sinh cũng nghỉ học đi kiếm cái ăn, lúc nào đỡ đói lại tới trường.”
Để kết thúc bài viết, tôi xin dùng những lời của cha Ngô Phúc Hậu thường khuyên giáo dân trong những buổi lễ và tâm sự trăn trở của cha:
Xin anh chị em luôn nhớ đến những người lương nghèo khó và quê hương Việt Nam. Truyền giáo là đem sự yêu thương, không phân biệt trong đạo hay ngoài đạo, vì Chúa là Tình Yêu.
- Mình chỉ được đi Lai Châu, còn Điện Biên thì không còn giờ để đi. Lai Châu chưa có một giáo họ nào được chính thức công nhận. Tất cả chỉ là những cụm giáo dân mà hầu hết là thuộc vùng xa xôi hẻo lánh và thuộc dân tộc Hơ- Mông.
- Mình được đến thăm chừng năm giáo điểm. Mỗi giáo điểm có chừng vài ba trăm giáo dân. Giáo điểm nào cũng nghèo và ít học. Dường như trăm phần trăm thiếu nhi đều qua các lớp tiểu học. Lên trung học cơ sở thì chỉ có vài ba em. Lên trung học phổ thông thì gần như không có em nào. Nguyên nhân bởi đâu? Nghèo là nguyên nhân chính. Nghèo sinh ra dốt. Dốt nên phải chịu cảnh nghèo.
- Mình thiển nghĩ: phải diệt dốt trước vì hết dốt sẽ biết cách diệt nghèo. Mình ước tính phải có 1.000 học bổng cho các em học sinh nghèo của Sơn La, Lai Châu và Điện Biên. Mỗi học bổng là 1.000.000đ/năm. Như vậy mỗi năm phải có 1 tỷ. Cứ thế trong vòng 15 năm sẽ có 1000 em có trình độ văn hóa cao. Các em sẽ có nghề để sống thoát cảnh nghèo và các em sẽ là đầu tàu lôi kéo hàng ngàn em cho thế hệ kế tiếp.
- Một tỷ cho một năm, có là bao. Vậy mà chưa bao giờ có. Giấc mơ ấy vẫn chỉ là giấc mơ. Cho đến bao giờ giấc mơ này mới thành hiện thực? Mình chỉ biết cúi đầu để buồn, để giận và để tức…Tức mình chứ chẳng dám tức ai”
Các ân nhân muốn đồng hành cùng cha Anh và cha Hậu cùng các em đến trường, xin liên lạc trực tiếp theo địa chỉ dưới đây:
- Linh mục Phaolô Nguyễn Quốc Anh,
- Nhà thờ Giáo xứ Tân Quang, Bắc Quang, Hà Giang.
- Giám đốc Caritas giáo phận Hưng Hoá.
- Điện thoại: 0986485068/ 0945577172
Linh mục Anh xin gửi lời nhắn gửi: “Caritas Hưng Hóa xin trân trọng cảm ơn Quý ân nhân, thân nhân cùng toàn thể quí vị gần xa đã có tấm lòng hảo tâm giúp đỡ bằng tinh thần, vật chất cho các hoạt động của chúng tôi trong suốt thời gian qua. Chúng tôi cam kết rằng tất cả các khoản hỗ trợ của Quý vị sẽ được sử dụng đúng mục đích và được thực hiện một cách minh bạch và tối ưu nhất”
Mọi đóng góp với biên lai khai thuế, xin gửi về địa chỉ: Roof of Love Cai Ran, 1 Windhurt Drive, Ottawa, Ontario, Canada – K2G 6G7. Email: roofoflove@gmail.com. Website: www.roofoflove.org. Điện thoại: 613 8430285.
Xin cám ơn tất cả ân nhân.
Tống Minh Long Quân